Có nhiều ý kiến khác nhau về các yếu tố đặc hiệu cần được xem xét ở những bệnh nhân sẽ điều trị phục hình implant răng giả. Ví dụ, bệnh nhân có vệ sinh răng miệng không tốt, thành phần vi khuẩn của màng sinh học, tiền sử viêm nha chu, xạ trị hàm, thói quen hút thuốc lá, duy trì không tốt, và các bệnh toàn thân. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề liên quan đến phục hình Implant răng sau đơn lẻ, đồng thời đề cập đến ưu nhược điểm và điều kiện lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
1. Yêu cầu cơ bản đối với phục hình Implant răng sau
Có nhiều ý kiến khác nhau về các yếu tố đặc hiệu cần được xem xét ở những bệnh nhân sẽ điều trị phục hình implant răng sau. Ví dụ, bệnh nhân có vệ sinh răng miệng không tốt, thành phần vi khuẩn của màng sinh học, tiền sử viêm nha chu, xạ trị hàm, thói quen hút thuốc lá, duy trì không tốt, và các bệnh toàn thân (chẳng hạn như đái tháo đường không kiểm soát, ung thư, và bệnh tim mạch) là nhóm có nguy cơ phát triển bệnh lý viêm quanh implant và nguy cơ thất bại implant cao hơn.
Đủ mật độ và chất lượng xương là một trong những yêu cầu quan trọng nhất cho sự thành công của implant. Tuy nhiên, những cải tiến mới trong thiết kế của implant đã cho ra đời các implant ngắn và hẹp, từ đó thay đổi những tiêu chí cũ về chiều cao/chiều rộng xương. Tỷ lệ thành công cao của các thủ thuật ghép và mở rộng xương đã giúp tái tạo xương bị tiêu đến một mức độ nào đó. Người ta nhất trí rằng phải có đủ xương để đạt độ ổn định sơ khởi tại thời điểm đặt implant, và thân implant phải cách các điểm mốc giải phẫu, chẳng hạn như chân răng kế cận, thần kinh hàm dưới, sàn xoang hàm, hoặc lỗ cằm, tối thiểu 1.5 mm. Nhiều bác sĩ lâm sàng đề nghị cần tối thiểu 2 mm độ dày mào xương mặt ngoài để tránh nguy cơ biến chứng sinh học và/hoặc thẩm mỹ do sự tái cấu trúc bình thường của mào xương. Bệnh nha chu phải được điều trị trước khi đặt implant, và vị trí implant dự kiến phải hoàn toàn không có bệnh lý, bao gồm cả tổn thương nội nha còn sót lại.
2. Ưu và nhược điểm của các loại phục hình Implant răng đơn lẻ
Phục hình gắn xi măng có nhiều ưu điểm hơn so với phục hình bắt vít. Chúng đem lại sự linh hoạt, có thể giúp điều chỉnh các implant không thẳng hàng, và cải thiện thẩm mỹ – ngay cả khi vị trí implant không lý tưởng – đặc biệt là ở vùng răng trước. Tuy nhiên, chúng cũng có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, phục hình gắn xi măng khó tháo hơn nhiều so với phục hình bắt vít trong trường hợp phục hình bị vỡ hoặc lỏng vít abutment vì lý do nào đó. Một nhược điểm nữa gây ra nhiều rắc rối cho bác sĩ phục hình là việc lưu giữ xi măng bên dưới bờ niêm mạc có thể gây ra các biến chứng cho implant.
Xi măng dư có thể gây ra bệnh lý quanh implant bên dưới phục hình gắn xi măng trên implant, đây là lý do tại sao gần đây nha sĩ bắt đầu quay trở lại ủng hộ phục hình bắt vít. Ngoài ra, xi măng dư dưới nướu có thể được xem là “vôi răng nhân tạo” và có thể gây kích ứng tương tự như vôi răng calci hóa ở răng thật. Bệnh lý quanh implant có thể chỉ ảnh hưởng đến niêm mạc quanh implant (viêm niêm mạc quanh implant), mà theo Present và Levine là “đặc biệt là ở vùng thẩm mỹ thì nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều trị cấy ghép. Ngay cả khi implant vẫn còn tích hợp xương, thì tình trạng tăng sản hoặc tụt mô mềm vẫn là kết quả không thể chấp nhận được đối với cả bệnh nhân lẫn bác sĩ lâm sàng”; hoặc nó có thể liên quan đến cả xương nâng đỡ (viêm quanh implant). Theo định nghĩa gần đây, viêm niêm mạc quanh implant là sự hiện diện tình trạng viêm (chảy máu khi thăm khám) ở niêm mạc của implant mà không có dấu hiệu tiêu xương, trong khi đó viêm quanh implant là tình trạng viêm không chỉ giới hạn ở niêm mạc mà còn đặc trưng bởi sự tiêu xương quanh implant.
Tóm lại, những ưu điểm của phục hình gắn xi măng là:
- Kỹ thuật labo đơn giản hơn;
- Ít nguy cơ không khít sát hơn;
- Cải thiện thẩm mỹ ở mặt nhai của phục hình;
- Thiết kế mặt nhai thuận lợi;
- Không bị lỏng vít mặt nhai;
- Chi phí thấp hơn so với phục hình bắt vít.
Ngược lại, nó có những nhược điểm là:
- Không thể làm sạch hoàn toàn xi măng dư, nhất là khi phục hình hoặc bờ abutment nằm dưới niêm mạc;
- Khả năng sửa chữa giới hạn, tùy thuộc vào loại xi măng được sử dụng;
- Không tiên lượng được độ bền và độ lưu, tùy thuộc vào thiết kế và kích thước của abutment;
- Có thể phát sinh thêm chi phí do mất lưu giữ phục hình.
3. Điều kiện lựa chọn phương pháp phẫu thuật không lật vạt
Có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật không lật vật để đặt implant nếu thể tích xương theo chiều rộng và chiều cao là rất tốt (được xác định trên thiết diện cắt ngang của phim X-quang) và nếu có dải niêm mạc sừng hóa rộng tại vị trí cấy ghép. Nếu chiều rộng xương được chẩn đoán trên thiết diện cắt ngang của phim X- quang và máng chẩn đoán là không thể tiên lượng được khả năng duy trì tối thiểu 1 mm độ dày xương mặt ngoài và/hoặc mặt trong cho implant thì cần lật vạt để tạo thuận lợi cho phẫu thuật ghép xương theo chiều ngang. Ngoài ra, nếu niêm mạc sừng hóa tại vị trí cấy ghép bị hẹp và có nguy cơ bị “cắt đi” trong quá trình phẫu thuật thì phẫu thuật không lật vạt là chống chỉ định để tránh nguy cơ chừa lại niêm mạc di động quanh implant. Cuối cùng, sử dụng máng hướng dẫn phẫu thuật chính xác và vững ổn sẽ cho phép tái lập vị trí implant được dự kiến trên phim X-quang, điều này đặc biệt quan trọng trong phẫu thuật implant không lật vật.
Phẫu thuật implant không lật vạt giúp quy trình diễn ra nhanh chóng và đơn giản cho cả bác sĩ phẫu thuật lẫn bệnh nhân. Nó còn làm giảm đáng kể sự khó chịu sau phẫu thuật cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phương pháp phẫu thuật này bị hạn chế trong một số trường hợp.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply