Bài viết này đề cập đến kỹ thuật lấy dấu sáp cắn và quá trình thiết lập khớp cắn trong trường hợp sai khớp cắn hạng II Angle, đồng thời đề cập những lưu ý cần quan tâm trên lâm sàng. Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
1. Kỹ thuật lấy dấu sáp cắn
- Chuẩn bị vành sáp cắn hình móng ngựa có hình dạng và kích thước tương ứng với cung răng và dày hơn sáp khớp cắn dự định từ 2-4mm. Vành sáp có thể làm cho cung răng hàm trên hay hàm dưới. Trong sai khớp cắn hạng II, vành sáp thường đặt lên hàm dưới (Hình 1). Trường hợp sai khớp cắn hạng III, vành sáp thường được đặt lên hàm trên.
- Trước khi lấy dấu cắn sáp, bệnh nhân nên ngồi với đầu, lưng thẳng và thư giãn. Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân từ từ đưa hàm dưới về phía trước đến trí đã xác định nhưng không dùng lực để đẩy hàm dưới bệnh nhân. Ngón tay cái và ngón tay trỏ của bác sĩ giữ nhẹ cằm bệnh nhân và lặp lại động tác từ 3-4 lần. Sau đó, bệnh nhân tự lặp lại động tác và giữ hàm dưới về phía trước.
- Khi chắc chắn là bệnh nhân có thể lập lại đúng động tác, bác sĩ đặt vành sáp đã làm mềm vào miệng bệnh nhân. Trong khi bệnh nhân đóng hàm dưới, bác sĩ kiểm soát tương quan răng cửa và đường giữa. Cắt vành sáp ở phía môi của răng cửa giữa để có thể quan sát được đường giữa và tương quan vùng răng cửa.
- Lấy vành sáp nhẹ nhàng ra khỏi miệng bệnh nhân và kiểm tra lại vành sáp trên mẫu hàm hàm trên và hàm dưới (Hình 2, 3). Khi vành sáp nằm vừa vặn trên mẫu hàm, dùng kéo cắt bờ sáp để có thể quan sát và chắc chắn là các múi răng đều chạm sát vành sáp. Làm lạnh vành sáp cắn và đặt lên miệng bệnh nhân để kiểm tra một lần nữa.
- Dấu cắn thiết lập nên thực hiện sau khi có kế hoạch điều trị và luôn được thực hiện trên miệng bệnh nhân chứ không làm trên mẫu hàm.
Sáp cắn thực hiện trên mẫu hàm có những nhược điểm sau:
- Sáp cắn có thể không cân xứng.
- Không ghi lại tương quan chính xác của hai hàm, do đó, khí cụ không vừa vặn trên miệng bệnh nhân làm bệnh nhân không thoải mái và khó chịu khi ngủ.
2. Thiết lập khớp cắn trong sai khớp cắn loại II bằng khí cụ Activator
Thiết lập khớp cắn với hàm dưới đưa về trước nhiều và độ mở hàm nhỏ
Để thiết lập khớp cắn cho việc điều trị, hàm dưới được đưa về trước để đạt tương quan răng cửa đối đầu. Ở trường hợp sai khớp cắn hạng II có hàm dưới lùi do chức năng, hàm dưới phải từ tư thế nghỉ lùi về sau để đạt khớp cắn thói quen (tư thế lồng múi tối đa). Khi lấy dấu cắn sáp, hàm dưới nên được đưa về trước nhiều hơn so với trường hợp sai khớp cắn hạng II thực sự với đường đóng hàm bình thường. Hàm dưới nên được mở trong khoảng nghỉ tự do. Khí cụ activator với hàm dưới đưa về trước và có độ mở hàm nhỏ được gọi là activator H (horizontal activator) (Hình 4, 5).
Với loại khí cụ activator H này, hàm dưới có thể đưa về trước mà các răng cửa dưới không bị nghiêng về phía môi. Các răng cửa hàm trên có thể dựng đứng hơn. Tuy nhiên, xương nền hàm trên không bị ảnh hưởng nhiều. Khí cụ activator H hiệu quả nhất khi mục tiêu điều trị chính là thay đổi tương quan theo chiều trước – sau của hàm dưới. Chỉ định của khí cụ activator H là sai khớp cắn hạng II chi 1 với độ cắn chìa lớn.
Sai khớp cắn hạng II chi 1 với hàm dưới kém phát triển và hướng phát triển xương hàm dưới theo chiều ra trước cũng là một chỉ định cho activator H. Nên dựng các răng cửa trên và các răng cửa dưới bị nghiêng về phía môi bằng một loại khí cụ khác trước khi dùng activator. Tuy nhiên, có thể thực hiện đồng thời việc điều trị đưa hàm dưới về trước và dựng các răng cửa dưới bằng khí cụ activator.
Thiết lập khớp cắn với độ mở hàm lớn và hàm dưới ít đưa về trước
Khi thiết lập khớp cắn với độ mở hàm lớn thì hàm dưới chỉ nên đưa về trước 3-5mm so với vị trí khớp cắn thói quen. Tùy vào khoảng tự do (freeway space), độ mở hàm theo chiều đứng là 4-6mm hay lớn hơn khoảng tự do nhiều nhất là 4mm. Khí cụ activator với độ mở hàm dưới lớn và hàm dưới ít đưa về trước được gọi là activator V (vertical activator) và thường được chỉ định cho sai khớp cắn hạng II với hàm dưới tăng trưởng theo chiều đứng. (Hình 6).
Độ mở hàm lớn cho phép phản xạ cơ vẫn hoạt động ngay khi các cơ thư dãn hơn – ví dụ lúc bệnh nhân đang ngủ. Khớp cắn mở ra nhiều có thể ảnh hưởng đến độ nghiêng của xương hàm trên
Sai khớp cắn hạng II chi 1 với hàm dưới tăng trưởng theo chiều xuống dưới khó có thể cải thiện chiều trước – sau bằng việc đưa hàm dưới về trước. Hoặc hàm dưới có thể đưa về trước nhưng có khả năng gây ra khớp cắn hai thì (dual bite). Mục đích điều trị bằng khí cụ activator trong trường hợp này là chỉ đưa hàm dưới về trước rất ít và tạo đáp ứng của hàm trên đối với cung răng dưới. Xương hàm trên sẽ lùi sau một phần và sự bù trừ răng – xương ổ răng hổ trợ thêm vào giúp đạt được mục đích trên. Khí cụ activator hướng dẫn các răng sau hàm dưới mọc lên, các răng cửa trên nghiêng về phía lưỡi, các răng cửa dưới nghiêng về phía môi nhưng khí cụ ngăn cản không cho các răng sau hàm trên mọc.
Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp – Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
Leave a Reply