Trong điều trị chỉnh hình răng mặt có hai loại khí cụ được sử dụng là khí cụ tháo lắp và khí cụ cố định. Để điều trị chỉnh hình răng mặt thành công, điều quan trọng đầu tiên là có chẩn đoán đúng và kế hoạch điều trị thích hợp. Khi đã có kế hoạch tối ưu, việc chọn lựa khí cụ thích hợp và sử dụng thành thạo một loại khí cụ, dù đó là tháo lắp hay cố định, là chìa khóa để điều trị thành công. Cùng tìm hiểu tổng quan về khí cụ chỉnh hỉnh răng mặt tháo lắp và ưu điểm của nó khi so với khí cụ cố định.
1. Tổng quan về khí cụ chỉnh hình răng mặt tháo lắp
Trong điều trị chỉnh hình răng mặt có hai loại khí cụ được sử dụng là khí cụ tháo lắp và khí cụ cố định. Để điều trị chỉnh hình răng mặt thành công, điều quan trọng đầu tiên là có chẩn đoán đúng và kế hoạch điều trị thích hợp. Khi đã có kế hoạch tối ưu, việc chọn lựa khí cụ thích hợp và sử dụng thành thạo một loại khí cụ, dù đó là tháo lắp hay cố định, là chìa khóa để điều trị thành công. Có thể sử dụng khí cụ tháo lắp hoặc khí cụ cố định hoặc kết hợp cả hai loại khí cụ để phát huy tính năng của cả hai loại. Ở Việt Nam, nhiều bác sĩ nghĩ rằng khí cụ cố định mới thật sự “cao siêu” mà bỏ qua khí cụ tháo lắp được xem là “tầm thường” này. Thật sự, khí cụ tháo lắp có những công năng thật tuyệt vời nếu biết phát huy tính năng của nó.
Sử dụng thành thạo khí cụ tháo lắp, đặc biệt là khí cụ chức năng, có thể điều trị những bất thường răng mặt, đặc biệt là những sai hình hàm mặt mà khí cụ cố định đơn thuần đôi khi khó có thể đạt được kết quả. Không thể bỏ qua vai trò của khí cụ tháo lắp trong chỉnh hình can thiệp, vào giai đoạn tăng trưởng của trẻ. Nếu có chẩn đoán đúng những trường hợp sai hình xương hàm, bằng những khí cụ tháo lắp tác động vào thời điểm thích hợp có thể hạn chế hoặc giảm nhẹ những sai hình – mà nếu như chúng ta bỏ qua không điều trị sớm – đôi khi cần phải can thiệp bằng phẫu thuật sau này. Như vậy, nếu chúng ta hiểu và can thiệp đúng sẽ giảm được chi phí điều trị cho bệnh nhân, cho xã hội cũng như tạo tự tin cho trẻ trong giao tiếp xã hội, phần nào giúp trẻ phát triển tâm sinh lý bình thường. Ngoài ra, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của việc duy trì kết quả sau điều trị chỉnh hình bằng khí cụ tháo lắp.
Với chi phí thấp, khí cụ tháo lắp thật sự thích hợp cho điều trị cộng đồng. Trong khi khí cụ cố định chi phí cao chỉ thích hợp điều trị cho một số đối tượng hoặc nếu không, phải có sự hỗ trợ của chính sách bảo hiểm y tế như ở các nước phát triển. Ở nước ta không có nhiều người được thụ hưởng ích lợi từ điều trị chỉnh hình răng mặt. Chính vì vậy, nếu có chẩn đoán đúng và sử dụng thành thạo khí cụ tháo lắp, bác sĩ răng hàm mặt tổng quát cũng có thể giải quyết phần nào nhu cầu chỉnh hình răng mặt của xã hội.
Khí cụ tháo lắp dễ vệ sinh răng miệng. Trẻ có thể tháo khí cụ để chải răng dễ dàng, tránh tình trạng viêm nướu, mất khoáng men răng do quá trình điều trị bằng khí cụ cố định. Đối với trẻ em, vấn đề vệ sinh răng miệng, tiêu chân răng, tiêu mào xương ổ răng… là những vấn đề cần quan tâm khi điều trị bằng khí cụ cố định. Reitan đã cho thấy khí cụ tháo lắp ít gây tiêu chân răng và tiêu mào xương ổ răng trong và sau khi điều trị.
Nếu có những sai hình răng mặt cần điều trị sớm, nên điều trị giai đoạn I bằng khí cụ tháo lắp hoặc khí cụ cố định từng phần. Việc điều trị giai đoạn I giúp rút ngắn thời gian điều trị ở giai đoạn II, giảm nhẹ sai hình trầm trọng sau này hoặc giảm khả năng phẫu thuật ở giai đoạn trưởng thành.
2. Ưu điểm vượt trội khi so với khí cụ cố định
Trong một số trường hợp, khí cụ tháo lắp có ưu điểm vượt trội so với khí cụ cố định. Nếu phác họa khí cụ tháo lắp thích hợp, chúng ta có thể đạt được neo chặn tối ưu. Neo chặn trong miệng không chỉ dựa vào các răng làm neo chặn mà còn nhờ nền nhựa tựa vào niêm mạc khẩu cái, niêm mạc mặt trong hàm dưới.
Trường hợp chỉ có một vài răng cửa cắn chéo, hô răng, thưa kẽ do thói quen xấu… có thể điều trị được bằng khí cụ tháo lắp, không nhất thiết phải điều trị bằng khí cụ cố định. Ngoài ra, những trường hợp sai hình hạng II do lùi hàm dưới, sai hình hạng III do kém phát triển hàm trên…, nếu điều trị đơn thuần bằng khí cụ cố định thì không thể đạt được kết quả mong muốn.
Không phải tất cả các sai hình răng mặt đều có thể đạt kết quả bằng khí cụ cố định, nhất là các sai hình xương hạng II và hạng III, nếu không kết hợp với các khí cụ chuyên biệt. Khí cụ cố định đơn thuần có thể sắp xếp đều đặn các răng, đạt khớp cắn lồng múi tốt nhưng khó có thể cải thiện tối ưu thẩm mỹ khuôn mặt ở những trường hợp có bất hài hòa xương hàm. Khí cụ tháo lắp không thể dựng răng bị nghiêng, di chuyển răng tịnh tiến, bật chân răng và khó có thể đạt khớp cắn tối ưu. Tuy nhiên khí cụ tháo lắp có thể làm thay đổi tăng trưởng theo hướng thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống hàm mặt, giúp đạt được thẩm mỹ tối ưu, giúp phát triển bình thường về tâm lý, loại bỏ cảm giác mặc cảm và tự ti cho trẻ.
Đối với khí cụ tháo lắp, vai trò của bệnh nhân và gia đình là quan trọng. Thái độ hợp tác của bệnh nhân là yếu tố giúp điều trị thành công. Chúng ta cần huấn luyện, hướng dẫn trẻ mang khí cụ cũng như thực hiện khí cụ sao cho trẻ có thể thích nghi nhanh và cảm thấy thích thú khi mang trong miệng. Tránh phác họa khí cụ cồng kềnh, phức tạp và nên có thêm màu sắc, hình ảnh… tùy theo chọn lựa của trẻ.
Như vậy, khí cụ tháo lắp nếu sử dụng đúng và thích hợp sẽ điều trị được nhiều sai hình hàm mặt. Điều trị can thiệp ở giai đoạn I – giai đoạn răng hỗn hợp – giúp điều trị ở giai đoạn II đơn giản hơn và dễ thành công hơn. Hiệu quả của việc điều trị bằng khí cụ tháo lắp hoặc kết hợp khí cụ tháo lắp và khí cụ cố định, hoặc khí cụ tháo lắp/cố định và khí cụ ngoài mặt giúp đạt kết quả tốt hơn cho bệnh nhân và giảm thách thức cho bác sĩ chỉnh hình. Khi đã biết được tiềm năng và khả năng của khí cụ tháo lắp, các bác sĩ sẽ thấy hứng thú khi điều trị bằng loại khí cụ này.
Nguồn tham khảo: Sách chỉnh hình răng mặt, khí cụ tháo lắp – Bộ môn Chỉnh hình răng mặt, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
Leave a Reply