Mục tiêu của điều trị sai khớp cắn hạng III là đẩy lùi hàm dưới hoặc răng dưới hoặc/và kéo hàm trên hoặc răng trên ra trước. Vì vậy, khi thiết lập dấu cắn sáp của khí cụ activator III, hàm dưới bị đẩy lùi sau và hơi mở theo chiều đứng. Mức độ đẩy lùi sau của hàm dưới tùy thuộc vào khả năng lui sau của hàm dưới ở mỗi bệnh nhân. Cùng tìm hiểu quá trình lấy dấu cắn và làm khí cụ Activator III trên thực tế lâm sàng.
1. Lấy dấu cắn đối với khí cụ Activator III
Nguyên tắc:
Mục tiêu của điều trị sai khớp cắn hạng III là đẩy lùi hàm dưới hoặc răng dưới hoặc/và kéo hàm trên hoặc răng trên ra trước. Vì vậy, khi thiết lập dấu cắn sáp của khí cụ activator III, hàm dưới bị đẩy lùi sau và hơi mở theo chiều đứng. Mức độ đẩy lùi sau của hàm dưới tùy thuộc vào khả năng lui sau của hàm dưới ở mỗi bệnh nhân. Độ mở của hàm dưới khi thiết lập dấu cắn sáp tùy thuộc mức độ giải phóng khớp cắn vùng răng cửa cũng như tùy thuộc các dạng sai hình khớp cắn hạng III.
- Hạng III chức năng:
- Những trường hợp sai khớp cắn hạng III do răng hoặc do trượt hàm chức năng, khi lấy dấu cắn, hàm dưới được đẩy lùi tối đa. Thông thường, có thể đẩy hàm dưới về tư thế các răng cửa hàm dưới đối đầu với các răng cửa hàm trên. Lúc này các răng trước hàm trên và hàm dưới có thể chỉ cần hở 1-2mm theo chiều đứng để có thể giúp các răng này có thể nhảy khớp trong quá trình điều trị.
- Trường hợp hạng III do răng hoặc chức năng với độ cắn phủ răng cửa lớn, khi thiết lập dấu cắn hàm dưới phải được đẩy lùi và phải mở nhiều để giải phóng sự gài khớp các răng trước. Do hàm dưới phải mở nhiều nên khoảng hở khớp ở vùng răng sau khá lớn. Cần chú ý khi mài chỉnh khí cụ cũng như theo dõi diễn tiến điều trị để có những điều chỉnh thích hợp.
- Trường hợp hạng III do răng hoặc chức năng với độ cắn phủ răng cửa ít, dấu cắn thiết lập có hàm dưới lùi sau tối đa và độ mở khớp răng trước tối thiểu.
- Hạng III xương:
- Trường hợp sai khớp cắn hạng III do xương, hàm dưới thường không thể đẩy lùi sau để đạt đến vị trí răng cửa đối đầu. Lúc này hàm dưới phải hơi mở. Khi hàm dưới mở theo chiều đứng sẽ làm giảm sự chênh lệch theo chiều trước sau của hai hàm có nghĩa là giảm nhẹ sai hình theo chiều trước sau.
- Như vậy mức độ lùi sau và mức độ mở khớp hàm dưới khi thiết lập dấu cắn sáp tùy thuộc vào mức độ và dạng sai hình của bệnh nhân cũng như dự định sẽ mài chỉnh khí cụ để có thể giải quyết được các sai hình này.
Kỹ thuật lấy dấu cắn:
- Chuẩn bị vành sáp: Vành sáp được uốn theo hình dạng của cung răng, có thể theo hình dạng cung răng trên hoặc dưới tùy theo vành sáp được đặt ở hàm trên hoặc hàm dưới khi lấy dấu. Tuy nhiên cần ước lượng chiều dày và chiều rộng của vành sáp phải đủ sao cho dấu sáp sau khi thiết lập phải có độ dày mong muốn và in dấu răng đầy đủ để hai mẫu hàm có thể gài vững ổn trên dấu sáp vừa được thiết lập.
- Chuẩn bị mẫu hàm: Mẫu hàm hàm trên và hàm dưới được gọt bỏ phần thạch cao dư để có thể khớp với nhau mà không bị vướng cộm. Mẫu hàm hàm trên phải có giới hạn rõ ràng vùng ngách hành lang phía trước. (Khi lấy dấu phải lấy đủ ngách hành lang đặc biệt là vùng ngách hành lang hàm trên). Dùng viết chì đánh dấu tương quan hai hàm ở tư thế lồng múi tối đa ở phía trước, bên phải và bên trái (Hình 8.3).
Hình 8.3: Đánh dấu tương quan hai hàm trên mẫu hàm thạch cao.
- Lấy dấu cắn sáp:
- Đặt vành sáp được làm mềm lên hàm trên hoặc hàm dưới của bệnh nhân. Cho hàm dưới bệnh nhân lùi sau tối đa và hàm dưới đóng lại sao cho khớp cắn vùng răng trước không bị gài khớp. Tuy nhiên, việc thiết lập độ dày của dấu sáp cắn còn tùy thuộc mở khớp cắn mong muốn cho các loại sai hình hạng III. Khi lấy dấu cắn, nên để lộ vùng răng cửa sẽ giúp bác sĩ đánh giá hàm dưới có bị trượt hay không khi lấy dấu cắn trên lâm sàng.
- Làm nguội dấu sáp cắn và kiểm tra lại trên mẫu hàm xem thử hàm dưới có bị trượt sang bên khi lấy dấu cắn hay không (Hình 8.4).
Hình 8.4: Dấu sáp cắn đặt trên hai mẫu hàm thạch cao.
-
- Có thể kiểm tra dấu sáp một lần nữa trên miệng bệnh nhân trước khi lên giá khớp.
2. Làm khí cụ
Vô giá khớp:
Chuyển dấu sáp cắn lấy được trên miệng bệnh nhân sang labô để vô giá khớp. Tốt nhất là sử dụng giá khớp có hai càng song song nhau. Có thể sử dụng giá khớp bản lề thông thường nhưng phải kiểm tra độ rơ của giá khớp. Thỉnh thoảng có thể thấy giá khớp bản lề hơi bị dịch chuyển sau khi đã vô giá khớp hai mẫu hàm. Những trường hợp này cần làm thêm khóa thạch cao phía sau để đảm bảo độ chính xác khi làm khí cụ.
Bẻ dây:
- Hàm trên:
- Dây cung mỗi hàm trên: đường kính dây 0,8 – 0,9mm (.032 -036 inches). Dây bẻ cung mỗi hàm trên cần tránh thắng môi, hở niêm mạc ngách hành lang khoảng 1mm và chân cung môi sẽ đi vào giữa răng nanh và răng cối nhỏ thứ nhất (hoặc răng cối sữa thứ nhất) hàm trên và chôn vào nền nhựa hàm trên phần phía trước.
- Bẻ lò xo đẩy các răng cửa trên ra trước hoặc dùng ốc nới rộng đặt theo chiều trước sau để đẩy các răng cửa trên ra trước nếu cần.
- Có thể bẻ móc Adams, các lò xo di gần, di xa nếu cần.
- Hàm dưới:
- Bẻ dây cung mỗi hàm dưới chạm các răng trước, đường kính dây 0,7- 0,8mm Chân cung môi theo chiều trước sau nằm giữa kế răng nanh và răng cối nhỏ thứ nhất hàm dưới hoặc răng cối nhỏ thứ nhất và thứ hai hàm dưới.
- Bẻ hàng rào chặn lưỡi nếu cần.
Đặt ốc nới rộng: Ốc nới rộng được đặt ở hàm trên theo chiều trước sau ở khoảng vùng răng nanh và rằng cối nhỏ thứ nhất hàm trên.
Cách ly hai mẫu hàm
Ép nhựa:
- Hàm trên:
- Nền hàm trên được ép nhựa thành hai phần:
- Nền hàm phía trước: nền nhựa phủ đến mặt trong răng cửa hàm trên để đẩy các răng này ra trước. Trên phim sọ nghiêng: trục nghiêng của các răng cửa phải thích hợp để có thể đẩy các răng này ra trước.
- Nền hàm phía sau: nền nhựa phủ đến mặt trong các răng sau. Nền hàm nhựa phía trước và phía sau được tách nhau ở vị trí ốc nới rộng.
- Cần ghi nhận chiều vặn ốc nới rộng trên nền nhựa.
- Ép nhựa lip pad: Gồm hai miếng nhựa bao quanh dây cung mỗi hàm trên. Hai miếng nhựa ở khoảng vùng răng cửa hàm trên, giới hạn trên của miếng nhựa nằm sát đáy hành lang với bờ tròn, nhẵn, giống như giới hạn bờ hàm giả trong phục hình toàn hàm.
- Nền hàm trên được ép nhựa thành hai phần:
- Hàm dưới:
- Trường hợp có hàng rào chặn lưỡi, nhựa phủ mặt trong các răng sau và nền nhựa hở ở vùng răng trước.
- Trường hợp không có hàng rào chặn lưỡi, nhựa phủ mặt trong các răng trước và rằng sau.
- Trong cả hai trường hợp có hoặc không có hàng rào chặn lưỡi, vùng phía trước giữa hai hàm không được có khoảng hở tạo điều kiện cho lưỡi đẩy vào khi mang khí cụ. Đây là vấn đề cần lưu ý vì nếu không cẩn thận, chúng ta có thể gây thêm tật đẩy lưỡi hoặc làm trầm trọng thêm tật đẩy lưỡi đã có cho bệnh nhân trong và sau khi mang khí cụ.
- Nối dính hai hàm trên và dưới bằng nhựa. Lưu ý chỉ nối dính nền hàm phía sau của hàm trên với nền hàm hàm dưới.
Làm nguội, đánh bóng: Khí cụ sau khi làm nguội và đánh bóng được đặt thử lại trên hai mẫu hàm thạch cao xem có khít sát, có dễ dàng tháo ra và lắp vào. Nếu có vùng lẹm thì nên mài chỉnh trước.
Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp – Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
Leave a Reply