Bài viết này sẽ tập trung vào các vấn đề lực tác động lên răng khi mang khí cụ mặt phẳng nghiêng, cách thức thực hiện, theo dõi bệnh nhân điều trị loại phục hình này và đồng thời chỉ ra một số ưu vào nhược điểm của dạng khí cụ mặt phẳng nghiêng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
1. Lực tác động lên răng khi mang khí cụ mặt phẳng nghiêng
Khi mang mặt phẳng nghiêng sẽ có hai hệ thống lực và phản lực tác động lên răng cửa trên và cả răng cửa dưới. Răng cửa trên sẽ bị lún và bị đẩy ra ngoài trong khi răng cửa dưới cũng bị lún và đẩy vào trong. Tùy theo góc độ nghiêng của mặt phẳng nghiêng, cường độ lực làm lún răng và lực đẩy răng trên ra ngoài hoặc đẩy răng dưới vào trong sẽ khác nhau. Ví dụ xét lực tác động lên răng cửa trên: Nếu góc nghiêng 45°, cường độ lực làm lún răng cửa trên và lực đẩy răng ra ngoài tương đương nhau. Nếu góc nghiêng > 45°, cường độ lực làm lún răng < lực đẩy răng ra ngoài.
Ngược lại, nếu góc nghiêng < 45%, cường độ lực làm lún răng > lực đẩy răng ra ngoài. Tương tự như vậy đối với răng dưới. Như vậy, mặt phẳng nghiêng càng dốc, lực đẩy răng cửa trên ra trước càng lớn nhưng vẫn có lực làm lún răng cửa. Điều lưu ý là khi mang mặt phẳng nghiêng sẽ có khuynh hướng làm trồi các răng cối, làm mở khớp cắn. Do vậy, trong trường hợp độ cắn phủ ít cần cẩn thận khi sử dụng mặt phẳng nghiêng. Chống chỉ định sử dụng mặt phẳng nghiêng ở những bệnh nhân có khuynh hướng cắn hở.
Trong trường hợp răng cắn chéo có độ cắn phủ lớn, mặt phẳng nghiêng cơ bản giúp mở khớp cắn để răng cắn chéo có thể dễ dàng nhảy khớp ra ngoài. Trong trường hợp các răng cắn chéo có độ cắn phủ ít, sử dụng mặt phẳng nghiêng theo Oppenheim an toàn hơn vì nhờ nền nhựa phủ các răng sau nên hạn chế các răng sau trồi quá mức gây mở khớp cắn. Trường hợp răng cắn chéo không có độ cắn phủ thì chống chỉ định sử dụng mặt phẳng nghiêng.
2. Các bước thực hiện khí cụ mặt phẳng nghiêng
- Lấy dấu hai hàm, hàm dưới đổ thành hai mẫu. Mẫu thứ nhất là mẫu hàm làm việc dùng để làm khí cụ. Mẫu hàm thứ hai là mẫu hàm nghiên cứu chỉnh hình răng mặt.
- Trên mẫu hàm làm việc, vẽ giới hạn ngoài trong và gần xa của mặt phẳng nghiêng. Giới hạn ngoài trong ôm đến đường cổ răng phía ngoài và trong. Giới hạn gần xa có thể đến phía xa răng cửa dưới hoặc răng nanh dưới.
- Có thể đắp lẹm ở những vùng có lẹm nhiều. Thoa chất cách ly mẫu hàm.
- Làm mặt phẳng nghiêng: Có thể làm bằng nhựa nấu hoặc nhựa chỉnh hình hoặc nhựa tự cứng.
- Nếu làm bằng nhựa nấu: Làm sáp mặt phẳng nghiêng sau đó dội sáp và ép nhựa.
- Nếu làm bằng nhựa tự cứng hoặc nhựa chỉnh hình: Có thể làm phương pháp rắc bột hoặc nhồi nhựa trên mẫu hàm làm việc.
- Làm nguội và đánh bóng mặt phẳng nghiêng.
- Gắn mặt phẳng nghiêng trên lâm sàng:
- Thử mặt phẳng nghiêng trên miệng bệnh nhân xem thử mặt phẳng nghiêng có thật khít sát các răng cửa dưới, đường giới hạn có ép lên nướu hoặc hở cổ răng không? Chỉ có răng cắn chéo chạm mặt phẳng nghiêng ở các tư thế. Và cũng cần chắc chắn mặt phẳng nghiêng chỉ tiếp xúc với răng cắn chéo chứ không tiếp xúc với niêm mạc khẩu cái. Khi hai hàm cắn lại các răng sau hở khớp không quá 4-5mm. Khớp cắn hở nhẹ so với tư thế nghỉ sinh lý.
- Nếu hở khớp quá nhiều sẽ gây mỏi cơ.
- Nếu có mài chỉnh mặt phẳng nghiêng, cần đánh bóng lại khí cụ trước khi gắn trên miệng bệnh nhân.
- Gắn mặt phẳng nghiêng bằng cement phosphate kẽm hoặc cement polycarboxylate
3. Theo dõi bệnh nhân
Hướng dẫn bệnh nhân ăn thức ăn mềm hoặc lỏng trong thời gian mang khí cụ.
Mặt phẳng nghiêng dù phác họa theo bất kỳ loại nào phải được mang liên tục trong miệng. Nếu khí cụ được tháo ra khi ăn nhai, lực sẽ đẩy các răng cắn chéo trở về vị trí ban đầu. Nếu răng cắn chéo cứ bị đẩy ra trước rồi lui sau, lặp đi lặp lại nhiều lần, như vậy sẽ làm tổn thương răng và mô nha chu và có thể làm lung lay răng. Cũng giống như các khí cụ chỉnh hình khác, trẻ sẽ thích nghi với khí cụ sau 2-3 ngày.
Khi mang khí cụ vào, nhờ tác động của lực chức năng khi nhai, nuốt, răng cắn chéo có thể sẽ nhảy khớp trong vài ngày. Thường răng cắn chéo sẽ nhảy khớp khoảng 7-14 ngày. Hiếm khi kéo dài quá 6 tuần.
Sau khi gắn khí cụ, nên hẹn bệnh nhân tái khám sau một tuần. Khi bệnh nhân đến tái khám, cần kiểm tra khớp cắn xem răng cắn chéo đã nhảy khớp chưa? Có thể tháo mặt phẳng nghiêng ra để kiểm tra. Có cần mài chỉnh nhựa để răng cắn chéo chạm tại một vị trí mong muốn không? Nếu răng có nhảy khớp nhưng chưa đủ, có thể cho mang thêm 1-2 tuần nhưng không để lâu quá 6 tuần vì sẽ trồi răng sau, gây hở khớp cắn sau khi tháo mặt phẳng nghiêng.
Sau khi răng cắn chéo đã nhảy khớp, nếu đạt độ gài khớp tốt (độ cắn phủ sau khi nhảy khớp) có thể không cần mang khí cụ duy trì. Nếu không, phải cho trẻ mang khí cụ Hawley duy trì để tránh khuynh hướng di chuyển ra trước của hàm dưới gây tái phát.
- Ưu điểm
- Khí cụ đơn giản, dễ thực hiện.
- Chi phí thấp.
- Có thể giúp răng cắn chéo nhảy khớp nhanh nếu chỉ định đúng.
- Ít tái phát nếu đạt độ gài khớp tốt hoặc mang khí cụ duy trì trong vài tháng. Chỉ tác động lên vài răng chứ không tác động lên toàn bộ hai cung hàm.
- Khuyết điểm
- Bệnh nhân cần tuân thủ theo chế độ ăn lỏng.
- Có thể ảnh hưởng đến vấn đề phát âm.
- Có khuynh hướng tạo khớp cắn hở (nếu mang khí cụ quá lâu hoặc chỉ định không đúng).
- Khí cụ có thể lỏng lẻo và rớt ra nếu bệnh nhân nhai quá mạnh hoặc ăn thức ăn cứng.
- Sau khi tháo khí cụ, cần có một thời gian để các răng tự điều chỉnh để gài khớp tốt.
Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp – Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
Leave a Reply