Ung thư tuyến giáp: Hướng dẫn chẩn đoán theo bộ Y tế

Ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới và đang ngày càng tăng trong số nam giới. Chẩn đoán phát hiện ung thư tuyến giáp sớm và chính xác giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống của bệnh nhân. Bài viết sẽ giới thiệu về hướng dẫn chẩn đoán ung thư tuyến giáp theo bộ Y tế.

1. Đại cương về ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào tuyến giáp phát triển bất thường và phân chia mất kiểm soát dẫn đến hình thành khối u ác tính. Tuyến giáp là một tuyến có hình con bướm, nằm ở phía trước cổ và là tuyến nội tiết quan trọng nhất trong cơ thể. Các tế bào ung thư phát triển trong tuyến giáp làm rối loạn chức năng tiết hormone của tuyến giáp dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, thay đổi cân nặng hay tâm trạng thường xuyên thay đổi thất thường.

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến. Theo GLOBOCAN 2020, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 10 trong tổng số các ca ung thư ở cả hai giới với khoảng 586.202 ca mới mắc hàng năm, đứng thứ 5 trong số các loại ung thư ở nữ giới và đứng thứ 15 trong số các loại ung thư ở nam giới.

Ung thư tuyến giáp chia làm hai nhóm khác nhau về lâm sàng và tiên lượng, đó là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, tiên lượng tốt. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiến triển nhanh, bệnh nhân thường đến viện khi khối u và hạch đã xâm lấn rộng, không cắt bỏ được, di căn xa sớm và tiên lượng xấu.

minh-hoa-ung-thu-tuyen-giap
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào tuyến giáp phân chia mất kiểm soát dẫn đến hình thành khối u ác tính

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp

Hiện nay người ta chưa tìm thấy nguyên nhân rõ ràng trong cơ chế sinh bệnh ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên người ta thấy có một số yếu tố sau làm tăng khả năng mắc ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Tiền sử xạ trị vùng cổ trước đó
  • Vụ thả bom nguyên tử của Mỹ ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) và sau vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl
  • Tiền sử có mắc bệnh u đơn nhân hoặc đa nhân trước đó.
  • Đối với ung thư tuyến giáp thể tủy, có tính chất gia đình và di truyền. Những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy thường nằm trong bệnh cảnh đa u nội tiết MEN 2. Yếu tố di truyền và nguồn gốc gen: RET, RAS, BRAF.

3. Chẩn đoán ung thư tuyến giáp

3.1. Lâm sàng

Triệu chứng ung thư tuyến giáp thường nghèo nàn, bệnh nhân thường đến viện với triệu chứng đầu tiên là nhìn thấy hoặc sờ thấy khối u vùng cổ hoặc phát hiện tình cờ qua siêu âm tuyến giáp. Cũng có khi bệnh nhân đến viện vì sờ thấy hạch cổ hoặc di căn xa trước khi sờ thấy u tuyến giáp.

3.1.1. Triệu chứng cơ năng

  • Trong giai đoạn đầu: Triệu chứng cơ năng thường nghèo nàn, ít có giá trị. Tình huống lâm sàng thường gặp nhất là bệnh nhân tự phát hiện hoặc đi khám sức khoẻ định kỳ thấy u.
  • Ở giai đoạn muộn hoặc khối u xâm lấn có thể xuất hiện triệu chứng như: chèn ép, xâm lấn dây thần kinh quặt ngược gây nói khàn. Đây là đặc điểm có thể gợi ý khối u giáp là ung thư, bởi khối u giáp lành tính hiếm khi gây khàn tiếng. Chèn ép thực quản gây khó nuốt. Khó thở do u xâm lấn vào khí quản. Một số bệnh nhân đến viện vì triệu chứng của di căn xa, qua thăm khám mới phát hiện được u tuyến giáp.

3.1.2. Triệu chứng thực thể

  • U giáp: Thông thường các khối ung thư tuyến giáp thường biểu hiện một khối đơn độc ở một thùy hoặc eo giáp hơn là ung thư đa ổ hoặc ung thư cả hai thùy.
  • Hạch cổ: Đa số là hạch nhóm VI, cảnh cùng bên, ít gặp các nhóm hạch vùng khác. Hạch thường rắn, không đau, di động được khi hạch chưa xâm lấn, di động hạn chế khi hạch to hoặc xâm lấn.

Đánh giá lâm sàng cần quan tâm tới một số yếu tố nguy cơ có khả năng ung thư:

  • U giáp lớn nhanh
  • Mật độ cứng khi khám
  • Dính vào các cấu trúc lân cận
  • Tiền sử gia đình có ung thư tuyến giáp
  • Khàn tiếng
  • Khó nuốt, nuốt vướng do u chèn ép
  • Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu
  • Có u giáp kèm theo hạch cổ

3.2. Cận lâm sàng

3.2.1. Chẩn đoán tế bào học (chọc hút kim nhỏ – FNA)

Là xét nghiệm cho kết quả nhanh, an toàn, giá trị cao trong chẩn đoán, độ chính xác vào khoảng 90-95%. Có thể làm tế bào học tại u hoặc tại hạch. Kết quả được đánh giá theo phân loại của Bethesda năm 2017.

3.2.2. Siêu âm vùng cổ

  • Là phương pháp cần thiết giúp phân biệt u đặc và u nang.
  • Ngoài ra, siêu âm còn cho phép xác định vị trí, số lượng, kích thước, tính chất, sự xâm lấn của u tuyến giáp và hạch cổ. Trên hình ảnh siêu âm khối ung thư tuyến giáp thường có hình ảnh nhân đặc giảm âm, ranh giới không rõ, có thể có vi vôi hóa trong khối, chiều cao lớn hơn chiều rộng, hạch cổ to và tính chất hạch bất thường.
  • Siêu âm hướng dẫn việc chọc hút tế bào chính xác hơn, đặc biệt là u nhỏ.
  • Hiện nay việc sử dụng TIRADS (Thyroid Imaging Reporting ADN Data System) đánh giá các khối u tuyến giáp khá phổ biến. Hệ thống này được chia làm 6 loại từ TIRADS I – TIRADS VI theo ACR 2017.

3.2.3. Chụp CT scan và chụp MRI vùng cổ

Chụp CT scan và chụp MRI vùng cổ giúp đánh giá kỹ hơn mức độ xâm lấn u giáp và hạch với cơ quan xung quanh như khí quản, thực quản, phần mềm vùng cổ.

3.2.4. Xạ hình tuyến giáp

Xạ hình tuyến giáp thường dùng 131I. Trong chẩn đoán, tế bào ung thư tuyến giáp không hoặc ít bắt Iod và biểu hiện bởi các nhân lạnh trên xạ hình. Ngoài ra, xạ hình tuyến giáp có giá trị cao xác định tuyến giáp lạc chỗ cũng như là đánh giá khối lượng mô giáp còn lại sau phẫu thuật. Xạ hình toàn thân với 131I rất có ích trong việc phát hiện di căn xa.

3.2.5. Sinh thiết tức thì trong mổ

Đây là phương pháp có độ chính xác cao giúp phẫu thuật viên quyết định phương pháp phẫu thuật ngay trong mổ.

3.2.6. Chỉ điểm sinh học, các xét nghiệm hormon tuyến giáp

  • Chỉ điểm u:

+ Với ung thư tuyến giáp thể biệt hoá: Tg có vai trò trong việc tiên lượng và theo dõi sau điều trị.

+ Với ung thư thể tủy: Calcitonin và CEA có vai trò trong tiên lượng và theo dõi sau điều trị.

  • Nồng đồ hormon tuyến giáp: Trong ung thư tuyến giáp nồng độ các hormon tuyến giáp (FT4, TSH) trong giới hạn bình thường.

4. Chẩn đoán giải phẫu bệnh

Trong thực hành lâm sàng thường chia thành 4 loại sau: ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang, ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy và ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hóa.

  • Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa: chiếm khoảng 90% gồm thể nhú, thể nang và loại kết hợp cả thể nhú và nang.
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy: chiếm khoảng từ 1-5%.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: chiếm khoảng 5%.

Chẩn đoán giai đoạn

Phân loại theo giai đoạn TNM theo AJCC 2017

  • T (tumor): Khối u nguyên phát.

Tx : U nguyên phát không xác định được

T0 : Không có bằng chứng của khối u nguyên phát

T1 : U có đường kính ≤2cm, giới hạn trong tuyến giáp

+ T1a : U có đường kính ≤1cm

+ T1b : U có đường kính 1-2cm

T2 : U có đường kính 2-4cm, giới hạn trong tuyến giáp

+ T3a :U có đường kính >4cm, giới hạn trong tuyến giáp

+ T3b : U kích thước bất kỳ có vi xâm lấn ra ngoài tuyến giáp (như xâm lấn cơ ức giáp hoặc tổ chức xung quanh tuyến giáp).

T4: Tiến triển tại chỗ

+ T4a: Khối u kích thước bất kỳ phá vỡ vỏ bao tuyến giáp xâm lấn tổ chức mô mềm dưới da, thanh quản, khí quản, thực quản hoặc thần kinh thanh quản quặt ngược.

+ T4b: U kích thước bất kỳ xâm lấn cân trước sống, bao cảnh hoặc các mạch máu trung thất.

  • N (node): Hạch lympho trong vùng cổ và trung thất trên.

Nx:  Hạch vùng không xác định được

N0:  Không di căn hạch

N1:  Di căn đến hạch lympho vùng

+ N1a: Di căn hạch nhóm VI: Hạch trước khí quản, quanh khí quản, trước thanh quản (hạch Delphian), hoặc hạch trung thất trên (nhóm VII).

+ N1b: Di căn hạch cổ cùng bên, hai bên hoặc đối bên (nhóm I, II, III, IV, V) hoặc hạch sau hầu.

  • M (metastase): Di căn xa

+ M0: Không có di căn xa

+ M1: Có di căn xa

Xếp giai đoạn TNM

Thể nhú và nang

  • Bệnh nhân dưới 55 tuổi
Giai đoạn I: Bất kỳ T Bất kỳ N Mo
Giai đoạn II: Bất kỳ T Bất kỳ N M1
  • Bệnh nhân ≥ 55 tuổi
Giai đoạn I: T1,2 N0 M0
Giai đoạn II: T3a,b Bất kỳ N M0
  T1 N1 M0
  T2 N1 M0
Giai đoạn III: T4a Bất kỳ N M0
Giai đoạn IVa: T4b Bất kỳ N M0
Giai đoạn IVb: Bất kỳ T Bất kỳ N M1

Thể tủy (mọi lứa tuổi)

Giai đoạn I: T1 N0
Giai đoạn II: T2,T3 N0
Giai đoạn III: T1-3 N1a
Giai đoạn IVa: T4a Bất kỳ N
T1-3 N1b
Giai đoạn IVb: T4b Bất kỳ N
Giai đoạn IVc: Bất kỳ T Bất kỳ N

Thể không biệt hóa (tất cả ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa đều phân loại ở giai đoạn IV)

Giai đoạn IVa: T1-3a Bất kỳ N M0
Giai đoạn IVb:

 

 

T1-3a N1 M0
T3b Bất kỳ N M0
T4 Bất kỳ N M0
Giai đoạn IVc: Bất kỳ T Bất kỳ N  M1

 

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *