Triệu chứng ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Triệu chứng ung thư buồng trứng trong giai đoạn đầu thường mơ hồ, không đặc hiệu nên ung thư thường được phát hiện ở giai đoạn muộn. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về những triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của ung thư buồng trứng nhằm hỗ trợ việc chẩn đoán và điều tri kịp thời.

1. Đại cương về ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng (UTBT) là một loại ung thư phát triển từ các tế bào trong buồng trứng của phụ nữ. UTBT thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc đã lan rộng do buồng trứng là cơ quan nằm sâu trong khung chậu nhỏ.

Theo GLOBOCAN 2020 , trên thế giới, UTBT đứng hàng thứ tám ở phụ nữ với hơn 313.000 ca mắc mới và khoảng 207.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.500 trường hợp mới mắc và khoảng 850 ca tử vong do UTBT. Tỷ lệ mắc bệnh chuẩn theo tuổi là 2,7/100.000 dân. Tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi, phần lớn ung thư biểu mô buồng trứng gặp ở lứa tuổi hậu mãn kinh, tuổi mắc trung bình là 63. Ngược lại, ung thư tế bào mầm buồng trứng thường gặp ở phụ nữ trẻ, từ 15-20 tuổi.

Do có sự khác biệt cơ bản về mô bệnh học và đặc điểm lâm sàng cũng như tiên lượng, có thể chia UTBT ra các loại sau: Ung thư biểu mô buồng trứng (hay gặp nhất chiếm 80-90%), ung thư tế bào mầm (5-10%), ung thư có nguồn gốc mô đệm sinh dục, ung thư bắt nguồn từ trung mô, và các ung thư di căn đến buồng trứng.

minh-hoa-ung-thu-buong-trung
Ung thư buồng trứng thường gặp ở phụ nữ hậu mãn kinh

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mác ung thư buồng trứng

  • Tuổi: Nguy cơ mắc UTBT tăng lên theo độ tuổi. Hầu hết các trường hợp UTBT được phát hiện ở phụ nữ trên 50 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Phụ nữ có người thân mắc UTBT hay ung thư vú có nguy cơ mắc UTBT cao hơn. Đặc biệt nếu gia đình có nhiều người mắc UTBT hoặc mắc UTBT khi còn, nguy cơ mắc UTBT sẽ tăng lên đáng kể.
  • Đột biến gen: Một số đột biến gen như BRCA1 hay BRCA2 có thể làm tăng nguy cơ mắc UTBT.
  • Tiền sử cá nhân: Phụ nữ đã từng mắc ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư đại trực tràng hay lạc nội mạc tử cung có nguy cơ mắc UTBT cao hơn.
  • Sử dụng thuốc điều trị nội tiết tố: Sử dụng đồng thời nhiều loại hormone nội tiết tố trên một thời gian dài có thể tăng nguy cơ mắc UTBT.
  • Tiền sử sinh sản: Phụ nữ chưa từng có con hoặc sinh con lần đầu sau tuổi 35 có nguy cơ mắc UTBT cao hơn.

3. Triệu chứng lâm sàng ung thư buồng trứng

3.1. Giai đoạn sớm

Ung thư buồng trứng giai đoạn sớm thường có triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh nội khoa, sản phụ khoa khác:

  • Khó chịu ở bụng dưới hoặc đầy bụng
  • Đầy hơi hoặc chướng bụng
  • Thay đổi thói quen đại tiện như táo bón hoặc tiêu chảy
  • Mệt mỏi hoặc mất năng lượng
  • Đái buốt, đái rắt hoặc ra máu âm đạo bất thường

3.2. Giai đoạn muộn

Tùy vào vị trí di căn đến và tốc độ phát triển của khối u di căn mà bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng như:

  • Đau bụng dữ dội
  • Cổ trướng gây khó chịu.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Khó thở
  • Buồn nôn và nôn

4. Triệu chứng cận lâm sàng ung thư buồng trứng

4.1. Siêu âm ổ bụng

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán ưu tiên và thường được sử dụng để đánh giá tính chất các khối u buồng trứng. Những khối u ác tính thường có những dấu hiệu trên hình ảnh siêu âm như: dày thành, có bờ không đều, đậm độ âm khác nhau bởi có sự hiện diện của các thành phần dịch đặc. Ngoài ra, siêu âm ổ bụng cũng được sử dụng để phát hiện nhân di căn gan, phúc mạc và dịch tự do trong ổ bụng.

4.2. Chụp CT, MRI và PET

  • Chụp CT, MRI bụng: Kết quả chụp giúp đánh giá kích thước, hình dáng và vị trí của khối u trong buồng trứng, sự xuất hiện của dịch trong ổ bụng- cũng là dấu hiệu của UTBT giai đoạn muộn, phát hiện hạch ổ bụng lớn bất thường và các tổn thương di căn phúc mạc, gan.
  • Chụp PET: Giúp cung cấp thêm các thông tin về tình trạng lan tràn của bệnh trước điều trị cũng như theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn, mô phỏng lập kết hoạch xạ trị.

4.3. Nội soi

  • Nội soi ổ bụng: Phát hiện u nguyên phát, đánh giá mức độ di căn của ung thư lên phúc mạc hay bề mặt gan và tiến hành sinh thiết làm giải phẫu bệnh.
  • Nội soi dạ dày, đại trực tràng: Giúp loại trừ các ung thư tiêu hóa di căn buồng trứng (Hội chứng Krukenberg).

4.4. Xét nghiệm tế bào học, mô bệnh học

  • Chọc hút dịch ổ bụng, hạch, dịch màng phổi nếu có thể làm tế bào học.
  • Mô bệnh học: xét nghiệm mô bệnh học dựa trên sinh thiết qua nội soi ổ bụng hay phẫu thuật là xét nghiệm quyết định chẩn đoán.

4.5. Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u

  • CA-125: Đây là chất chỉ điểm khối u được sử dụng phổ biến nhất cho ung thư buồng trứng. Nồng độ CA-125 trong máu tăng cao có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng, nhưng chúng cũng có thể được gây ra bởi các bệnh lý khác như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung.
  • HE4 (Human Epididymis Protein 4): HE4 cũng là một chất chỉ điểm khối u có nồng độ tăng cao trong ung thư buồng trứng. HE4 thường được sử dụng kết hợp với CA-125 để cải thiện độ chính xác của chẩn đoán.
  • Alpha FP, Beta HCG…: Được chỉ định cho các trường hợp ung thư buồng trứng có nguồn gốc tế bào mầm và dây sinh dục.

4.6. Xét nghiệm gen

Mẫu máu hoặc nước bọt sẽ được phân tích để phát hiện các biến đổi gen làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng như BRCA1/BRCA2, MLH1, MSH2, MSH6, PMS2, EPCAM, MUTYH, TP53, STK11, PALB2 …

Xét nghiệm gen giúp tiên lượng bệnh, lựa chọn các thuốc điều trị nhắm trúng đích, đánh giá khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng di truyền.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *