Ung thư tinh hoàn là loại ung thư hiếm gặp ở nam giới, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam, tuy nhiên lại là một trong những bệnh lí ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trẻ tuổi. Việc nhận biết sớm các triệu chứng ung thư tinh hoàn là rất quan trọng để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, giúp nâng cao cơ hội sống sót và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1. Tìm hiểu về ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn (UTTH) là tình trạng phát triển và phân chia mất kiểm soát của những tế bào trong tinh hoàn dẫn đến hình thành khối u. Tinh hoàn là một bộ phận trong hệ sinh dục nam, nằm ở phía dưới dương vật và nằm trong bìu. Tinh hoàn có chức năng sản xuất tinh trùng và testosterone- hormone sinh dục ở nam giới.
UTTH là loại ung thư hiếm gặp ở nam giới, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ung thư ở nam, tuy nhiên lại là một trong những bệnh lí ác tính nhất ảnh hưởng đến nam giới trong độ tuổi 15 đến 35. Tỷ lệ tử vong do UTTH khá thấp, trong khi tỷ lệ sống sót 5 năm lớn hơn 95%.
Bệnh chia thành 2 nhóm lớn: khối u tế bào mầm (95%) và khối u không phải tế bào mầm (5%). U tế bào mầm chia ra 2 loại: nhóm u tinh (seminoma) và nhóm u mầm không phải tế bào dòng tinh (nonseminoma).
2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn
- Tuổi tác: Ung thư tinh hoàn phổ biến hơn ở nam giới trẻ tuổi, với tỷ lệ mắc cao nhất trong số những người từ 15 đến 35 tuổi.
- Tiền sử gia đình: Những người đàn ông có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tinh hoàn, đặc biệt là ở cha hoặc anh trai, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tinh hoàn ẩn (cryptorchidism): Thông thường, tinh hoàn phát triển bên trong ổ bụng và di chuyển xuống bìu trước khi sinh hoặc trong vài tháng đầu đời. Tuy nhiên, trong bệnh lý tinh hoàn ẩn, một hoặc cả hai tinh hoàn vẫn còn bên trong ổ bụng. Do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn nhiệt độ trong bọc bìu nên tinh hoàn nằm lại ổ bụng dễ bị thoái hóa, gây vô sinh.
- Chủng tộc: Ung thư tinh hoàn phổ biến hơn ở nam giới da trắng so với nam giới thuộc các chủng tộc khác.
- Nhiễm HIV: Nam giới nhiễm HIV có nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn.
3. Triệu chứng lâm sàng của ung thư tinh hoàn
3.1. Giai đoạn tiến triển tại chỗ
- Xuất hiện u trong bìu hoặc thấy bìu to lên: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn. Khối u thường cứng và có thể to hoặc nhỏ. Khi chạm vào bệnh nhân có thể thấy đau hoặc không đau.
- Đau âm ỉ vùng bẹn bìu hoặc vùng bụng dưới
- Bìu cảm giác nặng, tụ dịch gây khó chịu hoặc đau
- Có thể xuất hiện hạch bẹn
3.2. Giai đoạn di căn
Tùy vào vị trí di căn đến và tốc độ phát triển của khối u di căn mà bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều triệu chứng như:
- Đau lưng
- Khó thở, ho ra máu
- Phù bạch huyết chi dưới
- Mệt mỏi, sụt cân không chủ ý
- Vú to hoặc đau
4. Triệu chứng cận lâm sàng của ung thư tinh hoàn
4.1. Chẩn đoán hình ảnh
- Siêu âm: Siêu âm là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán. Kết quả siêu âm có thể cho thấy hình ảnh khối rắn hoặc chứa đầy chất lỏng, xuất hiện vôi hóa hay di căn ổ bụng. Đặc biệt quan trọng trong trường hợp tinh hoàn ẩn.
- Chụp CT, MRI, X-quang: Những phương pháp này thường không được dùng để phát hiện bất thường trong tinh hoàn mà thay vào đó được dùng để đánh giá sự di căn của bệnh. Những vị trí thường được nghi ngờ là hạch bạch huyết, phổi, gan hay não.
4.2. Sinh thiết tinh hoàn
Phương pháp sinh thiết thường bị hạn chế làm do có thể làm tăng nguy cơ xâm lấn ung thư, reo rắt tế bào u. Trong trường hợp cần phải làm để chẩn đoán xác định bệnh, phẫu thuật viên có thể làm sinh thiết mở qua đường vào bẹn mu, kẹp tạm thừng tinh bằng panh bọc cao su, bộc lộ toàn bộ tinh hoàn ra ngoài để quan sát. Nếu nghi ngờ ung thư ở vị trí nào, phẫu thuật viên có thể chỉ định cắt lạnh để tìm kiếm tế bào ung thư và chỉ định thêm các xét nghiệm khác tùy thuộc vào kết quả.
4.3. Xét nghiệm các chất chỉ điểm u
Nhiều loại ung thư tinh hoàn làm tăng bất thường nồng độ một số protein trong máu, còn được gọi là chất chỉ điểm u như AFP (Alpha- Fetoprotein) và HCG (Human Chorionic Gonadotropin). Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng mức độ cao của chất chỉ điểm u trong máu không có nghĩa chắc chắn là bệnh nhân mắc ung thư, nhưng nó có thể giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán.
Tăng AFP hoặc HCG cũng giúp bác sĩ định hướng được loại UTTH:
- U mầm không phải tế bào dòng tinh (nonseminoma): tăng AFP kèm theo tăng/ không tăng HCG.
- U mầm tế bào dòng tinh (seminoma): tăng HCG nhưng không bao giờ tăng AFP.
Ngoài ra, UTTH cũng có thể làm tăng enzyme LDH (Lactate Dehydrogenase), tuy nhiên đây là một chất chỉ điểm u không đặc hiệu. Nồng độ LDH cao ở trong máu thường (nhưng không phải luôn luôn) chứng tỏ ung thư đã di căn. Tuy nhiên, LDH cũng tăng trong một số bệnh lí không phải do ung thư.
Leave a Reply