Sinh lý bệnh hen phế quản

Hen phế quản là một bệnh lý phổi khá phổ biến ở trẻ em và người lớn, gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, hiểu rõ sinh lý bệnh của hen phế quản sẽ giúp các Bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất, nhằm giảm thiểu triệu chứng và giúp người bệnh có cuộc sống tốt hơn.

1. Tổng quan

Hen phế quản là một bệnh đa kiểu hình, thường được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Viêm mạn tính đường dẫn khí gây tăng đáp ứng của đường dẫn khí với các kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp, từ đó gây ra triệu chứng hen. Sinh bệnh học của hen tương đối phức tạp. Bất thường sinh lý chính trong hen là những đợt tắc nghẽn đường dẫn khí được đặc trưng bởi giới hạn luồng khí thở ra. Tổn thương mô bệnh học nổi bật của hen là tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí, thỉnh thoảng đi kèm với tình trạng tái cấu trúc đường dẫn khí. Những biến đổi về sinh lý và mô bệnh học trong hen là do các tế bào viêm, tế bào cấu trúc đường dẫn khí và nhiều hóa chất trung gian tương tác với nhay gây ra. Hiểu được cơ chế và hậu quả của quá trình viêm đường dẫn khí trong hen sẽ giúp bác sĩ tiếp cận bệnh nhân hen phù hợp hơn.

Nguyên nhân gây ra bệnh hen vẫn chưa được xác định, nhưng bệnh hen có thể là kết quả của sự phối hợp nhiều yếu tố nguy cơ, gồm yếu tố bản thân và yếu tố môi trường. Hen là một bệnh đa kiểu hình, thường được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Viêm mạn tính đường dẫn khí gây ra tình trạng tăng đáp ứng của đường dẫn khí với các kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp, từ đó gây ra triệu chứng hen. Những tình trạng này thường tồn tại dai dẳng, thậm chí khi bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chức năng hô hấp bình thường, nhưng có thể trở thành bình thường khi được điều trị hợp lý.

2. Sinh lý bệnh hen phế quản

2.1. Tăng đáp ứng đường dẫn khí

Là bất thường sinh lý đặc trưng của hen. Đây là tình trạng đáp ứng co thắt phế quản quá mức với các yếu tố kích thích đường hít mà các kích thích này là vô hại ở người bình thường. Việc tăng tình trạng tăng đáp ứng đường dẫn khí liên quan đến tần suất triệu chứng hen, do đó, làm giảm tình trạng này là mục tiêu điều trị quan trọng. Phế quản co thắt khi đáp ứng với các chất kích thích trực tiếp, như histamine và methacholine, và cả các yếu tố kích thích gián tiếp, yếu tố khiến dưỡng bào tiết chất co thắt phế quản hoặc kích hoạt dây thần kinh cảm giác. Hầu hết các yếu tố kích phát triệu chứng hen dường như tác động gián tiếp. Các yếu tố này bao gồm dị nguyên, gắng sức, tăng thông khí, sương mù (bằng cách kích hoạt dưỡng bào) và bụi kích ứng, khí sulfur dioxide (qua phản xạ phó giao cảm).

                                                                 Nguồn: Severe Asthma Toolkit

2.2. Tái cấu trúc đường dẫn khí

Những biến đổi cấu trúc của đường dẫn khí có thể dẫn đến hẹp đường dẫn khí không hồi phục. Các nghiên cứu trong cộng đồng cho thấy, bệnh nhân hen có tình trạng sụt giảm chức năng hô hấp nhanh hơn người khỏe mạnh; tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân hen có chức năng hô hấp bình thường hoặc gần bình thường suốt đời nếu họ được điều trị hen hợp lý. Sự sụt giảm chức năng hô hấp nhanh lên ở một số bệnh nhân hen, đặc biệt là bệnh nhân hen nặng. Có bằng chứng cho thấy, sử dụng ICS sớm sẽ làm chậm sự sụt giảm chức năng hô hấp.

                                                         Nguồn: Monash University

3. Các sinh lý bệnh đặc biệt trong hen

3.1. Đợt hen kịch phát

Hen có thể nặng lên thoáng qua do tiếp xúc với các yếu tố kích phát cơn hen, như là vận động, ô nhiễm không khí và thậm chí là thay đổi thời tiết như dông bão. Hen có thể nặng lên kéo dài thường sau nhiễm siêu vi hô hấp trên (đặc biệt là rhinovirus và virus hô hấp hợp bào) hay tiếp xúc với dị nguyên làm tăng viêm đường hô hấp dưới (viêm cấp và mạn), hiện tượng viêm này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

3.2. Hen về đêm

Cơ chế giải thích vì sao về đêm hen lại nặng lên là chưa rõ nhưng có thể là do sự khác biệt trong nhịp điệu ngày đêm của các hóc môn tuần hoàn như là epinephrine, cortisol và melatonin và các cơ chế thần kinh như là trương lực phó giao cảm. Hiện tượng viêm nặng lên về đêm cũng được báo cáo. Điều này có thể phản ánh sự suy giảm các cơ chế chống viêm nội sinh về đêm.

3.3. Giới hạn luồng khí không hồi phục

Một số bệnh nhân hen nặng bị giới hạn luồng khí tiến triển không phục hồi hoàn toàn với các điều trị hiện có. Tình trạng này có thể phản ánh những biến đổi cấu trúc đường dẫn khí trong hen mạn tính.

3.4. Sinh lý bệnh của hen khó trị

Lý do tại sao một số bệnh nhân hen tương đối không nhạy cảm với corticoid thì chưa rõ. Các lý do thường thấy là không tuân thủ điều trị và có các vấn đề tâm lý hoặc tâm thần kinh. Tuy nhiên, yếu tố di truyền cũng có thể góp phần. Hen khó trị thường xảy ra ngay từ đầu hơn là tiến triển nặng dần lên từ hen nhẹ. Ở các bệnh nhân này, đường dẫn khí bị đóng sớm trong thì thở ra gây bẫy khí và ứ khí phế nang. Mặc dù mô bệnh học dường như tương tự với các thể hen khác, trong hen khó trị có sự gia tăng bạch cầu đa nhân trung tính, tổn thương tại phế quản nhỏ hơn và biến đổi cấu trúc đường dẫn khí nhiều hơn.

3.5. Hút thuốc lá và hen

Hút thuốc lá làm cho hen khó kiểm soát, bị đợt kịch phát nhiều hơn, nhập viện nhiều hơn, suy giảm chức năng hô hấp nhanh hơn và tăng nguy cơ tử vong. Bệnh nhân hen hút thuốc lá có viêm đường dẫn khí với bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế và kém đáp ứng với corticoid.

Nguồn tham khảo:

  • Trích dẫn từ bài viết “Sinh bệnh học hen phế quản” của TS.BS.Nguyễn Văn Thọ, đăng trên Hội hô hấp Thành Phố Hồ Chí Minh.

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *