Khí cụ Activator có tác dụng kích thích sự di chuyển ra trước của cung răng hàm trên, kích thích sự phát triển của một phần xương nền hàm trên, đẩy lùi cung răng hàm dưới, hạn chế sự phát triển của xương hàm dưới cũng như làm xoay phần nào xương hàm dưới giúp làm giảm sự chênh lệch của sai hình hạng III. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về tiên lượng và theo dõi lâm sàng trên những bệnh nhân có sử dụng loại khí cụ này.
1. Tác dụng của khí cụ Activator III
Với dấu cắn sáp được thiết lập, khi mang khí cụ vào, hàm dưới hơi mở và lùi sau cho phép lồi cầu lùi về sau trong hố thái dương. Cung răng dưới được giữ lùi sau nhờ cung mỗi ôm mặt ngoài vùng răng trước hàm dưới, hoặc nền nhựa phủ lên bờ cắn các răng trước hàm dưới, và nền nhựa mặt trong răng trước hàm dưới được mài hở.
Do tác động co cơ của cơ chân bướm ngoài, hàm dưới bị giữ lui sau nên phản lực từ khí cụ sẽ tác động lên hàm trên đẩy hàm trên ra trước. Tuy nhiên, phần lớn tác động lên vùng hàm trên là nhờ ốc nới rộng, lip pad hoặc lò xo đặt trên các răng trước trên. Răng cửa hàm trên bị đẩy ra trước nhờ tác động của lò xo đặt phía trong các răng cửa hàm trên hoặc tác động đẩy ra trước của ốc nới rộng. Ngoài ra, với lip pad ở hàm trên, lực môi bị hạn chế tác động vào cung răng trên cho phép vùng hàm trên kém phát triển sẽ được kích thích phát triển ra trước. Do lip pad nằm sát đáy hành lang hàm trên vùng răng trước, nên sẽ làm căng niêm mạc màng xương vùng trước hàm trên, kích thích tạo xương vùng này.
Như vậy khí cụ Activator có tác dụng kích thích sự di chuyển ra trước của cung răng hàm trên, kích thích sự phát triển của một phần xương nền hàm trên, đẩy lùi cung răng hàm dưới, hạn chế sự phát triển của xương hàm dưới cũng như làm xoay phần nào xương hàm dưới giúp làm giảm sự chênh lệch của sai hình hạng III.
2. Tiên lượng điều trị
Tiên lượng tốt trong trường hợp sai khớp cắn hạng III do chức năng. Sai khớp cắn hạng III chức năng nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến sai khớp cắn hạng III xương. Vì vậy đối với sai khớp cắn hạng II do chức năng hoặc do xương đều cần điều trị sớm. Ở giai đoạn sớm thường biểu hiện xương không trầm trọng. Nếu giữ hàm dưới ở tư thế lui sau và hướng dẫn để răng cửa hàm trên mọc vào tương quan đúng sẽ kích thích hàm trên phát triển, hạn chế sự phát triển của hàm dưới.
Trường hợp hạng III do xương thật sự, tiên lượng điều trị bằng khí cụ chức năng cũng dè dặt.Tuy nhiên, nếu điều trị bằng khí cụ chức năng ở giai đoạn răng hỗn hợp sớm vẫn có thể thành công. Khí cụ chức năng giữ hàm dưới lùi sau trong khi đó đẩy răng cửa trên ra trước tạo hướng dẫn răng cửa, đồng thời cũng có tác dụng kích thích sự phát triển của xương hàm trên. Hướng dẫn răng cửa và xương hàm trên phát triển lại tác động làm hạn chế sự phát triển của xương hàm dưới.
Trong điều trị bằng khí cụ chức năng nói riêng và tháo lắp nói chung, vai trò của bệnh nhân rất quan trọng. Nếu bệnh nhân không hợp tác thì không thể nào điều trị thành công bằng loại khí cụ này.
Vai trò người bác sĩ cũng vậy, phải thuyết phục bệnh nhân sao cho bệnh nhân cảm thấy tin tưởng và hợp tác. Nên thiết kế khí cụ sao cho bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và thoải mái nhất. Mài chỉnh khí cụ sao cho bệnh nhân dễ thích nghi, điều chỉnh làm sàng sao cho tránh tái phát giúp nhảy khớp cắn nhanh nhất.
3. Theo dõi lâm sàng
- Gắn khí cụ:
- Thử cho bệnh nhân mang khí cụ vào từng hàm trên và hàm dưới và điều chỉnh khít sát với từng hàm. Sau đó cho hai hàm cắn lại và điều chỉnh sao cho khí cụ khít sát cả hai hàm.
- Thường cho bệnh nhân mang khí cụ trong khoảng 1 tuần cho thích nghi trước khi tăng lò xo hoặc ốc nới rộng hàm trên hoặc cung môi hàm dưới.
- Điều chỉnh
- Xoay ốc nới rộng: Xoay ốc nới rộng mỗi lần 90%, tương đương mỗi lần nới rộng 0,2mm, 1-2 lần mỗi tuần. Khi xoay ốc nới rộng, các răng trước hàm trên sẽ bị đẩy ra trước.
- Điều chỉnh cung môi hàm dưới: Cung môi hàm dưới được điều chỉnh chạm mặt ngoài các răng trước hàm dưới. Nền nhựa mặt trong các răng trước hàm dưới được mài hở.
- Điều chỉnh lip pad: Lúc mới gắn, nếu hình dạng lip pad giống như chuẩn mô tả, bệnh nhân sẽ khó thích nghi vì khí cụ khó gắn do bị lẹm nhiều và đau khi mang vào. Trong ngày đầu tiên nên điều chỉnh để bệnh nhân dễ gắn, không gây đau. Như vậy bệnh nhân dễ chấp nhận và thích nghi với khí cụ. Sau một thời gian mang khí cụ, chúng ta có thể đắp thêm nhựa để có lip pad có bờ tròn đều và khít sát đến đáy hành lang vùng răng trước trên.
- Mài khớp cắn vùng răng nanh sữa: Trong sai khớp cắn hạng III, thường có chạm sớm vùng răng nanh sữa gây trượt hàm dưới ra trước. Thường chạm sớm mặt gần răng nanh sữa hàm trên và mặt xa răng nanh sữa hàm dưới. Trong quá trình điều trị chúng ta nên quan sát nếu có chạm sớm vùng răng nanh sữa, cần mài chỉnh vùng chạm sớm này để tránh tái phát do trượt hàm dưới và giúp hàm dưới dễ lùi sau hơn. Việc mài chỉnh trên răng nanh sữa nên thực hiện trong nhiều lần, không nên mài một lần quá nhiều gây lộ ngà và gây đau cho bệnh nhân.
- Ưu khuyết điểm của Activator so với khí cụ cố định
- Ưu điểm:
- Chi phí thấp hơn so với khí cụ cố định điều trị sai khớp cắn hạng III. Khí cụ cố định thường dùng trong điều trị sai hình hạng III là facemask và ốc nới rộng cố định.
- Khí cụ tác động lên hệ thống mô mềm miệng: môi má lưỡi, các hệ thống cơ nâng hàm, hạ hàm và đưa hàm ra trước, gây những đáp ứng sinh lý thích nghi dần dần.
- Đối với hệ răng hỗn hợp thường hay bị sâu răng hoặc mất răng sữa hoặc răng vĩnh viễn mọc chưa đầy đủ vẫn có thể mang. Trong khi khí cụ cố định cần có một số răng vĩnh viễn mọc lên đầy đủ mới có thể gắn khâu…
- Khuyết điểm:
- Khí cụ tương đối cồng kềnh khó thích nghi vì vậy bệnh nhân cần hợp tác tốt.
- Bác sĩ cần theo dõi lâm sàng, điều chỉnh thích hợp để có thể đạt kết quả.
- Ưu điểm:
Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp – Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
Leave a Reply