Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về 11 loại thuốc phổ biến mà người cao tuổi thường sử dụng và có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Những loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người có sức khỏe yếu. Chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu về các tác dụng phụ của từng loại thuốc và các biện pháp đối phó, giúp tăng cường kiến thức và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
1.Tuổi tác làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của thuốc
1.1 Ảnh hưởng của các loại thuốc, tương tác và lịch trình sử dụng thuốc
Người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc một hoặc nhiều bệnh mãn tính, chẳng hạn như huyết áp cao , cholesterol cao, tiểu đường loại 2 , bệnh động mạch vành, viêm khớp , bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), trầm cảm,… Những tình trạng bệnh lý mãn tính này có thể là được điều trị bằng nhiều loại thuốc mà mỗi loại thuốc đều có tác dụng phụ tiềm ẩn riêng và những tác dụng phụ này có thể tăng lên nhanh chóng. Ngoài ra, khi sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc cùng lúc hoặc khoảng cách giữa các liều quá ngắn, có nhiều khả năng tương tác thuốc xảy ra. Một số loại thuốc có yêu cầu về thời gian cụ thể như phải dùng trước bữa ăn, cùng với thức ăn, hoặc trước khi đi ngủ do đó dùng nhiều loại thuốc vào các thời điểm khác nhau trong ngày cũng là yếu tố ảnh hưởng làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ không mong muốn
1.2 Ảnh hưởng của quá trình thay đổi dược động học
Quá trình lão hóa bình thường ở người lớn tuổi tác động và làm thay đổi dược động học của thuốc khi đi vào cơ thể làm cho tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra cao hơn. Cụ thể, khi lớn tuổi, cơ thể sẽ tích tụ nhiều chất béo hơn so với xương và cơ bắp do đó mặc dù cân nặng vẫn giữ nguyên nhưng tỉ lệ mỡ trong cơ thể tăng, là điều kiện thuận lợi để hòa tan các loại thuốc tan trong chất béo, từ đó tác dụng của các thuốc kéo dài hơn kể cả khi ngưng sử dụng thuốc. Bình thường, tế bào cơ tích trữ nhiều nước hơn tế bào mỡ, điều này đồng nghĩa ở người cao tuổi ít có khả năng hòa tan các loại thuốc tan trong nước, vì vậy một số loại thuốc trở nên quá cô đặc trong máu và làm tăng tác dụng. Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể giúp chuyển hóa thuốc nhưng khi lớn tuổi khối lượng gan nhỏ hơn, lưu lượng máu đến gan giảm và các enzyme phân hủy cũng giảm làm cho việc thuốc tích tụ nhiều trong gan gây tổn thương gan. Tương tự, ở người cao tuổi chức năng thận cũng giảm do lưu lượng máu đến thận giảm nên năng suất làm việc của thận trở nên kém hiệu quả trong thải trừ thuốc khỏi cơ thể
Vì những nguyên nhân trên, cơ thể người lớn tuổi trở nên nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ và một số tác dụng phụ – như nhầm lẫn, huyết áp thấp và té ngã có thể đặc biệt nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời và đầy đủ. Việc nắm rõ các thuốc làm tăng nhạy cảm tác dụng phụ ở người lớn tuổi rất cần thiết để có những lựa chọn thay thế an toàn hiệu quả hơn.
2.Các thuốc gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng ở người cao tuổi
2.1 Benadryl và các loại thuốc kháng Histamin khác
Thuốc kháng histamin được sử dụng cho các tình trạng khác nhau, bao gồm dị ứng và các vấn đề về giấc ngủ. Dù vậy, trong nhiều trường hợp tránh sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất ở người cao tuổi. Nguyên nhân được chứng minh là khi cơ thể có dấu hiệu lão hóa, chức năng thận bị suy giảm và dễ tích tụ lượng lớn thuốc do quá trình đào thải thuốc kém. Từ đó, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các tác dụng phụ bao gồm táo bón, khô miệng, lú lẫn, chóng mặt, bí tiểu và các vấn đề về gan hoặc thận. Cụ thể, Diphenhydramine (Benadryl) thường phổ biến có tác dụng kháng Cholinergic nhưng gây suy giảm nhận thức (lú lẫn, mất trí nhớ, mê sảng) ở người cao tuổi. Ngoài ra còn các thuốc cùng nhóm gồm Doxylamine (Unisom), Clorpheniramin (Chlor-Trimeton), Dimenhydrinate (Dramamine). Hơn nữa, những thuốc kháng histamin này có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị vấn đề mạch thường dùng ở người cao tuổi như Metoprolol. Đối với người lớn tuổi nên lựa chọn các loại thuốc kháng histamin mới hơn để điều trị các triệu chứng dị ứng: Cetirizine (Zyrtec), Fexofenadine (Allegra) hoặc Loratadine (Claritin).
2.2 Thuốc ngủ
Chứng mất ngủ thường được điều trị bằng thuốc theo toa được gọi chung là “thuốc Z”, bao gồm Eszopiclone (Lunesta), Zaleplon Sonata) và Zolpidem (Ambien). Nhưng ở người lớn tuổi, chúng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như mê sảng, té ngã và các vấn đề về nhận thức. Ngoài ra, các thuốc ngủ nhóm Benzodiazepin (BZD) cũng nên tránh khi sử dụng điều trị các vấn đề về giấc ngủ ở người cao tuổi bao gồm Estazolam, Triazolam (Halcion) và Temazepam (Restoril) khi gây các tác dụng phụ tương tự. Do đó, tập trung vào điều trị chứng mất ngủ không dùng thuốc bằng cách thay đổi lối sống sinh hoạt sẽ phù hợp hiệu quả hơn ở người cao tuổi.
2.3 Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ có thể khó dung nạp đối với người lớn tuổi do tác dụng phụ. Đặc biệt, các thuốc này gây buồn ngủ, nguy cơ té ngã, táo bón và các vấn đề tiểu tiện. Trong đó, Carisoprodol (Soma), Cyclobenzaprine và Methocarbamol là một vài ví dụ phổ biến. Vì vậy, nên thử tập thể dục và các phương pháp điều trị hỗ trợ thay cho thuốc giãn cơ.
2.4 Thuốc chống co thắt
Co thắt trong đường tiêu hóa là một triệu chứng phổ biến, thường được mô tả là cảm giác đau hoặc khó chịu trong.Các thuốc chống co thắt như Dicyclomine và Hyoscyamine (Levsin) được sử dụng để giảm các triệu chứng này bằng cách giãn các cơ bụng và giảm sự co thắt trong đường tiêu hóa thường xuyên xảy ra khi cơ bụng co lại. Tuy nhiên, chúng có thể không hoạt động tốt trong người lớn tuổi do sự thay đổi về chức năng cơ thể liên quan đến tuổi tác. Hơn nữa, các thuốc chống co thắt này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như lú lẫn, khô miệng và táo bón, đặc biệt là trong những trường hợp sử dụng lâu dài. Vì vậy, người lớn tuổi thường được khuyến cáo tránh sử dụng các loại thuốc này và nên tìm kiếm các phương pháp điều trị khác như thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục, giảm stress hoặc sử dụng các loại thuốc khác (thuốc giảm đau, thuốc tác động trực tiếp đến đường tiêu hóa).
2.5 Seroquel và các loại thuốc chống loạn thần
Thuốc chống loạn thần được sử dụng để điều trị các tình trạng tâm thần như tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực. Một số ví dụ về thuốc chống loạn thần bao gồm Aripiprazole (Abilify), Quetiapine (Seroquel) và Risperidone (Risperdal). Seroquel cũng được sử dụng để điều trị vấn đề về giấc ngủ ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, thuốc chống loạn thần có thể gây ra một số tác dụng phụ đáng lo ngại ở người lớn tuổi, bao gồm nhầm lẫn, chóng mặt, huyết áp thấp, các chuyển động cơ thể không kiểm soát được và các vấn đề về tiểu tiện. Các tác dụng phụ này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người lớn tuổi, đặc biệt là những người có sức khỏe yếu. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chống loạn thần để điều trị các vấn đề về hành vi ở người lớn tuổi mắc chứng mất trí nhớ đã được chứng minh là tăng nguy cơ tử vong và đột quỵ. Vì vậy, FDA đã đưa ra cảnh báo nghiêm ngặt nhất để tránh sử dụng thuốc chống loạn thần cho những người lớn tuổi này. Do đó, trong trường hợp của người lớn tuổi, các phương pháp điều trị không sử dụng thuốc cho các vấn đề về hành vi liên quan đến chứng mất trí nên được thử trước sử dụng thuốc chống loạn thần. Tuy nhiên, thuốc chống loạn thần vẫn có thể được sử dụng thận trọng cho một số mục đích sử dụng nhất định, và quyết định sử dụng thuốc cần phải được đưa ra dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
2.6 Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) đã được sử dụng trước đây để điều trị trầm cảm, nhưng hiện nay hầu hết đã được thay thế bởi các loại thuốc chống trầm cảm mới hơn. Vì chúng được biết là gây ra nhầm lẫn, huyết áp thấp, an thần và các tác dụng phụ khác. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với người lớn tuổi. Lựa chọn tốt hơn cho người lớn tuổi là các thuốc chống trầm cảm mới hơn và các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) là một ví dụ. Tuy nhiên, cũng có thể có các rủi ro tương tự với các loại thuốc này, vì vậy cần thận trọng và được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
2.7 Thuốc an thần
Thuốc an thần điển hình như Phenobarbital, được sử dụng để điều trị bệnh động kinh hoặc giúp ngủ ngon. Một số loại thuốc kết hợp như Butalbital, được sử dụng để giảm đau hoặc điều trị chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra nhầm lẫn và gây nghiện, đặc biệt là đối với người lớn tuổi. Nếu sử dụng quá liều, chúng cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thay vì sử dụng thuốc an thần và các loại thuốc kết hợp để giảm đau hoặc điều trị
chứng đau nửa đầu, người lớn tuổi nên tìm các lựa chọn thay thế an toàn hơn: Lacosamide (Vimpat), Lamotrigine (Lamictal) và Levetiracetam (Keppra).
2.8 Indomethacin
Indomethacin (Indocin) là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Đôi khi nó được sử dụng để giảm đau do viêm khớp và bệnh gút, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy nó có thể gây nhầm lẫn, nghiêm trọng hơn là tổn thương thận và loét đường tiêu hóa. Do đó, nếu không phải sử dụng trong thời gian ngắn thì người lớn tuổi nên tránh dùng NSAID.
2.9 Thuốc giảm đau Opioid
Thuốc giảm đau Opioid thường gây nhầm lẫn và buồn ngủ ở người lớn tuổi. Táo bón, các vấn đề về tiểu tiện và thở chậm cũng có thể xảy ra. Trong đó, Meperidine đặc biệt không nên sử dụng ở người cao tuổi vì có nhiều khả năng gây lú lẫn nghiêm trọng. Ngoài ra, nên tránh kết hợp các Opioid khác với một số loại thuốc: BZD, Gabapentin (Neurontin) và Pregabalin (Lyrica) vì ự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng thậm chí gây tử vong.
2.10 Thuốc chẹn Alpha
Một số thuốc chẹn Alpha có thể được sử dụng để điều trị huyết áp cao như Doxazosin (Cardura), Terazosin và Prazosin (Minipress). Bình thường các thuốc này hoạt động bằng cách làm giãn các mạch máu. Tuy nhiên, có thể xảy ra tình trạng hạ huyết áp thế đứng đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi, từ đó làm tăng nguy cơ ngất xỉu và té ngã. Vì vậy, các lựa chọn tốt hơn có thể sử dụng bao gồm thuốc lợi tiểu Thiazid , thuốc ức chế men chuyển Angiotensin (ACE) hoặc thuốc chẹn kênh Canxi.
2.11 Sulfonylurea tác dụng kéo dài
Glimepiride (Amaryl) hoặc Glyburide (Diabeta) được sử dụng để giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh tiểu đường loại 2. Tuy cùng thuộc nhóm thuốc Sulfonylurea nhưng thường tồn tại trong cơ thể lâu hơn so với các loại thuốc khác cùng nhóm. Tác dụng phụ phổ biến nhất của nhóm thuốc này là hạ đường huyết quá mức, nguy cơ này có thể nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn. Nếu không được điều trị, nó có thể đe dọa tính mạng nhất là đối với người cao tuổi. Glipizide (Glucotrol) là một Sulfonylurea tác dụng ngắn hơn có thể là một lựa chọn tốt hơn.
3.Kết luận
Trong một số trường hợp, có thể có những lựa chọn an toàn hơn cho người lớn tuổi. Do đó cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia y tế để có phương án điều trị bệnh tốt nhất ở người cao tuổi.
Leave a Reply