Nhức đầu căng cơ là dạng đau đầu phổ biến nhất, thường xảy ra ở những người bị stress, lo âu kéo dài hoặc làm việc lâu ngày trong một tư thế cố định. Bệnh gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe. Vì vậy người bệnh nên đến sớm tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời và nhanh chóng.
1. Đại cương
– Đau đầu căng cơ được định nghĩa là cảm giác đau hoặc cảm giác bó chặt, đè nén, co thắt, với cường độ, tần suất và thời gian rất thay đổi, diễn tiến lâu dài, chủ yếu xảy ra ở vùng chẩm, có liên quan với sự co cơ vân kéo dài, và thường là phản ứng của cơ thể với các stress trong cuộc sống.
– Đau đầu căng cơ là loại đau đầu phổ biến nhất, có tần số cơn và độ nặng rất khác nhau, có thể thay đổi từ những cơn đau đầu ngắn và rất thưa thớt đến những cơn đau đầu dữ dội, dày và liên tục.
– Đau đầu căng cơ phổ biến ở nữ hơn nam, tỷ lệ lưu hành giảm dần theo tuổi ở cả hai giới. Trong dân số, đau đầu căng cơ mãn tính là căn nguyên hàng đầu của đau đầu mãn tính hàng ngày nguyên phát.
2. Nguyên nhân
– Chưa được biết rõ.
– Có một số giả thuyết về nguyên nhân đau đầu căng cơ:
+ Do căng cơ vùng đầu cổ.
+ Do rối loạn chức năng bộ lọc cảm giác đau ở não.
+ Do sự thay đổi nồng độ một số hóa chất ở não: serotonin, endorphins, Nitric Oxide. – Yếu tố thuận lợi khởi phát cơn đau đầu:
+ Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
+ Uống nhiều rượu
+ Làm việc trong môi trường ồn ào.
+ Căng thẳng trong gia đình hay ngoài xã hội.
3. Chẩn đoán
3.1. Hỏi bệnh sử:
– Đau đầu xảy ra từ lúc nào? Mới bị hay đã bị nhiều lần
– Bệnh nhân đang làm gì khi đau đầu xuất hiện
– Cảm giác đau đầu như thế nào
– Bệnh nhân có tiền căn chấn thương sọ não không
– Bệnh nhân đang có bệnh gì khác không
3.2 Khám lâm sàng:
Đặc điểm đau đầu căng cơ
– Cơn đau đầu thường hai bên, vị trí có thể ở vùng chẩm, thái dương, trán. Vùng chẩm ít gặp hơn vùng trán và thái dương. Tính chất đau thường là kiểu nhức ê ẩm, cảm giác bóp siết, đè ép thắt chặt, mức độ đau từ nhẹ tới trung bình.
– Đau đầu không kèm triệu chứng buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động và thường không cản trở công việc hàng ngày của bệnh nhân.
– Một số bệnh nhân có thể có triệu chứng lo âu, trầm cảm. Thường đau đầu không làm bệnh nhân mất ngủ, đau đầu thường xuất hiện khi bệnh nhân thức giấc.
3.3. Cận lâm sàng
Chỉ định chụp hình ảnh học trong những trường hợp
– Đau đầu thường xuyên tăng nhanh.
– Chóng mặt dữ dội hoặc mất phối hợp động tác.
– Đau đầu khởi phát sau gắng sức: ho, tập thể dục, hoạt động tình dục.
– Đau đầu kết hợp với sốt, thay đổi nhân cách hoặc thay đổi tri giác thoáng qua.
– Đau đầu sét đánh.
– Đau đầu kết hợp tiền sử chấn thương đầu hoặc té ở người già.
– Đau đầu khởi phát sau 50 tuổi
3.4. Chẩn đoán xác định ( tiêu chuẩn chẩn đoán của International Headache Society – IHS):
3.4.1.Đau đầu căng cơ từng cơn
Đau đầu căng cơ từng cơn không thường xuyên
- Ít nhất 10 cơn đau đầu đáp ứng tiêu chuẩn 2- 5 liệt kê dưới đây. Đau ít nhất 1 ngày/tháng (ít hơn 12 ngày/năm).
- Đau đầu kéo dài 30 phút đến 7 ngày.
- Có ít nhất 2 trong các đặc điểm sau:
– Ép chặt / Siết chặt ( không theo mạch đập ).
– Cường độ đau từ nhẹ đến vừa.
– Đau 2 bên
– Không tăng cường độ đau khi lên cầu thang hay hoạt động thể chất
- Có cả hai triệu chứng sau:
– Không buồn nôn hay nôn ói
– Không sợ ánh sáng hay âm thanh
Đau đầu căng cơ từng cơn có nhạy ấn đau quanh sọ:
– Đáp ứng với tiêu chuẩn bệnh sử
– Tăng nhạy cảm đau khi khám ấn quanh sọ.
Đau đầu căng cơ từng cơn không có nhạy ấn đau quanh sọ:
– Đáp ứng với tiêu chuẩn bệnh sử
– Không có nhạy ấn đau các cơ quanh sọ
Đau đầu căng cơ từng cơn thường xuyên :
- Ít nhất 10 cơn đau đầu đáp ứng tiêu chuẩn 2-5 liệt kê dưới đây. Số ngày đau đầu từ 1-15 ngày/tháng trong vòng ít nhất 3 tháng.
- Đau đầu kéo dài 30 phút đến 7 ngày.
- Đau đầu có ít nhất 2 trong các đặc điểm sau:
– Ép chặt / siết chặt (không theo mạch đập).
– Cường độ đau từ nhẹ đến vừa phải.
– Đau hai bên.
– Không tăng cường độ đau khi lên cầu thang hay hoạt động thể chất hàng ngày.
- Có cả hai triệu chứng sau:
– Không buồn nôn hay nôn ói.
– Không sợ ánh sáng hay âm thanh hoặc chỉ có 1 trong 2 triệu chứng trên.
- Không do một rối loạn khác.
3.4.2. Đau đầu căng cơ mạn tính
Đau đầu căng cơ mạn tính
- Ít nhất 10 cơn đau đầu đáp ứng tiêu chuẩn 2-6 liệt kê dưới đây. Đau xảy ra 15 ngày/tháng trong vòng ít nhất 3 tháng.
- Đau đầu kéo dài nhiều giờ hoặc có thể liên tục.
- Có ít nhất 2 trong các đặc điểm sau:
– Ép chặt / Siết chặt (không theo mạch đập).
– Cường độ đau từ nhẹ đến vừa phải.
– Đau hai bên.
- Không tăng cường độ đau khi lên cầu thang hay hoạt động thể chất hằng ngày.
- Có cả hai đặc điểm sau:
– Không có nhiều hơn một trong các triệu chứng sau: buồn nôn nhẹ, sợ âm thanh, sợ ánh sáng.
– Không có buồn nôn hay nôn ói từ trung bình đến nặng.
- Dùng thuốc giảm đau hay thuốc khác 10 ngày/tháng.
- Không do rối loạn khác.
Đau đầu căng cơ mạn tính có nhạy ấn đau quanh sọ.
- Đáp ứng với tiêu chuẩn trên
- Tăng nhạy cảm đau khi khám ấn quanh sọ.
Đau đầu căng cơ mạn tính không có nhạy ấn đau quanh sọ.
- Đáp ứng với tiêu chuẩn trên
- Không có nhạy ấn đau các cơ quanh sọ.
3.5. Chẩn đoán phân biệt
– Đau đầu do thoái hóa cột sống cổ
– Đau đầu do máu tụ dưới màng cứng mãn tính hoặc tăng áp lực nội sọ lành tính.
– Đau đầu do bệnh lý hoặc rối loạn chức năng hàm dưới hoặc khớp thái dương hàm.
– Chứng đau cơ – sợi (fibromyalgia)
– Hội chứng đau cân cơ (myofascial pain syndrome)
– Đau đầu do lạm dụng thuốc giảm đau.
5. Điều trị:
Mục đích điều trị
– Nhằm cắt cơn đau đầu cấp tính.
– Phòng ngừa tái phát cơn.
Điều trị đặc hiệu:
- Điều trị cấp tính:
– Nhằm cắt cơn hoặc làm giảm độ nặng của mỗi cơn đau bao gồm thuốc giảm đau đơn thuần hoặc kết hợp với cafein, thuốc kháng viêm non-steroid ( NSAIDs) và thuốc giải lo âu. Do có thể gây đau đầu do lạm dụng thuốc nên việc sử dụng các thuốc này phải rất giới hạn.
– Chọn lựa thuốc cần dựa vào độ nặng và tần suất cơn đau đầu, các triệu chứng kèm theo, các bệnh kèm theo và các điều trị trước đó của bệnh nhân.
– Thuốc trị đau đầu cấp tính nên dùng với liều tương đối cao và càng sớm càng tốt.
– Cần lưu ý tránh dùng thuốc giảm đau quá mức vì nguy cơ lệ thuộc và lạm dụng thuốc cũng như tiềm năng gây đau đầu mãn tính hàng ngày.
– Thuốc giảm đau đơn thuần: Acetaminophen 650mg và 1000mg.
– NSAIDS: có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giảm sốt và hấp thu nhanh khi uống. Những tác dụng phụ của NSAIDS: tác dụng phụ trên dạ dày (chảy máu, buồn nôn, nôn ói, táo bón, loét, đau vùng thượng vị và tiêu chảy), tác dụng phụ trên da liễu ( phát ban, ngứa), tác dụng phụ về thần kinh (đau đầu, hôn mê, lẫn lộn), hiếm hơn là phù, giảm bạch cầu hạt, rối loạn chức năng gan.
- Các liệu pháp phối hợp thuốc:
– Phối hợp thuốc giảm đau, thuốc an thần và thuốc kết hợp giảm đau.
– Dịu thần kinh được dùng trong điều trị cấp đau đầu căng cơ.
– Việc kết hợp thuốc giảm đau với cafein, thuốc an thần có thể hữu hiệu hơn việc chỉ dùng thuốc giảm đau đơn thuần hay NSAIDs. Caffeine đóng vai trò chất xúc tác làm tăng đáng kể tác dụng của thuốc giảm đau đơn thuần.
– Phương pháp điều trị khác: Botulinum toxin tiêm vào cơ quanh sọ có tác dụng đối với bệnh nhân đau đầu căng cơ ở một số nghiên cứu nhưng có một vài nghiên cứu khác thì lại cho kết quả ngược lại. Một số tác giả đề nghị cần nghiên cứu thêm để đánh giá rõ ràng về tác dụng khi điều trị bằng thuốc này.
– Thuốc cấp tính không nên dùng quá 2 ngày/1 tuần
– Nếu đau đầu căng cơ xảy ra thường xuyên > 2 ngày/ 1 tuần cần dùng biện pháp phòng ngừa.
- Điều trị phòng ngừa:
– Được dùng để làm giảm tần suất và độ nặng của các cơn đau đầu và cần được cân nhắc sử dụng khi tần số cơn > 2 ngày/1 tuần, thời gian đau > 3-4 giờ và mức độ đau nặng.
– Các loại thuốc phòng ngừa bao gồm:
+ Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: là loại thuốc thông dụng nhất để phòng ngừa đau đầu căng cơ. Amitriptyline là loại thuốc thường dùng nhất trong nhóm này, liều dùng 10 – 20mg/ ngày
+ Các loại thuốc chống trầm cảm khác: Doxepin, Nortriptyline, Protriptyline.
+ Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonin (SSRIs) : Fluoxetine, Paroxetine, Sertraline. Ít tác dụng phụ hơn thuốc chống trầm cảm 3 vòng, được ưu tiên lựa chọn hơn.
+ Thuốc giãn cơ : Tizanidine, Baclofen.
+ Nhóm thuốc chống động kinh:
* Valproic Acid: liều 1000-2500 mg có tác dụng trong việc điều trị các bệnh nhân mắc đồng thời migraine và đau đầu căng cơ mạn tính. Mức độ cải thiện chỉ số đau đầu lên đến 67% và cải thiện 30% số ngày không đau đầu trong một tháng sau 3 tháng điều trị.
* Topiramate: 150 mg / ngày
* Gabapentin: 600 – 900 mg/ ngày
– Thuốc phòng ngừa nên bắt đầu với liều thấp và tăng từ từ cho đến khi có hiệu quả điều trị. Nếu bệnh nhân không tác dụng với liều thấp thì cần tăng dần liều lên mức tối đa có thể chịu được trước khi kết luận thuốc không hiệu quả. Thời gian tác dụng thuốc đầy đủ có thế kéo dài 2-6 tháng.
- Điều trị hỗ trợ:
– Các phương pháp điều trị không dùng thuốc nên được cân nhắc khi điều trị đau đầu nguyên phát. Bệnh nhân cần được hướng dẫn các thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và từ bỏ những thói quen có hại như thuốc lá, uống nhiều rượu.
– Các triệu chứng trầm cảm, lo âu hoặc cả hai có thể cùng tồn tại sẽ làm nặng lên tình trạng đau đầu căng cơ. Các rối loạn này thường là hậu quả hơn là nguyên nhân của đau đầu và cần được điều trị thích đáng.
– Liệu pháp tâm lý bao gồm trấn an, tư vấn, kiểm soát căng thẳng, thư giãn trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể làm giảm được đau đầu căng cơ rất hiệu quả. Xoa bóp có thể có tác dụng với các cơn đau đầu căng cơ cấp tính, nhưng tác dụng lâu dài thì không chắc chắn.
6. Theo dõi và tái khám
Đau đầu có thể được cải thiện theo thời gian mà không phụ thuộc vào điều trị. Sau khi kiểm soát được cơn đau tốt, có thể giảm liều dần rồi tạm ngưng dùng thuốc.
Xem thêm:
Đau đầu căng cơ gây nhiều khó chịu | Vinmec
Các loại đau đầu và cách điều trị | Vinmec
Bệnh đau đầu hình thành thế nào? | Vinmec
Video đề xuất:
Đau đầu làm – làm gì cho hết?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Allan H. Ropper, M.D – Robert H. Brown, D.Phil., M.D – Adams and Victor’s
Principles of Neurology, P 157.
2. Vũ Anh Nhị – Sổ tay lâm sàng thần kinh (sau Đại học) – Nhà xuất bản Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh 2007 – Trang 63 – 72.
3. Vũ Anh Nhị – Chẩn đoán và điều trị đau đầu ( 2010) – Trang 55 – 78.
4. Lê Văn Nam – Thần kinh học – Bộ môn Thần kinh, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, 2005 – Trang 288- 301.
Leave a Reply