Lạm dụng rượu và nghiện rượu là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể gây ra những hậu quả đáng sợ đến sức khỏe và đời sống xã hội của một người. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các các phương pháp để điều trị và phòng ngừa lạm dụng rượu và nghiện rượu.
1.Định nghĩa
1.1. Lạm dụng rượu
Theo ICD-10 thi gọi là sử dụng rượu có hại, theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM IV ) thì gọi là lạm dụng rượu. Lạm dụng rượu được quy định theo tiêu chuẩn chung về lạm dụng các độc chất. Lạm dụng độc chất là việc sử dụng thái quá một chất tác động đến tâm thần nào đó có hại cho sức khỏe về mặt cơ thể cũng như tâm thần.
Lạm dụng độc chất gây ra nhiều hậu quả xấu về mặt xã hội, không được người chung quanh chấp nhận và không phù hợp với môi trường văn hoá, các hậu quả xấu về mặt xã hội như bị bắt giữ, mất việc làm, mâu thuẫn vợ chồng … không nặng đến nỗi để được chẩn đoán là rối loạn tâm thần.
1.2. Nghiện rượu
Hay còn gọi là lệ thuộc rượu là toàn bộ những hành vi, nhận thức, và đáp ứng sinh lý của người sử dụng một hoặc nhiều chất tác động đến tâm thần nào đó làm cho bản thân người nghiện dần dần không làm được những công việc khác nữa. Đặc điểm cơ bản của nghiện là sự thèm muốn mãnh liệt có khi mang tính chất cưỡng bức phải uống rượu cho được. Sau khi cai nghiện nếu tái nghiện thì hội chứng nghiện lại xuất hiện rất nhanh hơn cả lần nghiện đầu tiên.
2. Nguyên nhân
Rượu là một thức uống có từ lâu đời và được sử dụng trong nhiều nền văn hoá, trong các lễ hội, dùng trong y khoa, uống rượu để “lấy sức”…nhưng uống lạm dụng rượu và nghiện rượu là những trạng thái bệnh lý có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Do nguyên nhân nghiện rượu vẫn chưa xác định rõ, nhưng người ta nhận thấy có nhiều yếu tố gây nghiện rượu như do di truyền (nam giới nhiều hơn nữ giới, trên điện não của con những người nghiện có sóng alpha biên độ thấp), do tập tính (do bắt chước hoặc bạn bè lôi kéo), do yếu tố sinh học, tâm lý…người ta nhận thấy bố mẹ nghiện rượu thì con cái có tỷ lệ uống rượu cao ( khoảng 25%).
Yếu tố văn hoá xã hội cũng rất quan trọng, trong những xã hội Hồi giáo thi việc uống rượu hoàn toàn bị cấm do lý do tín ngưỡng chứ không phải do lý do sức khoẻ. Các tác động tâm lý mạnh lên những người có yếu tố di truyền làm phát sinh nghiện rượu, yếu tố này thường tác động lên nam giới nhiều hơn “nam vô tửu như kỳ vô phong”, “ vô tửu bất thành 96 lễ”. Theo số liệu điều tra tại Phường Đúc TP Huế tỷ lệ nghiện rượu và lạm dụng rượu trong cộng đồng là 3,21%, ở Hà Tây là 3,60%, ở Đà Nẵng là 5,59%.
3. Biểu hiện lâm sàng
Thật ra không có một hình ảnh điển hình của một bệnh nhân nghiện rượu về mặt lâm sàng, các hình thức uống rượu cũng như các triệu chứng đều khác nhau tùy từng trường hợp một.
Trong giai đoạn đầu chúng ta khó phát hiện được bệnh nhân uống rượu vì người nào cũng phủ nhận việc uống nhiều rượu của mình hơn nữa các triệu chứng còn nghèo nàn, ta chỉ phát hiện được nhờ vào những thông tin của gia đình hoặc bạn bè, cơ quan.
Đầu tiên là sự thay đổi về thói quen sinh hoạt hằng ngày, năng suất lao động giảm sút, lười biếng, chậm chạp hay vắng mặt tại cơ quan không có lý do, nhân cách thay đổi nhẹ, nhiều cảm xúc…. Khi nghiện rượu tiến triển, một vài thay đổi về mặt cơ thể bắt đầu xuất hiện như nổi trứng cá đỏ ở mặt, mũi to và đỏ ở một vài bệnh nhân, hồng ban ở lòng bàn tay, gan lớn và thâm nhiễm mỡ đây là biểu hiện tổn thương ở gan đầu tiên của người nghiện rượu, hay bị nhiễm trùng đường hô hấp, ngất xỉu, hay bị tai nạn do điều khiển xe cộ không chính xác. Trong giai đoạn sau thi xuất hiện xơ gan, vàng da, bụng báng, teo tinh hoàn, vú to, mất việc, gia đình tan vỡ.
4. Chẩn đoán theo ICD-10
4.1. Lạm dụng rượu
Là người sử dụng nhiều rượu đủ để gây hại cho cơ thể, bị người khác phê phán. Không có biểu hiện nghiện.
4.2. Nghiện rượu
Là toàn bộ những hiện tượng về tập tính, sinh lý, nhận thức của người sử dụng độc chất hướng tâm thần làm cho bệnh nhân dần dần không thể thực hiện được những công việc thường ngày của mình. Nét đặc trưng của nghiện là sự thèm muốn mãnh liệt làm bệnh nhân không cưỡng lại được. Bệnh nhân thường tái nghiện sau khi đã cai làm cho hội chứng lệ thuộc lại xuất hiện nhanh hơn so với lần nghiện đầu tiên.
Nguyên tắc chẩn đoán:
– Thèm muốn mãnh liệt. Cảm thấy bắt buộc phải uống rượu.
– Không tự làm chủ được mình.
– Khi ngưng sử dụng có hội chứng cai xuất hiện.
– Phải tăng liều dần mới đạt được khoái cảm.
– Bỏ bê công việc hàng ngày và dùng nhiều thời gian để tìm kiếm và sử dụng chất gây nghiện.
– Tiếp tục sử dụng độc chất mặc dù đã có những hậu quả về mặt cơ thể.
5. Điều trị cắt cơn và tái phục hồi chức năng tại cộng đồng
Điều trị phải tùy theo những tổn thương do rượu gây ra cho bệnh nhân về cả các mặt cơ thể, tâm thần cũng như tái phục hồi chức năng. Động thái đầu tiên trong việc điều trị là cai rượu cho bệnh nhân, điều trị hội chứng cai. Nếu các triệu chứng ngộ độc rượu nặng nề, bệnh nhân bị suy hô hấp, hôn mê thì phải được được điều trị ở môi trường hồi sức tích cực.
5.1. Hội chứng cai
Khi ngưng uống, bệnh nhân có cơn thèm rượu, run rẩy, toát mồ hôi, nôn, mửa, lo âu, trầm cảm, dễ bị kích thích, đau đầu mất ngủ, rối loạn thần kinh thực vật, mạch, huyết áp đều tăng đó là những biểu hiện lành tính nhất, thường xuất hiện sau khi ngưng uống từ 12-18 giờ và đạt đến đỉnh điểm từ 24-48 giờ, nêu không điều trị các biểu hiện cũng tự hết sau 5-7 ngày. Trường hợp nghiện rượu nặng lâu ngày mà ngừng uống đột ngột có thể lên cơn co giật do rượu xảy ra sau 7-38 giờ kể từ khi ngưng uống, co giật kiểu cơn lớn, có thể thưa hoặc dày nhưng hiếm khi xuất hiện trạng thái động kinh, 30% trường hợp dẫn đến sảng rượu.
Ảo giác do rượu bao gồm những ảo giác sinh động, ảo giác thính giác khó chịu xuất hiện 48 giờ sau khi ngưng uống rượu, kéo dài hơn 1 tuần, hiếm khi kéo dài thành mãn tính. Trong hội chứng cai biểu hiện quan trọng nhất là sảng do cai rượu hay còn gọi là sảng rượu là một trạng thái cấp cứu nhưng cũng ít gặp, tỷ lệ 5% bệnh nhân nghiện rượu nằm viện, 1/3 số này có lên cơn co giật, bệnh cảnh với những triệu chứng lú lẫn, mất định hướng, rối loạn tri giác, kích động, rối loạn nhịp thức ngủ, sốt nhẹ, rối loạn thần kinh thực vật, sảng rượu xuất hiện vào ngày thứ 2-3 sau khi ngừng uống và đạt đến đỉnh điểm vào ngày thứ 4-5.
Trung bình các triệu chứng kéo dài khoảng 3 ngày nhưng cũng có khi hằng tuần, trước đây tỷ lệ tử vong của sảng rượu là 15% nhưng ngày nay nhờ điều trị tích cực tử vong ít khi xảy ra, để điều trị sảng rượu ta chủ yếu điều trị triệu chứng, bảo đảm dinh dưỡng cho bệnh nhân, dùng các thuốc bình thần nhóm Benzodiazepines, thuốc trấn kinh, vitamin B1 theo phác đồ dưới đây.
5.2. Phác đồ điều trị sảng rượu
– Librium (chlordiazepoxide)
+ 50mg/4 giờ trong ngày 1
+ 50mg/6 giờ trong ngày 2
+ 25mg/4 giờ trong ngày 3
+ 25mg/6 giờ trong ngày 4
Sau đó ta có thể ngưng thuốc (nếu bệnh nhân có tổn thương gan ta có thể dùng các thuốc nhóm benzodiazepines có thời gian bán hủy ngắn như lorazepam hoặc oxazepam).
– Vitamin B1: 50-100mg uống hoặc TB/ngày
– Axit folic 1mg /ngày (uống).
– Nếu có co giật ta dùng thuốc trấn kinh Phenytoin 100mg x 3 lần/ngày trong 5 ngày.
– Nếu có ảo giác: Haloperidol 2-5mg ngày 2 lần.
5.3. Phòng ngừa tái nghiện
Để ngừa tái nghiện ngoài việc tiếp tục các biện pháp đã sử dụng ở phần tái phục hồi về mặt hóa dược ta có thể sử dụng disulfiram (Antabuse) để ngừa uống rượu trở lại, disulfiram là một chất ức chế aldehyde dehydrogenase là một men cần để chuyển hóa rượu, khi men này bị ức chế thì khi uống vào aldehyde sẽ tích lũy lại đây là một chất độc gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như nôn mửa, hồi hộp, hạ huyết áp điều nguy hiểm là có khi gây tử vong, liều disulfiram là 250mg/ngày, uống 1 lần.
Ngoài ra người ta còn dùng lithium carbonate để làm tăng tác dụng khó chịu của rượu, liệu pháp tập tính để tạo ra những phản xạ điều kiện khó chịu khi cho bệnh nhân uống rượu cũng góp phần điều trị. Thông thường những bệnh nhân có cuộc sống gia đình ổn định, có công ăn việc làm vững chắc, có nhân cách vững mạnh, ít bị những sang chấn tâm lý, tiền sử gia đình không có người nghiện rượu thì có tiên lượng tốt. Mặc dù nhiều phương pháp điều trị được áp dụng nhưng có đến gần 1/2 bệnh nhân tái nghiện trong vòng 6 tháng sau khi ra viện mặc dù có nằm viện dài ngày đi nữa.
6. Công tác tuyên truyền giáo dục
Để đối phó với nạn nghiện rượu một mình ngành y tế không thể mang lại hiệu quả nếu không có sự tham gia của toàn xã hội, nghiện rượu còn chịu ảnh hưởng của yếu tố văn hóa xã hội, vì vậy việc hợp tác với các ban ngành đoàn thể có liên quan như ngành thông tin văn hóa, Đoàn thanh niên, phụ nữ, trường học là rất cần thiết, không được quảng cáo những thức uống có rượu, không bán rượu cho trẻ em, nơi bán rượu bia phải có giấy phép như ở nhiều nước văn minh trên thế giới, hạn chế giờ bán, nghiêm trị những người lái xe uống rượu, tuyên truyền giáo dục người dân biết rõ tác hại của rượu về các mặt cơ thể tâm thần, đạo đức, kinh tế …
Những kinh nghiệm ở nhiều nước dù ngành y tế có rất nhiều tiến bộ về mặt lâm sàng trong việc điều trị nghiện rượu nhưng kết quả cũng không mấy khả quan vì thế chỉ có một biện pháp tổng lực với sự tham gia của toàn xã hội qua công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng mới hy vọng chặn đứng được nạn nghiện rượu.
Xem thêm:
Các giai đoạn của nghiện rượu | Vinmec
Các dấu hiệu nghiện rượu và hướng xử trí | Vinmec
Nghiện rượu lâu năm có thể điều trị được không? | Vinmec
Video đề xuất:
Giải rượu bằng cách nào nhanh nhất?
Leave a Reply