Cách chọn răng trong phục hình tháo lắp

Phục hình tháo lắp là một phương pháp điều trị nha khoa để thay thế các răng bị mất bằng cách sử dụng răng giả. Việc chọn răng giả phù hợp là một yếu tố quan trọng trong quá trình phục hình tháo lắp để đảm bảo sự thoải mái và sự tự tin của bệnh nhân. Khi làm hàm giả tháo lắp từng phần, chọn răng cũng cần theo 3 tiêu chí: Màu sắc, hình dáng, kích thước. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn: tất cả các răng giả thay thế cần phù hợp với những răng thật còn lại trên miệng.

1. Chọn nhóm răng cửa

1.1. Màu sắc

So màu răng và gửi thông tin cho labo. - Công ty Anh & Em | J. Morita Việt Nam

Hình 1: So màu răng

Màu sắc là yếu tố rất quan trọng, nó quyết định sự thành công của phục hình. Nếu còn lại răng thật vùng cửa thì nên chọn màu theo răng thật, nếu mất nhiều răng thật thì chọn màu theo tuổi, giới tính, màu da… Mỗi hãng sản xuất vật liệu đều có bảng màu chuẩn riêng từ sáng đến sẫm, từ trong đến đục.Việc đặt tên màu cũng tuỳ từng hãng sản xuất.

1.2. Chọn hình dáng

Các răng thay thế phải có hình dáng tương tự với các răng đối bên. Nếu không còn răng đối bên, có thể chọn răng sao cho phù hợp với khuôn mặt, giới tính, tuổi tác của người bệnh. Theo Williams, hình dáng các răng cửa giữa trên có 3 dạng chính tương ứng với hình dạng đảo ngược của chu vi khuôn mặt: Vuông, tam giác, bầu dục. Theo Nelson, hình dáng các răng cửa giữa trên (lấy đỉnh là cổ răng) có liên quan chặt chẽ với hình dáng cung răng (lấy đỉnh là khe giữa 2 răng cửa) và hình dáng khuôn mặt (lấy đỉnh là cằm) sau này được gọi là bộ ba Nelson. Nói chung hình dáng răng của nam và nữ có khác nhau:

  • Nam:  Răng to.
    Đường nét gân guốc, mạnh mẽ.
    Góc bên răng cửa vuông.
  • Nữ:  Răng nhỏ.
    Đường nét mềm mại.
    Góc bên răng cửa tròn.
    Về tuổi: Người có tuổi răng ngắn và dày hơn.
Cách chọn răng trong phục hình tháo lắp
Hình ảnh minh họa
1.3. Chọn kích thước

Kích thước các răng thay thế phải phù hợp với các răng bên cạnh còn lại và phù hợp với kích thước cơ thể, giới tính của bệnh nhân nhưng cần phải kín khoảng trống mất răng. Nếu mất quá nhiều răng phía trước cần theo chỉ số Lee.
* Kích thước răng cửa giữa trên:
– Chiều rộng:
Chỉ số Lee: Chiều rộng răng cửa giữa trên bằng 1/4 khoảng cách giữa hai cánh mũi.
Chiều rộng răng cửa giữa trên bằng tổng chiều rộng của răng cửa bên và 1/2 chiều rộng răng nanh bên.
– Chiều cao:
Giới hạn trên: Cổ răng trùng với đường cười.
Giới hạn dưới: Khi bệnh nhân ngậm miệng ở trạng thái dãn cơ (Tư thế nghỉ sinh lý / tư thế nghỉ lý học) rìa cắn răng cửa trên lộ ra khỏi bờ
môi trên 1,5-2mm.

2. Chọn nhóm răng hàm

2.1. Chọn màu sắc

Màu sắc răng hàm phù hợp với các răng cửa và các răng còn lại. Màu răng hàm nhỏ giống màu răng cửa, nhạt hơn răng nanh.

2.2.2. Chọn hình dáng

Hình dáng cần dựa theo các răng còn lại, độ tiêu xương của sống hàm và tuổi của người bệnh. Tuy nhiên cần chú ý mài chỉnh mặt nhai răng giả theo hình dáng mặt nhai của răng đối diện.

2.2.3. Chọn kích thước

Chọn các răng thay thế có kích thước gần xa, trong ngoài, trên dưới phù hợp với các răng thật còn lại và phù hợp với kích thước cung hàm.
– Chiều gần xa: Tương ứng với khoảng mất răng, nếu mất hết các răng hàm thì chiều rộng các răng thay thế từ mặt xa răng nanh tới bờ trước tam giác sau hàm (hàm dưới) hoặc bờ trước lồi cùng (hàm trên).

– Chiều ngoài trong:
Thường bằng hoặc nhỏ hơn các răng thật mà nó thay thế. Mặt trong các răng hàm lớn không vượt quá đường chéo trong. Tuy nhiên, nếu sống hàm tiêu quá nhiều thì diện tích mặt nhai các răng giả phải nhỏ hơn diện tích nền hàm.

– Chiều trên dưới:
Nói chung chiều cao các răng hàm tương ứng với khoảng trống từ mặt nhai răng đối diện tới đỉnh sống hàm, cần điều chỉnh sao cho cổ răng hàm nhỏ bằng mức cổ răng cửa.

3. Một số loại răng giả

Theo chất liệu làm răng gồm 2 loại chính: Sứ và nhựa

3.1. Răng sứ

* Ưu điểm:

– Cứng, sắc nên có sức nhai tốt.
– Màu sắc tự nhiên giống răng thật.
– Không đổi màu.
– Ít mòn.
– Không ngấm nước bọt, vi khuẩn và thức ăn nên ít hôi.
– Không bị lão hoá.
* Nhược điểm:
– Giòn, dễ vỡ.
– Quá cứng nên dễ làm mòn răng vàng hoặc răng thật đối diện có mô răng yếu.
– Khó lên răng.
– Khó chỉnh khớp khi lắp hàm.
– Có tiếng va chạm khi ăn nhai nếu cả 2 hàm đều bằng sứ.
– Lưu giữ kém trên nền nhựa.

3.2. Răng nhựa

* Ưu điểm:
– Lưu giữ tốt trong nền nhựa.
– Không có tiếng va đập khi ăn nhai.
– Dễ mài sửa kích thước để lên răng.
– Dễ chỉnh khớp khi lắp hàm.
– Ít bị sứt mẻ.
* Nhược điểm:
– Nhanh mòn.
– Dễ đổi màu.
– Thẩm mỹ không bằng răng sứ.
– Dễ ngấm nước bọt, vi khuẩn, thức ăn nên khó giữ vệ sinh hơn răng sứ.
– Lâu ngày bị lão hoá.

4. Kết luận

Tóm tắt lại, quá trình chọn răng giả trong phục hình tháo lắp là một quá trình quan trọng để đảm bảo sự thoải mái và sự tự tin của bệnh nhân. Các yếu tố quan trọng cần xem xét khi chọn răng giả bao gồm màu sắc, hình dáng, kích thước và vật liệu. Ngoài ra, có nhiều loại răng giả khác nhau như răng giả composite, răng giả sứ, răng giả nhựa có nhiều chi tiết.

Để chọn răng giả phù hợp, quá trình chọn răng giả cần thực hiện một số bước như thăm khám bệnh nhân để xác định các yếu tố cần thiết, chụp các hình ảnh và tạo mô hình để giúp cho việc chọn răng giả được thực hiện chính xác hơn, chọn răng giả phù hợp với các yếu tố đã xác định và chế tác răng giả, lắp đặt răng giả và điều chỉnh cho phù hợp với hàm răng và vị trí của chúng trong hàm răng.

Tầm quan trọng của việc chọn răng giả đúng cách là rất lớn, vì nó đảm bảo sự thoải mái và sự tự tin của bệnh nhân khi sử dụng răng giả. Vì vậy, khi điều trị phục hình tháo lắp, bệnh nhân nên luôn tìm kiếm sự tư vấn chuyên nghiệp từ các chuyên gia nha khoa để đảm bảo rằng việc chọn răng giả phù hợp và chế tác răng giả được thực hiện một cách tốt nhất.

Nguồn tham khảo: Sách phục hình răng tháo lắp – PGS.Ts. Tống Minh Sơn


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *