Làm sạch mảng bám quanh Implant và phục hình – Đánh giá.

Sự tích tụ mảng bám và viêm ở implant xảy ra theo mô hình tương tự như răng tự nhiên. Người ta thường khuyến cáo rằng một bệnh nhân có implant nên thực hiện vệ sinh răng miệng dựa trên nhu cầu cá nhân 2 lần/ngày. Vệ sinh răng miệng với kỹ thuật sai sẽ không làm cải thiện kết quả mặc dù được thực hiện 2 hoặc nhiều lần trong ngày. Bài viết này đánh giá quá trình viêm ở Implant do mảng bám và từ đó, đưa ra phương pháp sử dụng kem đánh răng và phương pháp chải trong quá trình làm sạch mảng bám. Cùng tìm hiểu.

1. Đánh giá quá trình viêm ở Implant

Sự tích tụ mảng bám và viêm ở implant xảy ra theo mô hình tương tự như răng tự nhiên. Các nghiên cứu cho thấy kỹ thuật vệ sinh răng miệng hiệu quả và chính xác sẽ ngăn ngừa sự gia tăng mức độ trầm trọng của tình trạng viêm nướu nếu được thực hiện ít nhất 1 lần trong 24 giờ. Tuy nhiên, có vẻ là bệnh nhân thường không được hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật làm sạch mảng bám một cách chính xác, và một số bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện. Người ta thường khuyến cáo rằng một bệnh nhân có implant nên thực hiện vệ sinh răng miệng dựa trên nhu cầu cá nhân 2 lần/ngày. Vệ sinh răng miệng với kỹ thuật sai sẽ không làm cải thiện kết quả mặc dù được thực hiện 2 hoặc nhiều lần trong ngày. Cần đánh giá ba khía cạnh chính trong việc kiểm soát mảng bám của bệnh nhân. Thứ nhất, bệnh nhân phải có động lực thực hiện vệ sinh răng miệng thường xuyên. Thứ hai, bệnh nhân phải tập trung thực hiện các kỹ thuật một cách kỹ lưỡng. Điều này nghĩa là họ phải thực hiện theo một trình tự hợp lý và lặp lại trong mỗi lần làm sạch mảng bám để có thể làm sạch hiệu quả tất cả các mặt răng tiếp xúc với dịch trong miệng. Thứ ba, bệnh nhân cần có sự khéo léo và kiến thức để đạt được mục tiêu làm sạch hiệu quả. Điều này cần được giáo dục bởi bác sĩ lâm sàng có kiến thức. Nhiều bằng chứng cho thấy kiểm soát mảng bám là cực kỳ quan trọng đối với sự duy trì implant, giống như đối với răng thật. Những dụng cụ có hiệu quả trong việc làm sạch mảng bám ở thân răng tự nhiên cũng có hiệu quả trong việc làm sạch mảng bám ở mão trên implant. Tuy nhiên, có sự khác biệt trong hình dạng của mão trên implant cũng như trong tương quan với mão hoặc răng thật kế bên và với mô mềm xung quanh so với răng tự nhiên. Mặc dù các kỹ thuật kiểm soát mảng bám cho phục hình trên implant thường giống như các kỹ thuật vệ sinh răng miệng truyền thống cho rằng thật, nhưng cần biến đổi tùy thuộc vào thiết kế của phục hình

2. Sử dụng kem đánh răng và phương pháp chải trong quá trình làm sạch mảng bám

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã phân tích việc sử dụng kem đánh răng để vệ sinh răng miệng cá nhân và hiệu quả của kem đánh răng đối với việc kiểm soát mảng bám. Có nhiều thương hiệu và công thức kem đánh răng khác nhau. Có nhiều thành phần trong kem đánh răng và có công dụng khác nhau (ví dụ, chất làm sạch, chất mài mòn, chất đánh bóng, chất kết dính, chất giữ ẩm, nước, hương liệu, chất tạo màu, các thành phần hoạt tính như fluoride, kháng mảng bám, kháng vôi răng, chất giảm nhạy cảm). Hàm lượng và sự thay đổi của các thành phần hóa học đã được đánh giá khá nhiều, và hầu hết đều có hoạt tính khử khuẩn hoặc kháng khuẩn. Người ta nhận thấy chất mài mòn trong kem đánh răng chủ yếu gây phá hủy mô cứng nếu chà răng mạnh. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy chống chỉ định sử dụng kem đánh răng ở bệnh nhân có phục hình trên implant.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các kỹ thuật chải răng khác nhau gần như có hiệu quả làm sạch mảng bám tương tự nhau. Tuy nhiên, tất cả các phương pháp đó đều không làm sạch mảng bám hiệu quả ở vùng kẽ răng. Để thật sự hiệu quả, những kỹ thuật trên phải được điều chỉnh theo nhu cầu của bệnh nhân. Có một số kỹ thuật đã được báo cáo trong y văn. Trong kỹ thuật chải dọc, thực hiện cử động theo chiều đứng sử dụng động tác chải lên và xuống. Kỹ thuật xoay tròn được giới thiệu bởi Fones vào năm 1934 là sự kết hợp của các cử động xoay tròn nhanh từ nướu hàm trên xuống nướu hàm dưới sử dụng áp lực nhẹ. Kỹ thuật chải khe nướu (kỹ thuật Bass 1948) có thể là kỹ thuật hiệu quả nhất để kiểm soát mảng bám quanh implant. Nói chung, implant có khe nướu sâu hơn răng tự nhiên, nên kỹ thuật chải khe nướu sẽ làm sạch phần dưới niêm mạc của implant hiệu quả hơn kỹ thuật chải dọc hoặc xoay tròn. Kỹ thuật Bass tập trung làm sạch mảng bám trực tiếp ở vùng dưới viền nướu bằng cách nghiêng bàn chải về phía chóp của răng/implant. Lông bàn chải hướng về phía khe nướu khoảng 45o so với trục răng (Hình dưới đây).

lam-sach-mang-bam
Hình ảnh cho thấy góc nghiêng 45 độ trong kỹ thuật chải Bass. Lông bàn chải nằm trong khe nướu.

Di chuyển bàn chải theo chiều ngang thành từng đoạn ngắn sao cho luôn luôn giữ lông bàn chải nằm trong khe nướu và tựa vào răng. Vì vậy, kỹ thuật Bass được xem là kỹ thuật hiệu quả để làm sạch mảng bám dưới nướu và viền nướu. Một số kỹ thuật khác được xem là “phương pháp rung”. Một trong số đó là kỹ thuật Stillman được sử dụng để xoa bóp và kích thích nướu. “Kỹ thuật xoay” dựa trên cử động xoay bàn chải trên nướu và răng hướng về phía mặt nhai/cạnh cắn. Cuối cùng là kỹ thuật Bass biến đổi là thêm cử động xoay vào phương pháp cổ điển. Trong hầu hết trường hợp có implant trong miệng, đầu lông bàn chải nằm ở chỗ nối của thân răng/mão trên implant với viền nướu và đầu lông bàn chải tập trung vào phần mão nằm dưới viền mô mềm là rất hữu ích trong việc làm sạch màng sinh học. Một số nghiên cứu đề nghị bàn chải điện có thể làm sạch màng sinh học vi khuẩn hiệu quả hơn so với bàn chải tay; tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là kỹ thuật được sử dụng chứ không phải là chải bằng bàn chải điện hay bằng tay. Kỹ thuật chải răng sai, chẳng hạn như chà răng, có thể gây tổn thương niêm mạc, đặc biệt là ở những bệnh nhân có niêm mạc xương ổ quanh implant chứ không phải là niêm mạc nhai sừng hóa.

Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *