Điều trị nội khoa u thần kinh đệm

Điều trị u thần kinh đệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm kích thước và vị trí của u, tính chất của u (u lành tính hay ác tính), tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân và các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải. Các phương pháp điều trị chính bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và xạ phẫu. Bên cạnh đó, điều trị nội khoa được xem như điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân trước và sau khi sử dụng các phương pháp điều trị chính. Hãy cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị nội khoa u thần kinh đệm thông qua bài viết này

Hinh-anh-minh-hoa-u-than-kinh-dem
Hình ảnh minh họa u thần kinh đệm

1. Sử dụng các thuốc chống phù não, giảm áp lực nội sọ

Phù não là sự tích tụ bất thường nước và dịch trong khu vực tế bào hoặc khu vực ngoài tế bào não, dẫn đến tăng thể tích toàn bộ của não. Phù não dẫn đến tăng áp lực nội sọ khi áp lực trong hộp sọ tăng kéo dài trên 20mmHg. Tăng áp lực nội sọ gây ra những hậu quả đe dọa tính mạng như làm giảm áp lực tưới máu não và giảm lưu lượng máu não dẫn đến thiếu máu não cục bộ và tổn thương không hồi phục; mặc khác tăng áp lực nội sọ còn dẫn đến thoát vị não và tụt não gây mất não và tử vong nhanh chóng.

Phù não trong u não là hậu quả của khối choáng chỗ nội sọ, là nguyên nhân góp phần làm bệnh thêm trầm trọng. Do đó, điều trị nội khoa chống phù não là rất cần thiết, giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng.

1.1. Manitol 20%

Manitol là thuốc làm tăng áp lực thẩm thấu, có tác dụng gây lợi tiểu thẩm thấu, kéo nước ra khỏi nhu mô não làm giảm phù não.

Cách sử dụng:

  • Truyền tĩnh mạch nhanh 1-1,5g/kg/6 giờ (200-300ml),
  • Hoặc tiêm tĩnh mạch nhanh 0,25g/kg, 3-4 giờ/lần.

Chú ý: Manitol có tác dụng sau 45 phút và kéo dài 4-6 giờ. Không dùng manitol kéo dài quá 72 giờ, hoặc khi hematocrit <30% và cần truyền dịch thay thế kèm theo tránh giảm thể tích dịch lưu hành. Có thể thay thế manitol bằng dung dịch muối ưu trương 1,25-3%.

1.2. Corticoid

Các loại corticoid được dùng trong điều trị phù não có thể kể đến:

  • Dexamethason 4mg, liều 4-8 lọ/ngày, tiêm tĩnh mạch.
  • Hoặc Methylprednisolone 4-16mg, uống ngày 2-4 viên, uống vào 8 giờ sáng sau ăn no.
  • Trong một số trưởng hợp tổn thương phù não nhiều có thể dùng methylprednisolone 40mg, 1-2 lọ/ngày, tiêm tĩnh mạch hoặc pha truyền với 250ml dung dịch NaCl 0,9% truyền tĩnh mạch.
  • Có thể sử dụng synacthene 1mg tiêm bắp, mỗi lần 1 lọ, tuần 1-2 lọ.

Cần giảm liều corticoid dần dần trước khi ngưng thuốc.

1.3. Furosemide

Nếu có tăng gánh thể tích, dùng Furosemide viên 40mg uống, hoặc ống 20mg tiêm tĩnh mạch. Cần hạn chế lượng nước vào cơ thể (10-15ml/kg/24 giờ), và đảm bảo bệnh nhân không bị hạ natri máu.

2. Sử dụng thuốc chống động kinh

  • Đường tiêm: Diazepam 10mg tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
  • Đường uống: Depakine 500mg uống ngày 1- 3 viên hoặc tegretol 200mg ngày 1-2 viên tùy theo đáp ứng của người bệnh mà lựa chọn liều duy trì phù hợp.

3. Sử dụng các loại thuốc giảm đau thần kinh

Phác đồ điều trị đau từng bước theo mức độ đau của WHO:

  • Bậc 1: Thuốc giảm đau không có opioid, có hoặc không kết hợp với thuốc kháng viêm không đặc hiệu, có hoặc không kết hợp với thuốc hỗ trợ đồng giảm đau.
  • Bậc 2: Thuốc có opioid dạng yếu, opioid yếu dạng phối hợp, có hoặc không kết hợp với thuốc kháng viêm không đặc hiệu, có hoặc không kết hợp với thuốc hỗ trợ đồng giảm đau.
  • Bậc 3: Thuốc giảm đau opioid đường uống hoặc tiêm, có hoặc không kết hợp với thuốc kháng viêm không đặc hiệu, có hoặc không kết hợp với thuốc hỗ trợ đồng giảm đau

4. Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn dinh dưỡng rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường sức khỏe và tăng khả năng chống lại bệnh tật.

Khi bệnh nhân không thể tự ăn được có thể sử dụng dinh dưỡng tĩnh mạch hoặc nuôi ăn qua sonde dạ dày tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

4.1. Mục tiêu dinh dưỡng trong điều trị ung thư

  • Ngăn ngừa hoặc điều chỉnh thiếu hụt dinh dưỡng, sụt cân hay mất khối nạc của cơ thể.
  • Đạt và duy trì được cân nặng cơ thể ở mức tối ưu.
  • Tăng khả năng dung nạp với các điều trị ung thư.
  • Giảm hoặc ngăn ngừa được các tác dụng phụ trong quá trình điều trị.
  • Cải thiện hệ miễn dịch, năng cao sức đề kháng của cơ thể.
  • Giúp cơ thể hồi phục nhanh và chóng lành vết thương.
  • Cải thiện tiên lượng và tăng khả năng phục hồi của cơ thể.
  • ng cao chất lượng cuốc sống cho bệnh nhân ung thư.

4.2. Nhu cầu dinh dưỡng trong điều trị ung thư

  • Năng lượng: Tiêu thụ năng lượng ở bệnh nhân ung thư rất lớn, trung bình khoảng 30-35 Kcal/kg/ngày. Một số trường hợp đặc biệt có thể cần tới 40-50 Kcal/kg/ngày.
  • Protein: 15-20% tổng năng lượng. Protein động vật chiếm 30%-50% tổng số protein, đặc biệt các acid amin leucine, glutamine, arginine, HMB.
  • Lipid: 18-25% tổng năng lượng trong đó: 1/3 acid béo no, 1/3 acid béo không no một nối đôi, 1/3 acid béo không no nhiều nối đôi.
  • Glucid: 60-70% tổng năng lượng.
  • Vitamin, khoáng chất và chất xơ: theo nhu cầu của người bình thường khỏe mạnh.
  • Nước: 40ml/kg cân nặng/ngày (35ml/kg cân nặng ở người cao tuổi).
  • Muối: không quá 6g/ngày.

Ngoài những điều trị kể trên, bệnh nhân cần nằm nghỉ ngơ tại chỗ, hạn chế vận động, cố gắng ngủ đủ giấc. Bác sĩ điều trị cần theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khối u để có kế hoạch điều trị thích hợp.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *