Implant tức thì ở vùng thẩm mỹ – Phục hình và vật liệu.

Để kiểm soát sự tích hợp xương của implant cùng với dạng vỏ sò và sự trưởng thành mô mềm tốt hơn thì không phải lúc nào cũng làm phục hình tạm tức thì ở vùng thẩm mỹ. Đồng thời với đó, diều chỉnh dạng thoát là rất quan trọng để đạt được kết quả thẩm mỹ hài lòng với hình dạng và dạng vỏ sò mô mềm phù hợp. Bài viết này tập trung vào vấn đề phục hình và các dạng vật liệu phục hình trong quá trình thực hiện Implant tức thì ở vùng thẩm mỹ. Cùng tìm hiểu thêm.

implant-tuc-thi-1

1. Phục hình tạm đối với Implant tức thì ở vùng thẩm mỹ

Để kiểm soát sự tích hợp xương của implant cùng với dạng vỏ sò và sự trưởng thành mô mềm tốt hơn thì không phải lúc nào cũng làm phục hình tạm tức thì ở vùng thẩm mỹ. Ngoại trừ các phương án tháo lắp ít khi không được chấp thuận ở bệnh nhân có yêu cầu cao, thì giải pháp cố định như cầu răng Maryland thường được đề xuất. Ở vùng thẩm mỹ, cầu răng Maryland nâng đỡ nhịp cầu hình trứng và được gắn ngay sau phẫu thuật, tạo ra cấu trúc nướu tự nhiên và tránh sụp mô mềm sau nhổ răng. Nhịp cầu hình trứng nên mở rộng vào trong vị trí sau nhổ răng khoảng 1-2 mm để đủ nâng đỡ mô mềm mặt ngoài (không được nhiều quá để tránh gây tụt mô mềm), nâng đỡ mặt bên (quan trọng bởi vì gai nướu có tác dụng như một túi nước), và nâng đỡ mặt trong (để tạo sự thoải mái cho bệnh nhân, phát âm, và tránh nguy cơ nhồi nhét thức ăn). Điều quan trọng là phần bên dưới nhịp cầu không được lõm và bề mặt phải được đánh bóng kỹ.

2. Điều chỉnh dạng thoát và phục hình

Điều chỉnh dạng thoát là rất quan trọng để đạt được kết quả thẩm mỹ hài lòng với hình dạng và dạng vỏ sò mô mềm phù hợp. Hình dạng quanh implant nên được thiết kế ở giai đoạn phục hình tạm và chuyển sang phục hình sau cùng theo quy trình. Vùng ít quan trọng hơn là vùng nằm gần đầu implant, đặc trưng bởi hình dạng thẳng và ít ảnh hưởng đến mô mềm. Dạng thoát lõm ở vùng này có thể hữu ích cho việc làm dày mô mềm và tạo thuận lợi cho mô mềm di chuyển về phía thân răng. Vùng quan trọng là vùng nằm gần viền nướu, chịu trách nhiệm tạo hình mô mềm và phải được thiết kế cẩn thận: thiết kế lồi thì mô mềm sẽ di chuyển về phía chóp, thiết kế lõm thì mô mềm sẽ di chuyển về phía thân răng.

Sự ổn định của mô mềm quanh implant đặc biệt liên quan đến các quy trình phẫu thuật hỗ trợ mô cứng và mô mềm ở mặt ngoài và mặt bên. Việc lựa chọn vật liệu phù hợp sẽ góp phần cải thiện sự ổn định này. Trên lâm sàng không có quá nhiều sự khác biệt, nhưng phim X-quang và kết quả mô học đã ghi nhận được một vài khác biệt. Những vật liệu như titanium và zirconia thì gây tiêu xương ít hơn, có vị trí hàng rào biểu mô nằm về phía thân răng hơn, hàm lượng collagen và nguyên bào sợi trong mô liên kết xung quanh cao hơn. Vì các kết quả lâm sàng ít có ý nghĩa hơn, nên thông tin này chỉ nên được xem xét chứ không phải là một yếu tố quan trọng.

Ở giai đoạn phục hình sau cùng trên implant, có hai giải pháp có thể được lựa chọn: phục hình gắn xi măng hoặc phục hình bắt vít. Mỗi loại đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Phục hình đơn lẻ gắn xi măng ở vùng thẩm mỹ có các ưu điểm sau:

  • Thẩm mỹ: Vì phục hình được gắn xi măng lên abutment giống như răng thật, nên không có lỗ bắt vít và thẩm mỹ của phục hình là vô cùng tuyệt vời, đặc biệt là nếu implant hơi nghiêng ngoài.
  • Khớp cắn: Tương tự, khớp cắn ở khớp cắn trung tâm hoặc trong các vận động trượt không bị ảnh hưởng do không có lỗ bắt vít.
  • Độ bền sứ: Vì không có lỗ trên phục hình nên sự toàn vẹn của sứ được cải thiện.

Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý đến những nhược điểm như khả năng sửa chữa hạn chế (nhất là khi lỏng vít) và du xi măng trong khe quanh implant.

Lựa chọn vật liệu phục hình sau cùng có vai trò quan trọng trong việc đạt được kết quả thẩm mỹ tự nhiên, đặc biệt là trong trường hợp còn răng thật và dễ dàng bị so sánh bởi bệnh nhân hoặc người khác. Lợi ích thẩm mỹ của abutment sứ so với abutment kim loại đã được ghi nhận trong các nghiên cứu lâm sàng gần đây, cho thấy sự cải thiện màu sắc mô mềm quanh implant. Ngoài ra thì không có nhiều sự khác biệt ở phần mão răng, bởi vì khi độ dày của abutment tăng lên thì hầu hết vật liệu đều có độ đục tương đương nhau. Những nghiên cứu gần đây hơn nhận thấy, trong khi abutment titanium xám gây đổi màu mô mềm, thì abutment kim loại màu vàng hoặc abutment titanium màu vàng lại đem lại kết quả thẩm mỹ tự nhiên cho mô mềm tương tự nhau, và có thể được ưu tiên vì lý do độ bền.

Abutment trắng (zirconia, lithium disilicate, alumina) luôn luôn bị xem là có nguy cơ cao hơn so với loại abutment bền hơn, chẳng hạn như titanium và kim loại. Thực tế, mão sứ-kim loại gắn xi măng lên abutment titanium đã được chứng minh là có độ bền gãy vượt trội so với mão toàn sứ gắn xi măng trên abutment sứ. Ngoài những vấn đề thẩm mỹ đã đề cập, một vài nghiên cứu đã báo cáo tiên lượng tốt của abutment zirconia, đặc biệt là ở răng trước, chẳng hạn như độ bền gãy của abutment toàn sứ (Al2O3 và ZrO2) lớn hơn giá trị tối đa của tải lực răng cửa được báo cáo trong y văn. Những tổng quan hệ thống gần đây báo cáo tỷ lệ tồn tại 5 năm là tương đương nhau giữa abutment sứ với abutment kim loại cũng như các biến chứng cơ học và sinh học ở vùng răng sau. Do đó, abutment toàn sứ có thể được sử dụng với tiên lượng tốt, nhưng phải lựa chọn cẩn thận tùy từng trường hợp cụ thể.

Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *