Tổng quan đặc điểm tấm nền – Khí cụ tháo lắp di chuyển răng.

Bài viết này phân tích tổng quan đặc điểm tấm nền hàm trong nhóm khí cụ tháo lắp di chuyển răng, như độ dày lý tưởng trong quá trình phác hoạ nền hàm, thành phần nhựa làm nền hàm và đánh giá cấu tạo của các loại nền đặc biệt. Cùng tìm hiểu.

1. Đại cương về tấm nền (nền hàm) trong khí cụ tháo lắp di chuyển răng

Tấm nền tựa vào mô mềm khẩu cái hàm trên hoặc mô mềm mặt lưỡi hàm dưới và mặt trong của các răng. Tấm nền có thể làm bằng kim loại dập mỏng theo đúng mặt trong của khẩu cái như khí cụ Macary, nhưng thông thường, tấm nền làm bằng nhựa.

Nền nhựa có chức năng chịu lực cho các lò xo khi lò xo tác động lực lên răng và giúp phân phối lực của các lò xo này. Nền nhựa cũng giúp giữ vững khí cụ trong miệng: nền nhựa càng lớn giúp khí cụ ổn định trong miệng và vai trò neo chặn tốt hơn. Tuy nhiên, tránh làm nền nhựa quá cồng kềnh vì bệnh nhân khó thích nghi.

Trong trường hợp cắn chéo răng trước, nền nhựa nâng cao khớp cắn răng sau giúp hở khớp răng trước để đẩy răng cắn chéo. Trong trường hợp cắn sâu, nền nhựa dày ở mặt trong răng trước hàm trên giúp giảm cắn sâu. Đối với những trường hợp mất răng sữa sớm trong thời kỳ răng hỗn hợp, việc phác họa nền hàm phủ lên vùng mất răng còn có tác dụng giữ khoảng cho các răng vĩnh viễn sau này.

2. Các đặc điểm của tấm nền

2.1. Phác hoạ nền hàm

Phác họa nền hàm thích hợp ảnh hưởng đến hiệu quả của khí cụ điều trị cũng như tạo sự thoải mái cho bệnh nhân giúp bệnh nhân có thể hợp tác tốt hơn. Nền hàm đủ dày để chịu lực và đủ để chôn chân cung môi, lò xo và móc. Chân móc, lò xo, cung môi có thể bẻ zigzac hoặc bẻ gập góc giúp lưu tốt hơn trong nền nhựa.

Độ dày lý tưởng của nền hàm bằng chiều dày của miếng sáp, thông thường chiều dày khoảng 2-3mm. Nền hàm phải đủ rộng để có đủ neo chặn, tránh xoay hàm. Nền hàm thường phủ hầu hết vòm khẩu cái cứng và giới hạn phía xa răng cối. Nền hàm nên khít sát cổ răng các răng không di chuyển và sẽ được mài ở những răng cần di chuyển. Đối với hàm trên: giới hạn nền hàm ở phía xa thường đến răng cối sau cùng. Tuy nhiên không cần lan rộng nền hàm ở đường giữa đến phía xa, nên cắt hình móng ngựa ở đường giữa để lộ vùng khẩu cái giúp chức năng ăn nhai, nói dễ hơn.

Đối với hàm dưới: hàm dưới có rãnh lưỡi hẹp nên nền nhựa hàm dưới cũng hẹp. Vì vậy, để đủ khả năng chịu lực, nền nhựa hàm dưới thường dày hơn. Rãnh lưỡi ở vùng răng cối dưới thường lẹm nên chân móc, lò xo… phải tránh vùng lẹm này. Nên đắp lẹm trước khi thực hiện khí cụ hoặc sẽ mài bỏ phần lẹm khi nền hàm đã ép nhựa xong. Cả nền hàm trên và dưới cần phải được làm nhẵn và đánh bóng kỹ lưỡng ở bờ tự do của nền hàm giúp thoải mái cho bệnh nhân.

2.2. Nhựa làm nền hàm

Nền nhựa khí cụ chỉnh hình tháo lắp thường bằng nhựa tự cứng. Nền hàm làm bằng nhựa tự cứng ít mất thời gian trong labo và ít bị di lệch móc, lò xo… so với nhựa nấu. Tuy nhiên, trong nhựa tự cứng vẫn còn những phân tử monomer tự do, những bọt không khí sau khi trùng hợp do vậy khí cụ ít cứng chắc hơn và dễ bị nhiễm bẩn khi mang trong miệng. Vì vậy, khí cụ chỉnh hình tháo lắp thường được làm bằng nhựa chỉnh hình – đó là loại nhựa tự cứng được trùng hợp thêm dưới áp suất để đẩy những bọt không khí và giúp các phân tử nhựa trùng hợp hoàn toàn.

Nhựa chỉnh hình gồm có hai phần: bột nhựa và nước nhựa. Bột nhựa hoặc nước nhựa có nhiều màu sắc khác nhau để có thể tạo ra các nền hàm có nhiều màu tùy theo ý thích (Hình 1 và 2). Ngoài ra các nhà sản xuất còn có những hạt óng ánh với nhiều màu sắc có thể pha thêm vào bột nhựa giúp tạo nên các nền hàm có màu sắc đa dạng.

Hình 1: Bột nhựa dùng làm khí cụ chỉnh hình tháo lắp có thể có nhiều màu khác nhau.
Hình 2: Bột nhựa dùng làm khí cụ chỉnh hình tháo lắp có thể có nhiều màu khác nhau.

Đối với trẻ em, có nhiều hình dạng trang trí khác nhau (Hình 3 và 4) được gắn trong nền hàm giúp kích thích sự hứng thú của trẻ. Điều này giúp trẻ thấy thích thú với khí cụ và sẽ mang thường xuyên hơn.

dac-diem-tam-nen-2
Hình 3: Có thể có nhiều hình vật thể khác nhau được dùng để gắn vào nền nhựa.
dac-diem-tam-nen-3
Hình 4: Nền nhựa với nhiều kiểu khác nhau tùy sở thích của bệnh nhân.

2.3. Nền nhựa nâng khớp vùng răng trước

Đối với nền nhựa nâng khớp ở mặt trong răng trước, khi hai hàm răng cắn lại các răng trước sẽ chạm nhau và các răng sau sẽ hở khớp. Như vậy khi mang trong miệng, khí cụ sẽ tạo lực làm lún các răng trước và lực làm trồi các răng sau. Nếu răng cửa không chạm theo hướng thẳng góc với mặt phẳng nền nhựa sẽ có tình trạng nghiêng răng cửa dưới ra ngoài hoặc nghiêng vào trong (Hình 5).

dac-diem-tam-nen-1
Hình 5: Nền nhựa nâng khớp vùng răng trước sẽ cho rằng sau trồi.

2.4. Nền nhựa nâng khớp vùng răng sau

Nền nhựa nâng khớp vùng răng sau có thể giúp hạn chế sự dịch chuyển sang bên hoặc ra trước của hàm dưới khi có hiện tượng trượt hàm chức năng. Hiện tượng trượt hàm do chức năng thường do cản trở khớp cắn hoặc do cắn chéo răng sau một bên, hàm dưới sẽ trượt đến vị trí đạt được lồng múi tối đa của khớp cắn. Khi điều trị có thể cần nâng khớp răng sau để hạn chế sự dịch chuyển của hàm dưới cũng như giúp hai hàm nhả khớp để các răng di chuyển dễ dàng hơn (Hình 6).

Hình 6: Mặt phẳng nhựa nâng khớp răng sau. Trường hợp cắn chéo một bên có thể được điều trị bằng nới rộng cung răng. Mặt phẳng nhựa này giúp giải phóng khớp cắn và tránh trượt hàm chức năng.

Trong trường hợp cắn chéo các răng trước, nền nhựa còn được sử dụng để nhả khớp các răng cắn chéo để các răng này dễ dàng được đẩy ra ngoài (Hình 7).

Hình 7: Mặt phẳng nhựa nâng khớp cắn răng sau để đẩy các răng trước cắn chéo.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *