Các dạng khí cụ lò xo thường sử dụng trong chỉnh hình tháo lắp.

Bài viết này tập trung chủ yếu vào các dạng khí cụ lò xo thường sử dụng trong quá trình chỉnh hình tháo lắp. Các loại đó bao gồm lò xo ngón tay, lò xo Z và lò xo di xa răng nanh lệch ngoài. Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.

1. Dạng khí cụ lò xo – Lò xo ngón tay

Còn gọi là lò xo kim băng, lò xo kẽ răng, lò xo di gần hoặc di xa răng.

Mô tả

Lò xo gồm 3 thành phần: tay, bụng, và chân (Hình 1, 2).

dang-khi-cu-1
Hình 1: (A) Nguyên tắc kim băng khi bụng lò xo đặt ngược chiều di chuyển răng (a) lực tác động mạnh hơn (b), (B) Các bước bẻ lò xo ngón tay a: cánh tay, b: bụng, c: chân.
dang-khi-cu-2
Hình 2: (A) Lò xo ngón tay khi bẻ và (B) khi tác động lực (C) Bụng lò xo nằm trên trục dài của rằng và thẳng góc với hướng di chuyển.
  • Đường kính dây bẻ lò xo là 0,6 – 0,7 mm Tay nằm trên trục dài của răng.
  • Bụng là vòng tròn đường kính 2-3mm, cách cổ răng 4 – 5mm. Có thể bẻ một vòng hoặc nhiều vòng tròn để tăng độ dẻo của lò xo.
  • Bụng lò xo nên đặt ngược hướng di chuyển răng, theo nguyên tắc kim băng: khi mở bung ra sẽ tác động lực mạnh hơn là đặt bụng ở chiều ngược lại. Phần tay và bụng lò xo không được chạm niêm mạc vì sẽ gây loét niêm mạc khi mang khí cụ trong miệng.
  • Chân lò xo được bẻ gấp khúc hoặc bẻ zíc zắc tạo lưu và chôn trong nền nhựa. Chân lò xo thường hở cách niêm mạc 0,5-1mm.
  • Tay, chân. bụng lò xo thường nằm trên một đường thẳng.

Cách bẻ: Đoạn dây khoảng 15mm, bắt đầu bằng cánh tay. Sau đó bẻ phần vòng tròn bụng. Cuối cùng là phần chân lò xo được được bẻ lưu trong nhựa.

Công dụng.

dang-khi-cu-3
Hình 3: (A) Lò xo ngón tay di ngoài răng cối lớn (B) Lò xo ngón tay di trong răng cối lớn.

 

dang-khi-cu-4
Hình 4: Lò xo ngón tay di xa răng cối (A) Nhìn từ phía trong, (B) Nhìn từ mặt nhai.
  • Lò xo ngón tay thường dùng di răng trước theo chiều gần xa.
  • Một số trường hợp đặc biệt có thể dùng di răng theo chiều ngoài trong: như các răng sau bị cắn chéo. Trường hợp này thường phần bụng được bẻ thêm nhiều vòng và có trục bằng dây lớn để nâng đỡ lò xo. Ngoài ra, lò xo ngón tay còn có thể dùng để di gần hoặc di xa răng cối.
  • Thuận lợi của lò xo ngón tay là trẻ nhỏ có thể tự đeo khí cụ được dễ dàng và dùng ngón tay ép vào lò xo lúc gắn khí cụ, tạo lực tác động vào răng. Lò xo tác động trong thời gian 1 tháng mới cần thiết phải tăng lực lại.

2. Lò xo Z

Mô tả

Là dạng lò xo được sử dụng cho các răng trước (răng cửa trên, răng cửa dưới, răng nanh hàm trên và hàm dưới). Lò xo có hình dạng chữ Z với chiều ngang bằng chiều rộng của răng đặt lò xo. Một cạnh của chữ Z nằm tựa vào mặt trong của răng. Các cạnh còn lại của chữ Z không tựa sát niêm mạc để tránh gây loét. Để tăng độ dẻo của lò xo, ta có thể bẻ thêm các vòng tròn bụng ở phía gần và xa của chữ Z.

dang-khi-cu-5
Hình 5: (A) Lò xo chữ Z đẩy một răng cửa giữa ra trước (B) Lò xo chữ Z đẩy hai răng cửa giữa ra trước.

 

Hình 6: Các dạng thường dùng của lò xo Z: hình Z, một bụng, hai bụng.

Phần chân lò xo hở cách niêm mạc 0,5- 1mm và được phủ hoàn toàn trong nền nhựa. Đôi khi lò xo chữ Z có thể di 2 răng cùng lúc, lúc này chiều ngang của chữ Z sẽ bằng chiều rộng của 2 răng muốn di chuyển.

Một số dạng lò xo khác:

Hình 7: (A) Lò xo Z tiếp xúc sát mặt xa răng để ngăn răng di xa lúc đẩy ra trước, (B) Lò xo đóng hình Z đẩy nhóm răng cửa ra trước, (C) Lò xo đóng được bọc nhựa dùng di răng cửa ra trước.

Trong miệng có thể đắp thêm phần tựa bằng nhựa composite ở răng cần di chuyển sẽ giúp lò xo tựa vào răng thăng bằng hơn.

Hình 8: Lò xo và nút composite.

Cách bẻ lò xo chữ Z

Hình 9: Các bước bẻ lò xo chữ Z.
  • Đường kính dây 0,5 – 0,6mm.
  • Đo chiều ngang của răng muốn đặt lò xo để bẻ đoạn ngang của chữ Z.
  • Phần bụng của lò xo chữ Z thường được bẻ nhỏ hơn bụng của lò xo ngón tay một chút Ø 1-1,5 mm. Tiếp tục bẻ thêm phần ngang thứ hai của chữ Z và phần bụng còn lại. Thêm một phần ngang thứ ba để tạo thành chữ Z.
  • Cuối cùng bẻ chân lò xo có phần lưu trong nhựa.

Lò xo Z có thể đặt phần tác động nằm trên hoặc dưới nền nhựa tùy chọn.

Hình 10: (A) Lò xo Z đẩy răng cửa bên trái ra trước, nằm dưới tấm nền (B) Lò xo Z đẩy nhóm răng cửa ra trước nằm ngoài tấm nền.

Công dụng

  • Di răng cửa, răng nanh ra trước trong trường hợp cắn chéo, cắn đối đầu.
  • Điều trị xoay cạnh:
    • Khi tăng lực lò xo không nên quá 1mm. Nếu tăng lực phần bụng đầu tiên, đầu tự do của lò xo di ra trước. Nếu tăng lực thêm phần bụng thứ hai toàn bộ lò xo di ra trước. Phần đầu tự do của lò xo có lực mạnh nhất nên thường đặt ở phía cạnh bên cần di chuyển nhiều hơn (Hình 11).
Hình 11: Tăng lực lò xo Z: (a,b): điều trị xoay răng, (c,d): đẩy răng ra trước/phía hành lang.

3. Lò xo di xa răng nanh lệch ngoài

Mô tả

Hình 12: Lò xo di xa răng nanh trên lệch ngoài (A) nhìn từ mặt ngoài (B) nhìn từ mặt nhai.

 

Hình 13: (A) Lò xo nên đặt hơi ra trước để có lực tác động cho rằng di ra sau và (B) Lò xo đặt lùi ra sau và phần đầu tác động đặt ở triền gần của răng làm răng trồi xuống, ít có tác động di xa.
  • Lò xo gồm có 2 cánh tay được tạo thành hình V nằm ở đáy hành lang, giữa mặt xa răng nanh và mặt gần răng cối nhỏ, thông thường là răng cối nhỏ thứ hai.
  • Phần đầu tự do của lò xo được bẻ thẳng góc và đặt chính xác vào mặt bên gần răng. Nếu răng nanh quá khít sát răng cửa bên, phần đầu của lò xo sẽ được mài dẹp để dễ dàng đưa vào vùng kế hai răng.
  • Bụng lò xo được đặt ở khoảng giữa của hai cánh tay theo chiều gần xa, hoặc hơi ra trước một chút. Nếu lò xo đặt quá lùi về phía sau, di chuyển của đầu tự do lò xo có khuynh hướng đi xuống hơn là di ra sau. Vì vậy, trường hợp răng nanh quá cao ở đáy hành lang cần chú ý cánh tay phía gần của lò xo phải ngắn và bụng lò xo không đặt lùi ra sau quá.
  • Đầu tác động của lò xo nên đặt ngay hoặc trên điểm tiếp xúc của răng. Nếu đặt bên dưới điểm tiếp xúc, lò xo dễ trượt xuống triền gần của răng nanh và trở nên vô hiệu.

Cách bẻ

  • Đường kính dây 0,7mm.
  • Cánh tay hở niêm mạc mặt ngoài răng nanh 0,5-1mm, cũng không đưa hở ra mặt ngoài nướu nhiều sẽ gây loét niêm mạc môi.
  • Bụng lò xo có đường kính 2 – 3mm, nằm gần đáy hành lang và không được sát niêm mạc.
  • Phần nối giữa cánh tay phía xa và chân lò xo được bẻ ôm sát mặt gần của răng cối nhỏ như một cây chặn ngăn răng cối nhỏ không di gần.
  • Chân lò xo được bẻ hở niêm mạc 0,5 – 1mm và sẽ được phủ trong nhựa hoàn toàn.

Một số dạng lò xo di răng nanh lệch ngoài ít thông dụng khác (Hình 14).

Hình 15: Biến thể của lò xo di xa răng nanh lệch ngoài.

Công dụng

  • Lò xo này chủ yếu di xa răng nanh lệch ngoài vào trong và xuống dưới. Trường hợp răng nanh nằm cao ở đáy hành lang và nằm phủ lên mặt ngoài của răng cửa bên, không thể dùng lò xo ngón tay phía khẩu cái để di răng được vì lò xo không thể gài vào tiếp điểm phía gần của răng nanh. Vì vậy bắt buộc đặt lò xo ở đáy hành lang.
  • Di gần răng nanh ít chỉ định hơn.
  • Khi tác động, lò xo phải đặt chính xác ngay trên tiếp điểm của răng nanh và tách động căng lò xo không quá 2-2,5mm.
  • Độ di chuyển của lò xo này thường rất hạn chế, trung bình di răng được khoảng 1/3 chiều gần xa của răng.
  • Lò xo này gây vướng cộm phía má nhiều nên đối với răng nanh bị lệch ngoài, sau khi dùng lò xo một thời gian, nên đổi lò xo và răng được di tiếp tục bằng lò xo ngón tay.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *