Đánh giá toàn diện bệnh nhân đái tháo đường bao gồm đánh giá triệu chứng, biến chứng và các bệnh đồng mắc. Triệu chứng sớm liên quan tới tăng glucose máu và bao gồm uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều và nhìn mờ. Biến chứng muộn gồm bệnh mạch máu, bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh thận và dễ nhiễm khuẩn.
1. Mục đích
Đánh giá toàn diện nên thực hiện vào lần khám bệnh đầu tiên sau đó định kỳ hàng năm nhằm mục đích sau:
– Xác định chẩn đoán và phân loại ĐTĐ;
– Phát hiện các biến chứng đái tháo đường và các bệnh đồng mắc;
– Xem xét việc điều trị trước đây và việc kiểm soát yếu tố nguy cơ ở BN ĐTĐ đã được chẩn đoán;
– Thảo luận cùng người bệnh và thân nhân trong xây dựng kế hoạch quản lý, tự quản lý và chăm sóc.
– Xây dựng kế hoạch hoặc điều chỉnh để chăm sóc liên tục, toàn diện người bệnh.
2. Các nội dung đánh giá toàn diện
2.1. Bệnh sử – Lâm sàng:
– Tuổi, đặc điểm lúc khởi phát đái tháo đường (nhiễm toan ceton đái tháo đường, phát hiện đái tháo đường bằng xét nghiệm nhưng không có triệu chứng).
– Cách ăn uống, tình trạng dinh dưỡng, tiền sử cân nặng, thói quen luyện tập thể lực, đặc điểm công việc hàng ngày, trình độ học vấn, sự hiểu biết về chăm sóc sức khoẻ, bệnh ĐTĐ, tiền sử và nhu cầu về hỗ trợ tâm lý
– Tiền sử sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn và thuốc gây nghiện.
– Tìm hiểu BN có tham gia các chương trình giáo dục về ĐTĐ, tự quản lý
– Rà soát lại các phác đồ điều trị trước và đáp ứng điều trị (dựa vào các số liệu HbA1c, cơn hạ đường huyết). Đánh giá sự tuân thủ điều trị thuốc uống, thuốc tiêm và các rào cản đối với sự tuân thủ điều trị.
– Khai thác việc sử dụng các thuốc bổ sung và thay thế: Các thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền đã sử dụng. Các loại thuốc điều trị bệnh khác, thí dụ thuốc điều trị đau khớp…
– Các bệnh đồng mắc và bệnh về răng miệng đang mắc.
– Tầm soát trầm cảm, lo âu, các khó khăn về tài chính, sự trợ giúp xã hội
– Nếu BN có máy thử glucose huyết cá nhân hoặc sổ theo dõi khám bệnh, kiểm tra lại các thông số theo dõi glucose huyết và xử trí của BN.
– Tiền sử nhiễm toan ceton, tần suất, độ trầm trọng, nguyên nhân.
– Tiền sử các cơn hạ glucose máu, khả năng nhận biết và cách xử trí lúc có cơn, tần suất, nguyên nhân.
– Tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu
– Các biến chứng mạch máu nhỏ: võng mạc, thận, thần kinh
– Các biến chứng mạch máu lớn: bệnh tim thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim, đột quị, bệnh mạch máu ngoại vi.
– Cân nặng các con lúc sinh của phụ nữ.
Đối với phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản: hỏi vế kế hoạch sinh con của BN, người bệnh có dùng phương pháp nào để ngừa thai.
2.2. Khám thực thể: cần đặc biệt chú trọng
a) Chiều cao, cân nặng và BMI, vòng eo; Quá trình phát triển và dậy thì ở trẻ em, thanh thiếu niên.
b) Đo huyết áp, nếu cần đo huyết áp nằm và đứng để tìm hạ huyết áp tư thế
c) Khám tim mạch: nhằm phát hiện các biến chứng về mạch máu lớn (mạch vành, mạch cảnh, động mạch chủ bụng, động mạch chi dưới)
– Cơ năng: Đau thắt ngực (BMV), đau cách hồi hay tê bì chân (Động mạch chi dưới)
– Xét nghiệm: đo điện tim, siêu âm tim, siêu âm Doppler Động mạch cảnh, Động mạch chi, chụp Động mạch chi nếu cần
d) Khám mắt: phát hiện có đục thủy tinh thể, Soi đáy mắt, chụp Vi mạch động mạch võng mạc bằng Fluorescen nếu có chỉ định
e) Khám các tuyến nội tiết khác: nhằm phát hiện Đa nội tiết tự miễn, thường gặp trên BN ĐTĐ típ 1, nên cần xét nghiệm tìm bất thường tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến sinh dục…
f) Khám da: tìm dấu gai đen, các thay đổi da do ĐTĐ kiểm soát kém, khám các vùng tiêm chích (nếu BN dùng insulin)
g) Khám đánh giá toàn diện bàn chân ĐTĐ:
– Nhìn: xem dấu khô da, thay đổi màu sắc da (tái, tím, tấy đỏ), các vết chai, biến dạng bàn chân, loét chân…
– Sờ: xem da lạnh hay nóng, bắt mạch mu chân và chày sau, hốc kheo chân
h) Khám thần kinh:
– TK ngoại biên:
+ Dấu cơ năng hỏi triệu chứng về dị cảm ở chi dưới: tê bì, đau nhức, nóng rát,..
+ Có hay mất phản xạ gân cơ Achilles
+ Khám thực thể: cảm giác xúc giác, cảm giác rung, cảm giác áp lực bằng sợi đơn (monofilament).
– Thần kinh tự động ảnh hưởng trên nhiều cơ quan
2.3. Đánh giá về cận lâm sàng
Bảng : Xét nghiệm đối với người bệnh đái tháo đường
Tên xét nghiệm | Lần đầu | Tái khám |
Công thức máu | x | 3- 6 tháng, Tùy tình trạng người bệnh |
Glucose | x | Mỗi lần khám |
HbA1c | x | Mỗi 3 tháng hoặc khi nhập viện không có thông số tham khảo của những lần khám trước |
Fructosamin | Mỗi 2 tuần, trừ lần khám có làm HbA1c | |
Insulin/C-peptide | x | Làm C-peptide hoặc insulin |
Ure | x | Xét nghiệm mỗi lần khám |
Creatinin, tính eGFR | x | Xét nghiệm lần khám đầu, làm lại mỗi năm hoặc theo yêu cầu lâm sàng. |
ALT | x | Xét nghiệm mỗi lần khám |
AST | x | |
Na+, K+, Ca++, Cl– | Tùy tình trạng người bệnh | |
GGT | ||
Albumin/Protein | Tùy tình trạng người bệnh | |
Acid uric | x | Tùy tình trạng người bệnh: Suy thận, gút mạn, viêm khớp… |
ABI, CK, CKMB, BNP, Pro-BNP | x | Tùy tình trạng người bệnh |
Lipid máu | x | 1 – 2 tháng/lần, tùy tình trạng người bệnh |
Tổng phân tích nước tiểu | x | Mỗi lần khám |
MAU/creatinin niệu | x | 3- 6 tháng/lần |
Điện tim, X – quang ngực | x | 1 – 2 tháng/lần, tùy tình trạng người bệnh |
Siêu âm ổ bụng | x | 3 – 6 tháng/lần, tùy tình trạng người bệnh |
Siêu âm tim, Doppler mạch | x | Tùy tình trạng người bệnh |
Khám răng hàm mặt | x | 3 – 6 tháng/lần, tùy tình trạng người bệnh |
Khám đáy mắt | x | 3 – 6 tháng/lần, tùy tình trạng người bệnh |
Chụp đáy mắt | Theo chỉ định BS chuyên khoa | |
Các xét nghiệm khác | Tùy tình trạng người bệnh |
– Tần xuất tái khám:
+ Giai đoạn mới phát hiện, đang điều chỉnh thuốc: tái khám 0,5-1 tháng/lần
+ BN ổn định: khám định kỳ mỗi 1-2 tháng/lần
2.4. Tương quan giữa HbA1c và nồng độ glucose huyết trung bình
HbA1c là giá trị glucose huyết trung bình trong 3 tháng. Bảng dưới đây chỉ có tính cách tham khảo vì trị số glucose huyết dao động rất nhanh, do đó tốt nhất là tự đo đường huyết nhiều lần trong ngày (đối với ĐTĐ típ 2 có thể đo lúc đói, sau ăn, trước khi đi ngủ) để biết sự dao động của đường huyết và ảnh hưởng của bữa ăn. Khi glucose huyết đã tương đối ổn định, có thể đo glucose huyết với tần xuất thưa hơn.
HbA1c thường được khuyến cáo đo 3 tháng một lần để theo dõi sát tình trạng kiểm soát glucose huyết.
Bảng : Tương quan giữa HbA1c và nồng độ glucose huyết trung bình
HbA1c (%) | HbA1c (mmol/mol) | Glucose huyết trung bình (mmol/L) |
13 | 119 | 18 |
12 | 108 | 17 |
11 | 97 | 15 |
10 | 86 | 13 |
9 | 75 | 12 |
8 | 64 | 10 |
7 | 53 | 8 |
6 | 42 | 7 |
5 | 31 | 5 |
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Số 5481/QĐ-BYT ‘VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2”, 30/12/2020
Leave a Reply