Rau bong non: chẩn đoán, điều trị

Rau bong non là rau bám đúng vị trí nhưng bong một phần hay toàn bộ bánh rau trước khi sổ thai. Rau bong non là một cấp cứu sản khoa, thường xảy ra ở 3 tháng cuối thời kì thai nghén, diễn biến nặng đe dọa tính mạng của thai nhi và sản phụ.

1. Phân loại rau bong non

Rau bong non là bệnh lý của hệ thống mao mạch, xảy ra đột ngột có thể tiến triển rất nhanh từ thể nhẹ thành thể nặng

4 thể theo hình thái lâm sàng:

    • Rau bong non thể ẩn
    • Rau bong non thể nhẹ
    • Rau bong non thể trung bình
    • Rau bong non thể nặng.
Rau bong non
Rau bong non

2. Chẩn đoán rau bong non

  • Chẩn đoán xác định
    • Triệu chứng cơ năng
      • Thường có dấu hiệu tiền sản giật: cao huyết áp, phù, protein niệu…
      • Đau: đau từ tử cung sau lan khắp ổ bụng, nhịp độ cơn đau ngày càng mau mạnh, trường hợp nặng triệu chứng đau bị che lấp do sốc.
      • Ra máu âm đạo: máu đỏ thẫm, loãng, không đông…
    • Triệu chứng toàn thân: 
      • Người bệnh có biểu hiện choáng do đau và do mất máu: da xanh, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, chi lạnh, thở nhanh, ..
      • Huyết áp thường không thay đổi trong những giờ đầu (do người bệnh thường có tiền sử cao huyết áp từ trước), mạch nhanh.
    • Triệu chứng thực thể
      • Tử cung co cứng liên tục hoặc tử cung co cứng như gỗ trong thể nặng.
      • Không nắn được các phần thai nhi do tử cung co cứng.
        • Chiều cao tử cung tăng dần do sự hình thành khối máu cục sau rau.
        • Nghe: nhịp tim thai chậm, không đều, hoặc mất tim thai trong thể nặng.
        • Khám âm đạo: ra máu âm đạo, máu đen, không đông; đầu ối căng phồng, nếu ối vỡ thấy nước ối lẫn máu. Dấu hiệu toàn thân đôi khi không phù hợp với số lượng máu chảy ra ngoài âm đạo.
        • Cận lâm sàng
          • Siêu âm: thấy khối máu tụ sau rau, thường là khối tăng âm vang hoặc khối âm vang không đều. Tuy nhiên siêu âm trong rau bong non độ tin cậy không cao vì nếu siêu âm không thấy khối bất thường sau rau cũng chưa loại trừ rau bong non khi có dấu hiệu lâm sàng gợi ý. Siêu âm cũng thấy sự biến đổi của nhịp tim thai hoặc xác định thai chết.
          • Monitoring: nhịp tim thai biến đổi: DIP I, DIP II, DIP biến đổi hoặc không bắt được nhịp tim thai.
          • Xét nghiệm máu: số lượng hồng cầu giảm, haemoglobin giảm, tiểu cầu giảm, fibrinogen giảm, ATTP tăng hơn so với mức bình thường.
          • Xét nghiệm nước tiểu thường có protein.

3. Các thể lâm sàng

3.1 Thể ẩn

Không có dấu hiệu lâm sàng rõ rệt, cuộc chuyển dạ bình thường, sơ sinh khỏe mạnh. Chẩn đoán được sau khi sổ rau thấy có máu tụ sau rau.  Ngày nay nhiều trường hợp chẩn đoán được nhờ siêu âm thấy khối máu tụ sau rau.

3.2 Thể nhẹ 

  • Triệu chứng không đầy đủ, có thể có tiền sản giật, cơn co tử cung hơi cường tính, tim thai bình thường hoặc nhanh 160-170 lần/phút.
  • Chẩn đoán được sau khi sổ rau thấy có máu tụ sau rau hoặc siêu âm thấy khối máu tụ sau rau.

3.3 Thể trung bình 

  • Thường có tiền sản giật. Có thể choáng nhẹ hoặc vừa.

Sản phụ đau vừa, tử cung tăng trương lực.

  • Ra máu âm đạo lượng vừa, đen, loãng, không đông.
  •  Suy thai.
  • Chẩn đoán phân biệt với: rau tiền đạo, thai chết lưu, dọa vỡ hoặc vỡ tử cung.

3.4 Thể nặng (phong huyết tử cung rau hay hội chứng Couvelaire)

Có đủ các triệu chứng nặng, điển hình:

    • Tiền sản giật nặng hoặc trung bình.
    • Choáng nặng.
    • Chảy máu âm đạo nhiều hoặc ít không tương xứng với mức độ mất máu.
    • Tử cung to lên nhanh, co cứng như gỗ.
    • Tim thai mất.
    • Rối loạn đông máu: có thể có dấu hiệu chảy máu do rối loạn đông máu ở các tạng khác ngoài tử cung như phổi, dạ dày, thận, ruột,…

4. Điều trị

4.1 Nguyên tắc chung 

  • Xử trí tùy thuộc vào hình thái rau bong non và dấu hiệu lâm sàng
  • Điều trị toàn diện, kịp thời, cứu mẹ là chính. Hồi sức tích cực nếu có dấu hiệu choáng và rối loạn đông máu.
  • Chuyển lên tuyến có khả năng phẫu thuật, nếu người bệnh nặng phải mời tuyến trên về hỗ trợ.
  • Mổ lấy thai kể cả khi thai chết.

4.2 Hồi sức nội khoa

  • Đánh giá và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp thở.
  • Cho sản phụ nằm đầu thấp, ủ ấm, thở oxy. Thông tiểu và theo dõi lượng nước tiểu.
  • Lập đường truyền tĩnh mạch, bù khối lượng tuần hoàn bằng truyền dịch đẳng trương Ringer lactat, Natrichlorua 0,9%; dung dịch cao phân tử như Gelafuldin, Heasteril; truyền máu và các chế phẩm của máu, các yếu tố đông máu. Lượng dịch, máu truyền và tốc độ truyền phụ thuộc tình trạng sản phụ và lượng máu mất.

Điều trị triệu chứng nếu có: HA cao, vô niệu, rối loan đông máu. Kháng sinh điều trị.

4.3 Xử trí sản khoa

  • Nếu được chẩn đoán là rau bong non thì nên mổ lấy thai ngay để cứu con và phòng biến chứng nặng hơn cho mẹ. Bảo tồn tử cung: nếu tổn thương nhồi máu ở tử cung không quá nhiều, tử cung c n co hồi được. Nếu sản phụ đủ con, nhiều tuổi, tổn thương nhồi máu tử cung nặng hay không đáp ứng với thuốc co cơ tử cung thì nên cắt tử cung hoàn toàn hay bán phần ngay để tránh nguy cơ chảy máu sau mổ.
  • Nếu chẩn đoán rau bong non sau khi sổ thai thì tiến hành ngay các biện pháp dự phòng chảy máu sau đẻ do rối loạn đông máu.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *