Tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoạt động bệnh lý khớp

Các thuốc điều trị sẽ được thay đổi về số lượng và nhóm thuốc theo các giai đoạn hoạt động của bệnh (theo các hướng dẫn nêu cụ thể từng bệnh). Vì vậy hiểu các tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoạt động của bệnh là rất cần thiết. Phạm vi bài này chỉ nêu hai bệnh là viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp.

1. Các tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoạt động của bệnh Viêm khớp dạng thấp

1.1 Tiêu chuẩn đánh giá giai đoạn hoạt động của bệnh Viêm khớp dạng thấp theo EULAR

Có ít nhất ba khớp sưng và ít nhất một ba tiêu chí sau:
− Chỉ số Ritchie từ 9 điểm trở lên.
− Cứng khớp buổi sáng ít nhất 45 phút.
− Tốc độ máu lắng giờ đầu 28mm.

Ghi chú: Chỉ số Ritchie: Chỉ số này được đánh giá như sau: Thầy thuốc dùng đầu ngón tay cái của mình ấn lên trên diện khớp của bệnh nhân với áp lực vừa phải. Tổng cộng có 26 vị trí khớp (các khớp ngón gần, khớp bàn ngón, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp vai khớp gối hai bên), mỗi vị trí khớp được tính điểm như sau:
0 điểm- Không đau
1 điểm- Đau ít, bệnh nhân nói là thao tác gây đau.
2 điểm- Đau vừa, bệnh nhân kêu đau và nhăn mặt.
3 điểm – Đau nhiều, đến nỗi bệnh nhân rút chi lại.

Kết quả: Đau tối đa là 78 điểm, hoàn toàn không đau là 0 điểm, đợt tiến triển của
bệnh từ 9 điểm trở lên.

1.2. Đánh giá mức độ hoạt động của bệnh theo DAS 28

Công thức tính như sau:
DAS 28 = [0,56 (Số khớp đau) + 0,28 (Số khớp sưng)
+ 0,70 ln (máu lắng 1giờ)] 1,08 + 0,16
– DAS 28 < 2,9: Bệnh không hoạt động.
– 2,9 ≤ DAS 28 < 3,2: Hoạt động bệnh mức độ nhẹ.
– 3,2 ≤ DAS 28 ≤ 5,1: Hoạt động bệnh mức độ trung bình.
– DAS 28 >5,1: Bệnh hoạt động mạnh.

28 khớp cần khảo sát khi đánh giá chỉ số DAS

1.3. Đánh giá mức độ hoạt động của bệnh theo các chỉ số khác

− Chỉ số SDAI (Simplified Disease Activity Index)
SDAI = Số khớp đau (tổng số 28 khớp) + Số khớp sưng + VAS bệnh nhân + VAS
bác sĩ đánh giá (0-10) + CRP (mg/dl)
SDAI < 3,3: Bệnh không hoạt động
3,3 < SDAI < 11: Hoạt động nhẹ
11 < SDAI < 26: Hoạt động trung bình
SDAI > 26: Hoạt động mạnh

− Chỉ số CDAI (Clinical Disease Activity Index)
CDAI = Số khớp đau + Số khớp sưng + VAS bệnh nhân + VAS bác sĩ.
CDAI < 2,8: Bệnh không hoạt động
2,8 < CDAI < 10: Bệnh hoạt động nhẹ
10 < CDAI < 22: Bệnh hoạt động trung bình
CDAI > 22: Bệnh hoạt động mạnh

TIÊU CHUẨN LUI BỆNH ACR 2010
(ACR- American College of Rheumatology Hội thấp khớp học Hoa Kỳ)
Khi bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đáp ứng được các yếu tố sau trong 6 tháng
liền, tức là đã đạt được giai đoạn lui bệnh:
− Cứng khớp sáng ≤ 15 phút.
− Không mệt.
− Không đau khớp.
− Khớp không đau khi thăm khám hay vận động.
− Không sưng vùng khớp hoặc gân cơ cạnh khớp.
− Tốc độ máu lắng giờ đầu ≤ 30mm (đối với nữ) và ≤ 20mm (đối với nam).

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán mức độ hoạt động của Viêm cột sống dính khớp

2.1. CHỈ SỐ BASFI

(BATH ANKYLOSING SPONGDYLITIS FUNCTIONAL INDEX)
Chỉ số BASFI đánh giá chức năng ở bệnh nhân viêm cột sống dính khớp cụ thể như sau:

− Bệnh nhân tự đánh giá khả năng vận động của mình trong thời gian một tuần trước thời điểm khảo sát. Mức độ theo thang điểm 10 với quy ước 0 điểm là hoạt động dễ dàng và 10 điểm là không thể làm được. Khảo sát qua 10 hoạt động sau:
+ Đi tất (vớ) (không có sự trợ giúp).
+ Cúi lưng xuống nhặt một cái bút trên sàn (không có sự trợ giúp).
+ Với lên một cái giá cao (không cần sự trợ giúp).
+ Đứng dậy từ ghế bành (không cần sử dụng tay hoặc sự trợ giúp).
+ Ngồi dậy khi đang nằm.
+ Thỏa mái khi đứng không có chỗ tựa trong 10 phút.
+ Leo cầu thang 12-15 bước (không sử dụng tay vịn hoặc sự trợ giúp khác).
+ Quay cổ lại phía sau mà không phải quay cả người.
+ Hoạt động thể dục.
+ 10) Làm việc cả ngày (ở nhà hoặc nơi công cộng).

− Tính chỉ số BASFI theo các bước sau:
Bước 1: tính điểm mỗi câu.
Bước 2: tính thang điểm BASFI bằng tổng điểm 10 câu chia cho 10.

2.2. BASDAI

(BATH ANKYLOSING SPONGDYLITIS DISEASE ACTIVITY INDEX: CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIÊM CỘT SỐNG DÍNH KHỚP)

− Bệnh nhân tự đánh giá triệu chứng của mình trong một tuần trước thời điểm khảo sát. Mức độ đánh giá theo thang điểm 10 với quy ước 0 điểm là không có triệu chứng và 10 điểm là triệu chứng trầm trọng, qua 6 triệu chứng sau.
+ Mức độ mệt mỏi?
+ Mức độ đau ở cổ lưng và khớp háng?
+ Mức độ sưng của các khớp khác ngoài vùng cổ, lưng và háng?
+ Mức độ khó chịu ở những vùng nhạy cảm khi chạm hoặc tỳ vào?
+ Mức độ cứng khớp vào buổi sáng (kể từ lúc thức dậy)?
+ Thời gian cứng khớp buổi sáng kể từ khi thức dậy?
(Quy ước 30 phút = 2 điểm; 60 phút = 4 điểm; 90 phút = 6 điểm; 120 phút = 8 điểm; và trên 120 phút= 10 điểm).

− Tính chỉ số BASDAI theo các bước sau:
Bước 1: Tính tổng 4 câu trả lời đầu tiên, dựa vào thang điểm nhìn đánh giá.
Bước 2: Tính trung bình của câu trả lời 5 và 6.
Bước 3: Số điểm (tổng 4 câu đầu tiên và trung bình câu 5 và câu 6) chia 5 sẽ được chỉ số BASDAI.
Bệnh hoạt động khi chỉ số BASDAI ≥ 4

3. CHỈ SỐ ASDAS

(Ankylosing Spondglitis Disease Activity Score)
ASDAS = 0,121 x VAS cột sống + 0,058 thời gian cứng khớp buổi sáng + 0,110 x
VAS bệnh nhân + 0,073 số khớp đau hoặc sưng ngoại vi + 0,579 ln (CRP + 1)
ASDAS < 1,3: Bệnh không hoạt động
1,3 < ASDAS < 2,1: Bệnh hoạt động mức độ nhẹ
2,1 < ASDAS < 3,5: Bệnh hoạt động trung bình
ASDAS > 3,5: Bệnh hoạt động mạnh.

3. Kết luận

Bác sĩ cần dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán mức độ hoạt động của bệnh theo giai đoạn hoạt động, DAS28, SDAI, CDAI (đối với bệnh Viêm khớp dạng thấp), BASFI, BASDAI, ASDAS (đối với bệnh Viêm cột sống dính khớp) để theo dõi và thay đổi các phương pháp điều trị phù hợp.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *