Tiền sản giật, sản giật là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai với tỉ lệ từ 2% – 8%. Triệu chứng thường gặp là phù, huyết áp tăng và protein niệu. Là 1 trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho mẹ và thai.
1. Giới thiệu tiền sản giật
Tiền sản giật là một rối loạn tiến triển đa hệ thống được đặc trưng bởi sự khởi phát mới của tăng huyết áp và protein niệu hoặc khởi phát tăng huyết áp mới cộng với rối loạn chức năng cơ quan đích (mắt, não, thận, mạch máu) có hoặc không có protein niệu, thường xuất hiện sau 20 tuần của thai kỳ hoặc sau khi sinh.
Cơ chế bệnh sinh liên quan đến cả sự bất thường của nhau thai và rối loạn chức năng mạch máu hệ thống của mẹ. Khoảng 90 phần trăm các trường hợp xuất hiện ở giai đoạn sinh non muộn (≥34 đến <37 tuần), đủ tháng hoặc sau sinh. Khoảng 10 phần trăm trường hợp còn lại có biểu hiện sớm (<34 tuần) và có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong chu sinh cao hơn do các rủi ro liên quan đến sinh non vừa phải, rất non hoặc cực kỳ non tháng.
Mặc dù chứng rối loạn luôn tự khỏi trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh, nhưng những người có tiền sử tiền sản giật có nguy cơ mắc bệnh và tử vong liên quan đến tim mạch cao hơn trong suốt cuộc đời.
Tiền sản giật
2. Phân loại tiền sản giật
2.1 Tiền sản giật nhẹ
- Huyết áp (HA) ≥ 140/90 mmHg sau tuần 20 của thai kỳ.
- Protein/ niệu ≥ 300 mg/24 giờ hay que thử nhanh (+)
2.2 Tiền sản giật nặng
+ Huyết áp ≥ 160/110 mm Hg.
+ Protein/ niệu ≥ 5 g/24 giờ hay que thử 3+ (2 mẫu thử ngẫu nhiên).
+ Thiểu niệu, nước tiểu < 500 ml/ 24 giờ.
+ Creatinine / huyết tương > 1.3 mg/dL.
+ Tiểu cầu < 100,000/mm3.
+Tăng men gan ALT hay AST (gấp đôi ngưỡng trên giá trị bình thường).
+ Axít uric tăng cao
+ Thai chậm phát triển.
+ Nhức đầu hay nhìn mờ.
+ Đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.
Sản giật được chẩn đoán khi có cơn co giật xảy ra ở phụ nữ mang thai có triệu chứng tiền sản giật và không có nguyên nhân nào khác để giải thích. Các cơn co giật trong sản giật thường là toàn thân, có thể xuất hiện trước, trong chuyển dạ hay trong thời kỳ hậu sản. Sản giật có thể dự phòng được bằng cách phát hiện và điệu trị sớm tiền sản giật
3. Các yếu tố lâm sàng có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển tiền sản giật
- Tiền sản giật trong lần mang thai trước: Tiền sử tiền sản giật làm tăng nguy cơ phát triển tiền sản giật trong lần mang thai tiếp theo gấp 8 lần so với những bệnh nhân không có tiền sử này
- Tuổi mang thai của người mẹ >40 hoặc <18 tuổi
- Tiền sử gia đình tiền sản giật
- Tăng huyết áp mãn tính: làm tăng nguy cơ tiền sản giật gấp 5 lần so với những bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ này
- Bệnh thận mãn tính
- Bệnh tự miễn dịch (ví dụ, hội chứng kháng phospholipid, lupus ban đỏ hệ thống)
- Các bệnh liên quan đến đường máu
- Đái tháo đường (trước khi mang thai và trong thai kỳ)
- Mang đa thai
- Thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai
- Người mẹ mắc các bệnh về tâm lý, tâm thần,…
- Các biến chứng thai kỳ trước đó liên quan đến suy nhau thai
4. Tiên lượng và hạn chế bệnh tái phát
Các vấn đề tiên lượng bao gồm nguy cơ tiền sản giật tái phát và các biến chứng liên quan trong lần mang thai tiếp theo và rủi ro sức khỏe bà mẹ lâu dài. Tiền sản giật tái phát có nhiều khả năng xảy ra sau khi mang thai đơn bị tiền sản giật hơn là sau khi mang song thai bị tiền sản giật.
Ngăn ngừa tái phát bằng các cách sau:
- Liệu pháp aspirin liều thấp trong thời kỳ mang thai làm giảm đáng kể nguy cơ ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Giảm cân ở những bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì có thể làm giảm nguy cơ tái phát tiền sản giật. Bên cạnh đó là tập thể dục đều đặn và một chế độ ăn lành mạnh
- Điều trị bệnh tiền sản giật ban đầu: Điều trị đúng cách và kịp thời trong giai đoạn tiền sản giật sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát của bệnh.
- Kiểm soát áp huyết: Bệnh nhân cần định kỳ kiểm tra huyết áp và tuân thủ các biện pháp điều trị tăng huyết áp
- Theo dõi chức năng thận: Bệnh nhân cần thường xuyên theo dõi chức năng thận thông qua xét nghiệm máu và nước tiểu, và tuân thủ chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để giảm tải lên chức năng thận.
- Theo dõi thai kỳ: Bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để đảm bảo thai nhi phát triển tốt và đúng kỳ.
- Chế độ dinh dưỡng: Bệnh nhân nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giảm đồ ăn có natri và chất béo cao, và tăng cường việc uống nước.
- Giảm căng thẳng: Bệnh nhân cần tránh các tình huống căng thẳng, giảm stress, đảm bảo giấc ngủ đầy đủ và đúng giờ.
- Tuân thủ lịch hẹn điều trị và kiểm tra sức khỏe định kỳ: Bệnh nhân cần đến khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ lịch hẹn điều trị của bác sĩ để theo dõi và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để hạn chế bệnh tái phát là phải được tư vấn và điều trị bởi các chuyên gia y tế, đặc biệt là trong các trường hợp có nguy cơ cao hoặc có biến chứng của nó.
Leave a Reply