Bài viết này tóm tắt những sơ lược nhất về loại Implant đường kính rộng và ứng dụng cụ thể của chúng trên lâm sàng, hỗ trợ các Nha sĩ rất nhiều vì một số đặc điểm ưu việt hơn so với loại thông thường. Cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này sau đây.
1. Tổng quan về Implant đường kính rộng
Trong vài thập kỷ nay, chiều rộng của implant ngày càng tăng lên, từ dưới 2 mm, chẳng hạn như implant của Scialom vào những năm 1960, thành 3.75 mm khi lần đầu tiên được giới thiệu bởi Brånemark. Implant đường kính 4 mm cũng đã được giới thiệu như implant “dự phòng” tại thời điểm đó. Vào cuối những năm 1990, các implant đường kính 5 mm hoặc lớn hơn bắt đầu được sản xuất, chủ yếu là nhằm tăng sự neo chặn xương và độ bền cơ học để nâng đỡ phục hình ở vùng răng cối lớn. Đến nay thì người ta nhất trí rằng implant 3.75-4.1 mm được xem là implant đường kính tiêu chuẩn, còn những implant có chiều rộng 25 mm thì được xem là implant đường kính rộng. Đường kính này là đường kính phần nằm trong xương của implant.
Thuật ngữ implant “bệ rộng” hoặc “cổ rộng” là nói đến bệ phục hình, trong các implant một thì (ngang mô) thì nó là một phần của thân implant và không được điều chỉnh, trong khi đó ở các implant 2 thành phần (loại ngang xương) thì bệ phục hình được tạo ra bởi abutment và có thể tùy chỉnh.
2. Sự phát triển của loại Implant này
Implant đường kính rộng được phát triển dựa trên các quan niệm cơ bản về sự tích hợp xương, bởi vì bề mặt neo chặn rất cần thiết cho sự ổn định ban đầu cao hơn. Các chỉ định của implant đường kính rộng bao gồm: (1) chất lượng xương kém, (2) thiếu chiều cao xương, và (3) thay thế tức thì implant không tích hợp xương hoặc bị gãy. Một chỉ định nữa của implant đường kính rộng là đặt implant tức thì sau nhổ răng. Do nhiều răng hoặc chân răng có đường kính lớn hơn 4 mm, nên implant đường kính rộng sẽ ăn khớp với vách của ổ nhổ răng tốt hơn, và do đó, làm tăng độ ổn định sơ khởi. Trong trường hợp sử dụng implant 1 khối (ngang mô), thì chúng cũng có thể tăng cường dạng thoại mong muốn của mão răng nhờ có đường kính vùng cổ răng tương tự như răng cối lớn, và do đó sẽ thẩm mỹ hơn.
Mở rộng đường kính implant được cho là làm cải thiện hiệu quả cơ sinh học của phục hình răng cối lớn trên implant. Các nghiên cứu đã báo cáo rằng sử dụng implant rộng hơn có thể làm giảm tỷ lệ thất bại và tăng độ ổn định sơ khởi trong trường hợp xương có mật độ thấp. Ngoài ra, đường kính của thân implant cho phép ổn định 2 vỏ xương (ngoài/trong) ở vùng răng cối lớn thuận lợi hơn, đặc biệt là phía trên thần kinh xương ổ răng dưới là nơi khó đạt được sự neo chặn 2 vỏ xương.
Người ta thấy rằng sử dụng implant đường kính lớn hơn không chỉ làm tăng độ cứng của implant mà còn làm tăng bề mặt tiếp xúc giữa xương với implant, từ đó đưa đến sự ăn khớp với xương vỏ tốt hơn. Sử dụng implant đường kính rộng còn có thể cải thiện khả năng chịu lực nhai ở các implant răng sau và tạo ra bệ rộng hơn cho thiết kế phục hình phù hợp.
Tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng implant đường kính rộng trong những tình huống đủ kích thước ngoài-trong. Trong thực tế, implant quá lớn có thể làm giảm sự nâng đỡ xương vỏ, đặc biệt là quanh cổ implant, và do đó sẽ ảnh hưởng đến độ ổn định sơ khởi của implant. Sử dụng implant rộng có thể được xem xét khi chiều rộng mào xương ổ ≥ 8 mm. Một trở ngại sinh học khi sử dụng implant đường kính rộng là cấp máu kém do còn rất ít xương xốp. Tỷ lệ thất bại cao hơn ở implant rộng đã được ghi nhận trong một số báo cáo lâm sàng, chủ yếu liên quan đến kinh nghiệm của phẫu thuật viên, mật độ xương kém, thiết kế implant, vị trí phẫu thuật, và do sử dụng đường kính này như một implant “dự phòng”.
3, Thiết kế của Implant đường kính rộng
Thiết kế của implant ngang mô bao gồm phần trên mào xương và xuyên niêm mạc được gia công (nhẵn) liên tục với implant. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự kết nối nào với cấu trúc phía trên (mão răng, abutment tùy chỉnh) đều nằm trên xương, trừ khi implant được đặt sâu hơn vào bên trong mào xương (ví dụ như vì lý do thẩm mỹ). Do đó, các yếu tố cơ học hoặc sinh học có tiềm năng gây ra phản ứng viêm ở mô, chẳng hạn như sự kết nối dưới niêm mạc hoặc vi kẽ giữa implant với cấu trúc phía trên, sẽ nằm sát bờ mô mềm, và do đó sẽ được giảm thiểu. Người ta đã sớm nhận thấy thiết kế implant 1 khối không có khoảng hở ở vùng xuyên niêm mạc sẽ tạo thuận lợi cho sự hình thành giao diện mô mềm quanh implant tương tự như ở răng tự nhiên. Loại thiết kế implant này là lý tưởng cho phẫu thuật đặt implant một thì. Thiết kế rãnh ở phần cổ với kết nối abutment trong sẽ tăng cường các tính chất cơ học của phức hợp implant-abutment. Kết hợp với việc sử dụng abutment đúc sẵn cho phục hình gắn xi măng, đây là phương pháp đơn giản và kinh tế nhất để thay thế một răng đã mất bằng phục hình trên implant.
4. Định nghĩa về Nẹp trong Implant nha khoa
Theo “Bảng thuật ngữ phục hình”, nẹp (splinting) được định nghĩa là “sự nối nhau giữa 2 hoặc nhiều răng thành một đơn vị cứng chắc bằng phương pháp cố định hoặc tháo lắp”. Nẹp từ lâu đã được xem là một phần quan trọng của điều trị khớp cắn, nhằm kiểm soát lực phân bố lên các răng, và giảm tác động lên mô nha chu bằng cách tăng cường sự ổn định vị trí và chức năng của toàn bộ bộ máy nha chu. Một chỉ định lâm sàng cổ điển của nẹp là tăng tỷ lệ thân/chân. Tuy nhiên, dữ liệu thực chứng ủng hộ chỉ định này ở răng thật vẫn còn khiêm tốn, và ở implant lại càng ít hơn, và các thông số trong từng tình huống lâm sàng tạo thuận lợi cơ sinh học sau khi nẹp các implant là không rõ ràng.
Phục hình trên implant được nẹp bằng phương pháp cố định vì một số lý do khác với răng thật. Nẹp tạo ra sự ổn định cho các răng lung lay, trong khi đó, implant lại không di động. Do đó, khi những lực không theo hướng trục hoặc theo chiều ngang tác dụng lên implant, thì nó không thể ngay lập tức di chuyển ra xa khỏi lực bởi vì nó không xoay giống răng thật; thay vào đó, lực sẽ tập trung vào phần nối implant-abutment và mào xương nâng đỡ. Quá tải lực sẽ tạo ra ứng suất có thể gây thất bại cơ học cho thành phần phục hình và gây vi nứt xương, cuối cùng có thể gây thất bại implant. Do đó, mục đích của mão nối nhau trên implant là giúp phân bố thuận lợi những lực tác dụng lên các implant, giảm thiểu lực lên giao diện implant-abutment, và giảm thiểu nguy cơ quá tải lực theo chiều ngang cho giao diện xương-implant.
Một nghiên cứu quang đàn hồi cho thấy các phục hình được nẹp sẽ phân chia tải lực nhai và phân bố ứng suất giữa các implant đồng đều hơn khi chịu tác dụng của lực lệch tâm. Một nghiên cứu mô hình phần tử hữu hạn ba chiều – trong đó đánh giá ảnh hưởng của việc nẹp phục hình lên ứng suất xương quanh implant ở xương có chất lượng kém – cho thấy việc nẹp mão răng trên các implant kế nhau bằng vật liệu phục hồi tương đối cứng chắc đã làm giảm ứng suất xương quanh implant khi chịu tải lực ngang, từ đó đưa đến đề xuất nẹp các implant trong trường hợp xương có chất lượng kém [28]. Ưu điểm của việc phân chia tải lực bằng phục hình nối nhau không phải là tuyệt đối. Cần lưu ý những trường hợp hai mão răng có sự khác biệt đáng kể về cơ sinh học, chẳng hạn như sử dụng 1 implant tiêu chuẩn ở vùng răng cối nhỏ và implant rộng hoặc 2 implant ở vùng răng cối lớn. Ngoài ra, trong những trường hợp có hướng dẫn trước dốc – chẳng hạn như các trường hợp cắn sâu, số lượng điểm chặn cắn khớp tự nhiên ít, phục hình trên implant bao gồm cả răng nanh, hoặc những bệnh nhân có thói quen cận chức năng – thì việc nẹp các implant ở vùng răng trước sẽ tạo thuận lợi. Mặt khác, hình thể bền và lưu của phục hình cố định trên implant là những thông số khác cần được xem xét khi đánh giá nhu cầu nẹp.
Đặc biệt nhớ rằng phục hình nối nhau không được gây ảnh hưởng đến khả năng duy trì vệ sinh răng miệng của bệnh nhân. Khi chế tác phục hình nối nhau, kỹ thuật viên labo cần thiết kế khoảng mặt bên và khe hở tiếp cận cho phép các dụng cụ vệ sinh dễ dàng đi vào những vùng này, chẳng hạn như chỉ luồn (superfloss), chỉ nha khoa, hoặc bàn chải kẽ. Những tình trạng được khuyến nghị làm phục hình nối nhau trên implant được liệt kê trong ảnh dưới đây.
Nguồn tài liệu: Clinical Cases in Implant Dentistry, First Edition – Published 2017 by John Wiley & Sons, Inc.
Leave a Reply