Chấn thương cột sống cổ trong thể thao và xử trí tại chỗ

Cột sống cổ trong thể thao và cuộc sống hằng ngày được xem là một trong những bộ phận linh hoạt nhất của cơ thể, với các cặp cử động cơ bản gồm cúi – ngửa, xoay phải – xoay trái, nghiêng phải – nghiêng trái, sự phối hợp các cử động cơ bản này khiến cho đầu cổ có biên độ cử động rất rộng nhiều hướng khác nhau trong không gian ba chiều.  Trong thể thao luôn đề cao “tinh thần vượt qua giới hạn”, yêu cầu vận động viên phải sử dụng động tác đầu mắt chính xác, đúng lúc đúng chỗ. Cộng với việc phong trào thể thao càng lúc càng đi lên khiến cho tỷ lệ chấn thương cột sống cổ có chiều hướng gia tăng.

Cột sống cổ trong thể thao

1.     Triệu chứng lâm sàng

Đau cột sống cổ hay đau lan theo rễ thần kinh ra tay

Đau khu trú rõ một điểm trên cột sống cổ cao hay thấp hay lan ra theo rễ thần kinh tổn thương. Đôi khi cảm giác đau tăng dữ dội trong các ngày đầu sau chấn thương.  Nên khám kỹ để loại trừ dù bệnh nhân than đau mơ hồ cột sống cổ.

Đơ cột sống cổ do co rút cơ cạnh cột sống cổ

Sau chấn thương cột sống cổ, khuynh hướng bất động tự nhiên của cổ xảy ra, cơ cạnh cột sống cổ co rút khiến cột sống cổ đơ cứng. Chính sự đơ cứng cổ đã che dấu đi một số triệu chứng X-quang tổn thương trật cột sống cổ trong một số ngày đầu. Vì vậy, cần chụp lại X-quang sau một đến ba tuần.

Vẹo cột sống cổ

Tổn thương cột sống cổ cao thường kèm theo vẹo cột sống cổ. Đầu bệnh nhân cúi và xoay nhẹ sang một bên. Vẹo cột sống cổ có thể thấy rõ trong trật hay gãy cột sống cổ C1/C2; hoặc trật xoay C1/C2.

Giới hạn cử động cột sống cổ

Sự cử động cột sống cổ làm bệnh nhân đua khiến khuynh hướng tự nhiên không muốn cử động cổ. Ngoài ra, các tổn thương cổ gây phản ứng co rút cơ cạnh cột sống làm bệnh nhân bị giới hạn cột sống cổ. Khám lâm sàng cần nhẹ nhàng và nẹp cố định để tránh di lệch thêm, gây tổn thương thêm.

Suy hô hấp cấp

Bệnh nhân gãy cột sống cổ có thể bị suy hô hấp cấp, bệnh nhân thình lình không thở được dù tim vẫn đập bình thường. Cần lưu ý triệu chứng ngay từ đầu theo giao thức tiếp cận ABCDE.

Hội chứng liệt tủy cổ sau chấn thương

  • Hội chứng liệt tuỷ trước : Tổn thương chủ yếu sừng trước gây liệt vận động, bệnh nhân chỉ còn cảm giác sâu và cảm giác thân thể, dự hậu phục hồi xấu.
  • Hội chứng liệt tuỷ trung tâm: tổn thương lan tỏa từ trung tâm ra ngoại biên gây liệt nhiều hai tay, hai chân ít hơn, phục hồi ở chân trước, ở tay sau, từ đầu xa chi đến gốc chi. Thường ở bệnh nhân bị hẹp ống sống cổ có chấn thương kèm theo.
  • Hội chứng liệt tuỷ sau: Tổn thương sừng sau gây mất cảm giác sâu, vận động còn.
  • Hội chứng liệt tủy bên ( Hội chứng Brown Squard): liệt vận động , mất cảm giác sâu cùng bên, nửa thân đối diện vận động bình thường nhưng rối loạn cảm giác nông.
  • Hội chứng giập tuỷ: tổn thương cắt đứt dẫn truyền thần kinh vĩnh viễn, hai chân liệt hoàn toàn, hai tay liệt một phần nếu gãy dưới C5 và liệt hoàn toàn nếu gãy ngang C4-C5

2. Biến chứng

Biến chứng hô hấp: suy hô hấp cấp, xẹp phổi, viêm phổi, ngạt thở do đàm nhớ (do mất phản xạ tống xuất đường hô hấp).

Hội chứng phong bế giao cảm cổ: thường xảy ra sau ngày thứ ba, phản ánh tình trạng liệt tủy nặng, thường tiên lượng xấu.

Hội chứng tê liệt tủy cổ do chấn thương: liệt vận động một phần hoặc toàn bộ tứ chi, rối loạn cảm giác, rối loạn cơ vòng đường tiểu hay hậu môn, rối loạn dinh dưỡng, rối loạn phản xạ. Ban đầu liệt mềm sau chuyển thành liệt cứng.

Hội chứng liệt rễ thần kinh: đau, tê, yếu theo rễ. Rối loạn cảm giác, teo cơ nhanh, giảm hay mất phản xạ.

Loét da: thường xảy ra sớm do bất động, vị trí loét ở những vùng da sát xương chịu tì đè (xương cùng, mấu chuyển lớn, ụ ngồi, mắt cá, đầu trên mác….).

Nhiễm trùng đường tiểu: nguy cơ cao khi bệnh nhân đặt thông tiểu lưu, đặc biệt nếu kỹ thuật đặt hoặc chăm sóc thông tiểu kém.

Co giật cơ co rút cơ: là biểu hiện muộn, khi bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn liệt cứng.

Hạ huyết áp tư thế: xảy ra sau khi nằm lâu không được xoay trở ngồi dậy.

2.     Xử trí cấp cứu khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ trong thể thao

Bước đầu tiên cần làm khi gặp bất kỳ tình huống cấp cứu nào đó là phải đảm bảo hiện trường an toàn và gọi hỗ trợ. Khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ, người thực hiện sơ cứu phải đảm bảo hạn chế tác động và bất động vùng đầu cổ. Cố định cột sống cổ bằng các loại nẹp chuyên dụng nếu có, còn không có thể dùng các vật liệu hiện trường như bao cát, khăn chèn chặt vùng đầu cổ. Đồng thời thực hiện thao tác cấp cứu theo hệ thống ABCDE:

  • A (Airway – đường thở): duy trì đường thở và bảo vệ cột sống cổ
  • B (Breath – hô hấp): đảm bảo bệnh nhân được cung cấp Oxy, can thiệp thông khi nếu cần
  • C (Circulation – tuần hoàn): kiểm tra mạch, huyết áp xem có suy tuần hoàn, kiểm soát chảy máu nếu có
  • D (Disability – thần kinh): đánh giá bằng thang điểm Glasgow coma scale
  • E (Exopsue – bộc lộ): kiểm tra toàn thân tìm kiếm các tổn thương khác trên thân mình.

Song song với tiếp cận ban đầu ABCDE là việc thực hiện ngay hồi sinh tim phổi khi có biểu hiện ngừng hô hấp – tuần hoàn.

Chỉ di chuyển nạn nhân sau khi đã cố định cột sống cổ. Cần năm hoặc sáu người cho sự di chuyển an toàn, một người kiểm soát đầu vai hai cẳng tay song song theo đầu bệnh nhân bàn tay qua khỏi xương đòn và chịu trách nhiệm kiểm soát sự đồng bộ của đội hình di chuyển, một người nâng vai và phần trên thân, hai đến ba người giữ thân mông và phần trên đùi, một người giữ phần chân. Các thành viên đứng một bên nạn nhân, tay để luồn dưới thân nạn nhân sang đối bên, theo hiệu lệnh cả nhóm nâng bệnh nhân lên rồi lèn xuống dưới thân một tấm ván cứng rồi di chuyển nhanh và êm về phòng cấp cứu hoặc xe cứu thương.

3.     Phòng ngừa chấn thương cột sống cổ trong thể thao

Phòng ngừa vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu trong Y học thể thao. Cần phải giáo dục các vận động viên, huấn luyện viên, huấn tập viên, bác sĩ, đội y tế của đội biện pháp phòng ngừa chấn thương cột sống cổ, đặc biệt với các môn thể thao rủi ro cao. Nếu cần nên kiến nghị với các liên đoàn thể thao thay đổi luật chơi cho các môn này để giảm bớt nguy cơ chấn thương cột sống cổ (điển hình là môn Judo đã nhiều lần cấm các thế vật truyền thống vì tính sát thương của chúng). Đội cũng phải đảm bảo vận động viên có môi trường tập luyện thi đấu an toàn, đầy đủ dụng cụ bảo hộ, thiết kế các chương trình tập các kỹ thuật tránh chấn thương cột sống cổ cũng như không xem nhẹ việc trau dồi sức mạnh cơ bắp đầu cổ cho vận động viên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *