Bình thường trẻ bắt đầu bập bẹ một số từ đơn lúc 12 – 18 tháng. Trẻ chậm nói là sau 2 tuổi rưỡi trẻ chưa nói được từ nào, hoặc mới nói bập bẹ được vài từ đầu hoặc trẻ chỉ phát ra một số âm thanh như nguyên âm: a..a….a; e…e…e. Trẻ cũng có thể bắt đầu nói muộn hơn khi bắt đầu nói từng từ đơn lúc 5 – 6 tuổi. Những từ đầu tiên của trẻ nhiều khi không rõ, ngòng nghịu. Trẻ càng bị chậm phát triển trí tuệ thì học nói càng muộn.
1. Mốc phát triển về ngôn ngữ và giao tiếp ở trẻ bình thường
Mốc | hiểu | Thể hiện ngôn ngữ/ lời nói |
0 – 3th | Nhìn, quay đầu về phía có tiếng động Liếc mắt nhìn theo vật hoặc người Tự mỉm cười Yên lặng khi được bế lên |
Khóc Phát ra âm thanh: a, e, u, g, h, k Thổi bong bóng Biết gừ gừ hoặc tạo ra các âm thanh khác |
3 – 6th | Tìm kiếm nơi phát ra âm thanh Cười, nhìn chăm chú vào người nói Biết phân biệt người lạ Biết biểu thị sự không thích |
Phát âm thể hiện thích thú, để goii Mím hai môi để tạo âm “m” Biết cười to Chơi phát âm một mình |
6 – 9th | Nhìn đồ vật, người khi nghe nói đến Hiểu từ “không” Biết xấu hổ, hét để người khác chú ý |
Bắt chước cử chỉ đơn giản (chào, ạ) Nói các âm đađa, baba, nana… Bắt chước ngữ điệu của người lớn |
9 – 12th | Đưa đồ vật khi được yêu cầu
Làm theo mệnh lệnh đơn giản |
Nói được những từ đầu tiên Nói luyên thuyên không có nghĩa |
12 – 18th | Chỉ vào đồ vật bé muốn
Biết giữ của (biết sở hữu) |
Nói được khoảng 20 từ Biết xin, trả lời câu hỏi “Cái gì đây” |
18th – 2 tuổi | Nghe được câu chuyện đơn giản
Phân biệt đồ ăn với các đồ vật khác |
Biết gọi đi vệ sinh, tên mọi người Nói câu 2 từ, có động từ và tính từ |
2 – 2,5 tuổi | Nghe được câu chuyện dài 5 – 10ph
Làm theo chuỗi 2 việc liền nhau Nhận biết hành động trong tranh |
Trả lời câu hỏi “ở đâu, đang làm gì?” Nói còn ngọng các phụ âm cuối Nói các từ chỉ thời gian, địa điểm |
2,5 – 3 tuổi | Hiểu các từ so sánh và mô tả Tuân theo lịch hoạt động hàng ngày Chọn được các màu giống nhau |
Nói câu dài 3 – 4 từ Dùng từ phủ định “không” Biết ra lệnh, yêu cầu |
3 – 3,5 tuổi | Phân biệt “trước/sau, cứng/ mềm, …” Hiểu, trả lời câu hỏi “Như thế nào?” | Nói câu dài 4 – 5 từ Biết dùng từ nối “và, thế rồi, thì…” |
3,5 – 4 tuổi | Đếm đến 10, nhận được 2 – 3 màu
Phân biệt được “trên/ dưới, đỉnh/ đáy” |
Nói được hầu hết các phụ âm Nói câu dài 4 – 7 từ |
4 – 5 tuổi | Thực hiện được 3 mệnh lệnh
Trả lời được câu hỏi “Khi nào?” |
Kể được một câu chuyện dài Bắt đầu dùng đại từ sở hữu |
5 – 6 tuổi | Hiểu thời gian “Hôm qua/ hôm nay”
Phân biệt “phải/ trái”, biết phân loại |
Dùng các đại từ đúng, biết so sánh ”cao nhất, biết dùng trạng từ…” |
2. Nguyên nhân gây chậm nói cho trẻ
– Bệnh lý thực thể: Hở hàm ếch là một ví dụ điển hình của bệnh lý miệng ảnh hưởng tới lời nói. Thắng lưỡi (phanh lưỡi) ngắn bất thường, làm hạn chế cử động của đầu lưỡi, cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng phát âm của trẻ. Bệnh thường được bác sĩ nhi khoa phát hiện trước khi trẻ bắt đầu nói, nhưng đôi khi cũng bị bỏ sót và chỉ được chẩn đoán khi trẻ có biểu hiện chậm nói. Bệnh lý thần kinh như bại não, loạn dưỡng cơ, chấn thương não có thể ảnh hưởng tới các cơ cần thiết cho việc nói.
– Bệnh lý vận động miệng, rối loạn xử lý âm thanh: Nhiều trẻ chậm nói gặp rắc rối tại các vùng não chịu trách nhiệm về nói, ví dụ bệnh loạn vận ngôn (mất phối hợp động tác trong việc nói). Lúc này, trẻ không kiểm soát được các cơ và phần cơ thể dùng để nói. Chẳng hạn môi, lưỡi hoặc hàm không thực hiện công việc bình thường để tạo một số từ nhất định. Rối loạn xử lý âm thanh là tình trạng mất khả năng hiểu âm thanh của lời nói. Trẻ thuộc nhóm này có thể điều trị tốt bằng âm ngữ trị liệu.
– Chậm phát triển nói chung: Chậm nói có thể liên quan tới các chậm phát triển khác. Tất nhiên mỗi trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng nhưng bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ nếu bắt đầu nhận thấy các kỹ năng khác của trẻ cũng phát triển chậm hơn bình thường. Đặc biệt chú ý nếu phát triển vận động và nhận thức của trẻ không theo kịp độ tuổi. Chậm nói liên quan tới chậm phát triển có thể bao gồm nói rất ít (hoặc hoàn toàn không nói), có vẻ không hiểu những gì người khác nói, nhại lại lời người khác hoặc nói không biểu cảm, không ngữ điệu.
– Khuyết tật trí tuệ, bệnh khó học, bệnh tự kỷ: Khuyết tật trí tuệ là nguyên nhân thường gặp gây chậm phát triển lời nói và ngôn ngữ. Trong bệnh khó học, do não hoạt động không hiệu quả, trẻ có thể gặp khó khăn trong: phát ra âm thanh lời nói, sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp, hiểu điều người khác nói. Rối loại lời nói và ngôn ngữ thường là dấu hiệu sớm nhất của trẻ khó học. Bệnh tự kỷ làm ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp. Rối loạn lời nói và ngôn ngữ thường là biểu hiện sớm của bệnh tự kỷ.
– Bệnh lý về thính giác, nhiễm trùng tai: Bệnh lý về thính giác cũng khá phổ biến ở trẻ chậm nói, vì vậy trẻ cần được kiểm tra thính lực khi có lo ngại về khả năng nói. Trẻ mất thính lực gặp khó khăn trong hiểu ngôn ngữ của người xung quanh cũng như giọng nói của chính mình. Khả năng hiểu và nắm bắt các từ của trẻ thườngthấp, trẻ không thể bắt chước các từ và nói đúng hoặc nói trôi chảy. Không ít trẻ mắc nhiều đợt viêm tai trước khi được 3 tuổi. Bệnh nhiễm trùng tai nếu được điều trị kịp thời và không gây rắc rối sẽ không làm tăng nguy cơ chậm nói. Tuy nhiên, viêm tai giữa mạn tính có thể ảnh hưởng tới ngôn ngữ. Nếu bệnh tồn tại dai dẳng, không đáp ứng với điều trị và thường xuyên tái phát thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng.
– Yếu tố môi trường, trẻ sinh non: Trẻ không được quan tâm và không được nghe những người khác nói sẽ không thể học nói. Sinh non có thể dẫn tới nhiều dạng chậm phát triển, trong đó có chậm phát triển ngôn ngữ.
Nguồn: Phục hồi chức năng cho trẻ chậm phát triển trí tuệ – Bộ Y tế
Leave a Reply