Hít sặc được định nghĩa là sự hít phải dịch hoặc chất rắn vào sau dây thanh âm và vào đường thở dưới. Hít sặc không luôn luôn là bệnh lý, nó có thể xảy ra ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, nó cũng liên quan với nhiều bệnh lý từ co thắt phế quản tới viêm phổi. Về cơ chế, hít sặc xảy ra do rối loạn nuốt dẫn tới rơi các thành phần từ miệng hoặc dạ dày vào đường thở.
1. Dịch tễ học và sinh bệnh học.
Tỉ lệ hiện mắc của hít sặc khó tính toán do nó thường không triệu chứng và cần chẩn đoán dựa trên lâm sàng kết hợp xét nghiệm. Một số nghiên cứu cho thấy có 5 – 15% viêm phổi mắc phải cộng đồng liên quan với hít sặc. Một nghiên cứu lớn của Nhật Bản cho thấy có tới 80% bệnh nhân từ 70 tuổi nhập viện vì viêm phổi có hít sặc.
Ở người không có viêm phổi,có tới 70% người có rối loạn ý thức hít sặc so với 45% ở người khỏe mạnh.
Mặc dù hít sặc rất phổ biến nhưng có bằng chứng cho thấy nó thường bị bỏ sót. Một nghiên cứu trên 59 bệnh nhân có bằng chứng hít sặc trên sinh thiết phổi nhưng chỉ có 9% là được nghi ngờ có hít sặc trước sinh thiết.
1.1. Yếu tố nguy cơ của hít sặc.
Bất thường chức năng của nhiều cơ quan có thể tăng nguy cơ hít sặc. Đó là các bệnh làm rối loạn trạng thái ý thức (đột quỵ, mất trí nhớ, động kinh), bệnh lý cột sống, bất thường của thanh quản (đặt nội khí quản gần đây hoặc liệt dây thanh âm), phẫu thuật/xạ trị trước đó, rối loạn cảu thực quản gây khó khăn cho thức ăn và nước bọt đi xuống, rối loạn nhu động dạ dày cũng làm tăng nguy cơ hít sặc.
- Bệnh lý thần kinh: đột quỵ, Parkinson, đa xơ tủy, nhược cơ, bệnh lý não, bệnh lý ngưng thở trung ương.
- Bệnh lý cột sống: phẫu thuật vùng cổ gần đây, gai xương.
- Bệnh lý thanh quản: đặt nội khí quản gần đây, đặt sonde dạ dày, phẫu thuật, cứng hàm, khô nước bọt, ngưng thở khi ngủ.
- Thực quản: chít hẹp, màng thực quản, giảm nhu động, co thắt tâm vị, trào ngược, dò khí thực quản, túi thừa.
- Dạ dày: chậm nhu động, béo phì, tắc nghẽn đường ra dạ dày, có thai.
2. Các biểu hiện lâm sàng của hít sặc.
2.1. Rối loạn chức năng dây thanh âm.
Là tình trạng nếp thanh âm đóng ngắt quãng trong thì hít vào thay vì mở ra hoàn toàn, gây khó thở và nặng sẽ gây thở rít. Các yếu tố liên quan như: chất kích ứng từ môi trường, stress, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), trào ngược hầu thanh quản (LPR), là biểu hiện của trào ngược thành phần của dạ dày lên hầu/thanh quản.
Cơ chế của mối quan hệ nhân quả giữa trào ngược và rối loạn chức năng dây thanh đó là sự tổn thương lặp lại của thanh quản dần dần làm lu mờ phản xạ đóng nắp thanh môn. Rối loạn chức năng dây thanh thường kèm khó thở, nuốt khó, và nguy cơ hít sặc.
2.2. Hít dị vật.
Hít dị vật thường gặp ở trẻ em. Ít gặp ở người lớn, có thể biểu hiện bằng khò khè, khó thở, ho mạn tính và/hoặc ho ra máu. X quang cho thấy đậm độ của dị vật kèm xẹp phổi. Do đó, cần nghi ngờ để tránh chẩn đoán sót.
Xử trí bằng nôi soi phế quản ống mềm lấy dị vật cho thấy tỉ lệ thành công đến 90%. Trong một số trường hợp hiếm, cần nội soi ống cứng hoặc phẫu thuật lấy dị vật.
2.3. Bệnh lý đường thở.
Hít sặc có thể gây bệnh lý đường thở đa dạng, biểu hiện với ho, co thắt phế quản, và hội chứng giống hen. Nó cũng có thể khởi phát hen. Thêm vào đó, nó cũng ảnh hưởng đường thở dưới từ viêm tiểu phế quản đến dãn phế quản.
Hen phế quản.
- Có nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa hít sặc và GERD kiểm soát kém, và với đợt hen cấp. Một nghiên cứu trên 78 bệnh nhân rửa phế quản phế quan cho thấy 59% bệnh nhân có pepsin trong dịch rửa, nhưng nó không liên quan với mức độ nặng của đợt hen cấp hoặc chức năng phổi.
- Các khuyến cáo về quản lý hen gần đây khuyên nên đánh giá GERD ở những bệnh nhân hen kiểm soát kém, đặc biệt khi có triệu chứng về đêm, ngay cả bệnh nhân không có triệu chứng điển hình của GERD.
Viêm tiểu phế quản và dãn phế quản.
- Hít sặc có thể biểu hiện ra bởi viêm tiểu phế quản của phổi hoặc dãn phế quản (dày và dãn không hồi phục đường thở).
- Một loạt ca bệnh ở Mayo Clinic đã mô tả 20 ca viêm tiểu phế quản lan tỏa do hít sặc, phần lớn được chẩn đoán nhờ sinh thiết phổi.
- Hình ảnh chụp cắt lớp (CT) độ phân giải cao sẽ cho thấy các vi nốt nằm kẹt trong cây phế quản, kèm với thay đổi viêm thành đường thở.
- Như vậy, chẩn đoán dựa vào bệnh sử hít sặc cùng với dấu hiệu điển hình trên CT hoặc sinh thiết phổi.
- Dãn phế quản do hít thường gặp ở trẻ em và báo cáo cho thấy chiếm tới 10% dãn phế quản không xơ nang ở trẻ em. Các nghiên cứu lớn ở người lớn cho thấy chỉ khoảng 1 – 4% dãn phế quản liên quan với hít.
- Các dấu hiệu điển hình của dãn phế quản trên CT là: dãn phế quản của thùy dưới là ưu thế, dãn thực quản, hoặc thoát vị hoành.
Viêm phổi hít.
Có 2 biểu hiện chính của hít sặc ở nhu mô phổi: viêm phổi hít, liên quan với nhiễm trùng do các vi sinh vật đặc hiệu và viêm phổi hóa học, là phản ứng viêm đáp ứng với chất hít.
- Viêm phổi hít khó phân biệt về biểu hiện lâm sàng với viêm phổi không do hít. Yếu tố nguy cơ gồm: tuổi cao, BMI thấp, nhiều bệnh đồng mắc, giảm chức năng cơ quan. Viêm phổi hít có tỉ lệ tử vong cao hơn, tái phát nhiều hơn viêm phổi cộng đồng. Nghi ngờ khi CT cho thấy đám mờ phía sau phổi và mờ dạng ổ, ở ngoại vi, hoặc đông đặc quanh phế quản ảnh hưởng 1 hoặc nhiều phân thùy (khác với viêm phổi thùy), dấu dày thành và hình ảnh kính mờ.
- Giữ vệ sinh miệng giảm nguy cơ viêm phổi hít.
- Viêm phổi hóa học (pneumonitis) liên quan với hít lượng lớn dịch vị acid. Đây là bệnh lý không nhiễm do acid tụ tập các tế bào viêm đến phổi gây viêm. Thường xảy ra lúc gây mê nhưng cũng gặp trong quá liều thuốc và chăm sóc tại nhà điều dưỡng. Tỉ lệ mắc thấp <1%. Biểu hiện lâm sàng gồm: khó thở, giảm oxy máu, tim nhanh, ran nổ, ngáy lan tỏa, cấy thường không có vi khuẩn mọc.
Bệnh mô kẽ phổi:
Có nhiều dạng xơ phổi liên quan hít, như viêm phổi tổ chức hóa, xơ phổi vô căn.
Nhiễm Mycobacteria ngoài lao (Mycobacterium abscessus and M. fortuitum).
Y văn cho thấy viêm phổi lipoid làm tăng trưởng vi khuẩn Mycobacteria. Bên cạnh đó, co thắt tâm vị cũng tăng nguy cơ nhiễm Mycobacteria ngoài lao.
Leave a Reply