Khớp thái dương hàm – Giải phẫu chức năng bao khớp.

Hai khớp thái dương hàm là những khớp động duy nhất của sọ. Các mô tả về khớp thái dương hàm đã được trình bày trong nhiều sách giải phẫu. Bài viết này nói về giải phẫu chức năng của bao khớp thái dương hàm. Cùng tìm hiểu thêm.

1. Giải phẫu chức năng bao khớp

Bao khớp gồm các mô tạo nên thành của khoang khớp. Bao khớp hình phễu, rộng ở phía nền sọ và thuôn lại ở phía lồi cầu, giống như một cổ tay áo (Hình 1).

bao-khop-1
Hình 1: Bao khớp

Nguyên ủy của bao khớp ở đường chu vi của diện khớp ở sọ, gồm: phía trước: bờ trước lồi khớp, phía sau: đáy của hõm khớp (khe nhĩ-trai – Fissura tympano squamosa), phía ngoài: bờ ngoài hõm khớp, phía trong: đường khớp bướm-trai (Sutura spheno squamosa). Bám tận: bao khớp bám vào gờ ngay dưới diện khớp của lồi cầu. Các thớ sợi của bao khớp nối với các sợi của bờ trước và bờ sau đĩa khớp trên toàn bộ chu vi của đĩa khớp, hình thành hai buồng khớp: buồng khớp trên (đĩa khớp xương thái dương) và buồng khớp dưới (đĩa khớp-lồi cầu). Các buồng khớp chứa dịch của bao hoạt dịch (dịch khớp).

1.1. Các buồng khớp

Có hai buồng khớp, buồng khớp trên lớn hơn buồng khớp dưới. Buồng khớp có các ngách, làm cho nó lan xuống dưới lồi cầu do cách bám của các vạt ngoài và trong. Buồng khớp trên chứa khoảng 1,2 ml dịch khớp, nằm về phía trước hơn so với buồng khớp dưới, có hình thể tương tự như hình thể của hõm khớp. Buồng khớp dưới chứa khoảng 0,9 ml dịch khớp, nằm trên đầu lồi cầu, kéo dài về phía sau đầu lồi cầu.

Trong động tác há miệng, lồi cầu dần rời khỏi hõm khớp để dịch chuyển về phía trước, cách bám của bao khớp làm nó không bị căng. Khi miệng há tối đa, lồi cầu thường ở dưới và ngay trước chỗ lồi nhất của lồi khớp, đồng thời lồi cầu hướng về phía trước và ở dưới đĩa khớp, lúc này, đĩa khớp như cái mũ trượt về phía sau. Khi hai hàm cắn lại hoặc khi hàm dưới ở vị trí bản lề, các sợi ở phần trước bao khớp gần như chạy theo hướng ngang từ trước ra sau. Người ta cho rằng ở vùng này, có sự liên hệ chặt chẽ giữa bao khớp và đĩa khớp.

1.2. Mô hoạt dịch

Mô hoạt dịch là một mô liên kết giàu mạch máu, lót mặt trong bao khớp. Vùng lớn nhất của mô hoạt dịch là ở phía trên và dưới mô sau đĩa. Ở đây, mô hoạt dịch tạo thành những nếp gấp nhỏ hay nhung mao, những nếp gấp nhỏ giúp mô hoạt dịch dễ thay đổi hình dạng, chúng có thể căng ra khi lồi cầu và đĩa khớp dịch chuyển. Diện làm việc của xuơng thái dương, lồi cầu và đĩa khớp không được mô hoạt dịch che phủ nhưng luôn có sự hiện diện của dịch khớp.

Mô hoạt dịch có thể chia làm ba lớp: lớp lót hoạt dịch là lớp có liên hệ mật thiết với các diện khớp, là một lớp không liên tục, có từ một đến bốn lớp tế bào, vùng có liên hệ với vận động của khớp thường mỏng. Ở một khớp bình thường, lớp lót hoạt dịch không bị kẹt giữa các mặt của đĩa khớp trong quá trình hoạt động. Lớp thứ hai là lớp mô hoạt dịch dưới, gồm các tế bào tương tự lớp lót nhưng mạng lưới mô liên kết phát triển hơn, và có nguồn cung cấp máu dồi dào. Lớp thứ ba là bao khớp, tạo nên bởi các dải collagen dày, không tế bào.

1.3. Dịch khớp

Dịch khớp có bản chất là huyết thanh của khoảng gian bào, từ các mao mạch thoát ra theo cơ chế khuếch tán thụ động do chuyển dịch của mô hoạt dịch. Ngoài ra, có một số phân tử lớn và nhỏ cũng có mặt theo cơ chế vận chuyển chủ động.

Có hai cơ chế bôi trơn ở khớp thái dương hàm:

  • Trong các quá trình vận động dưới điều kiện chịu tải, áp lực thủy tĩnh vượt quá áp lực trong mô hoạt dịch, làm cho dịch hoạt dịch bị vắt ra, đẩy ra phía các bề mặt tiếp xúc của khớp. Đây là cơ chế bôi trơn rỉ (weeping lubrication).
  • Trong các quá trình vận động trong điều kiện ít hoặc không chịu tải, trong khe khớp hiện diện một glycoprotein dính trên bề mặt sụn, gọi là protein bôi trơn, giữa hai mặt của diện khớp, đây là cơ chế bôi trơn màng (boundary lubrication).

1.4. Cơ chế dịch chuyển đĩa khớp trong giải phẫu chức năng

Có thể tóm tắt như sau: Trong các vận động của hàm dưới, đĩa khớp dịch chuyển một cách thụ động và tự do vào khe tạm thời giữa các diện khớp của xương hàm dưới và xương thái dương. Chỉ khi đĩa khớp giúp ổn định xương hàm, nó được kéo về phía trước do tác dụng co của bó trên cơ chân bướm ngoài.

Trong các vận động hoặc ở những vị trí, khi các cơ giữ cho hàm dưới ổn định được huy động, có thể cần thêm sự trợ giúp của đĩa khớp. Lúc này, đĩa khớp được giữ lại ở sườn nghiêng sau của lồi khớp nhờ sự co của bó trên cơ chân bướm ngoài (phần cơ này dính vào phần trước của bao khớp và đĩa khớp, khi co, có tác dụng kéo đĩa khớp ra trước và vào trong). Khi phần trên cơ chân bướm ngoài ở trạng thái duỗi, đĩa khớp trượt trở lại một cách bị động vào khoang khớp để chiếm vị trí vừa khít với nó nhất.

Khi đĩa được giữ ở phần sau của hõm khớp, lồi cầu có thể trượt nhẹ về phía bên, trên mặt dưới trơn nhẵn của đĩa khớp. Khi điều này diễn ra như một phần của vận động sang bên của hàm dưới, vận động trượt nhẹ đó được gọi là vận động Bennett.

1.5. Giải phẫu chức năng dây chằng bao khớp

Bao khớp được tăng cường ở phía ngoài và phía trong bởi các sợi. Các sợi ở phía ngoài dày hơn, mạnh hơn, thể hiện đặc tính của một dây chằng: dây chằng khớp thái dương hàm (Hình 2).

bao-khop-2
Hình 2: Bao khớp và dây chằng khớp thái dương hàm

Dây chẳng có hình quạt, rộng ở phía cung gò má và hẹp ở nơi bám vào cổ lồi cầu. Các thớ sợi của dây chằng đi theo hướng từ trên xuống dưới và từ trước ra sau, từ vùng lồi khớp đến phía sau cổ lồi cầu.

Trong pha bắt đầu của vận động há miệng, phần trước của dây chằng thoạt tiên căng vì điểm bám của nó ở cổ lồi cầu bị đưa về phía sau. Khi bị căng tới một mức nào đó, dây chằng giữ cho cổ lồi cầu không đưa thêm về phía sau nữa, lồi cầu dịch chuyển ra trước và xuống dưới, trượt trên đĩa và sườn nghiêng sau của lồi khớp. Đây chính là thời điểm diễn ra sự uốn của đường vận động há-lui sau của hàm dưới. Sự căng dây chằng tiếp tục lan chuyển đến các sợi ở phía sau khi hàm dưới tiếp tục há.

Như vậy, trong động tác há miệng, phần trước của dây chằng bị kéo căng, tuy vậy, dây chằng khớp thái dương hàm dự phòng sự trật khớp ra sau của lồi cầu hơn là có thể căng theo mức độ há. Dây chằng cũng đề phòng cho lồi cầu khỏi những vận động sang bên quá mức. Dây chằng và bao khớp giữ vai trò quan trọng trong phối hợp thần kinh của các vận động, tư thế nghỉ và định vị của hàm dưới, chúng chứa đựng nhiều điểm của thể thụ cảm.

Nhìn tổng quát, khớp thái dương hàm có các đặc trưng sau đây:

  1.  Là một trong những khớp động phức tạp nhất của cơ thể, là loại khớp bản lề trượt.
  2. Là khớp giữa hai cấu trúc lồi (lồi khớp và lồi cầu xương hàm dưới), cần có một cấu trúc lõm hai mặt (đĩa khớp) để hoàn thiện cơ chế “bản lề” của khớp.
  3. Các diện khớp được bao phủ bởi mô sợi không mạch máu (không phải là mô sụn).
  4. Các khớp thuộc một hệ thống khớp động hai bên, mỗi khớp độc lập với nhau về giải phẫu nhưng không có khả năng thực hiện vận động một cách độc lập, mà liên thuộc nhau.
  5. Bộ răng dự phần quan trọng đối với hoạt động và tình trạng của khớp. Ngoài những yếu tố giải phẫu chức năng mô tả trên, cùng với tác động của cơ hàm để tạo nên các vận động của hàm dưới, khớp cắn (quan hệ răng-răng) là một yếu tố rất quan trọng đối với giải phẫu chức năng khớp thái dương hàm: mỗi khi có sự tiếp xúc giữa các răng, một lực đóng hàm được tạo thành. Lực đóng hàm và quan hệ giữa các răng của hai hàm xác định vị trí của các lồi cầu. Khi hai hàm ở vị trí lồng múi tối đa, các lồi cầu được xác định vị trí một cách chính xác và chắc chắn (ứng với vị trí lồng múi tối đa, các lồi cầu có vị trí xác định trong khớp; khi lồng múi tối đa có sự thay đổi, kéo theo sự thay đổi vị trí của các lồi cầu trong khớp). Vị trí này có thể là vị trí hài hòa giữa tác động của khớp cắn với tác động của cơ, cũng có thể không hài hòa với vị trí do cơ xác định. Sự bất hài hòa giữa tác động của khớp cắn và tác động của cơ có thể đưa đến loạn năng hệ thống nhai hoặc gây quá tải các mô nâng đỡ răng và của khớp.
  6. Khớp thái dương hàm là trung tâm tích hợp giải phẫu chức năng của hệ thống nhai.

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *