Tăng huyết áp thai kỳ: Các biểu hiện và cách điều trị an toàn cho mẹ và thai nhi

Tăng huyết áp thai kỳ là một nhóm lớn các bệnh lý với bệnh sinh không thuần nhất, đòi hỏi các kế hoạch quản lý khác nhau. Nhận diện, phân loại các bệnh lý tăng huyết áp trong thai kỳ là một bước quan trọng trước khi đề ra một phương thức quản lý thích hợp. Tiền sản giật là một hội chứng bao gồm tăng huyết áp có kèm đạm niệu xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ.

tang-huyet-ap-thai-ky

1. Các biểu hiện rối loạn cao huyết áp trong thai kỳ.

Theo ACOG 2014, ta có định nghĩa 5 nhóm rối loạn cao huyết áp (HA) trong thai kỳ:

– Tiền sản giật:

Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền sản giật:

+ Huyết áp:

  • HA tâm thu ≥ 140 mmHg hoặc HA tâm trương ≥ 90 mmHg trong hai lần đo ít nhất cách 4 giờ, ở thai sau 20 tuần tuổi trên phụ nữ có HA bình thường trước đó.
  • HA tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc HA tâm trương ≥ 110 mmHg, tăng HA có thể được xác nhận trong một khoảng thời gian ngắn (15 phút) để tạo điều kiện điều trị hạ áp kịp thời.

+ Và Protein niệu:

  • ≥ 300 mg/24 giờ.
  • Hoặc tỉ lệ protein/creatinine ≥ 0,3 (mg/dL mỗi giá trị).
  • Dipstick 1+ (chỉ được sử dụng nếu phương pháp định lượng khác không có sẵn).

Hoặc trong trường hợp Protein niệu âm tính, THA mới khởi phát kèm theo với bất kỳ dấu hiệu nào mới khởi phát sau đây:

+ Giảm tiểu cầu: < 100.000/mm3.

+ Suy thận: Nồng độ creatinine/huyết thanh > 1,1 mg/dL hoặc tăng gấp đôi nồng độ creatinine huyết thanh trong trường hợp không có bệnh thận khác.

+ Suy chức năng gan: men gan tăng ≥ 2 lần giá trị bình thường.

+ Phù phổi.

+ Triệu chứng não hoặc thị giác.

Tiêu chuẩn tiền sản giật nặng (bất kỳ dấu hiệu nào):

  • Tăng HA trầm trọng: HA tâm thu ≥ 160 mmHg hoặc HA tâm trương ≥ 110 mmHg qua 2 lần đo cách nhau 4 giờ có nghỉ ngơi tại giường (ngoại trừ đã sử dụng thuốc hạ áp trước đó).
  • Tiểu cầu < 100.000/mm3.
  • Suy chức năng gan: men gan tăng gấp đôi bình thường. Đau hạ sườn phải hoặc thượng vị kéo dài không đáp ứng với thuốc và không có chẩn đoán thay thế, hoặc cả hai.
  • Suy thận tiến triển: Nồng độ creatinine/huyết thanh > 1,1 mg/dL hoặc tăng gấp đôi nồng độ creatinine huyết thanh trong trường hợp không có bệnh thận khác.
  • Phù phổi.
  • Rối loạn não hoặc thị giác (triệu chứng thần kinh trung ương): rối loạn thị giác (hoa mắt, ám điểm, mù vỏ não, co thắt mạch máu võng mạc); nhức đầu nhiều, nhức đầu dai dẳng, tăng lên, không đáp ứng thuốc giảm đau; thay đổi tri giác.

Sản giật: được chẩn đoán khi có cơn co giật xảy ra trên một phụ nữ mang thai đã có sẵn triệu chứng tiền sản giật và không có nguyên nhân nào khác có thể giải thích được. Các cơn co giật trong sản giật thường là toàn thân, có thể xuất hiện trước, trong chuyển dạ hay trong thời kỳ hậu sản, trong vòng 48 giờ sau sinh hoặc có thể chậm hơn đến 10 ngày sau sinh, nhất là ở con so.

Hội chứng HELLP: tán huyết (Hemolysis) + tăng men gan (Elevated Liver Enzyme) + giảm tiểu cầu (Low Platelet Count).

+ Xảy ra trước và sau sinh.

+ Lâm sàng: đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, nhìn mờ, nhức đầu, vàng da, buồn nôn, nôn.

+ Cận lâm sàng: dấu hiệu tán huyết (LDH tăng > 600 UI/L, Bilirubin gián tiếp tăng), tăng men gan và giảm tiểu cầu.

+ 15 – 20% hội chứng này không có tăng huyết áp, hoặc không có protein niệu.

– Tăng huyết áp mạn: HA tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc HA tâm trương ≥ 90 mmHg trước khi có thai, hoặc xảy ra trước tuần lễ 20 của thai kỳ và kéo dài sau 12 tuần hậu sản.

– Tiền sản giật trên nền tăng huyết áp mạn: người bệnh có tăng HA trước tuần lễ 20, protein niệu (+) trước hoặc sau tuần lễ 20, cần phải tăng liều thuốc điều trị HA, tăng men gan đột ngột, giảm tiểu cầu, đau ¼ trên phải, sung huyết phổi hay phù phổi, giảm chức năng thận hoặc đột ngột tăng tiểu đạm. Thường tiền sản giật trên nền tăng HA mạn xuất hiện sớm hơn tiền sản giật đơn thuần, nặng hơn và thai nhi thường kém phát triển hơn.

– Tăng huyết áp trong thai kỳ: tăng HA sau tuần lễ 20, protein niệu (-), không có các dấu hiệu kể trên và HA trở về bình thường trước tuần lễ 12 của thời kỳ hậu sản à Chẩn đoán được khẳng định sau thời kỳ hậu sản.

2.    Đặc điểm các thuốc điều trị trong tiền sản giật.

Thuốc trong điều trị tiền sản giật gồm có các thuốc chống tăng huyết áp và thuốc ngừa co giật. Thuốc chống tăng huyết áp là điều trị nền tảng. Thuốc ngừa co giật chỉ ngăn cản sự xuất hiện của cơn co giật, mà không tác động lên cơ chế gây co giật, do đó không làm cải thiện cơ chế bệnh sinh.

Thuốc chống tăng huyết áp được chỉ định khi có tình trạng tăng huyết áp nặng: HA tâm thu ≥ 150 mmHg hoặc HA tâm trương ≥ 100 mmHg.

Thuốc lợi tiểu làm giảm Na+ và thể tích dịch lưu hành không được dùng trong tiền sản giật vì làm suy giảm tuần hoàn tử cung – nhau. Không dùng thuốc ức chế men chuyển do nguy cơ gây dị tật thai nhi.

Thuốc Cơ chế tác dụng Cách dùng Ảnh hưởng
Alpha methyldopa

(Aldomet)

Ức chế thụ thể alpha trung ương nên ức chế giao cảm Dạng thuốc:

– Viên nén: 125 mg, 250 mg và 500 mg.

– Hỗn dịch uống: 250mg/5ml.

Liều dùng với viên 250mg:

– Khởi đầu 1 – 3 viên/ngày.

– Liều tối đa 8 viên/ngày.

Tác dụng phụ: trầm cảm, buồn ngủ, chóng mặt, thay đổi chức năng gan.

Chống chỉ định (CCĐ): viêm gan cấp tính, mạn tính hoặc xơ gan, tiền sử viêm gan do thuốc, thiếu máu tán huyết, trầm cảm trầm trọng.

Hydralazin

(Nepressol)

Tác dụng trực tiếp trên cơ trơn thành mạch nên gây giãn mạch ngoại vi Được hấp thụ nhanh chóng và hầu như hoàn toàn sau uống.

Dạng thuốc:

– Viên nén: 10 mg, 25 mg và 50 mg.

– Ống tiêm 25mg/1ml.

Cách dùng:

– Tiêm TM 5mg Hydralazin trong 1 – 2 phút, sau đó 5 – 10 mg mỗi 20 – 40 phút. Hoặc TTM 0,5 – 10 mg/giờ.

– Nếu tổng liều 30 mg không kiểm soát được HA nên chuyển thuốc khác.

– HA sẽ hạ sau 10 – 30 phút và kéo dài từ 2 – 4 giờ.

Tác dụng phụ là hạ HA đột ngột gây suy thai nên không dùng đơn độc mà thường kết hợp với một ức chế alpha adrenergic khác như Labetalol hay Propranolol. Ngoài ra còn có nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, đau thắt ngực, tụt HA, tiêu chảy, táo bón, nổi mẩn…

CCĐ: bệnh động mạch vành, quá mẫn với Hydralazin, van 2 lá do thấp, lupus ban đỏ, phình động mạch chủ cấp.

Labetalol

(Trandate)

Ức chế thụ thể alpha và beta giao cảm Bắt đầu tác dụng sau tiêm TM 5 phút, mất 1 – 2 giờ để đạt nồng độ đỉnh trong máu.

Dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, hoặc nhức nửa đầu.

Dạng thuốc:

– Viên nén 100 mg, 200 mg và 300 mg.

– Ống tiêm 5mg/1ml.

– Dd tiêm truyền 100mg/ 20ml

Cách dùng:

– Tấn công: bắt đầu 10 – 20 mg TM, sau đó TM 20mg đến 80mg mỗi 20 – 30 phút, tổng liều tấn công < 300 mg. Có thể truyền TM 1 – 2 mg/phút. HA sẽ hạ sau 5 – 10 phút và kéo dài từ 3 – 6 giờ.

– Duy trì (khi HA ổn định): uống 100 – 200 mg x 2 – 3 lần mỗi ngày, tối đa 1200 mg/24h

CCĐ: suyễn, bệnh tim, suy tim sung huyết.
Nifedipin

(Adalate)

Ức chế kênh Canxi Làm giảm huyết áp mà không ảnh hưởng đến lưu lượng máu qua nhau thai.

Dạng thuốc:

– Viên nang mềm: 10mg, có thể uống hoặc đặt dưới lưỡi.

– Viên nén bao phim tác dụng chậm 20mg.

– Viên phóng thích kéo dài 30mg hoặc 60mg.

Cách dùng:

– Uống 20 – 30 mg/20 – 30 phút, tối đa 50mg.

– Sau đó, 10 – 20 mg/4 – 6 giờ (tối đa 120 mg/ngày) để duy trì HA mong muốn.

Nifedipin có khả năng tương tác với magnesium sulfate (do Mg2+ cạnh tranh với Ca2+) nên có thể dẫn đến tụt HA.

Tác dụng phụ khác: tim đập nhanh, nhức đầu và hồi hộp.

Nicardipin Ức chế kênh Canxi Là thuốc hạ áp mạnh có thể dùng trong tiển sản giật khi các thuốc khác thất bại.

Nicardipin tác dụng chọn lọc trên mạch máu hơn nên ít gây tăng nhịp tim hơn Nifedipin.

Nicardipin có thời gian bắt đầu tác dụng khoảng 10 phút, đạt đỉnh sau 30 – 120 phút, tác dụng kéo dài 8 giờ.

Dạng thuốc:

– Viên nang 20 mg, 30 mg.

– Viên nang tác dụng kéo dài: 30 mg, 40 mg, 45 mg, 60 mg.

– Dd tiêm 10mg/10ml.

Cách dùng:

– Uống 20 mg x 3 lần/ngày.

– Hoặc truyền TM với liều tấn công 0,5 – 1 mg bolus, sau đó duy trì 2 mg mỗi giờ (pha một ống Nicardipin trong 40 ml dung dịch Glucose 5%, dùng BTĐ truyền với tốc độ 10 ml mỗi giờ).

Tác dụng phụ: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau dạ dày.

Chống chỉ định: cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc cấp tính, sốc tim, hẹp van Đm chủ giai đoạn muộn, thận trọng khi dùng trong 2 tam cá nguyệt đầu, có thể dùng trong tam cá nguyệt ba.

Xem thêm:

Bệnh tiền sản giật – Những điều mẹ bầu cần biết


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *