Xử lý khó nuốt ở trẻ bại não

Khó nuốt là một vấn đề phổ biến ở trẻ bị bại não, gây ra khó khăn trong việc ăn uống và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhiễm trùng phổi và suy dinh dưỡng. Việc xử lý khó nuốt ở trẻ bị bại não là rất quan trọng để giúp trẻ ăn uống đủ chất, phòng ngừa các vấn đề sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ.

Khó nuốt bao gồm các khó khăn khi ăn, uống và nuốt. Một phần năm trẻ bại não có khó khăn về kiểm soát nước bọt và chất tiết và một phần mười lăm trẻ bại não cần phải có các phương pháp dinh dưỡng thay thế (cho ăn không qua đường miệng).

Bài viết dựa trên Quyết định số 5623 /QĐ-BYT ngày 21/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Khó nuốt ở trẻ bại não
Khó nuốt ở trẻ bại não

1. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của khó nuốt:

  • Không thể nuốt và/hoặc đau khi cố gắng nuốt
  • Ợ hơi
  • Ợ nóng
  • Giảm cân bất thường
  • Giọng khàn tiếng
  • Nghẹn, nghẹt thở, và/hoặc ho khi cố gắng nuốt
  • Chảy nước dãi quá mức hoặc không có khả năng giữ chất tiết (ở miệng)
  • Phản xạ nuốt bị chậm (hoặc đôi khi không có)
  • Thay đổi màu da trong khi ăn hoặc uống
  • Viêm phổi do hít phải/nhiễm trùng phổi tái phát
  • Bố mẹ báo cáo rằng các bữa ăn làm trẻ căng thẳng hoặc lo lắng
  • Thời gian ăn kéo dài.

2. Xử lý khó nuốt

2.1. Sàng lọc khó nuốt và vấn đề cho ăn (Arvedson, 2013):

Đánh giá cho ăn trên lâm sàng:

Các nhân viên y tế cần đặt những câu hỏi cụ thể cho trẻ và phụ huynh liên quan đến cho ăn và các hành vi trong thời gian ăn. Ngoài ra, nếu được, các nhân viên y tế cần quan sát khi trẻ uống nước và ăn các loại thức ăn có kết cấu khác nhau.

Các câu hỏi cụ thể trong quá trình đánh giá lâm sàng có thể bao gồm:

Câu hỏi Các đặc điểm có thể quan tâm
Mất bao lâu để cho trẻ ăn? Bữa ăn kéo dài hơn 30 phút, thường xuyên
Các bữa ăn có gây căng thẳng cho trẻ hay bố mẹ hay không? Có, nếu gây căng thẳng cho trẻ hoặc bố mẹ, hoặc cả hai
Trẻ có tăng cân bình thường không? Không tăng cân trong thời gian 2-3 tháng ở trẻ nhỏ (không chỉ là giảm cân)
Có những dấu hiệu về hô hấp hay không? Tăng sung huyết vào lúc ăn, giọng “ẩm”, các bệnh lý hô hấp

Đánh giá về chức năng nuốt bằng phương tiện:

Các thăm dò sau đây cung cấp thông tin trong một “khoảng thời gian ngắn ngủi” và không đại diện cho việc ăn và nuốt trong một bữa ăn đầy đủ thông thường:

  • Thăm dò Nuốt qua quay Video có Cản quang (VFSS) là chụp X quang được thực hiện ở một tư thế ăn uống thông thường với thức ăn và thức uống phù hợp với tuổi của người bệnh. Bari sulfat là một hợp chất kim loại xuất hiện trên tia X và được sử dụng nhằm xem xét các bất thường trong khoang miệng và thực quản. Thăm dò này giúp đánh giá các rối loạn nuốt ở giai đoạn miệng và hầu, bao gồm sự thâm nhập và hít phải.
  • Thăm dò Nuốt bằng Nội soi mềm (FEES) cho phép nhìn trực tiếp một số đặc điểm của nuốt ở giai đoạn hầu. FEES hữu ích trong một số trường hợp chọn lọc, đặc biệt là với những vấn đề liên quan đến khả năng tắc nghẽn đường dẫn khí trên và/hoặc yếu liệt dây thanh. Ưu điểm của FEES là không dùng chất phóng xạ cũng như có thể thực hiện tại giường bệnh, đánh giá việc xử lý các chất tiết và để đánh giá cảm giác. FEES không phải lúc nào cũng xác định rõ các sự cố hít phải.

2.2. Các can thiệp cho khó nuốt

Cần hợp tác với gia đình và trẻ xây dựng các chiến lược và mục tiêu để xác định (các) biện pháp can thiệp tốt nhất để cải thiện ăn, uống và nuốt.

  • Xây dựng một kế hoạch cá nhân hoá để xử lý việc ăn, uống và nuốt chú ý đến mức độ hiểu biết, kiến thức và các kỹ năng của gia đình và bất cứ người nào khác liên quan đến việc cho trẻ ăn.
  • Lượng giá xem những điều sau đây có thể thay đổi hoặc cải thiện hành vi ăn, uống, và nuốt như thế nào:
    • Xử lý tư thế và đặt tư thế khi ăn
    • Thay đổi kết cấu thức ăn vàthức uống
    • Sử dụng các kỹ thuật cho ăn đặc biệt, như thay đổi tốc độ và vị trí đặt thìa/muỗng
    • Sử dụng các thiết bị và dụng cụ cho ăn/uống chuyên dụng
    • Thay đổi đối với môi trường ăn uống (môi trường yên tĩnh, giảm phiền nhiễu)
    • Các chiến lược để phát triển các kỹ năng vận động miệng như cắn và nhai
    • Các chiến lược giao tiếp để cho phép trẻ điều chỉnh tốc độ bữa ăn
    • Các sắp đặt cho những trường hợp khiếm khuyết thị giác hoặc các giác quan khác ảnh hưởng đến ăn, uống và nuốt
    • Tập huấn cho tất cả những người có vai trò cho trẻ ăn trong bữa ăn

3. Trách nhiệm của nhóm đa chuyên ngành trong xử lý khó nuốt

Tất cả các nhân viên y tế làm việc với trẻ bại não đều có trách nhiệm nhận biết được những khó khăn trong việc cho ăn, nuốt và xử lý khó nuốt.

  • Các bác sĩ – thực hiện đánh giá lâm sàng về ăn uống và xác định nhu cầu thăm dò chức năng nuốt bằng VFSS hoặc Đưa ra các khuyến cáo cho gia đình vềdinh dưỡng, các đặc điểm về tăng trưởngvà phát triển, dị ứng hoặc nhạy cảm thực phẩm có thể ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả của hoạt động cho ăn, ăn và nuốt.
  • Các kỹ thuật viên VLTL – nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của khó nuốt và có thể hỗ trợ lượng giá lâm sàng về cho ăn, ăn và nuốt. Cung cấp các hướng dẫn cụ thể về tư thế ngồi và cách đặt tư thế phù hợp để cải thiện hoạt động cho ăn, ăn và nuốt.
  • Các kỹ thuật viên HĐTL – nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của khó nuốt và có thể hỗ trợ lượng giá lâm sàng về cho ăn, ăn và nuốt. Cung cấp hướng dẫn cụ thể về tư thế ngồi và cách đặt tư thế phù hợp để cải thiện hoạt động cho ăn, ăn và nuốt. Cung cấp các lời khuyên cụ thể về các dụng cụ ăn uống thích ứng và các thay đổi môi trường để tăng hiệu quả các hoạt động trong bữa ăn.
  • Các kỹ thuật viên NNTL – nhận biết những dấu hiệu và triệu chứng của khó nuốt và có thể hỗ trợ lượng giá lâm sàng về cho ăn, ăn và nuốt. Cung cấp hướng dẫn cụ thể về các rối loạn nuốt ở giai đoạn hầu và các kỹ thuật/điều trị để nuốt được an toàn và hiệu quả. Những kỹ thuật/phương pháp điều trị này có thể bao gồm các lời khuyên về độ rắn hoặc kết cấu thức ăn an toàn (ví dụ: chất lỏng như nước, chất rắn mềm, chất rắn cứng) hoặc tư thế đầu và cổ để nuốt được an toàn.
  • Các điều dưỡng – nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của chứng khó nuốt và giúp đánh giá lâm sàng về cho ăn, ăn và nuốt.

Khuyến cáo:

Khó nuốt là một rối loạn phức tạp và có thể ảnh hưởng lớn đến dinh dưỡng nói chung. Lượng giá đầy đủ với thông tin từ tất cả các thành viên trong nhóm sẽ cải thiện chẩn đoán và can thiệp các rối loạn về cho ăn, ăn và nuốt thành công.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *