Mục tiêu điều trị là ngăn chặn sự mất xương ở những người có nguy cơ loãng xương hoặc bệnh nhân mắc loãng xương.
1. Điều trị
1.1. Điều trị không dùng thuốc
- Chế độ ăn uống: Bổ sung nguồn thức ăn giàu calci, sữa, dược phẩm (theo nhu cầu của cơ thể : từ 1.000-1.500mg hàng ngày).
- Tránh các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, café, rượu… tránh thừa cân hoặc thiếu cân.
- Chế độ sinh hoạt: tăng cường vận động, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã…
- Sử dụng các dụng cụ, nẹp chỉnh hình (cho cột sống, cho khớp háng). Mục đích là giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.
1.2. Điều trị bằng thuốc
1.2.1. Các thuốc bổ sung nếu chế độ ăn không đủ. Dùng thuốc hàng ngày trong suốt quá trình điều trị.
- Calci: cần bổ sung calci 500 – 1.500mg hàng ngày.
- Vitamin D 800 – 1.000 UI hàng ngày hoặc chất chuyển hoá của vitamin D là Calcitriol 0,25 – 0,5 mcg. Thường chỉ định cho các bệnh nhân lớn tuổi hoặc suy thận vì không chuyển hóa được vitamin D.
1.2.2. Các thuốc chống hủy xương.
Những thuốc này làm giảm hoạt tính tế bào hủy xương.
Nhóm Bisphosphonat
- Hiện là nhóm thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị các bệnh lý loãng xương (người già, phụ nữ sau mãn kinh, nam giới, do corticosteroid).
- Chống chỉ định: phụ nữ có thai và cho con bú; người dưới 18 tuổi (xem xét từng trường hợp cụ thể); suy thận với mức lọc cầu thận (GFR)<35 ml/phút.
Alendronat 70mg hoặc Alendronat 70mg + Cholecalciferol 2800UI
- Thuốc uống sáng sớm, khi bụng đói, một tuần uống một lần, uống kèm nhiều nước. Sau uống nên vận động, không nằm sau uống thuốc ít nhất 30 phút.
- Tác dụng phụ chủ yếu của bisphosphonate dạng uống: là kích ứng đường tiêu hóa như viêm thực quản, loét dạ dày, nuốt khó…
Calcitonin (chiết suất từ cá hồi) 100UI tiêm dưới da hoặc 200UI
- Xịt qua niêm mạc mũi hàng ngày.
- Chỉ định ngắn ngày (2 – 4 tuần) trong trường hợp mới gãy xương, đặc biệt khi có kèm triệu chứng đau.
- Không dùng dài ngày trong điều trị loãng xương. Khi bệnh nhân giảm đau, điều trị tiếp bằng nhóm Bisphosphonat (uống hoặc truyền tĩnh mạch).
Liệu pháp sử dụng các chất giống hormon
- Chỉ định đối với phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao hoặc có loãng xương sau mãn kinh.
- Raloxifen, chất điều hoà chọn lọc thụ thể Estrogen (SERMs). Cách dùng: 60mg uống hàng ngày, trong thời gian ≤ 2 năm.
Thuốc có tác dụng kép: Strontium ranelat
- Thuốc vừa có tác dụng tăng tạo xương vừa có tác dụng ức chế hủy xương.
- Hiện đang được coi là thuốc có tác động kép phù hợp hoạt động sinh lý của xương.
- Liều dùng 2g uống ngày một lần vào buổi tối (sau bữa ăn 2 giờ, trước khi đi ngủ tối).
- Thuốc được chỉ định khi bệnh nhân có chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm bisphosphonates. Thuốc ức chế osteocalcin: Menatetrenon (vitamin K2).
Các nhóm thuốc khác có thể phối hợp trong những trường hợp cần thiết
Thuốc làm tăng quá trình đồng hoá: Deca Durabolin và Durabolin
1.3. Điều trị triệu chứng
Đau cột sống, đau dọc các xương…(khi mới gãy xương, lún xẹp đốt sống).
- Chỉ định calcitonine và các thuốc giảm đau theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới.
- Có thể kết hợp thuốc kháng viêm giảm đau không steroids, thuốc giảm đau bậc 2 (phối hợp nhóm opiat nhẹ và vừa), thuốc giãn cơ…
Chèn ép rễ thần kinh liên sườn (đau ngực khó thở, chậm tiêu, đau lan theo rễ thần kinh, dị cảm, tê…)
- Nẹp thắt lưng, điều chỉnh tư thế ngồi hoặc đứng
- Thuốc giảm đau, thuốc giảm đau thần kinh, vitamin nhóm B… nếu cần.
1.4. Điều trị ngoại khoa các biến chứng gãy cổ xương đùi, gãy thân đốt sống
- Trường hợp gãy cổ xương đùi có thể bắt vít xốp, thay chỏm xương đùi hoặc thay toàn bộ khớp háng.
- Gãy đốt sống, biến dạng cột sống: Phục hồi chiều cao đốt sống bằng các phương pháp tạo hình đốt sống (bơm xi măng vào thân đốt sống, thay đốt sống nhân tạo…)
- Phụ nữ sau mãn kinh, nam giới > 60 tuổi bị gãy đốt sống, gãy cổ xương đùi hoặc gãy xương cổ tay do chấn thương nhẹ. Có thể được điều trị loãng xương mà không cần đo khối lượng xương. Việc đo khối lượng xương sẽ được thực hiện sau đó, khi thuận tiện, để theo dõi và đánh giá kết quả điều trị.
2. Theo dõi và quản lý
- Bệnh nhân phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát để bảo đảm sự tuân thủ điều trị. Nếu không tuân thủ điều trị, sẽ không có hiệu quả điều trị.
- Có thể sử dụng một số markers chu chuyển xương để hỗ trợ chẩn đoán, tiên lượng gãy xương, tiên lượng tình trạng mất xương và theo dõi điều trị.
- Đo khối lượng xương (phương pháp DXA) mỗi 2 năm để theo dõi và đánh giá kết quả điều trị.
- Thời gian điều trị phải kéo dài từ 3 – 5 năm (tùy mức độ loãng xương), sau đó đánh giá lại tình trạng bệnh và quyết định các trị liệu tiếp theo.
Leave a Reply