Khí cụ Lip Bumper trong chỉnh hình răng mặt – Tổng quan.

Lip bumper là một khí cụ chỉnh hình răng mặt sử dụng lực chức năng. Khí cụ này giúp thay đổi thăng bằng giữa hai nhóm cơ, truyền lực từ cơ vòng môi đến răng cối để tác động lực trên răng cối, có thể sử dụng dùng để di xa răng cối nhờ tác động lực từ cơ vòng môi, điều trị các thói quen: cắn môi, mút môi hay là tạo khoảng cho răng. Ngoài ra, khí cụ có thể được làm cho từng bệnh nhân hoặc được bán sẵn trên thị trường với nhiều kích cỡ khác nhau, đồng thời có thể chọn kích cỡ thích hợp dựa trên mẫu hàm bệnh nhân. Cùng tìm hiểu về loại khí cụ Lip bumper này trong chỉnh hình răng mặt.

1. Tổng quan về khí cụ Lip bumper

Lip bumper là một khí cụ chỉnh hình răng mặt sử dụng lực chức năng. Khí cụ này giúp:

  • Thay đổi thăng bằng giữa hai nhóm cơ: cơ môi má bên ngoài miệng và cơ lưỡi bên trong miệng.
  • Truyền lực từ cơ vòng môi đến răng cối để tác động lực trên răng cối.

Như vậy, lip bumper có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau:

  • Di xa răng cối nhờ tác động lực từ cơ vòng môi.
  • Điều trị các thói quen: cắn môi, mút môi…
  • Tạo khoảng.

2. Thành phần của khí cụ này

Khí cụ gồm có hai thành phần: thành phần cố định và thành phần tháo lắp.

Thành phần cố định gồm hai khâu được gắn bằng cement trên răng cối lớn thứ nhất hoặc thứ hai. Mặt ngoài của khâu được hàn với ống tròn đường kính 0.045”.

Thành phần tháo lắp là cung môi được bẻ bằng dây thép không rỉ đường kính 0.045” theo hình dạng mặt ngoài cung răng đi từ răng cối bên phải qua bên trái. Cung môi thường có hai cung bù trừ trước răng cối và có thể có thêm hai cung bù trừ ở vùng răng nanh. Phần cung môi ở vùng răng trước có thể luồn trong ống má bằng nhựa hoặc được bao phủ bằng nhựa (Hình 1).

khí cụ lip bumper
Hình 1: Khí cụ lip bumper (A) được bao phủ bằng nhựa, (B) Phần đầu khí cụ đặt ở ống mà (C) Khí cụ lip bumper có ống nhựa bao phủ.

Phần tận cùng cung môi được gắn vào hai ống mặt ngoài khâu răng cối. Phần tận cùng này không được dài quá ống răng cối nếu không sẽ chạm vào niêm mạc phía sau răng cối hoặc gây khó chịu cho bệnh nhân. Khí cụ có thể được làm cho từng bệnh nhân hoặc được bán sẵn trên thị trường với nhiều kích cỡ khác nhau. Có thể chọn kích cỡ thích hợp dựa trên mẫu hàm bệnh nhân.

3. Mục đích điều trị

Mục đích của khí cụ là cản lực môi má lên vùng răng – xương ổ răng nhờ tấm chặn môi.

Theo chiều ngang

Tấm chặn môi cách vùng răng nanh dưới khoảng 2mm và vùng răng cối nhỏ khoảng 3-4mm.

Theo chiều trước sau

Tấm chặn môi cách mặt ngoài vùng răng cửa không quá 1-1,5mm. Nếu khí cụ cách mặt ngoài nhiều quá, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và khó kiểm soát di chuyển vùng răng cửa.

Theo chiều đứng

Vùng bên, cung môi nằm ở vị trí khoảng 1/3 giữa thân răng nanh, răng cối nhỏ. Trong trường hợp cần kiểm soát lực theo chiều đứng, tấm chặn môi có thể thấp hơn về phía đáy hành lang. Khi hoạt động chức năng, má sẽ phủ vượt lên tấm chặn môi tạo lực lún trên răng cối.

Ở vùng răng trước, tùy theo độ cắn phủ, tấm chặn môi có thể ở 3 vị trí khác nhau theo thân răng cửa:

  • Ngang mức bờ cắn răng cửa (Hình 2): Dây thường đặt ở vị trí này trong giai đoạn đầu. Môi dưới có khuynh hướng đẩy phần trước của khí cụ lên. Như vậy, sẽ tạo lực dựng trục răng cối.
khi-cu-lip-bumper-2
Hình 2: Lip bumper ngang mức bờ cắn răng cửa.
  • Ngang mức giữa thân răng cửa (Hình 3): Đây là vị trí thông thường nhất, sẽ ngăn cản môi tác dụng lực vào vùng răng cửa. Như vậy, còn lại lực lưỡi bên trong sẽ đẩy răng cửa dần dần về phía trước.
Hình 3: Lip bumper ngang mức giữa thân răng cửa.
  • Ngang mức nướu (Hình 4): Tấm chặn môi được đặt thấp về phía đáy hành lang. Như vậy, ở vùng răng trước thăng bằng lực cơ không bị thay đổi. Môi dưới vẫn chạm răng cửa. Vùng răng – xương ổ răng phía trước không bị tác động của tấm chặn môi.
khi-cu-lip-bumper-3
Hình 4: Lip bumper ngang mức nướu.

Thường khí cụ không tạo lực trên răng cối, đặc biệt là lực nới rộng hoặc thu hẹp cung răng. Khí cụ được gắn thụ động trong miệng bệnh nhân. Trước tiên thử gắn một đầu vào ống trên khâu răng cối và đầu kia được điều chỉnh sao cho khí cụ được gắn hoàn toàn không có lực trên răng cối bên đối diện. Thử ngược lại bên phía đối diện. Khí cụ phải được gắn và tháo dễ dàng bởi bác sĩ và bệnh nhân.

Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp –  Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh

1. Bộ môn Chỉnh hình răng mặt: Kiến thức căn bản và điều trị dự phòng NXB Y học, 2004.
2. Adams C. Philip: The design and construction of removable orthodontic appliances – John Wright & Sons ltd., 1970.
3. Foster T. D.: A textbook of Orthodontics – Blackwell Scientific Publications, 1982.
4. Graber Thomas M.: Orthodontics – Principles and Practice -W.B Saunders Company, 1966.
5. Graber and Neumann: Removable orthodontic appliances -W.B Saunders Company, 1977.
6. Graber Thomas M.: Dentofacial orthopedics with functional appliance – Second edition, Mosby, 1997.
7. Isaacson K.G., Muir J.D. and Reed R.T.: Removable Orthodontic Appliances-Wright – an imprint of Elsevier Science, 2002.
8. Johnston Lysle E.: New vista in Orthodontics – Lea &Febiger, 1985. 9. Proffit W. R.: Contemporary orthodontics – Fourth edition, Mosby, 2007.
10. Spena R.: Nonextraction treatment – an atlas on Celtin mechanics – Fenske Media Corporation, 2002.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *