Chấn thương sọ não là một loại chấn thương nghiêm trọng đối với hệ thống thần kinh và có thể gây ra các vấn đề về chức năng và sức khỏe. Chấn thương sọ não thường xảy ra khi đầu bị tác động mạnh hoặc va chạm vào một vật cứng, gây ra sự chấn động cho não bên trong sọ. Các triệu chứng của chấn thương sọ não có thể bao gồm đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa, nhức đầu, khó khăn trong việc tập trung, suy giảm trí nhớ, loạn thị hoặc mất thính lực. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, chấn thương sọ não có thể gây ra liệt cả hai chân hoặc cả hai tay, sự mất cân bằng, hoặc mất ý thức. Việc phòng ngừa chấn thương sọ não là rất quan trọng, bao gồm đeo mũ bảo hiểm khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc công việc nguy hiểm và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn có thể gây chấn thương sọ não.
Bài viết tham khảo từ tài liệu ban hành theo Quyết định số 5623 /QĐ-BYT ngày 21/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
1.1. Định nghĩa chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não (CTSN) là tình trạng tổn thương não cấp tính gây ra bởi một lực cơ học bên ngoài tác động vào đầu. (Nhóm Các Hướng dẫn New Zealand, 2006)
Các dấu hiệu lâm sàng có thể bao gồm một hoặc nhiều rối loạn sau:
- Lú lẫn hoặc mất định hướng
- Mất ý thức
- Quên sau chấn thương (PTA)
- Các thay đổi về thần kinh khác như các dấu hiệu thần kinh khu trú, co giật và/hoặc tổn thương nội sọ.
Các biểu hiện này không phải được gây ra bởi việc sử dụng ma túy, rượu hay các thuốc điều trị, cũng không phải bởi các tình trạng chấn thương khác hoặc bởi việc điều trị cho các chấn thương đó (ví dụ: các chấn thương toàn thân, chấn thương mặt hoặc do đặt nội khí quản), hoặc gây ra bởi các vấn đề khác (ví dụ: sang chấn tâm lý, rào cản ngôn ngữ hay các tình trạng bệnh tật khác kèm theo).
CTSN có thể xảy ra theo cơ chế chấn thương xuyên thấu, nhưng trong tình huống này, các dấu hiệu thần kinh khu trú thường quan trọng hơn các yếu tố lan tỏa khác.
1.2. Dịch tễ học CTSN
Rất khó để xác định số người bị CTSN, bất kể thể nặng hay nhẹ, do những khó khăn trong việc mã hóa tình trạng này tại các bệnh viện. Rất nhiều người bị CTSN nhẹ không tìm đến các dịch vụ y tế. Hiện tại, gần như không thể biết được có bao nhiêu người phải vào cấp cứu hoặc đi khám bác sĩ với tình trạng chấn thương đầu là do thật sự bị CTSN ((New Zealand Guidelines Group, 2006). Nghiên cứu tổng hợp y văn được thực hiện bởi WHO Collaborating Centre Task Force on Mild Traumatic Brain Injury kết luận rằng tỷ lệ “thật sự” trên tổng dân số bị CTSN nhẹ là lớn hơn 600 trường hợp trên 100.000 người mỗi năm
(Cassidy JD et al, 2004). Tỷ lệ đó nếu tính cho Việt Nam sẽ là lớn hơn 560.000 trường hợp mỗi năm.
Chấn thương gây ra do tai nạn giao thông được cho là nguyên nhân dẫn đến tử vong xếp hàng thứ tám trên toàn thế giới (xấp xỉ 1,24 triệu người chết mỗi năm do tai nạn giao thông trên toàn thế giới), gây ra hậu quả tương đương với hậu quả của các bệnh truyền nhiễm như sốt rét (WHO, 2013). Theo số liệu của TCYTTG, hàng năm, tại Việt Nam tai nạn giao thông (4,1%) là nguyên nhân dẫn đến tử vong xếp hàng thứ tư, làm 21.000 người chết trong năm 2012. (WHO, 2015).
CTSN là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chết do tổn thương não tại các đơn vị điều trị tích cực. Những nguyên nhân chính của CTSN nặng là tai nạn giao thông (tai nạn xe máy) và ngã từ trên cao xuống (Rzheutskaya, 2012).
Theo tác giả Peden và cộng sự, tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và thương tật. Xe máy chiếm đến 95% tổng số phương tiện giao thông tại Việt Nam nên người đi xe máy là đối tượng có nguy cơ bị tai nạn giao thông cao nhất. Theo TCYTTG, CTSN là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong và thương tật cho người đi xe máy tại Việt Nam. Hiện không có số liệu dịch tễ tại cộng đồng cũng như cơ sở dữ liệu tại bệnh viện về CTSN ở người đi xe máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, có vẻ như những hậu quả do CTSN gây ra tại Việt Nam là rất lớn, liên quan đến số người đội mũ bảo hiểm còn hạn chế cũng như do xe máy là phương tiện giao thông chính. (Peden M, Scurfield R, Sleet D, Mohan D, Hyder AA, Jarawan E, Mathers C, 2004).
Do đó, việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông nhằm cung cấp thông tin về các trường hợp chấn thương liên quan đến tai nạn giao thông sẽ giúp xác định tỷ lệ CTSN hiện mắc và mới mắc tại Việt Nam. Điều này cũng giúp theo dõi và đánh giá hậu quả ở mức độ cộng đồng cũng như tăng khả năng triển khai các phương thức dự phòng một cách đầy đủ hơn.
1.3. Phòng ngừa CTSN
Việc bắt buộc sử dụng mũ bảo hiểm được xem là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa CTSN ở những người điều khiển xe máy ở các nước phát triển và cả các nước đang phát triển. Đội mũ bảo hiểm giảm tỷ lệ mắc mới, mức độ trầm trọng và tỷ lệ tử vong do CTSN trong tai nạn xe máy, giảm từ 20% đến 45% chấn thương đầu nghiêm trọng và tử vong (Servadei F, Begliomini C, Gardini E, Giustini M, Taggi F, Kraus J. 2003). Mặc dù việc tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm ở Việt Nam đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua, nhưng không phải mọi loại mũ bảo hiểm đều có chất lượng tốt và không phải mọi người đều đội mũ đúng cách.
Leave a Reply