Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh: Điều trị và Dự phòng

Tiêu chảy là một tác dụng không mong muốn mà bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng kháng sinh trong điều trị, đặc biệt là các kháng sinh phổ rộng. Tiêu chảy liên quan đến sử dụng kháng sinh có hình thái rất đa dạng, có thể chỉ là đợt tiêu chảy đơn thuần, không ảnh hưởng tổn trạng hoặc bệnh cảnh viêm đại tràng giả mạc nguy hiểm, thậm chí có thể gặp một số biến chứng nặng nề. Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh có thể được điều trị và dự phòng bằng nhiều biện pháp khác nhau.

1. Nguyên nhân gây tiêu chảy liên quan kháng sinh

Tiêu chảy là một triệu chứng thường gặp, không chỉ ở những rối loạn của các cơ qua tiêu hóa mà còn cả các cơ quan ngoài tiêu hóa. Định nghĩa tiêu chảy được chấp thuận và sử dụng phổ biến nhất là định nghĩa tiêu chảy của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Tiêu chảy (diarrhea) là khi đi tiêu từ ba lần trở lên hoặc là phân trở nên lỏng hơn hoặc là đi phân với lượng nhiều hơn so với bình thường.

Tiêu chảy có thể là một tác dụng không mong muốn mà bệnh nhân có thể gặp phải khi sử dụng kháng sinh và có thể là kết quả của nhiều cơ chế khác nhau. Dạng thường gặp nhất của các hình thái tiêu chảy sau sử dụng kháng sinh được gọi là Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh (antibiotic-associated diarrhea – AAD).

Nguyên nhân của ADD được cho là không phải do một nhiễm trùng thực sự, mà thay vào đó là do sự rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột. Sự rối loạn này gây ra nhiều thay đổi liên quan đến chuyển hóa và nhu động của ruột. Sự rối loạn hệ vi sinh vật có thể thay đổi sự tiêu hóa của các carbohydrate, có thể làm giảm quá trình giải liên hợp hóa (deconjugation) của muối mật, gây tăng tính thấm của thành ruột, làm cho biểu mô đại tràng tăng bài tiết dịch vào bên trong lòng ruột.

AAD còn có thể là kết quả của sự  phát triển bất thường của các vi khuẩn thuộc hệ vi sinh vật đường ruột kèm theo sự biểu hiện của các độc tố ruột gây tiêu chảy. Một số vi khuẩn thường được phân lập ở bệnh nhân AAD gồm Clostridium perfringens loại A, Klebsiella oxytoca và đôi khi Staphylococcus aureus.  

AAD  xảy ra trong khoảng từ  2% đến 25% các trường hợp điều trị kháng sinh, phổ biến hơn trong quá trình điều trị bằng ampicilin, amoxicilin-clavulanate hoặc cefixim.

Định nghĩa và nguyên nhân của ADD, cùng với các hình thái tiêu chảy nặng khi có sử dụng kháng sinh (viêm đại tràng giả mạc) được giới thiệu và bàn luận riêng ở các bài viết trên chuyên trang VinmecDr.

2. Điều trị và dự phòng tiêu chảy liên quan kháng sinh

Minh-hoa-tieu-chay-do-khang-sinh
Kháng sinh có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy

Hầu hết các trường hợp của AAD đều nhẹ và tự giới hạn, không kèm theo sốt, không có dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc và những biến chứng nặng. Quản lý của AAD bao gồm ngừng sử dụng kháng sinh gây ra bệnh nếu có thể. Nếu tiêu chảy có mức độ trung bình đến nặng, các thuốc ức chế nhu động ruột (ví dụ như loperamid) hoặc bismuth subsalicylate có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng.

Bởi vì AAD được cho là kết quả của sự thay đổi của vi sinh vật đường ruột bình thường, nhiều loại probiotic đã được đưa vào nghiên cứu trong điều trị và phòng ngừa các hình thái tiêu chảy có sử dụng kháng sinh. Probiotics được hiểu là những vi sinh vật có những đặc tính có lợi cho ký chủ. Probiotics tương tác với hệ vi sinh vật của kí chủ và mang tới những tác động có lợi vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Nhìn chung, probiotics có thể giúp: Ức chế sự phát triển  của các vi khuẩn gây bệnh, Cải thiện chức năng của biểu mô ruột, Điều chỉnh hệ thống miễn dịch, Điều chỉnh quá trình nhận cảm và nhu động của ruột.

Trong một thử nghiệm lâm sàng, viên nang đường uống chứa Saccharomyces boulardii sống, một loại nấm men không gây bệnh, đã được sử dụng kết hợp với kháng sinh. Liều kết hợp này đã giảm tần suất AAD ở bệnh nhân nhập viện từ 22% trong nhóm đối chứng giả dược xuống còn 9,5% trong nhóm sử dụng S. boulardii. Tuy nhiên, một thử nghiệm ngẫu nhiên, kiểm soát giả dược khác lại không chứng minh được tác dụng có lợi của S. boulardii đối với người lớn tuổi có điều trị kháng sinh.

Các loài Lactobacillus, đặc biệt là Lactobacillus rhamnosus GG, cũng đã được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng về AAD. Trong một nghiên cứu về trẻ em đang điều trị nhiễm trùng đường hô hấp bằng kháng sinh, Lactobacillus GG đã hiệu quả trong việc giảm tần suất AAD xuống còn 5% so với 16% trong nhóm đối chứng giả dược; các thử nghiệm lâm sàng khác về Lactobacillus GG đã cho kết quả tích cực trong cải thiện tần suất AAD. Tám nghiên cứu khác nhau được đưa vào phân tích, trong đó có 4 nghiên cứu sử dụng S. boulardii và 4 nghiên cứu sử dụng Lactobacillus GG. Tỉ số odds (OD) cho AAD trong các nhóm được điều trị probiotics là 0,37 so với giả dược (khoảng tin cậy 95% [CI]: 0,26-0,53; P <0,001). Đối với S. boulardii, OR ủng hộ điều trị hơn giả dược là 0,39 và đối với Lactobacilli, OR là 0,34.

Một phân tích toàn diện và tổng hợp gần đây cũng đã xem xét hiệu quả và khả năng dung nạp của các probiotics cho AAD. Các tác giả đã tìm thấy rằng L. rhamnosus GG (LGG) có khả năng xếp hạng tốt nhất cả về hiệu quả và độ chịu đựng trong dự phòng AAD.

Tóm lại, các bằng chứng đã công bố cho thấy rằng các probiotics như LGG và S. boulardii, khi được sử dụng phòng ngừa kết hợp với kháng sinh, giảm nguy cơ mắc AAD. Điều trị này có thể đặc biệt có lợi cho các bệnh nhân có tiền sử dễ bị AAD.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *