Điều trị được lựa chọn trong trường hợp răng bị rơi ra ngoài là cắm lại răng tức thì. Tiên lượng của răng rơi ra ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời gian bảo quản ngoài miệng, cách bảo quản, giai đoạn phát triển của chân răng, và tuổi của bệnh nhân. Tiên lượng kém hơn nếu cắm lại sau hơn 5 phút và chóp răng đã trưởng thành. Cùng tìm hiểu cụ thể các phương án điều trị cho từng trường hợp và biến chứng chung của thủ thuật này
1. Phương án điều trị cho trường hợp răng rơi ra ngoài ở trẻ vị thành niên
Điều trị được lựa chọn trong trường hợp răng bị rơi ra ngoài là cắm lại răng tức thì. Tiên lượng của răng rơi ra ngoài chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời gian bảo quản ngoài miệng, cách bảo quản, giai đoạn phát triển của chân răng, và tuổi của bệnh nhân [2]. Tiên lượng kém hơn nếu cắm lại sau hơn 5 phút và chóp răng đã trưởng thành [3-5].
Ở bệnh nhân vị thành niên có răng rơi ra ngoài đã đóng chóp, thì cắm lại những răng này được chỉ định khi thời gian bảo quản ngoài miệng dưới 60 phút và răng được giữ trong dung dịch muối đệm Hanks, sữa, nước muối, hoặc nước bọt. Để giảm nguy cơ cứng khớp, nên nẹp răng bị rơi ra ngoài vào các răng lành mạnh bên cạnh trong không quá 2 tuần [6, 7]. Điều trị nội nha ban đầu nên bắt đầu trong vòng 7-10 ngày sau khi cắm lại răng và trước khi tháo nẹp [2]. Nên đặt calcium hydroxide trong ống tủy để tạo môi trường kiềm, nhằm ức chế sự tăng trưởng vi khuẩn và giảm nguy cơ tiêu chân răng.
Khi thời gian bảo quản ngoài miệng quá 60 phút thì cắm lại răng thường không được chỉ định. Trong những tình huống như vậy, mão trên implant là điều trị được lựa chọn nếu tăng trưởng xương đã hoàn tất. Tuy nhiên, ở trẻ em và trẻ vị thành niên, có thể thực hiện cắm lại răng trễ để giữ khoảng và bảo tồn kích thước sống hàm cho điều trị cấy ghép sau này. Trong trường hợp thời gian chờ giữa thời điểm nhổ răng với đặt implant dài do chưa hoàn tất tăng trưởng xương, thì nên cắt bỏ thân răng và giữ lại chân răng trong xương ổ để duy trì thể tích xương cho implant tương lai. Tuy nhiên, nếu chân răng bị nhiễm trùng, thì giữ lại chân răng là chống chỉ định. Trong trường hợp đó, nên thực hiện bảo tồn sống hàm tại thời điểm nhổ răng để duy trì kích thước sống hàm.
2. Biến chứng của thủ thuật này
Sau khi cắm lại răng bị rơi ra ngoài, có thể xảy ra một số hiện tượng. Thông thường, răng bị rơi ra ngoài có tiên lượng dài hạn kém nếu không được cắm lại lập tức. Người ta nhận thấy tiêu chân răng xảy ra trong 95% trường hợp cắm lại răng sau hơn 2 giờ [8]. Tiêu chân răng sau khi cắm lại có thể được chia thành ngoại tiêu chân răng viêm và ngoại tiêu chân răng thay thế (còn được gọi là cứng khớp).
Ngoại tiêu chân răng viêm thường được phát hiện trên phim X-quang trong vòng 6 tháng sau khi cắm lại. Tiêu chân răng viêm là do tổn thương xê măng sau chấn thương. Nó xảy ra là do quá trình viêm ở mô quanh chóp nhằm đáp ứng với sự xâm nhập của vi khuẩn và sản phẩm gây độc từ tủy hoại tử nhiễm trùng vào bề mặt chân răng [9]. Quá trình viêm này có thể gây tiêu chân răng tiến triển nếu không được giải quyết. Ngoại tiêu chân răng viêm có thể ngưng lại bằng cách loại bỏ kích thích vi khuẩn từ ống ngà và đặt calcium hydroxide trong ống tủy trong 6-24 tháng.
Ngoại tiêu chân răng thay thế sẽ thay thế mô răng dần dần bằng xương. Tiêu chân răng dạng này thường có thể được chẩn đoán trên lâm sàng là răng không di động và gõ có tiếng kim loại [1]. Nó xảy ra là do chấn thương dây chằng nha chu nặng. Trong những tình huống như vậy, tế bào từ xương ổ răng sẽ phục hồi trên bề mặt chân răng bị lộ và thay thế dây chằng nha chu bằng mô xương, gây cứng khớp răng-xương ổ răng. Tiêu chân răng thay thế ở trẻ em đang tăng trưởng là một mối lo ngại do giảm sự tăng trưởng xương ổ và gây khiếm khuyết đáng kể.
Mặc dù nhiều trường hợp có thể cắm lại răng thành công, nhưng vẫn có một số trường hợp, các biến chứng sau chấn thương cuối cùng sẽ đưa đến việc phải nhổ răng hoặc cắt bỏ thân răng và giữ lại chân răng trong xương ổ để duy trì thể tích xương cho điều trị cấy ghép trong tương lai.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
1. Block MS, Casadaban MC. Implant restoration of external resorption teeth in the esthetic zone. J Oral Maxillofac Surg 2005;63(11):1653-1661.
2. Andersson L, Andreasen JO, Day P, et al. International Association of Dental Traumatology guidelines for the management of traumatic dental injuries: 2. Avulsion of permanent teeth. Dent Traumatol 2012;28(2):88-96.
3. Heithersay GS. Replantation of avulsed teeth. A review. Aust Dent J 1975;20(2):63-72.
4. Andreasen JO, Borum MK, Jacobsen HL, Andreasen FM. Replantation of 400 avulsed permanent incisors. 2. Factors related to pulpal healing. Endod Dent Traumatol 1995;11(2):59-68.
5. Flores MT, Andersson L, Andreasen JO, et al. Guidelines for the management of traumatic dental injuries. II. Avulsion of permanent teeth. Dent Traumatol 2007;23(3):130-136.
6. Nasjleti CE, Castelli WA, Caffesse RG. The effects of different splinting times on replantation of teeth in monkeys. Oral Surg Oral Med Oral Pathol 1982;53(6):557-566.
7. Kahler B, Heithersay GS. An evidence-based appraisal of splinting luxated, avulsed and root-fractured teeth. Dent Traumatol 2008;24(1):2-10.
8. Andreasen JO, Hjorting-Hansen E. Replantation of teeth. 1. Radiographic and clinical study of 110 human teeth replanted after accidental loss. Acta Odontol Scand 1966;24(3):263–286.
Leave a Reply