Khí cụ chức năng tháo lắp là một loại khí cụ tháo lắp nhưng cơ chế tác động hoàn toàn khác với khí cụ tháo lắp di chuyển răng thông thường. Khí cụ tháo lắp di chuyển răng cũng như khí cụ ngoài mặt sử dụng lực nội sinh để di chuyển răng hoặc xương nghĩa là lực dùng để tác động lên răng hoặc các mô xung quanh phát sinh trong chính khí cụ. Khí cụ tháo lắp di chuyển răng với lực tác động từ các lò xo, ốc nới rộng, thun… là một trong những thành phần chính của khí cụ – thành phần tạo lực. Cùng tìm hiểu tổng quan về khí cụ chức năng tháo lắp trong lĩnh vực chỉnh hình răng mặt.
1. Tổng quan về khí cụ chức năng tháo lắp
Hệ thống hàm mặt bao gồm răng, màng nha chu, xương ổ răng, xương nền hàm, hệ thống khớp thái dương hàm và mô cơ – thần kinh. Hệ thống hàm mặt là hệ thống sống có thể thay đổi và đáp ứng thích nghi đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển của phức hợp sọ mặt. Xương là mô cứng trong cơ thể nhưng vẫn có thể thay đổi để đáp ứng với những kích thích của môi trường. Khi tác động lực đến ngưỡng hoặc quá ngưỡng sẽ giảm lượng máu cung cấp đến tế bào, quá trình tạo xương sẽ ngừng. Tuy nhiên, màng xương lại đáp ứng với lực căng. Khi có lực căng tác động, vùng màng xương sẽ có hiện tượng bồi đắp xương. Do đó, màng xương vẫn có chức năng như vùng tạo xương trong suốt cuộc đời. Khả năng tái tạo xương rất cao ở trẻ nhỏ.
Roux và Wolff cho rằng hình dạng và chức năng có liên quan với nhau. Thay đổi do lực chức năng có thể tạo ra những thay đổi cấu trúc bên trong và hình dạng bên ngoài của xương. Những nghiên cứu gần đây đã ủng hộ quan niệm của Roux cho rằng hình dạng xương sẽ thay đổi qua tác động lên chức năng.
Bác sĩ có thể sử dụng lực chức năng của bệnh nhân để chỉnh sửa những bất hài hòa răng, xương vùng hàm mặt thông qua khí cụ chức năng. Có hai loại khí cụ chức năng là khí cụ chức năng cố định và tháo lắp. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu rất tổng quan về loại khí cụ chức năng tháo lắp.
Khí cụ chức năng tháo lắp là một loại khí cụ tháo lắp nhưng cơ chế tác động hoàn toàn khác với khí cụ tháo lắp di chuyển răng thông thường. Khí cụ tháo lắp di chuyển răng cũng như khí cụ ngoài mặt sử dụng lực nội sinh để di chuyển răng hoặc xương nghĩa là lực dùng để tác động lên răng hoặc các mô xung quanh phát sinh trong chính khí cụ. Khí cụ tháo lắp di chuyển răng với lực tác động từ các lò xo, ốc nới rộng, thun… là một trong những thành phần chính của khí cụ – thành phần tạo lực. Trong khi đó, khí cụ chức năng với lực được tạo ra từ hệ thống cơ nhai hoặc cơ vùng quanh miệng… để di chuyển răng hoặc xương. Khi sử dụng một phương pháp điều trị, bác sĩ cần hiểu rõ loại khí cụ sử dụng, tại sao nên sử dụng khí cụ này, thời điểm tốt nhất để sử dụng loại khí cụ đó, sử dụng trong bao lâu và những hạn chế của loại khí cụ sử dụng. Có như vậy việc điều trị mới có hiệu quả.
2. Phân loại các nhóm
Có thể chia khí cụ chức năng thành ba nhóm:
Nhóm khí cụ thứ nhất
Gồm khí cụ activator (Hình 1) và những biến thể.
Nhóm khí cụ này khi mang vào sẽ tác động đẩy hàm dưới ra trước và xuống dưới (trong điều trị sai khớp cắn hạng II) hoặc đẩy hàm dưới lùi sau (trong điều trị sai khớp cắn hạng III). Nhóm khí cụ activator tác động thông qua nhóm cơ nhai: cơ nâng – hạ hàm, đưa hàm ra trước – lui sau và các mô xung quanh. Lực tạo ra tác động không chỉ lên răng mà cả các cấu trúc xung quanh.
Khí cụ activator (hay còn gọi là khí cụ monobloc) là một khối nhựa liên kết cả hàm trên và hàm dưới. Về cơ bản khí cụ sẽ khít sát với hàm trên, và hàm dưới sẽ khít sát với khí cụ khi hàm dưới phải đưa về một vị trí đã định trước thông qua việc lấy dấu sáp cắn. Do đó, khi mang khí cụ vào cơ nhai sẽ căng, có hai tác động:
- Cơ nhai sẽ tác động lên hàm dưới để đưa hàm dưới về tư thế nghỉ. Như vậy, lực sẽ tác động lên răng dưới và một lực đối kháng sẽ tác động lên răng trên thông qua khí cụ.
- Vị trí tư thế của hàm dưới sẽ làm thay đổi hoặc gây ra sự tăng trưởng của sụn lồi cầu và vùng hõm khớp thái dương hàm dưới, điều này sẽ làm thay đổi tương quan xương nền hàm.
Mặc dù nhiều tác giả đã điều trị thành công bằng khí cụ activator. Tuy nhiên, khả năng đẩy hàm dưới ra trước và giữ ổn định vị trí hàm dưới ra trước vẫn còn là vấn đề tranh luận. Trong một số trường hợp, vấn đề nhảy khớp cắn đã đưa đến khớp cắn hai thì (dual bite) sau khi ngưng khí cụ. Trong những trường hợp khớp cắn hai thì, bệnh nhân có thói quen đưa hàm dưới ra trước để đạt được lồng múi tối đa. Ở bệnh nhân có khớp cắn hai thì, khớp cắn gài tối đa khi hàm dưới đưa ra trước. Khi hoạt động chức năng như ăn nhai, nuốt… hàm dưới lùi ra sau, các răng không gài khớp và như vậy có thể gây tổn thương khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, khí cụ activator có thể điều trị thành công trong một số trường hợp như lùi hàm dưới chức năng hoặc ở những bệnh nhân kém phát triển hàm dưới nhưng còn trong giai đoạn tăng trưởng.
Khí cụ activator nguyên thủy gồm nền nhựa hàm trên và hàm dưới nối nhau ở vùng khớp cắn, có cung môi ở vùng răng trước hàm trên. Khí cụ nằm lỏng lẻo trong miệng nhưng có thể chuyển lực của cơ tác động lên xương hàm, răng và mô nâng đỡ. Sau này, những biến thể của khí cụ như giảm kích thước nền hàm để khí cụ gọn hơn, ít cồng kềnh hơn hoặc là gắn thêm móc, lò xo, ốc nới rộng hoặc những hình dạng và vị trí cung môi khác nhau… để nới rộng hàm hoặc di chuyển các răng.
Nhóm khí cụ thứ hai
Gồm tấm chặn môi (oral screen) (Hình 2), lip bumper (Hình 3), mặt phẳng nghiêng…
Khi mang khí cụ, lực được chuyển trực tiếp vào răng. Khí cụ tháo lắp có nền nhựa nâng cao khớp cắn phía trước cũng có thể phân vào nhóm khí cụ này. Nhóm này cũng có thể bao gồm các khí cụ huấn luyện thói quen như khí cu chặn lưỡi…
Tấm chặn mỗi đơn thuần thường không được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, tấm chặn môi thường được kết hợp trong nhiều loại khí cụ chức năng khác nhau. Khí cụ nằm khít sát vùng hành lang miệng, có thể sử dụng lực trực tiếp của cơ mỗi tác động làm di chuyển răng. Tấm chặn mỗi đơn thuần chỉ mang được ít thời gian vì cản trở các hoạt động chức năng khác của miệng. Tuy nhiên, tấm chặn mỗi kết hợp trong các loại khí cụ chức năng khác có thể mang được nhiều thời gian hơn ngoại trừ lúc ăn nhai.
Nhóm khí cụ thứ ba
Khí cụ Frankel. Nhóm này tác động lên răng và xương với cơ chế là làm thay đổi thăng bằng cơ xung quanh, tạo lực di chuyển răng và xương thông qua lực tác động lên màng xương. Thực tế khó phân biệt rõ ràng từng nhóm khí cụ bởi vì khí cụ trong nhóm thứ hai có thể có tác động của nhóm thứ nhất hoặc nhóm thứ ba có thể có sự kết hợp của nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai.
Khí cụ Frankel thực tế là sự kết hợp của khí cụ activator và tấm chặn môi. Khí cụ sử dụng lực cơ nhai để tạo lực lên răng – xương và có tấm chặn môi má để giảm lực cơ quanh miệng (Hình 4).
Khí cụ Frankel I để điều trị sai khớp cắn hạng I và sai khớp cắn hạng II chi 1, Frankel II để điều trị sai khớp cắn hạng II chi 1 và chi 2, Frankel III để điều trị sai khớp cắn hạng III và Frankel IV điều trị cắn hở và hô hai hàm.
Nhiều tác giả đã giới thiệu nhiều dạng khí cụ chức năng khác nhau. Propulsor (Hotz, 1974) là sự kết hợp activator và một phần tấm chặn môi, thường không có thêm thành phần dây kim loại nào. Kinetor (Stockfisch, 1971) là một khí cụ activator kết hợp thêm tấm cản má bằng dây kim loại, có thể thêm vào ốc nới rộng và các lò xo tạo lực di chuyển răng. Tương tự, khí cụ Bimler (Bimler, 1949) là khí cụ activator mà thành phần chủ yếu bằng dây kim loại, với tấm cản môi má và có thể kết hợp ốc nới rộng để nới rộng cung răng. Bionator (Balter 1950) là khí cụ activator mà thành phần chủ yếu làm bằng dây cung kim loại, với tấm cản má (buccal screen) bằng dây kim loại và nền nhựa để định vị tư thế hàm dưới. Harvord activator (Harvord và Vagervik, 1971; Reed và Hathorn, 1978) tương tự activator nhưng thiết kế với tư thế hàm dưới mở nhiều hơn tư thế nghỉ để làm tăng lực căng của cơ và mô mềm quanh miệng và mặt, và bỏ đi những thành phần giữa khớp cắn để cho phép sự phát triển của xương ổ răng giữa hai hàm.
Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp – Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
Leave a Reply