Nang đơn thận là một căn bệnh lý thường gặp ở thận, trong đó một nang được hình thành trên bề mặt của thận. Nang đơn thận thường không gây ra triệu chứng, tuy nhiên nếu kích thước của nang quá lớn hoặc có biến chứng, bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc tiểu tiện, đau lưng hoặc các vấn đề về huyết áp. Để chẩn đoán bệnh nang đơn thận, các bác sĩ thường sử dụng siêu âm, chụp CT hoặc MRI. Trong trường hợp nang gây ra triệu chứng hoặc biến chứng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ nang hoặc thận bị ảnh hưởng.
1. Đại cương
Nang đơn thận là một khối dịch bất thường tại thận, có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên thận. Nang thận thường tròn, dịch trong và không thông với đài bể thận. Nang đơn thận khác với các nang thận ở bệnh thận đa nang, nguyên nhân do rối loạn về di truyền.
Nang đơn thận không phát triển ở toàn bộ thận, thay thế cấu trúc bình thường của thận, không phải là nguyên nhân làm giảm chức năng thận như ở những người bị thận đa nang.
Nang đơn thận thường gặp ở người có tuổi. Khoảng 25% người trên 40 tuổi và 50% người trên 50 tuổi có nang đơn thận và tới trên 90 % ở những người trên 70 tuổi.
2. Nguyên nhân nang đơn thận
- Các nang thận có thể xuất hiện tại vùng vỏ thận, vùng tủy thận nhu mô thận. Nguyên nhân của nang đơn thận đến nay vẫn chưa được biết rõ.
- Có sự phá hủy cấu trúc của các ống thận hoặc thiếu máu cung cấp cho thận có thể là nguyên nhân gây nang thận .
- Túi thừa từ ống thận có thể tách ra tạo thành nang thận.
- Không thấy vai trò của gen trong hình thành và phát triển nang đơn thận.
3. Chẩn đoán nang đơn thận
3.1. Lâm sàng
– Nang đơn thận thường không có triệu chứng hoặc gây ảnh hưởng tới thận.
– Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể có đau vùng sườn hoặc hông nếu nang lớn và đè ép vào các cơ quan khác.
– Khi có nhiễm trùng nang hoặc chảy máu nang sẽ gây sốt, đau và rét run. Cơn đau có thể dữ dội giống như cơn đau quặn thận sỏi thận hoặc tắc nghẽn đài bể thận.
– Nang đơn thận không gây ảnh hưởng đến chức năng thận, nhưng một nghiên cứu đã cho thấy có sự phối hợp giữa nang thận và giảm chức năng thận ở người dưới 60 tuổi
– Có thể có tăng huyết áp: nếu có đè ép vào động mạch thận.
3.2. Cận lâm sàng
Cần tiến hành một số xét nghiệm và thăm dò chức năng sau:
– Các xét nghiệm đánh giá chức năng thận: ure, creatinin, acid uric
– Tổng phân tích nước tiểu và tế bào nước tiểu: phát hiện bạch cầu niệu hoặc hồng cầu niệu khi có nhiễm trùng nang thận.
– Protein niệu: không có hoặc rất ít
– Hồng cầu niệu: có thể có tiểu máu vi thể hoặc đại thể do chấn thương, nhiễm trùng nang.
– Siêu âm: Xác định số lượng nang, kích thước và thành nang thận.
+ Nang thận trên siêu âm có hình tròn hoặc bầu dục, bờ đều, dịch trong, là khối trống âm, không có bóng cản phía sau, không thông với đài bể thận.
+ Nang thận có đậm độ echo không đồng nhất hoặc đặc echo báo hiệu có dấu hiệu của tổn thương các tính.
– Chụp thận có thuốc cản quang: Cho thấy sự đè đẩy vào nhu mô thận nếu nguyên nhân do nang thận, phân biệt với nguyên nhân gây ứ nước thận.
3.3. Chẩn đoán xác định nang đơn thận
– Hầu hết các nang đơn thận được phát hiện khi làm siêu âm để chẩn đoán và thăm dò một số nguyên nhân khác. Khi phát hiện nang thận thì cần theo dõi bằng siêu âm để xác định là nang đơn thận hay một bệnh lý khác. Nang thận thường có hình tròn hoặc bầu dục, dịch trong, trống âm và có bờ rõ.
– Khi cần thiết có thể cho người bệnh chụp CT scan hoặc cộng hưởng từ để chẩn đoán phân biệt nang thận với u thận.
3.4. Chẩn đoán phân biệt với nang đơn thận
Cần chẩn đoán phân biệt nang đơn thận với một số bệnh lý khác sau đây:
– U thận lành hoặc ác tính
– Khối máu tụ ( do chấn thương hoặc không)
– Áp xe thận
– U nang bào sán
– Bệnh nang thận thứ phát ( ở các người bệnh có bệnh thận từ trước và có suy thận).
– Giả nang ( u nang nước tiểu).
4. Điều trị nang đơn thận
4.1. Nếu nang thận dưới 3 cm và không có triệu chứng thì không cần điều trị. Cần theo dõi định kỳ nang đơn thận bằng siêu âm, xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận định kỳ và tránh các va chạm mạnh .
4.2. Nang đơn thận > 6 cm hoặc gây nên triệu chứng và là nguyên nhân gây chèn ép đài bể thận và niệu quản thì có thể điều trị bằng liệu pháp gây xơ hóa: Nang thận cần được dẫn lưu hết dịch bằng kim chọc qua da dưới hướng dẫn của siêu âm sau đó bơm vào một lượng cồn tuyết đối gây xơ hóa tổ chức. Không nên chọc hút các nang ở vị trí quanh rốn thận.
4.3. Nếu nang thận lớn: cần phải mổ. Thường áp dụng phương pháp mổ nội soi để dẫn lưu dịch nang thận hoặc cắt bỏ.
4.4. Điều trị biến chứng:
+ Chảy máu:
– Nằm nghỉ
– Thuốc cầm máu (nếu cần)
– Uống đủ nước
– Nếu chảy máu nặng thì truyền máu và xem xét ngoại khoa
+ Nhiễm trùng: dùng kháng sinh.
Nang đơn thận là một bệnh lý phổ biến ở thận, thường không gây ra triệu chứng và được phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình chẩn đoán hình ảnh thận. Tuy nhiên, nếu kích thước của nang quá lớn hoặc có biến chứng, bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc tiểu tiện, đau lưng hoặc các vấn đề về huyết áp. Chẩn đoán bệnh nang đơn thận thường được thực hiện bằng siêu âm, chụp CT hoặc MRI. Trong trường hợp nang gây ra triệu chứng hoặc biến chứng, có thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ nang hoặc thận bị ảnh hưởng.
Nguồn tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thận – tiết niệu theo Bộ Y tế 2015
Leave a Reply