Ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới và đang ngày càng tăng trong số nam giới. Điều trị ung thư tuyến giáp là một quá trình lâu dài tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, ưu tiên của bệnh nhân và phác đồ của bác sĩ. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về hướng dẫn điều trị ung thư tuyến giáp theo bộ Y tế.
1. Đại cương về ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào tuyến giáp phát triển bất thường và phân chia mất kiểm soát dẫn đến hình thành khối u ác tính. Tuyến giáp là một tuyến có hình con bướm, nằm ở phía trước cổ và là tuyến nội tiết quan trọng nhất trong cơ thể. Vậy nên các tế bào ung thư phát triển trong tuyến giáp có thể làm rối loạn chức năng tiết hormone của tuyến giáp dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, thay đổi cân nặng hay tâm trạng thường xuyên thay đổi thất thường.
Ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến. Theo GLOBOCAN 2020, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 10 trong tổng số các ca ung thư ở cả hai giới với khoảng 586.202 ca mới mắc hàng năm, đứng thứ 5 trong số các loại ung thư ở nữ giới và đứng thứ 15 trong số các loại ung thư ở nam giới.
Ung thư tuyến giáp chia làm hai nhóm khác nhau về lâm sàng và tiên lượng, đó là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, tiên lượng tốt. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiến triển nhanh, bệnh nhân thường đến viện khi khối u và hạch đã xâm lấn rộng, không cắt bỏ được, di căn xa sớm và tiên lượng xấu.
2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp
Hiện nay người ta chưa tìm thấy nguyên nhân rõ ràng trong cơ chế sinh bệnh ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên người ta thấy có một số yếu tố sau làm tăng khả năng mắc ung thư tuyến giáp bao gồm:
- Tiền sử xạ trị vùng cổ trước đó
- Vụ thả bom nguyên tử của Mỹ ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) và sau vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl
- Tiền sử có mắc bệnh u đơn nhân hoặc đa nhân trước đó.
- Đối với ung thư tuyến giáp thể tủy, có tính chất gia đình và di truyền. Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy thường nằm trong bệnh cảnh đa u nội tiết MEN 2. Yếu tố di truyền và nguồn gốc gen: RET, RAS, BRAF.
3. Điều trị ung thư tuyến giáp
3.1. Nguyên tắc điều trị
Phẫu thuật có vai trò chủ đạo trong điều trị ung thư tuyến giáp. I-131 có vai trò bổ trợ với nhóm bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá. Liệu pháp nội tiết giúp kiểm soát bệnh tốt hơn. Xạ trị chiếu ngoài được chỉ định cho loại ung thư không biệt hóa hoặc loại biệt hóa nhưng ở giai đoạn muộn không thể phẫu thuật được. Điều trị bằng hóa chất và điều trị đích thường áp dụng ở giai đoạn muộn và ít hiệu quả.
3.1.1. Phẫu thuật
Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá
- Với u giáp:
+ Chỉ định cắt giáp toàn bộ trong những trường hợp:
◊ Tiền sử xạ trị vùng cổ
◊ U giai đoạn T3,4
◊ Có tổn thương thùy đối bên
◊ Có di căn hạch cổ
◊ Có di căn xa
◊ Ung thư tuyến giáp tái phát
- Ngoài những trường hợp chỉ định cắt giáp toàn bộ bệnh nhân được chỉ định cắt thùy và eo giáp.
- Với hạch cổ:
+ Nhóm cN0: Vét hạch cổ nhóm VI dự phòng với u T3,T4.
+ Nhóm cN1: Vét hạch cổ nhóm hạch có bằng chứng di căn.
Ung thư tuyến giáp thể tủy
- Với u giáp: Chỉ định cắt giáp toàn bộ cho tất cả các trường hợp.
- Với hạch cổ:
+ Nhóm cN0: Vét hạch cổ nhóm VI dự phòng. Vét hạch cảnh dự phòng còn đang tranh cãi.
+ Nhóm cN1: Vét hạch cổ nhóm hạch có bằng chứng di căn.
Ung thư giáp trạng không biệt hóa: chỉ định cắt giáp toàn bộ + vét hạch cổ triệt căn còn khả năng phẫu thuật. Tuy nhiên thể mô bệnh học này thường đến viện ở giai đoạn muộn và không còn khả năng phẫu thuật, nên thường chỉ phẫu thuật triệu chứng như mở khí quản hay mở thông dạ dày, sau đó hoá xạ trị.
3.1.2. Điều trị 131I (Radioactive iodine – RAI)
- Mục tiêu: giúp giảm tỷ lệ tái phát ở nhóm bệnh nhân nguy cơ cao.
- Chỉ định: dành cho các loại ung thư thể biệt hóa (nhú, nang) nguy cơ cao như đa ổ, u T3, T4, di căn hạch, di căn xa và có nồng độ Tg cao sau phẫu thuật cắt giáp toàn bộ. Trước khi điều trị I-131, bệnh nhân phải được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.
3.1.3 Điều trị nội tiết
- Điều trị nội tiết bằng levothyroxin sau phẫu thuật để giảm nồng độ TSH, qua đó hạn chế sự phát triển của tế bào tuyến giáp.
- Với những trường hợp có nguy cơ tái phát cáo nên duy trì nồng độ TSH dưới 0,1mU/L. Còn đối với trường hợp nguy cơ thấp thì nên duy trì nồng độ TSH từ 0,1- giới hạn dưới của giá trị tham chiếu.
3.1.4. Xạ trị chiếu ngoài
- Trong ung thư tuyến giáp biệt hóa chỉ định xạ trị là rất hạn chế bởi tế bào ung thư của thể này ít nhạy cảm với xạ trị. Xạ trị được chỉ định cho những bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật, tại những vị trí tổn thương không cắt bỏ được bằng phẫu thuật.
- Trong ung thư tuyến giáp thể tủy: Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật chưa được chứng minh có vai trò rõ ràng trong điều trị. Tuy nhiên, xạ trị được chỉ định cho những bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật, tại những vị trí tổn thương không cắt bỏ được bằng phẫu thuật.
- Trong ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Xạ trị sau phẫu thuật là chỉ định gần như bắt buộc với mục đích kiểm soát tái phát tại chỗ và hệ thống hạch.
3.1.5. Điều trị nội khoa
Hóa chất
Hóa trị được chỉ định trong trường hợp ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Các phác đồ được sử dụng thường có chứa doxorubicin, paclitaxel, docetaxel, cisplatin, carboplatin. Tùy vào tình trạng bệnh chúng ta có thể lựa chọn phác đồ kết hợp hoặc đơn trị.
Điều trị đích
Điều trị đích trong ung thư tuyến giáp có thể cải thiện thời gian sống bệnh, giảm nhẹ triệu chứng và thường áp dụng đối với bệnh nhân thất bại sau điều trị I-131, hoặc chống chỉ định.
- Thuốc điều trị đích được sử dụng trong ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: Các thuốc kháng BRAF như dabrafenib٭ và trametinib٭, thuốc kháng NTRK là larotrectinib٭.
- Thuốc điều trị đích được sử dụng trong ung thư giáp thể biệt hóa, thể tủy là các thuốc kháng TKI như sorafenib, pazopanib, cabozatinib٭, sunitinib, axitinib٭, lenvatinib٭…
4. Theo dõi sau điều trị
- Khám lâm sàng: phát hiện tái phát u, hạch, các dấu hiệu của di căn xa
- Cận lâm sàng:
+ Xét nghiệm FT4, TSH, Tg huyết thanh
+ Đối với thể tủy, xét nghiệm calcitonin và CEA
+ Chụp Xquang phổi phát hiện di căn
+ Siêu âm phần mềm vùng cổ và xạ hình tuyến giáp với 131I
+ Trong trường hợp với bệnh nhân Tg ở mức cao >10ng/ml. Xạ hình tuyến giáp, khám lâm sàng, siêu âm và CT scan không phát hiện tổn thương tái phát, di căn có thể được chỉ định chụp PET-CT với 18F-FDG.
Leave a Reply