Bệnh trĩ: Điều trị triệu chứng bệnh trĩ

Đám rối tĩnh mạch trĩ là cấu trúc mạch máu bình thường ở ống hậu môn, bao gồm các mạch máu thông nối với máu tạo thành hai đám rối – tĩnh mạch trĩ trên và tĩnh mạch trĩ dưới. Trong trường hợp sinh lý bình thường, đám rối tĩnh mạch trĩ có vai trò đệm đỡ vùng ống hậu môn trong hoạt động đi tiêu. Khi mạch máu của đám rối trĩ bị phình giãn quá mức thì gọi là bệnh trĩ. Bệnh trĩ có thể không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng khó chịu cần những biện pháp điều trị phù hợp.

1. Phân loại và triệu chứng của bệnh trĩ

Dựa vào vị trí và nguồn gốc, các búi trĩ có thể được chia thành 02 loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại.

  • Trĩ nội là các búi trĩ có vị trí phía trên hay ngay trên đường lược. Trĩ nội có nguồn gốc từ đám rối trong của hệ thống tĩnh mạch trĩ. Các búi trĩ nội được chi phối bởi hệ thống thần kinh tạng nên ít nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác. Trĩ nội được chia thành 04 mức độ
    • Độ I: Búi trĩ nội quan sát được bằng nội soi hậu môn trực tràng, có thể nhô vào ống trực tràng nhưng không vượt qua đường lược
    • Độ II: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, sau đó tự rút lại được
    • Độ III: Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn khi đi đại tiện hay rặn, không tự rút lại được, cần dùng tay đẩy búi trĩ lên.
    • Độ IV:Búi trĩ nội sa xuống ống hậu môn và không thể dùng tay đẩy búi trĩ lên được.
  • Trĩ ngoại là các búi trĩ có vị trí bên dưới của đường lược. Trĩ ngoại có nguồn gốc từ đám rối ngoài của hệ thống tĩnh mạch trĩ và có chi phối thần kinh cảm giác bản thể nên rất nhạy cảm với cảm giác đau và các kích thích khác.
  • Trĩ hỗn hợp – là những búi trĩ trĩ kéo dài từ bên trên và vượt qua đường lược, mang những đặc điểm của cả trĩ nội và trĩ ngoại.

Khoảng 40% bệnh nhân bị trĩ không có triệu chứng. Tùy thuộc vào loại trĩ  bệnh nhân mắc phải mà triệu chứng cơ năng có thể rất khác nhau.

Một số triệu chứng cơ năng có thể xuất hiện khi bệnh nhân mắc trĩ nội:

  • Tiêu máu: đây là nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân đi khám.
  • Cảm giác ẩm ướt vùng hậu môn
  • Ngứa hậu môn: sự ẩm ướt do dịch nhầy tiết ra bởi khối trĩ hoặc các chất từ ống trực tràng làm kích ứng vùng da quanh hậu môn

Một số triệu chứng cơ năng có thể xuất hiện khi bệnh nhân mắc trĩ ngoại:

  • Tiêu máu
  • Đau và ngứa vùng lỗ hậu môn
  • Sờ thấy khối vùng hậu môn

Bài viết về chủ đề phân loại, phân độ và chẩn đoán bệnh trĩ đã có trên chuyên trang VinmecDr.

2. Điều trị dựa trên triệu chứng của bệnh trĩ

2.1 Kích ứng hay ngứa

Cảm giác khó chịu hay ngứa do kích ứng có thể gặp ở cả trĩ nội và trĩ ngoại. Nhìn chung, trường hợp khó chịu và ngứa đơn thuần (khối trĩ không chảy máu hay tắc mạch) có thể được hướng dẫn xử trí tại nhà với các loại kem bôi giảm đau, hydrocortisone và ngâm nước ấm. Có thể sử dụng các loại thuốc bôi như sau:

  • Thuốc bôi Hydrocortisone 2 lần mỗi ngày không quá 7 ngày
  • Emollient thoa 2-3 lần mỗi ngày
  • Mupirocin hay các thuốc chống khuẩn dùng da, 2-3 lần mỗi ngày cũng có thể giúp làm giảm nhanh triệu chứng.

Mặc dù được dùng để điều trị làm giảm triệu chứng bệnh trĩ của bệnh nhưng bằng chứng về hiệu quả lâu dài và độ an toàn của các biện pháp trên vẫn chưa được chứng tỏ rõ ràng,

  • Ngâm nước ấm có thể giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu ngoài da của bệnh trĩ. Nước ấm với nhiệt độ thích hợp có thể làm giảm trương lực cơ hậu môn. Góp phần quan trọng vào việc phục hồi của hậu môn. Nên ngâm nước ấm khoảng 2-3 lần mỗi ngày

2.2 Điêu trị bệnh trĩ chảy máu

Trong phần lớn trường hợp trĩ ngoại không chảy máu. Các trường hợp trĩ chảy máu thông thường cũng tự giới hạn. Để làm giảm triệu chứng chảy máu từ các búi trĩ, có thể thực hiện một số biện pháp bảo tồn bao gồm kết hợp thay đổi chế độ ăn và sử dụng các thuốc dùng ngoài.  Một số thuốc cải thiện trương lực tĩnh mạch (phlebotonics) có thể được dùng, các thuốc này còn có thể giúp cải thiện tính thấm của các mao mạch, lưu thông bạch huyết và vi tuần hoàn tại chỗ:

  • Hydroxyethlutoside: thuốc mỡ bôi 2-3 lần/ngày hoặc có thể dùng dạng uống
  • Calcium dobesilate: thuốc mỡ bôi 2-3 lần/ngày hoặc có thể dùng dạng uống

2.3 Điều trị trĩ tắc mạch

Trĩ tắc mạch thường gây đau. Sự hình thành và tái hấp thu cục máu đông có thể diễn ra trong vài ngày, tương ứng với thời gian đau của bệnh nhân. Đa số trường hợp trĩ tắc mạch có thể điều trị bảo tồn, ngoại trừ những trường hợp trĩ tắc mạch gây đau nhiều, trĩ ngoại tắc mạch. Điều trị bảo tồn chủ yếu nhắm vào giảm đau.

  • Có thể dùng hydrocortisone-lidocaine dạng thuốc mỡ, giúp giảm đau tại chỗ
  • Có thể dùng các thuốc giảm trương lực cơ hậu môn: Thuốc mỡ nitroglycerin 0.5% thoa tại chỗ 2-3 lần mỗi ngày, có thể giúp giảm đau
  • Có thể phối hợp với ngâm với nước ấm.

    minh-hoa-Dieu-tri-trieu-chung-benh-tri
    Bệnh trĩ có thể gây nhiều triệu chứng cần điều trị

2. 4 Khối trĩ nội sa xuống ống hậu môn

Chế độ ăn phù hợp có thể hạn chế khối trĩ sa xuống trong trường hợp bệnh nhân có táo bón kéo dài, nhưng nhìn chung chế độ ăn không có nhiều hiệu quả trong việc ngăn chặn khối trĩ nội sa xuống hoặc tiến triển thêm. Khi búi trĩ nội sa xuống từ độ III trở lên, thực hiện các biện pháp can thiệp là cần thiết. Từ độ III, các búi trĩ nên được cuộc thắt bằng vòng cao su. Nếu việc cuộc thắt bằng vòng cao su không hiệu quả thì có thể chỉ định phẫu thuật. Trĩ nội độ IV nên được phẫu thuật.

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *