Thiết lập khớp cắn ổn định là rất quan trọng đối với sự ổn định lâu dài của kết quả điều trị. Mục tiêu cuối cùng của các chuyên khoa khác nhau là như nhau, nhưng mỗi chuyên khoa có thể có mục tiêu cụ thể riêng. Bài viết này đề cập những lưu ý đối với bệnh nhân chỉnh nha trên nền thực hiện thủ thuật cấy ghép Implant. Cùng tìm hiểu.
1. Chỉnh nha trên nền bệnh nhân thực hiện thủ thuật cấy ghép nha khoa
Thiết lập khớp cắn ổn định là rất quan trọng đối với sự ổn định lâu dài của kết quả điều trị. Mục tiêu cuối cùng của các chuyên khoa khác nhau là như nhau, nhưng mỗi chuyên khoa có thể có mục tiêu cụ thể riêng. Đối với điều trị chỉnh nha, mục tiêu là đạt được tương quan răng cối lớn và răng nanh hạng I Angle với độ cắn phủ phù hợp. Trong khi đó, thay vì tập trung vào tương quan khớp cắn, điều trị cấy ghép ở bệnh nhân chỉnh nha thường tập trung vào việc giảm thiểu những cản trở lệch tâm để ít gây ra lực sang bên hơn cho implant. Do đó, phục hình sau cùng trên implant nên được chế tác sau điều trị chỉnh nha, và thậm chí là sau khi bệnh nhân đã thích nghi với khớp cắn.
Đối với bệnh nhân bị thiếu bẩm sinh các răng cửa bên, có một vài lưu ý cho sự ổn định khớp cắn. Theo quan điểm chức năng, có một cuộc tranh luận về việc có nên thiết lập tương quan răng cối lớn hạng I Angle tại thời điểm kết thúc điều trị chỉnh nha hay không. Trong những trường hợp điều trị đóng khoảng bằng răng nanh, thì việc mất khớp cắn bảo vệ răng nanh có thể khiến bệnh nhân bị mòn cổ răng do lực uốn và rối loạn thái dương hàm (TMD). Mặt khác, răng cối nhỏ thứ nhất có thể được xem là thay thế lý tưởng cho răng nanh, vì một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy không có sự khác biệt về chức năng khớp cắn hoặc dấu hiệu và triệu chứng TMD ở những bệnh nhân này. Đối với bệnh nhân điều trị cấy ghép, có thể thiết lập khớp cắn với khớp cắn bảo vệ răng nanh “lý tưởng” và hướng dẫn răng cửa tối thiểu ở mão trên implant. Một nghiên cứu cho thấy TMD không bị ảnh hưởng bởi các phương pháp điều trị khác nhau, và 44% trong tổng số bệnh nhân sẽ bị TMD nhẹ bất kể là nhóm điều trị nào. Mặc dù có rất ít bằng chứng về ảnh hưởng của khớp cắn, nhưng đây vẫn được xem là một lưu ý quan trọng đối với mọi chuyên khoa.
2. Tác dụng phụ và biến chứng điều trị của chỉnh nha
Điều trị chỉnh nha có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như mất khoảng men răng, tăng nguy cơ sâu răng, chấn thương men răng, mòn men răng, phản ứng tủy, dị ứng với các vật liệu chỉnh nha, tăng sản nướu, tiêu chân răng, và tăng tốc độ phá hủy mô nha chu.
Một trong những biến chứng thường gặp của điều trị chỉnh nha là ngoại tiêu chân răng. Các nghiên cứu mô học cho thấy hơn 90% răng điều trị chỉnh nha bị tiêu chân răng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng sử dụng những công cụ chẩn đoán hình ảnh đã báo cáo tỷ lệ tiêu chân răng dao động từ 8 đến 16% ở răng điều trị chỉnh nha. Nguyên nhân gây tiêu chân răng ở răng điều trị chỉnh nha được xem là phức tạp và đa yếu tố. Có một vài yếu tố được xem là yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như thời gian áp dụng lực, loại và cường độ lực, hình dạng chân răng bất thường, thiếu hụt nội tiết tố, yếu tố di truyền, và tiền sử tiêu chân răng. Người ta nhận thấy các răng cửa giữa hàm trên là những răng có khuynh hướng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra, người ta nhận thấy thời gian áp dụng lực là yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn cường độ lực. Do đó, bác sĩ lâm sàng cần nhận diện và xem xét các yếu tố nguy cơ của tiêu chân răng, đồng thời thảo luận những yếu tố nguy cơ đó với bệnh nhân. Không những vậy, bệnh nhân còn phải được thông báo về các nguy cơ của điều trị chỉnh nha, đặc biệt là nguy cơ tiêu chân răng, trước khi bắt đầu điều trị. Trong quá trình điều trị chỉnh nha, các răng phải được theo dõi chặt chẽ để phát hiện mọi dấu hiệu tiêu chân. Nếu tiêu chân răng được xác định, thì giai đoạn điều trị hoạt động nên được ngưng lại trong 3 tháng. Trong trường hợp tiêu chân răng nghiêm trọng, kế hoạch điều trị nên được thay đổi và phương án điều trị thay thế nên được xem xét.
Vệ sinh răng miệng đầy đủ trong suốt quá trình điều trị chỉnh nha là rất quan trọng cho việc duy trì mộ nha chu lành mạnh. Điều trị chỉnh nha bằng khí cụ cố định khiến việc vệ sinh răng miệng trở nên khó khăn và tăng tích tụ mảng bám. Kiểm soát mảng bám trong suốt quá trình điều trị chỉnh nha là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi dự kiến đặt implant trong giai đoạn chỉnh nha, bởi vì vệ sinh răng miệng kém được xem là yếu tố nguy cơ chính của viêm quanh implant. Người ta nhận thấy những bệnh nhân có vệ sinh răng miệng kém thì có nhiều nguy cơ phát triển viêm quanh implant hơn. Do đó, điều quan trọng là phải giáo dục các kỹ thuật kiểm soát mảng bám hiệu quả đồng thời củng cố hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân tại mỗi buổi tái khám tùy từng trường hợp.
Rút ngắn thời gian điều trị luôn là mong ước của bệnh nhân và là mục tiêu của bác sĩ lâm sàng. Việc tích hợp phát triển vị trí cấy ghép và đặt implant với điều trị chỉnh nha có thể làm giảm tổng thời gian điều trị. Ngoài ra, khoan xương vỏ chọn lọc cũng có thể làm tăng thêm tốc độ di chuyển răng. Phát hiện này đầu tiên được gọi là hiện tượng tăng tốc vùng. Sau này, nó được kết hợp với phẫu thuật ghép xương bởi Dr. William M. Wilcko và được gọi là chỉnh nha tăng tốc xương. Cơ chế của kỹ thuật này có thể là do tình trạng viêm làm tăng tốc độ chu chuyển xương. Người ta đã báo cáo loại ca sử dụng kỹ thuật này cùng với mini-vít để điều trị những trường hợp cực kỳ khó, chẳng hạn như làm lún răng cối lớn bị trồi nhiều hoặc đóng khoảng mất răng lớn (răng cối lớn). Vấn đề chính là sự chấp thuận của bệnh nhân đối với tính chất xâm lấn của phương pháp này. Phương pháp xâm lấn tối thiểu sử dụng các dụng cụ piezo cũng đã được đề xuất để giảm thiểu nguy cơ bệnh lý. Các kỹ thuật chỉnh nha nhanh đang dần trở nên phổ biến đối với bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân, và phương pháp này có thể là một lĩnh vực đầy tiềm năng trong tương lai gần.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply