Bài viết này đề cập đến tổng quan về ghép mô liên kết dưới biểu mô (SeCTG), đồng thời so sánh sự khác biệt giữa hai phương pháp ghép, và đánh giá dạng sinh học của nướu/niêm mạc. Cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về ghép mô liên kết dưới biểu mô (SeCTG) trong Implant Nha khoa
Ghép mô liên kết dưới biểu mô (SeCTG) là một trong những phương pháp có thể được chỉ định để khắc phục dị dạng niêm mạc-nướu, chẳng hạn như khiếm khuyết sống hàm hoặc che phủ chân răng. Miếng ghép thường được thu hoạch từ niêm mạc nhai của khẩu cái cứng và/hoặc lỗi củ. Ghép mô liên kết dưới biểu mô (SeCTG) bao gồm mô tuyến, mô mỡ và mô liên kết, với tỷ lệ khác nhau tùy theo vị trí và cơ địa bệnh nhân. Kỹ thuật ghép inlay toàn bộ, được chỉ định để điều chỉnh thiếu mô mềm bằng cách thêm độ dày trung bình 2-4 mm.
2. Sự khác biệt giữa ghép nướu rời (FGG) và ghép mô liên kết dưới biểu mô (SeCTG)
Mảnh ghép nướu rời (FGG) của niêm mạc khẩu cái được tận dụng để tăng chiều rộng mô sừng hóa ở bệnh nhân mất răng hoặc quanh implant. FGG còn có thể được sử dụng kết hợp với phẫu thuật ngách hành lang để tăng diện tích nâng đỡ của nền hàm giả tháo lắp. FGG điển hình bao gồm mô mỡ, mô liên kết, và biểu mô. Miếng ghép này được ổn định bằng chỉ khâu để phủ lên vị trí nhận ghép đã được khử biểu mô và bộc lộ mô liên kết bên dưới. Như đã đề cập ở trên, mảnh ghép mô liên kết dưới biểu mô (SeCTG) được tận dụng từ khẩu cái cứng hoặc lồi củ. Ghép mô liên kết dưới biểu mô (SeCTG) thường không chứa biểu mô, nhưng thỉnh thoảng có thể có một lớp mỏng dọc theo một cạnh. Vị trí nhận ghép được chuẩn bị bằng cách lật vạt bản phần bên dưới nơi đặt miếng ghép mô liên kết; cuối cùng, vạt bản phần được khâu trở lại vị trí ban đầu hoặc về phía thân răng, tùy theo mục tiêu điều trị. Ghép nướu rời (FGG) không còn phù hợp trong việc điều trị khiếm khuyết tụt nướu vì lý do thẩm mỹ nữa. Thủ thuật này khiến bệnh nhân không thoải mái, và không thể dự đoán được sự giống màu với mô xung quanh.
3. Dạng sinh học nướu/niêm mạc
Seiberf và Lindhe vào năm 1989 đã đề xuất thuật ngữ “dạng sinh học nha chu” để mô tả những đặc điểm khác nhau (cụ thể là phẳng-dày và dạng vỏ sò- mỏng) của mô nha chu, bao gồm cả xương ổ răng bên dưới. Thuật ngữ “dạng sinh học nha chu” đã được thảo luận và mô tả trong y văn bởi nhiều tác giả. Nghiên cứu gần đây cho thấy đặc điểm hình thái của nướu và mô nha chu có liên quan đến kích thước mỏm xương ổ, hình dạng răng, và độ nghiêng cũng như vị trí sau cùng của răng đã mọc hoàn toàn. Như vậy, một răng có thân răng thuôn và vùng tiếp xúc bên ít thì thường có dạng sinh học nha chu mỏng và xương bao quanh mỏng. Ngược lại, răng có thân răng ngắn và rộng với vùng tiếp xúc lớn sẽ thường có dạng sinh học nha chu dày và xương bao quanh dày.
Ảnh hưởng của sự hình thành khoảng sinh học lên sự tiêu mào xương quanh implant đã được thảo luận sôi nổi trong những năm gần đầy. Người ta nhận thấy niêm mạc lành mạnh quanh implant sẽ tạo ra hàng rào quanh giao diện implant-abutment gồm hai vùng: một là biểu mô kết nối và một là mô liên kết giàu collagen nhưng nghèo tế bào. Sự mở rộng mô mềm này thường được gọi là khoảng sinh học quanh implant, và nó có tác dụng như một cơ chế bảo vệ cho xương bên dưới. Một số tác giả đề nghị rằng nếu không đủ kích thước niêm mạc tối thiểu, thì tiêu xương có thể xảy ra để đảm bảo cho sự phát triển của khoảng sinh học. Những kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đó trên răng thật, trong đó cho thấy sự thiết lập khoảng sinh học sau phẫu thuật làm dài thân răng có liên quan với sự tiêu mào xương. Tuy nhiên, những dữ liệu về mối quan hệ giữa độ dày niêm mạc (kích thước ngoài-trong) với sự tiêu mào xương quanh implant vẫn còn khá hiếm. Trong một thí nghiệm trên động vật, Lindhe và Berglundh đã báo cáo rằng mô xung quanh mỏng có thể gây tiêu bờ xương trong quá trình hình thành lớp vỏ niêm mạc quanh implant. Kết quả trong một nghiên cứu mô học khác cho thấy implant được bao quanh bởi niêm mạc mỏng sẽ có khuynh hướng tiêu xương theo chiều đứng, trong khi những vị trí implant có dạng sinh học niêm mạc dày lại có mô hình tiêu xương theo chiều ngang. Tuy nhiên, bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật được thiết kế chặt chẽ vẫn còn hạn chế, do đó làm giảm đi tính khái quát của những kết quả kể trên vào thực tế lâm sàng. Ngoài ra, chưa có nghiên cứu lâm sàng nào về ảnh hưởng của độ dày mô lên sự ổn định xương quanh implant.
Trong một thử nghiệm lâm sàng có nhóm chứng gần đây, Linkevicius và cộng sự đã đánh giá ảnh hưởng của độ dày mô nướu lên sự tiêu bờ xương quanh implant; các tác giả đã đề nghị tránh đặt implant trên mào xương trong trường hợp dạng sinh học niêm mạc mỏng. Dựa trên bằng chứng này, người ta đề nghị nên xem xét làm dày niêm mạc mỏng trước khi đặt implant để giảm thiểu sự xuất hiện biến chứng.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply