Khí cụ Activator II – Các giai đoạn thực hiện khí cụ trong Labo.

Bài viết này nêu ra từng bước trong giai đoạn thực hiện khí cụ Activator II trong Labo. Bác sĩ điều trị sau đó sẽ gắn khí cụ cho bệnh nhân và mài điều chỉnh khí cụ để tạo sự di chuyển răng theo kế hoạch điều trị đã định trước. Cùng tìm hiểu từng bước trong quy trình này và tiến hành đánh giá, phân tích trong bài viết dưới đây.

1. Lên giá khớp

khi-cu-activator-II-1
Hình 1: Mẫu hàm hàm trên và hàm dưới được đặt trên dấu sáp cắn và được cột cố định.
khi-cu-activator-II-2
Hình 2: Mẫu hàm đã được lên giá khớp

Giá khớp có hai càng khớp song song nhau là loại giá khớp dễ làm việc nhất. Tuy nhiên cũng có thể dùng loại giá khớp bản lề thông thường.

Mẫu hàm hàm trên và hàm dưới được đặt nhẹ nhàng lên dấu cắn sáp đúng vị trí. Dùng dây thun cột cố định hai mẫu hàm và dấu cắn sáp. Lên giá khớp với các răng cửa hướng về phía khớp của giá khớp, mặt lưỡi cung răng hướng về phía ngoài, gọi là lên giá khớp ngược. Khi thạch cao lên giá khớp đã cứng, cần vặn chặt ốc điều chỉnh của giá khớp. Có thể dùng com-pa ghi lại kích thước dọc hai mẫu hàm và ghi lưu lại kích thước dọc này lên đế của mẫu hàm hàm dưới (Hình 3 A, B, C).

khi-cu-activator-II-3
Hình 3: Ghi lại kích thước dọc (A) phía trước, (B) phía sau (C): Ghi lại kích thước dọc trên để mẫu hàm.

2. Bẻ cung môi

khi-cu-activator-II-4
Hình 4: (A): Cung môi hàm trên (B): Cung môi hàm trên nhìn từ mặt nhai.

Có thể lấy hai mẫu hàm ra khỏi giá khớp để dễ bẻ cung môi. Trường hợp dùng giá khớp bản lề thông thường, có thể gỡ càng khớp cùng với mẫu hàm hàm trên ra khỏi giá khớp. Thông thường chỉ bẻ cung mỗi hàm trên. Cung mỗi hàm trên gồm có các phần:

  • Phần cung môi tiếp xúc với các răng trước: cung môi tiếp xúc và đi ngang 1/3 giữa mặt ngoài các răng cửa.
  • Cung bù trừ hình chữ U: bắt đầu ở góc ngoài gần hoặc 2 mặt ngoài của răng nanh và kết thúc ở phía xa của răng nanh.
  • Chân cung môi: đi ngang giữa răng nanh và răng cối nhỏ thứ nhất nhưng không chạm các răng này. Chân cung môi đi ngang giữa cung răng hàm trên và cung răng hàm dưới.
  • Phần cuối chân cung môi được uốn cong để lưu trong nền nhựa. Chân cung môi không được đi quá gần với niêm mạc khẩu cái vì trong quá trình điều trị, nền nhựa hàm trên ở vùng gần chân cung môi sẽ được mài đi, mũi mài nhựa có thể chạm và làm hỏng chân cung môi khi cung môi đặt gần niêm mạc khẩu cái. Cung môi thường làm bằng dây thép không gỉ có đường kính 0,9mm. Có thể dùng dây thép có đường kính 0,8mm khi cần cung môi có tính đàn hồi để di chuyển răng.

3. Làm sáp

Khi khí cụ activator được làm bằng nhựa nấu, mẫu sáp khí cụ phải được thực hiện trước. Giai đoạn làm mẫu sáp gồm các bước sau:

  • Làm sáp nền hàm trên và sáp nền hàm dưới.
  • Gắn cung môi vào nền hàm trên.
  • Đặt hai mẫu hàm hàm trên và hàm dưới vào giá khớp. Nối hai nền sáp hàm trên và nền sáp hàm dưới lại với nhau trên giá khớp.
  • Làm nhẵn và làm láng mẫu sáp.

Có hai cách để chuyển mẫu khí cụ bằng sáp thành nhựa:

  • Cách 1: Mẫu sáp được dán chặt vào mẫu hàm làm việc. Sau đó, mẫu hàm và mẫu sáp được vô khuôn, ép nhựa. Cách 2: Mẫu sáp được lấy ra khỏi mẫu hàm làm việc. Sau đó, chỉ có mẫu sáp được vô khuôn, ép nhựa.
  • Cách 2 là cách đơn giản hơn nhưng cần phải làm sáp chính xác những phần tiếp xúc với bề mặt các răng và bờ nướu. Mẫu sáp cần được cẩn thận lấy ra khỏi giá khớp và cả trong giai đoạn vô khuôn để tránh bị biến dạng. Trong giai đoạn làm nền sáp hàm trên và hàm dưới, cần phải làm mềm sáp đủ để lấy được dấu của các khoảng tiếp cận ở mặt lưỡi cung răng.

Nên làm ướt mẫu hàm làm việc bằng nước ấm nhưng không nên ngâm mẫu hàm trong nước quá lâu đến nỗi nước vẫn còn đọng trên mẫu hàm sau khi lấy mẫu hàm ra khỏi nước được một lúc. Việc làm ướt và làm ấm mẫu hàm nhằm hai mục đích: thứ nhất là sáp mềm sẽ không dính vào mẫu hàm ẩm, thứ hai là mẫu hàm ấm sẽ không làm nguội đi miếng sáp mềm đã được làm nóng và sáp có thể chui sát vào khoảng tiếp cận giữa hai răng. Để miếng sáp được khít sát bề mặt răng và nướu kế cận, nên dùng sáp cuộn có đường kính khoảng 1cm với phần lõi hơi mềm và phần bên ngoài thật mềm (Hình 5).

khi-cu-activator-II-5
Hình 5: Cuộn sáp mềm đặt ngay dưới mặt nhai các răng.

Cuộn sáp mềm được uốn cong và áp sát vào mặt trong cung hàm, ngay bên dưới phần nướu viền. Dùng tay ấn sáp vào răng, các khoảng tiếp cận và lên mặt nhai. Cần làm thật nhanh từ bên này cung răng sang bên kia cung răng. Chú ý cẩn thận ở vùng răng cửa. Nên để ngón tay trỏ tựa vào mặt ngoài các răng cửa để nâng đỡ răng, sáp vừa đủ mềm và lực ấn vào cuộn sáp vừa đủ để tránh gãy răng cửa.

Ở hàm dưới, sáp phủ một lớp mỏng lên bờ cắn các răng trước (Hình 6).

khi-cu-activator-II-6
Hình 6: Làm sáp nền hàm dưới, bờ cắn răng cửa dưới được phủ một lớp sáp mỏng.

Điều quan trọng là tránh phủ một lớp sáp dày, cứng lên các răng cửa hàm dưới trong giai đoạn này vì các răng cửa có thể bị gãy khi đặt lớp sáp nền kế tiếp. Khi sáp đã được áp sát vào răng và bờ nướu, phần sáp cuộn còn lại được trải ra để làm phần nền khí cụ. Ở hàm trên, sáp được trải về phía khẩu cái (Hình 7).

khi-cu-activator-II-7
Hình 7: Sáp được ấn sát vào khoảng tiếp cận giữa các răng và trải về phía khẩu cái.

Hai phần sáp hai bên khẩu cái được nối với nhau ở đường giữa bằng dao sáp hơ nóng. Tránh kéo sáp rời khỏi răng trong giai đoạn này. Phần sáp dư được cạo đi để tạo độ dày nền sáp đều đặn, sau đó thổi láng bằng đèn. Ở hàm dưới, cuộn sáp thường đủ để hoàn tất nền hàm bằng cách trải sáp về phía sàn miệng.

4. Gắn cung mỗi

Thử cung môi để tìm vị trí chính xác của chân cung môi trên nền sáp. Dùng dao sáp nóng làm mềm sáp ở vị trí đó và đặt cung mỗi vào đúng vị trí. Dùng vòi xịt hơi thổi nhẹ để làm nguội sáp. Như vậy chân cung môi nằm hoàn toàn trong nền sáp (Hình 8).

khi-cu-activator-II-8
Hình 8: Cung môi được đặt đúng vị trí trên nền sáp.

Phương pháp hơ nóng chân cung môi rồi ấn vào nền sáp thường không chính xác vì khó hơ nóng chân cung môi đến nhiệt độ để có đủ thời gian làm chảy sáp nền và đặt cung môi ở vị trí chính xác.

5. Nối hai nền sáp hàm trên và hàm dưới với nhau

Đặt các mẫu hàm lên giá khớp lại và đóng giá khớp lại đúng vị trí. Cần kiểm tra mặt nhai của hai nền hàm sáp bảo đảm là chúng không chạm nhau mà phải cách nhau tối thiểu 1mm. Nếu hai nền sáp chạm nhau, khi ấn sáp vào vùng nối hai hàm trên và dưới có thể làm gãy răng bên dưới, nhất là răng cửa.

Dùng đèn thổi cẩn thận lên mặt nhai của hai nền sáp, sau đó đặt một cuộn sáp hơ nóng thật mềm lên mặt nhai và đóng giá khớp lại. Cần kiểm tra kích thước dọc hai mẫu hàm hàm trên và mẫu hàm hàm dưới, đã được ghi lại ở đế mẫu hàm dưới là đúng, không được cao hơn hay thấp hơn. Đối với giá khớp bản lề, cần kiểm tra ốc khóa phải chạm vào càng khớp hàm trên.

Hoàn tất mẫu sáp khí cụ bằng cách làm láng vùng nối giữa nền sáp hàm trên và nền sáp hàm dưới, sáp ở vùng răng cửa và sáp ở mặt lưỡi. Sau đó, mẫu sáp được làm lạnh trong nước lạnh hoặc nước đá tan chảy (Hình 9A, B).

Hình 9: Mẫu sáp khí cụ đã hoàn tất (A) nhìn từ phía bên, (B) nhìn từ phía lưỡi.

Nếu dùng giá khớp có hai càng song song, có thể lấy lấy hai mẫu hàm cùng với mẫu sáp ra khỏi giá khớp. Sau đó, cẩn thận gỡ từng mẫu hàm ra khỏi mẫu sáp. Dùng dao gọt tỉa sáp ở phần mặt nhai của mẫu sáp còn 2 chiều rộng của các răng sau. Bờ của nền sáp hàm dưới cũng được cắt đến đúng chiều sâu và làm nhẵn. Đặt mẫu hàm lên lại giá khớp có hai càng song song nhau, chắc chắn là không có điểm cộm khớp cắn nào xuất hiện sau khi mẫu sáp được cắt tỉa.
Nếu dùng giá khớp bản lề, không thể lấy mẫu sáp ra khỏi mẫu hàm được. Do đó chỉ có thể vô múp cả hai mẫu hàm cùng với mẫu sáp khí cụ.

6. Vô khuôn, ép nhựa, hoàn tất

Mẫu sáp khí cụ được vô khuôn với phần mặt lưỡi của khí cụ hướng lên trên (Hình 10).

Hình 10: Mẫu sáp khí cụ được vô khuôn với phía lưỡi hướng lên trên.

Dùng cọ quét thạch cao lên phần sáp tiếp xúc với răng để tránh bọt khí trong quá trình vô khuôn. Nếu mẫu sáp được làm ướt bằng dung dịch cetavlon 2% thì sẽ làm giảm sức căng bề mặt, do đó tránh tạo các bọt khí ở khe nướu. Thoa chất cách ly lên thạch cao của phần khuôn dưới và đổ thạch cao lên phần khuôn trên. Khi thạch cao đông cứng, khuôn được làm nóng lên và hai nửa khuôn được tách rời ra. Dội sạch sáp. Ép nhựa nấu theo quy trình thông thường.

Sau đó, khí cụ được lấy ra, làm sạch. Mài bỏ phần nhựa dư ở bờ sau hàm trên, bờ dưới hàm dưới. Khí cụ được làm nhẵn và đánh bóng để có hình dạng như lúc chưa vô khuôn (Hình 11).

Hình 11: Khí cụ đã hoàn tất.

Đặt khí cụ lên mẫu hàm trên giá khớp và kiểm tra kích thước dọc. Khí cụ phải khít sát với hàm dưới được đưa ra trước theo dấu sáp cắn (Hình 12).

Hình 12: Đặt khí cụ lên mẫu hàm trên giá khớp để kiểm tra độ khít sát.

Khí cụ được chuyển đến bác sĩ điều trị. Bác sĩ điều trị sẽ gắn khí cụ cho bệnh nhân và mài điều chỉnh khí cụ để tạo sự di chuyển răng theo kế hoạch điều trị đã định trước.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *