Chăm sóc loét tì đè ở người bệnh Ung thư

Loét tì đè hay còn được gọi là loét áp lực – vết loét do nằm lâu ngày. Các vết loét này thường xuất hiện ở bệnh nhân nằm trong một thời gian dài gây áp lực lớn đến các điểm tiếp xúc giữa cơ thể và bề mặt giường.

Loet ti de
Vị trí gây áp lực khi nằm lâu ngày

1. Nguyên tắc chăm sóc khi xuất hiện loét tì đè

Giữ gìn da sạch và khô nhất là những vùng bị tì đè dễ có nguy cơ bị loét.

  • Thường xuyên xoa bóp những vùng dễ bị loét tì đè, 15 phút/lần, 1-2 lần/ngày
  • Giảm áp lực lên các nền xương cứng: nệm mềm, xoay trở người bệnh thường xuyên, ít nhất 2 giờ một lần khi người bệnh nằm tại giường, mỗi 1 giờ khi người bệnh ngồi ghế; đệm gót chân hoặc nâng gót khỏi giường
  • Giữ ga giường phẳng;
  • Nâng đầu giường cao 30 độ (nếu được) khi nghỉ ngơi trong ngày, hạn chế nâng cao hơn 30 độ
  • Tránh chấn thương da do kéo, trượt, ma sát trực tiếp trên vùng da dễ bị tổn thương
  • Quản lý chất thải đối với những người bệnh tiêu tiểu không kiểm soát (tã dán, miếng lót…). Sử dụng sản phẩm bảo vệ da (Ví dụ như cavilon, sanyrene …),
  • Tập phục hồi chức năng
  • Điều trị: chăm sóc vết thương + kiểm soát đau.

2. Các giai đoạn tiến triển của loét tì đè

Kích thước, độ sâu và lượng dịch tiết và điều kiện kinh tế của NB/NN là những yếu tố quyết định việc lựa chọn các loại băng phù hợp

Giai đoạn 1: Đỏ ở vùng chịu áp lực

Giảm áp lực lên các nền xương cứng: nệm mềm, tái định vị xoay trở người bệnh thường xuyên, đệm gót chân hoặc nâng gót khỏi giường.

Giai đoạn 2:  Vết rộp da hoặc loét nhỏ bề mặt da

Giữ người bệnh khô ráo.

Tránh chấn thương da do trượt.

Điều trị đau.

Làm sạch da vùng còn nguyên vẹn với povidon – iod 10%

Làm sạch vết thương nhẹ nhàng bằng nước muối vô trùng (tránh làm tổn thương mô hạt).

Băng màng bán thấm (ví dụ: tagaderm) hoặc băng hydrogel (ví dụ: duoderm, gạc ngâm với hydrogel vô trùng).

Giai đoạn 3: Phá vỡ da, tổn thương mô dưới da

Giảm áp lực lên các nền xương cứng: nệm mềm, tái định vị người bệnh thường xuyên, đệm gót chân hoặc nâng gót khỏi giường.

Giai đoạn 4: Loét áp lực sâu, tổn thương cơ và xương, gân và khớp.

Giữ người bệnh khô ráo.

Tránh chấn thương da do trượt.

Điều trị đau.

Làm sạch vết thương nhẹ nhàng bằng nước muối vô trùng.

Xác định mục tiêu chăm sóc vết thương: Nếu vết thương không thể lành và/ hoặc người bệnh sẽ tử vong trong thời gian ngắn, mục tiêu là ngăn mùi và tối ưu hóa sự thoải mái và nhân phẩm người bệnh. Ngăn chặn hoặc giảm mùi do nhiễm vi khuẩn kỵ khí với bột metronidazol (nghiền viên nén hoặc mở viên con nhộng) rắc lên vết thương 1 – 3 lần mỗi ngày). Có thể cắt lọc mô hoại tử để kiểm soát triệu chứng, nhiễm trùng, mùi hôi.

  • Nếu vết thương ướt hoặc chảy máu, hãy sử dụng băng gạc canxi alginat hoặc băng gạc povidon – iod.
  • Nếu vết thương khô, không cần cắt lọc, sử dụng gạc hoặc bông phủ gel gốc dầu hỏa (vaselin hoặc parafin) hoặc ngâm với hydrogel (gel KY).
  • Nếu vết thương có thể lành, giữ vết thương ẩm và sạch. Cắt lọc khi cần thiết. Phải cắt lọc, loại bỏ mô hoại tử, cần cắt lọc đến khi thấy máu chảy từ nền vết loét. Lưu ý giảm đau trước thủ thuật
  • Đối với hầu hết các trường hợp, có thể tự cắt lọc bằng cách đắp gạc tẩm hydrogel.
  • Đối với các vết thương có hoại tử dày hoặc mảng mày cứng, cắt lọc cơ học. Cho thuốc giảm đau trước khi cắt lọc. Tránh đắp gạc từ ướt đến khô vì cách loại bỏ mảng hoại tử này gây đau nhiều.

Băng gạc vết thương nên được thực hiện như sau:

  • Đối với vết thương ướt hoặc chảy máu, sử dụng gạc canxi alginate hoặc dạng bọt. Sau đó đắp bằng gạc thường. Thay băng khi băng gạc phủ ngoài bị ướt.
  • Đối với vết thương khô, bôi hydrogel vô trùng vào vết thương (có thể trộn với bột metronidazol khi cần để điều trị nhiễm trùng kỵ khí và kiểm soát mùi). Cũng có thể sử dụng mật ong hoặc sữa chua không đường thay vì hydrogel. Lấp đầy không gian trống bằng gạc hoặc bông tẩm gel gốc dầu hỏa (vaselin hoặc parafin) hoặc tẩm hydrogel vô trùng. Băng ngoài bằng gạc thường.

3. Những biện pháp can thiệp để điều trị giảm nhẹ vết loét

Kháng khuẩn: cadexome iodine (iodosorb), bạc nano tinh thể (Acticoat 7), bột polysporin, hydrofiber (aquacel Ag), gel bạc (silvaSorb)…

Hút dịch, cầm máu: alginate (calginate, algisite)

Kích thích lên mô hạt: collagen (fibracol, profore)

Băng màng bán thấm (ví dụ: tegaderm) hoặc băng hydrogel (ví dụ: duoderm, gạc ngâm với hydrogel vô trùng)

4. Dự phòng loét tì đè ở bệnh nhân ung thư

Để giảm nguy cơ loét tì đè và các biến chứng liên quan, bệnh nhân ung thư nằm liệt giường cần được chăm sóc và quan tâm đặc biệt. Để dự phòng và chăm sóc cho bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp sau:

4.1 Thay đổi tư thế thường xuyên

Hỗ trợ bệnh nhân thay đổi tư thế thường xuyên để giảm áp lực lên các điểm tiếp xúc với giường. Nếu bệnh nhân không thể tự thay đổi tư thế, hãy hướng dẫn người chăm sóc hoặc sử dụng đệm phù hợp để giảm áp lực.

4.2 Kiểm tra da thường xuyên

Thường xuyên kiểm tra da bệnh nhân để phát hiện sớm các dấu hiệu của loét tì đè. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngay lập tức để được xử lý.

4.3 Chăm sóc da đúng cách

Tắm rửa bệnh nhân thường xuyên và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da phù hợp để đảm bảo da luôn được sạch sẽ và khô ráo. Tránh sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất gây kích ứng da.

4.4 Áp dụng các biện pháp phòng ngừa

Sử dụng các sản phẩm đệm và đồ chơi chăm sóc phù hợp để giảm áp lực lên da, đồng thời hạn chế sử dụng quá nhiều gối và chăn để tránh gây áp lực cho da bệnh nhân.

4.5 Tăng cường dinh dưỡng

Đảm bảo bệnh nhân được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nước để tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể và giảm nguy cơ phát triển loét tì đè.

Nguồn Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *