Cách khâu lỗ thủng, vết thương thực quản

Khâu lỗ thủng hoặc vết thương thực quản là phẫu thuật đóng kín một vết thương của thành thực quản có thể một lớp cơ, lớp niêm mạc thực quản hoặc toàn bộ các lớp của thành thực quản, có thể dùng ngay tự thân thực quản, dùng tổ chức của cơ thể khâu đóng hoặc dùng vật liệu nhân tạo khâu đóng. Có thể mổ mở ngực và/hoặc bụng, có thể mổ mở hoặc phối hợp hoặc hoàn toàn mổ nội soi bụng hoặc ngực. Có thể hoàn toàn phẫu thuật và hoặc làm cùng với phẫu thuật đóng qua nội soi đường tiêu hóa trên. Có thể khâu đóng trong cấp cứu chấn thương, bệnh lý hay áp dụng như một thì của các cuộc mổ có gây ra thủng một hay nhiều lớp của thực quản.

1. Chỉ định

Thủng thực quản cổ, thực quản ngực, thực quản bụng qua lớp cơ, lớp niêm mạc hoặc thủng hoàn toàn

2. Chống chỉ định

Thương tổn bị bệnh lý hoặc nhiễm trùng nặng không thể khâu được

3. Chuẩn bị

3.1. Người thực hiện:

– 01 Phẫu thuật viên chuyên khoa tiêu hóa hoặc ngoại chung

– 02 phụ mổ

– Kíp gây mê: 01 Bác sĩ gây mê, 01 Điều dưỡng phụ gây mê

– Kíp dụng cụ: 01 Dụng cụ viên, 01 nhân viên chạy ngoài

3.2. Người bệnh

– Được chẩn đoán bệnh, xét nghiệm sinh học, đánh giá toàn trạng bệnh phối hợp và được điều trị, nuôi dưỡng, cân bằng đủ đảm bảo cho cuộc phẫu thuật dự kiến.

– Nâng cao thể trạng, cân bằng những rối loạn do hậu quả của bệnh hoặc do cơ địa, bệnh mãn tính, tuổi…

– Người bệnh và gia đình được giải thích rõ trước mổ về tình trạng bệnh và tình trạng chung, về những khả năng phẫu thuật sẽ thực hiện, về những tai biến, biến chứng, di chứng có thể gặp do bệnh, do phẫu thuật, do gây mê, tê, giảm đau, do cơ địa của người bệnh.

– Nhịn ăn, thụt tháo, vệ sinh vùng phẫu thuật và toàn thân.

3.3. Phương tiện:

Bộ dụng cụ đại phẫu, dao siêu âm, Ligasure, chỉ phẫu thuật, thuốc, dịch truyền,…

3.4. Dự kiến thời gian phẫu thuật:

90 phút

4. Các bước tiến hành

– Người bệnh được đặt thông mũi thực quản dạ dày nếu có thể.

– Tư thế nằm ngửa kê gối dưới vai nếu khâu thực quản cổ, nằm nghiêng trái nếu khâu thực quản ngực và nằm ngửa kê gối lưng nếu khâu thực quản bụng.

– Gây mê nội khí quản và sẵn sàng chủ động xẹp phổi phải nếu cần

4.1. Đối với vết thương/chấn thương thực quản cổ

. Đường rạch cổ trái cắt cân cơ qua máng cảnh về phía trước cột sống cổ tìm và bộc lộ thực quản cổ. Dùng chỉ phẫu thuật khâu đóng thương tổn thực quản cổ. đặt dẫn lưu vết mổ. khâu đóng cân cổ nông (dưới da) khâu đóng lớp da

Theo dõi quá trình liền vết mổ, quá trình liền vết khâu thực quản, theo dõi ống dẫn lưu vết mổ, rút dẫn lưu khi hết tác dụng theo dõi. Cho người bệnh nhịn ăn miệng, nuôi dưỡng bằng ống thông hoặc truyền tĩnh mạch đến khi liền vết khâu

4.2. Đối với vết thương thực quản ngực

. Rạch da cân cơ liên sườn mở ngực sau bên phải vào khoang màng phổi phải, làm xẹp phổi phải. xác định vị trí thủng thực quản ngực, phẫu tích bộc lộ thực quản ngực đoạn bị thủng. dùng chỉ phẫu thuật hoặc vật liệu thích hợp khâu đóng tổn thương. Dẫn lưu khoang màng phổi phải kết hợp hệ thống hút liên tục áp lực âm 20 cm H2O. Làm nở phổi trở lại. Đóng vết mở thành ngực quy chuẩn.

. Theo dõi sự liền vết mổ thực quản và vết mổ thành ngực. theo dõi hệ hô hấp, dịch khí khoang màng phổi qua dẫn lưu màng phổi. Rút dẫn lưu khi người bệnh phục hồi tốt hệ hô hấp và liền vết khâu thực quản. tập thở cho bệnh nhân.

4.3. Đối với vết thương thực quản bụng:

Rạch da đường trắng giữa bụng từ mũi ức về phía rốn, rạch qua cân cơ vào ổ bụng. Phẫu tích vùng thực quản bụng và tâm phình vị dạ dày, thực quản bụng. Bộc lộ thực quản bụng tìm chỗ thủng. Dùng chỉ phẫu thuật hoặc cùng tổ chức thích hợp khâu đóng kín thủng.

Lưu ý có thể khâu thủng thực quản ngực phần thấp từ ổ bụng qua lỗ hoành lên trung thất.

Có thể khâu lại góc tâm phình vị hoặc thêm phẫu thuật tạo van chống trào ngược dạ dày thực quản. có thể đặt dẫn lưu ổ bụng. Khâu đóng vết mỏ bụng theo quy chuẩn.

5. Theo dõi và xử trí tai biến

– Biến chứng chảy máu: phát hiện chảy máu tại vùng mổ hoặc biểu hiện thiếu máu cấp đồng thời. Làm các thăm dò xác định có chảy máu và mức độ chảy máu.

Điều trị: điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật cầm máu.

– Biến chứng thủng lại nhiễm trùng: phát hiện thủng và hoặc nhiễm trùng tại vùng mổ hoặc biểu hiện nhiễm trùng cấp đồng thời. Làm các thăm dò xác định có thủng lại, hay tình trạng nhiễm trùng.

Điều trị: điều trị bảo tồn, dẫn lưu hoặc phẫu thuật chống nhiễm trùng hoặc phối hợp các giải pháp khác thích hợp.

– Biến chứng hô hấp: Người bệnh suy hô hấp, xẹp phổi, ổ cặn màng phổi. tắc nghẽn hô hấp, tràn máu tràn khí … màng phổi: xác định và khắc phục theo nguyên nhân.

Tóm lại, phương pháp khâu lỗ thủng, vết thương thực quản cụ thể sẽ phải được quyết định bởi bác sĩ dựa trên kích thước và đặc điểm của lỗ thủng hoặc vết thương. Sau khi khâu xong, bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc vết thương của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và đảm bảo quá trình hồi phục tốt nhất có thể.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *