Tiêu chảy là một tác dụng không mong muốn mà bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng kháng sinh trong điều trị, đặc biệt là các kháng sinh phổ rộng. Tiêu chảy liên quan đến sử dụng kháng sinh có hình thái rất đa dạng, có thể chỉ là đợt tiêu chảy đơn thuần, không ảnh hưởng tổn trạng hoặc bệnh cảnh viêm đại tràng giả mạc nguy hiểm, thậm chí có thể gặp một số biến chứng nặng nề. Tác nhân gây tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh khá đa dạng, chủ yếu là do sự mất cân bằng hệ khuẩn đường ruột gây ra.
1. Định nghĩa tiêu chảy liên quan kháng sinh
Tiêu chảy không phải là bệnh mà là một triệu chứng thường gặp. Tiêu chảy không chỉ gặp trong những rối loạn ở hệ thống tiêu hóa mà còn có thể do các hệ cơ quan khác của cơ thế. Có rất nhiều định nghĩa được đưa ra để mô tả tình trạng tiêu chảy. Nhìn chung, tiêu chảy được hiểu là tình trạng tăng tần suất đi tiêu hay phân trở nên lỏng hơn bình thường. Định nghĩa được chấp nhận và sử dụng phổ biến nhất là định nghĩa tiêu chảy của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Tiêu chảy (diarrhea) là khi đi tiêu từ ba lần trở lên hoặc là phân trở nên lỏng hơn hoặc là đi phân với lượng nhiều hơn so với bình thường. Cũng theo WHO, tiêu chảy cấp là tiêu chảy xảy ra trong thời gian ít hơn 14 ngày. Tiêu chảy kéo dài (persistent diarrhea) là tiêu chảy diễn ra kéo dài trên 14 ngày nhưng dưới 30 ngày. Tiêu chảy mạn tính (chronic diarrhea) là tiêu chảy kéo dài từ 30 ngày trở lên.
Tiêu chảy có thể là một tác dụng không mong muốn mà bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng kháng sinh và có thể là kết quả của nhiều cơ chế khác nhau. Mức độ của tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh rất thay đổi, dạng thường gặp nhất thường được gọi là Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (antibiotic-associated diarrhea – AAD). Dạng này không có dấu hiệu đặc trưng gợi ý đến tác nhân gây bệnh cụ thể nào. AAD được cho là không phải do nguyên nhân nhiễm trùng, mà là do sự rối loạn của hệ vi sinh vật đường ruột.
2. Các nguyên nhân gây tiêu chảy liên quan kháng sinh
Như đã đề cập ở trên, AAD là dạng phổ biến và nhẹ nhất của các hình thái tiêu chảy mà trước đó bệnh nhân có sử dụng kháng sinh. Nguyên nhân của ADD được cho là không phải do một nhiễm trùng thực sự, thay vào đó là do sự rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột. Sự rối loạn này gây ra nhiều thay đổi liên quan đến chuyển hóa và nhu động của ruột. Ví dụ như sự rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột làm ảnh hưởng quá trình tiêu hóa của một số carbohydrate gây ra tình trạng tiêu chảy do thẩm thấu. Loạn khuẩn đường ruột có thể có thể làm giảm quá trình giải liên hợp hóa (deconjugation) của muối mật – quá trình này thường được các vi khuẩn thường trú ở đại tràng đảm nhận. Giảm quá trình giải liên hợp hóa có thể làm tăng tính thấm của thành ruột, làm cho biểu mô đại tràng tăng bài tiết dịch vào bên trong lòng ruột; có thể làm tăng cyclic adenosine monophosphate (cAMP), kích hoạt tế bào mast cùng làm tăng bài tiết điện giải, kéo theo nước vào bên trong lòng ruột.
Ngoài ra AAD còn có thể là kết quả của sự phát triển bất thường của các vi khuẩn thuộc hệ vi sinh vật đường ruột. Việc phát triển bất thường này thường đi kèm với biểu hiện các yếu tố độc lực có khả năng gây tiêu chảy.
Riêng Clostridium difficile có khả năng gây tiêu chảy với nhiều đặc điểm riêng biệt trong trường hợp có sử dụng kháng sinh trước đó. C. difficile sẽ được giới thiệu và bàn luận riêng ở các bài viết liên quan đến viêm đại tràng giả mạc trên chuyên trang VinmecDr.
Một số tác nhân thường gặp ở các bệnh nhân tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (ngoài C. difficile):
- Clostridium perfringens loại A là một vi khuẩn hình que, gram dương, có khả năng tạo nha bào và thường được tìm thấy trong đất, nước, đường tiêu hóa của người và động vật. Chủng C. perfringens loại A được phân lập ở các bệnh nhân AAD khác với chủng gây ngộ độc thực phẩm. Chủng này mang gene tổng hợp độc tố ruột ở trên plasmid, trong khi đó chủng C. perfringens gây ngộ độc thực phẩm mang gene tổng hợp độc tố ruột trên chất nhiễm sắc. C. perfringens type A có thể tổng hợp nhiều loại độc tố ruột gây tiêu chảy với các mức độ khác nhau.
- Klebsiella oxytoca là một vi khuẩn gram âm thường được tìm thấy trong đất, nước, đường tiêu hóa của người và động vật. Nó là một vi khuẩn kỵ khí tùy nghi, có nghĩa là nó có thể phát triển ở môi trường có hoặc không có oxy. K. oxytoca là thành viên của họ Enterobacteriaceae và có thể trao đổi các yếu tố gây độc. K. oxytoca cũng có thể tổng hợp nhiều loại độc tố khác nhau gây tiêu chảy.
- Một số trường hợp tiêu chảy liên quan đến kháng sinh phân lập được Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng)
AAD xảy ra trong khoảng từ 2% đến 25% các trường hợp điều trị kháng sinh, nhưng tần suất này thay đổi tùy thuộc vào loại kháng sinh được sử dụng. Ví dụ, phổ biến hơn trong quá trình điều trị ampicilin (5% đến 10%), amoxicilin-clavulanate (10% đến 25%) hoặc cefixim (15% đến 20%) và ít phổ biến hơn trong quá trình điều trị fluoroquinolon (1% đến 2%) hoặc trimethoprim-sulfamethoxazol (<1%). Ngoài ra tần suất AAD còn bị ảnh hưởng bởi thời lượng sử dụng kháng sinh.
Leave a Reply