Chỉnh nha có liên quan với các chuyên khoa với nhiều mức độ khác nhau. Cắn khớp và nha chu là hai chuyên khoa liên hệ mật thiết nhất với chỉnh nha về phương diện bệnh lý và điều trị. Với phục hình, chỉnh nha là chuyên khoa hỗ trợ quan trọng giúp đạt được kế hoạch tối ưu. Với implant nha khoa, có thể nói đây là mối quan hệ hỗ tương, hỗ trợ lẫn nhau. Bốn chuyên khoa được xem xét và trình bày ở đây bao gồm: Cắn khớp, Nha chu, Phục hình và Implant nha khoa. Cùng tìm hiểu mối quan hệ giữa chỉnh nha và các chuyên khoa khác trong lĩnh vực Răng hàm mặt.
1. Tổng quan về mối quan hệ giữa chỉnh nha và chuyên ngành khác
Chỉnh nha có liên quan với các chuyên khoa với nhiều mức độ khác nhau. Cắn khớp và nha chu là hai chuyên khoa liên hệ mật thiết nhất với chỉnh nha về phương diện bệnh lý và điều trị. Với phục hình, chỉnh nha là chuyên khoa hỗ trợ quan trọng giúp đạt được kế hoạch tối ưu. Với implant nha khoa, có thể nói đây là mối quan hệ hỗ tương, hỗ trợ lẫn nhau. Bốn chuyên khoa được xem xét và trình bày ở đây bao gồm: Cắn khớp, Nha chu, Phục hình và Implant nha khoa.
2. Các lĩnh vực liên quan
2.1. Chỉnh nha và cắn khớp
Cắn khớp là chuyên khoa liên quan mật thiết nhất với chỉnh nha. Chỉnh nha làm thay đổi khớp cắn một cách toàn diện, do đó là chuyên khoa ảnh hưởng đến cắn khớp nhiều nhất.
Sự thay đổi khớp cắn trong chỉnh nha, nếu không đạt được khớp cắn chức năng sẽ có nguy cơ dẫn đến rối loạn hệ thống nhai mà điển hình là rối loạn khớp thái dương hàm. Vấn đề thường gặp trên lâm sàng là chỉnh nha làm trầm trọng hơn tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm sẵn có trên bệnh nhân. Những trường hợp này, bác sĩ chỉnh nha rất dễ bị quy trách nhiệm. Do đó, việc đánh giá tình trạng sức khoẻ khớp thái dương hàm là rất quan trọng trong điều trị chỉnh nha. Tình trạng khớp thái dương hàm cần được báo trước cho bệnh nhân khi có vấn đề, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng. Những trường hợp này cần hết sức cẩn thận khi điều trị chỉnh nha cho bệnh nhân. Tốt nhất, nếu bác sĩ chỉnh nha không chuyên sâu về khớp thái dương hàm thì nên chuyển và phối hợp với bác sĩ chuyên về khớp thái dương hàm khi điều trị.
Trong chiều ngược lại, chỉnh nha là một công cụ quan trọng trong điều trị rối loạn khớp thái dương hàm. Việc tái lập khớp cắn chức năng kết hợp tái lập vị trí lồi cầu là chìa khóa điều trị rối loạn khớp thái dương hàm. Điều này đòi hỏi bác sĩ chỉnh nha phải hiểu rõ về chẩn đoán và điều trị rối loạn khớp thái dương hàm.
Trong mối liên quan giữa chỉnh nha và cắn khớp, việc tái lập khớp cắn chức năng là tối quan trọng, nhằm tránh gây hậu quả về khớp cắn, đồng thời giúp điều trị phục hồi những trường hợp rối loạn khớp thái dương hàm.
2.2. Chỉnh nha và nha chu
Chỉnh nha là quá trình di chuyển răng trong xương ổ răng, do đó có quan hệ trực tiếp đến sức khoẻ mô nha chu. Trong quá trình di chuyển răng này, lực chỉnh nha dẫn đến tái cấu trúc xương ổ răng, gây tiêu xương hoặc tạo xương. Hiểu được mối tương quan này giúp tận dụng những hiệu ứng có lợi và hạn chế những tác hại trong điều trị chỉnh nha.
Ứng dụng tái cấu trúc kiểu tiêu xương được ứng dụng trong điều trị những trường hợp cười lộ nướu, gây mất thẩm mỹ do xương ổ răng quá triển theo hướng xuống dưới (Hình 1).
Chỉnh nha cũng được ứng dụng gây trồi răng tạo xương, cải thiện thẩm mỹ nụ cười. Chỉnh nha trồi răng giúp dịch chuyển toàn bộ phức hợp răng nướu và tạo xương (Hình 2).
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chỉnh nha trồi răng cũng giúp tăng bề rộng nướu sừng hóa như minh hoạ trong Hình 2. Điều này tuỳ thuộc tương quan giữa vị trí mào xương và giới hạn nướu sừng hóa. Trường hợp vị trí mào xương ổ cao hơn so với vị trí giới hạn nướu (Hình 3A), chỉnh nha sẽ giúp tăng bề rộng nướu sừng hóa (Hình 2 và Hình 4). Ngược lại, khi vị trí mào xương ổ thấp hơn so với vị trí giới hạn nướu (Hình 3B), chỉnh nha chỉ tăng tạo xương, nhưng không cải thiện bề rộng nướu sừng hóa (Hình 5). Phát hiện này của Steven Chu (2014) đã giúp ích rất nhiều trong chuyên ngành implant nha khoa. Ông đã đưa ra phân loại đặc điểm tương quan nướu – xương ổ răng để có chỉ định điều trị phù hợp.
Bên cạnh những tương tác có lợi giữa chỉnh nha và nha chu, cần lưu ý chỉnh nha có thể gây biến chứng tiêu xương, tụt nướu và làm trầm trọng bệnh nha chu. Những biến chứng nha chu xảy ra trong điều trị chỉnh nha, chủ yếu do không kiểm soát lực trong quá trình chỉnh nha. Lực chỉnh nha quá lớn gây tổn hại mô nha chu, do đó, cần lưu ý là luôn sử dụng lực nhẹ trong chỉnh nha để tránh biến chứng nha chu.
2.3. Chỉnh nha và phục hình
Chỉnh nha giúp tạo điều kiện điều trị phục hình tốt hơn. Chỉnh nha giúp sắp xếp răng đúng vị trí, làm lún răng trong những trường hợp trồi răng do mất răng đối diện lâu ngày (Hình 6). Chỉnh nha giúp dựng trục răng nghiêng bên cạnh khoảng mất răng (Hình 7), tạo khoảng phục hình răng và giảm thiểu mài nhiều mô răng ở các răng nghiêng.
2.4. Chỉnh nha và implant nha khoa
Tương quan giữa chỉnh nha và implant là tương quan hai chiều tương hỗ. Chỉnh nha hỗ trợ cho điều trị implant và ngược lại implant cũng hỗ trợ tích cực cho điều trị chỉnh nha.
Giống như trường hợp phục hình, chỉnh nha giúp tạo khoảng cho điều trị implant thuận lợi, bao gồm tạo khoảng phục hình nội hàm, đủ khoảng để phẫu thuật đặt implant; tạo khoảng phục hình liên hàm để thực hiện được phục hình trên implant tối ưu. Ngoài ra, chỉnh nha còn giúp tạo xương theo chiều cao một cách sinh lý nhất, không gây biến chứng như lựa chọn giải pháp ghép xương. Những trường hợp răng nha chu không giữ được, việc nhổ răng gây thiếu xương toàn diện theo ba chiều không gian, là thách thức lớn trong điều trị implant. Chỉnh nha làm trồi răng trong những trường hợp này giúp tạo xương để có thể phẫu thuật đặt implant dễ dàng (Hình 8). Chỉnh nha còn giúp tăng tạo nướu sừng hóa trong nhiều trường hợp, giúp điều trị implant tốt hơn mà không cần phải ghép mô liên kết nhằm tăng bề rộng nướu sừng hóa.
Implant cũng giúp hỗ trợ chỉnh nha rất lớn, với vai trò tạo neo chặn xương trong trường hợp cần neo chặn tuyệt đối (Hình 9A). Implant cũng giúp điều trị di xa, lún răng (Hình 9B) và dựng trục hiệu quả.
Nguồn: Sách Chỉnh nha lâm sàng – Từ nguyên lý đến kỹ thuật, NXB Y học Việt Nam
Leave a Reply