Phục hình bắt vít trên Implant – Tổng quan.

Bài viết này tổng quan về các hướng dẫn của loại phục hình bắt vít trên Implant, phân tích ưu, nhược điểm của loại phục hình này, và đồng thời nêu ra phương pháp lựa chọn, cách tiến hành trên thực tế lâm sàng. Cùng đi sâu vào tìm hiểu kỹ càng hơn.

1. Hướng dẫn của phục hình bắt vít trên Implant

Một trong những hướng dẫn chính là vị trí của implant; nên xem xét răng cần phục hồi là răng trước hay răng sau, bởi vì phục hình bắt vít trên implant phải có lỗ để bắt vít. Lý tưởng nhất, lỗ bắt vít sẽ nằm ở mặt trong gần cingulum đối với răng trước, và vị trí lý tưởng của lỗ bắt vít đối với răng sau là ở trung tâm bản nhai. Trong cả hai trường hợp, lỗ nên được đặt ở vị trí ít ảnh hưởng thẩm mỹ, đặc biệt là đối với răng trước. Áp dụng tương tự khi xem xét chức năng. Bởi vì implant được đặt ở trung tâm, nên lực sẽ hướng trực tiếp theo trục dài của implant, từ đó cải thiện sự phân bố lực.

Một lưu ý khác là độ sâu của implant cũng như tình trạng và độ dày của mô mềm xung quanh. Có thể rất khó tạo được biên dạng phần thoát thích hợp nếu implant được đặt quá sát viền nướu, từ đó có thể gây ra biến chứng thẩm mỹ. Như một quy tắc chung, implant được đặt càng sâu thì càng phải kiểm soát biên dạng phần thoát và mô mềm nhiều hơn.

Một hướng dẫn nữa là khả năng sửa chữa. Một vấn đề thường gặp ở phục hình trên implant là lỏng vít. Siết chặt vít đến torque được khuyến nghị sẽ đảm bảo cho phục hình được giữ nguyên tại chỗ, nhưng tình trạng vít trở nên lỏng lại khá phổ biến. Có lỗ tiếp cận vít trực tiếp sẽ giúp giải quyết vấn đề này dễ dàng.

2. Ưu và nhược điểm của loại phục hình này

Khi implant được đặt sâu dưới nướu hơn bình thường, thì mô mềm xung quanh sẽ bị đè ép khi gắn mão răng, đặc biệt nếu không gắn phục hình tạm để kiểm soát biên dạng phần thoát, hoặc thỉnh thoảng, biên dạng phần thoát của phục hình tạm có thể không hoàn toàn giống với phục hình vĩnh viễn, dẫn tới thách thức là mô mềm bị đè ép khi gắn mão. Một trong những ưu điểm của phục hình bắt vít là lực được sử dụng để gắn phục hình được tạo ra từ việc siết vít chứ không phải bằng áp lực ngón tay. Bằng cách siết vít từ từ, chúng ta có thể khiến mô dần dần quen với biên dạng phần thoát mới và kiểm soát việc gắn mão.

Một ưu điểm khác của phục hình bắt vít là không cần sử dụng xi măng. Sử dụng ví dụ ở trên, nếu implant được đặt sâu dưới nướu và dự kiến làm phục hình gắn xi măng, thì sẽ phải cố gắng đặt đường hoàn tất của abutment dưới nướu để tránh các biến chứng thẩm mỹ. Khi mão được gắn xi măng, sẽ rất khó để xác định xem đã làm sạch toàn bộ xi măng dư hay chưa, đặc biệt là nếu bờ phục hình nằm dưới nướu. Một số xi măng có thể không nhìn thấy, từ đó gây kích thích mô mềm xung quanh liên tục, mà điều này sẽ không xảy ra nếu là phục hình bắt vít.

Một trong những nhược điểm là lỗ bắt vít có thể bị nhìn thấy. Một nhược điểm nữa là implant phải được đặt để có thể dễ dàng tiếp cận với lỗ bắt vít và đủ nhìn thấy để có thể ngụy trang bằng cách che composite. Nếu dự kiến làm phục hình bắt vít mà implant được đặt với lỗ bắt vít nằm ở giữa mặt ngoài của một răng thẩm mỹ, thì phục hình bắt vít rõ ràng không phải là phương án tốt nhất.

3. Lựa chọn và các bước tiến hành

Việc ra quyết định đôi khi có thể rất khó khăn bởi vì có nhiều yếu tố cần xem xét, nhưng với việc lên kế hoạch cẩn thận, thì việc ra quyết định có thể trở nên đơn giản hơn. Trong giai đoạn chẩn đoán và đánh giá khoảng, những thông tin từ phim CT scan có thể giúp xác định vị trí sau cùng của implant dựa trên lượng xương còn lại. Biết được vị trí sau cùng này trước khi điều trị có thể cho chúng ta ý tưởng về loại phục hình có thể thực hiện. Trong một số tình huống, việc này đã cho phép nha sĩ tự do chế tác phục hình sau cùng trước cả khi đặt implant. Dựa trên những ưu điểm và lợi ích của phục hình bắt vít, nó có lẽ là phương án tốt nhất được xem xét bất cứ khi nào có thể.

Những bước truyền thống để làm phục hình trên implant là đánh giá cẩn thận mẫu hàm nghiên cứu đã lên giá khớp, làm mẫu sáp chẩn đoán để đánh giá khoảng phục hình, chế tác stent X-quang, nghiên cứu phim CT scan, chế tác máng hướng dẫn phẫu thuật dựa trên thông tin từ phim CT scan, phẫu thuật đặt implant theo quy trình phẫu thuật, gắn phục hình tạm, lấy dấu sau cùng, và gắn phục hình sau cùng.

Như trong một số tình huống cụ thể, một nha sĩ có thể thực hiện cả phần phẫu thuật và phục hình của điều trị, với điều kiện là nha sĩ được đào tạo đầy đủ về đặt implant và có sự hiểu biết về thành phần phục hình của điều trị. Hiện nay, nhiều công ty sản xuất implant đang cung cấp những khóa đào tạo phẫu thuật cho các nha sĩ quan tâm đến việc đặt implant của công ty. Miễn là lập kế hoạch cẩn thận và nha sĩ có sự hiểu biết rõ ràng về giới hạn của bản thân, thì việc thực hiện cả hai thành phần của điều trị là hoàn toàn khả thi.

Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *