Rối loạn giấc ngủ là những biểu hiện rất thường gặp trong y khoa nói chung và trong tâm thần học nói riêng. Rối loạn giấc ngủ có thể gây trở ngại nghiêm trọng cho các hoạt động bình thường về thể chất, tinh thần, xã hội và ảnh hưởng lớn đến cảm xúc.
1. Đại cương
- Định nghĩa : Ngủ là chức năng tự nhiên của cơ thể , lúc đó chúng ta vô ý thức , các cơ bình thường được kiểm soát , giãn ra. Tại sao cơ thể phải ngủ không ai rõ nhưng kết quả của giấc ngủ là làm hồi phục lại hệ thần kinh của não bộ và các cơ .Càng lớn tuổi cơ thể đòi hỏi ngủ ít hơn. Trẻ con ngủ từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày, còn người lớn chỉ cần 6 đến 8 giờ . Giới tính cũng ảnh hưởng giấc ngủ: nữ ngủ nhiều hơn nam 1 giờ.
- Để đánh giá giấc ngủ tốt hay không, ta không chỉ căn cứ vào thời gian ngủ mà còn chú ý đến cảm giác khỏe khoắn do giấc ngủ mang lại tức là chất lượng của giấc ngủ . Dấu hiệu cho biết sự ngủ đủ là có sự sảng khoái, tươi tỉnh, thoải mái khi thức dậy. Một giấc ngủ tốt phải ít thức giấc ban đêm và ít buồn ngủ ban ngày. Hiện nay phương tiện đa ký giấc ngủ ( polysomnography ) đã sử dụng để nghiên cứu về giấc ngủ đang được ứng dụng phổ biến .
Rối loạn giấc ngủ là tình trạng bất thường về chu kỳ giấc ngủ , về thời gian ngủ , chất lượng giấc ngủ, những hành vi trong lúc ngủ.
2. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân làm rối loạn giấc ngủ : từ những rối loạn về nhịp ngày đêm của não bộ, đến rối loạn chu kỳ giấc ngủ và nhiều nguyên nhân khác có khi chưa được xác định.
2.1. Mất ngủ
- Mất ngủ nguyên phát: Là tình trạng khó đi vào giấc ngủ hay khó duy trì giấc ngủ hoặc phối hợp cả hai.
- Mất ngủ thứ phát: Là tình trạng không có được giấc ngủ bình thường do những nguyên nhân khác nhau
Mất ngủ do bệnh cơ thể:
– Đau nhức xương khớp
– Thoái hóa cột sống
– Các bệnh về tim mạch
– Các bệnh về tuần hoàn não.
– Cao huyết áp
– Các bệnh về hô hấp
– Các bệnh về tiêu hóa
– Các bệnh về tiết niệu.
Mất ngủ do ảnh hưởng xấu của môi trường: nhà chật, đông người, tiếng ồn, mất vệ sinh
Mất ngủ do ăn uống không điều độ: ăn quá no, ăn nhiều chất kích thích , uống quá nhiều nước trước khi ngủ…
Mất ngủ do rối loạn tâm lý : ghen tị, buồn rầu, tức giận, lo âu, stress kéo dài
Mất ngủ do bệnh tâm thần: trầm cảm , tâm thần phân liệt
Mất ngủ do suy giảm các chức năng của cơ thể: suy giảm hàm lượng hormone, suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh:
2.2. Rối loạn nhịp ngủ ngày đêm:
Do ngoại sinh: Do di chuyển từ múi giờ này sang múi giờ khác cách xa nhau, hay do làm việc theo ca kíp nên phải thức ban đêm và ngủ ban ngày làm đảo lộn nhịp thức ngủ đã quen trước đây
Do nội sinh: Do bệnh lý não vùng giao thoa thị giác và tuyến tùng làm rối loạn nhịp tiết nồng độ hormone melatonin có chức năng duy trì nhịp thức ngủ sinh lý bình thường với nồng độ cao nhất vào giữa đêm và thấp nhất vào ban ngày. Có thể sử dụng melatonin để điều trị chứng rối loạn giấc ngủ do rối loạn nhịp ngày đêm này.
2.3. Những bất thường liên quan giấc ngủ:
- Rối loạn hành vi trong giấc ngủ chuyển động mắt nhanh: trong giấc ngủ này bình thường các cơ mất trương lực nhưng bất thường ở đây là các cơ không bị mất trương lực do đó khi có những giấc mơ nó sẽ gây nên những động tác có khi đầy bạo lực như la hét đấm đá nhảy ra khỏi giường … thường hay xảy ra nửa đêm gần sáng. Nguyên nhân do bệnh lý thoái hóa não như teo đa hệ thống, parkinson, sa sút trí tuệ và hay xảy ra ở nam giới. Như vậy cần điều trị các bệnh lý này phối hợp điều trị về rối loạn giấc ngủ.
- Liệt do ngủ ( bóng đè ): Trong giai đoạn ngủ nông bình thường cơ thể không bị mất trương lực nên khi có ý thức là có thể có động tác phù hợp. Bất thường ở đây là trong giấc ngủ nông khi cơ thể có ý thức nhưng lại không thực hiện được động tác do mất trương lực nên rất lo lắng và hoảng loạn. Thường do căn nguyên tâm lý . Có thể sử dụng các thuốc clonazepam, ritalin, hay chống trần cảm để điều trị phối hợp với tâm lý liệu pháp.
- Mộng du: trong khi ngủ hoàn toàn không có ý thức về sự vật xung quanh nhưng lại thực hiện được những động tác hành vi giống như hoàn toàn tỉnh táo như ăn uống , đi lại .. Có thể sử dụng clonazepam, benzodiazepin, các thuốc chống trầm cảm , trazodone để điều trị .
- Chứng kinh hoàng trong đêm: hay xảy ra ở trẻ em vào giai đoạn 3 giấc ngủ REM. Đang ngủ đột ngột thức dậy và hành vi biểu lộ sự khiếp sợ. Có thể sử dụng benzodiazepin, imipramine điều trị phối hợp tâm lý trị liệu.
- Chứng nghiến răng khi ngủ : có thể sử dụng botulinum toxin, hay dụng cụ để bảo vệ răng.
- Rối loạn cử động tay chân khi đang ngủ: như đột ngột đá chân, đấm tay khi vẫn đang ngủ.
- Chứng tiểu dầm trong khi ngủ : thường hay có ở trẻ em nam hơn nữ có liên quan đến căn nguyên tâm lý , còn ở người lớn tiểu dầm có liên quan đến rối loạn tiết hormon chống lợi niệu. Có thể sử dụng oxybutynin, imipramine , desmopressin acetate để điều trị.
- Chứng ngủ quá mức vào ban ngày: Chứng ngủ quá mức không kèm mất trương lực( narcolepsy): đột ngột ngủ không kìm được vào thời điểm không thích hợp trong ngày như lúc đang lái xe , làm việc gây ra hậu qu3a rất nguy hiểm. Nguyên nhân không rõ
- Chứng ngủ quá mức kèm mất trương lực:( narcolepsy kèm cataplexy): Nguyên nhân có thể có chế tự miễn , tổn thương não làm giảm chức năng vùng dưới đồi. Có thể sử dụng modafinil, methylphenidate( Ritalin), fluoxetin, imipramine, hay sodium oxybate ( xyrem) để điều trị.
- Chứng ngưng thở khi ngủ: do tắc nghẽn đường thở khi ngủ do thành phần mô phía sau họng gây nên. Làm cho giấc ngủ mất nhịp bình thường, có thể đánh thức bệnh nhân dậy hay gây những rối loạn về tim mạch nguy hiểm. Đa ký giấc ngủ ( polysomnography) là phương tiện xác định rối loạn giấc ngủ do nguyên nhân ngoại biên ( tắc nghẽn đường thở ) khi ngủ rất hữu hiệu. Phẫu thuật cũng đem lại những kết quả tốt đẹp khi giải quyết được vấn đề tắc nghẽn cơ học vùng hầu họng trong khi ngủ này. Đây cũng là những nguyên nhân gây đột tử khi ngủ.
- Chứng ngáy khi ngủ : thường do lưỡi to hay giảm trương lực cơ lưỡi khi ngủ gây nên , có thể làm rối loạn chu kỳ ngủ và làm giảm chất lượng giấc ngủ . Đa ký giấc ngủ có thể cho chúng ta thấy chất lượng giấc ngủ của những bệnh nhân này rất kém, nhiều vi thức giấc và chỉ rõ có tình trạng tắc nghẽn đường thở cơ học đáng kể. sử dụng dụng cụ chống tắc nghẽn đường thở khi ngủ hay phẫu thuật chỉnh hình vùng hầu họng có thể giải quyết tình trạng ngáy và đem lại giấc ngủ có chất lượng tốt hơn cho bệnh nhân. Điều này có thể dễ dàng xác định.
- Bệnh ngủ : do ký sinh trùng roi đơn bào trypanosoma khởi phát với sốt, viêm hạch, nổi ban sau đó hôn mê và tử vong do viêm não màng não. Điều trị bằng Suramin, eflornithine, pentamidine. Tại Việt nam chưa thấy xuất hiện bệnh này.
3. Chẩn đoán
Bệnh sử: Thể hiện tình trạng có bất thường về giấc ngủ có thể đó là nhịp thức
ngủ, thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ, hay những hành vi bất thường trong
giấc ngủ.
Khám lâm sàng : Tìm kiếm những bất thường về tổn thương não màng não, về thị trường , thị lực , thị giác, về trương lực cơ, cơ lực, về cơ vòng. Cũng như những bất thường về vùng hầu họng
Xét nghiệm:
- Xét nghiệm thường quy : ECG; X quang cột sống; Glycemia; BUN; Tổng phân tích nước tiểu; Công thức máu
- Xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán : EEG video khi ngủ Đa ký giấc ngủ ( polysomnography ) MRI não, dịch não tủy
Chẩn đoán xác định : Dựa vào đặc điểm lâm sàng từng thể bệnh theo từng nguyên nhân khác nhau và những xét nghiệm liên quan theo từng thể bệnh
Chẩn đoán phân biệt: Không phải là rối loạn giấc ngủ, động kinh; mất trương lực cơ ( cataplexy ); hôn mê; các dạng rối loạn ý thức
4. Điều trị
Nguyên tắc điều trị , mục đích điều trị :
– Nguyên tắc: Giải quyết được nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
– Mục đích : trả lại giấc ngủ tự nhiên với nhịp thức ngủ và chất lượng giấc ngủ bình thường
Điều trị đặc hiệu:
– Điều trị căn nguyên gây rối loạn giấc ngủ
– Điều trị bệnh phối hợp
Điều trị hỗ trợ:
– Điều trị bệnh cơ thể gây nên rối loạn giấc ngủ
– Điều trị triệu chứng bệnh phối hợp
5. Theo dõi và tái khám
Theo dõi : bằng đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng
Tái khám : tùy theo thể mà có thể tái khám mỗi 2 tuần hay mỗi tháng một lần.
Xem thêm: Các loại rối loạn giấc ngủ thường gặp | Vinmec
Video đề xuất:
Sự thật của những phương pháp ngủ ít mà không mệt.
Tài liệu tham khảo:
1. Current diagnosis and treatment 2008, Stephen j . McPhee, MD
2. http//www.nhm.nih.gov/MedlinePlus/sleepdisorders
3. http://www.blng.com/sleep disorder tests.
4. The Washington Manual of Medical Therapeutics , 2010
Leave a Reply