Ung thư tinh hoàn: Hướng dẫn điều trị theo bộ Y tế

Ung thư tinh hoàn hiếm xảy ra, có khả năng điều trị thành công cao, ngay cả khi đã di căn ra ra ngoài tinh hoàn. Bài viết sau sẽ giới thiệu về hướng dẫn điều trị ung thư tinh hoàn theo bộ Y tế Việt Nam.

1. Đại cương về ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn (UTTH) là bệnh ác tính phổ biến nhất ở nam giới trẻ tuổi, bao gồm 2 nhóm lớn: 95% là khối u tế bào mầm, 5% không phải tế bào mầm. U tế bào mầm chia ra 2 loại: nhóm u tinh (seminoma) và nhóm u mầm không phải tế bào dòng tinh (nonseminoma).

Ung thư tinh hoàn là bệnh ung thư có khả năng chữa khỏi cao, tính chung cho các giai đoạn có thể chữa cho 90% bệnh nhân, ở giai đoạn lan tràn của bệnh cũng có thể cứu chữa cho 80% các trường hợp bệnh khỏi hoàn toàn.

minh-hoa-ung-thu-tinh-hoan
Ung thư tinh hoàn là bệnh ác tính phổ biến nhất ở nam giới trẻ tuổi

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn

  • Tuổi tác: Ung thư tinh hoàn phổ biến hơn ở nam giới trẻ tuổi, với tỷ lệ mắc cao nhất trong số những người từ 15 đến 35 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Những người đàn ông có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tinh hoàn, đặc biệt là ở cha hoặc anh trai, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Tinh hoàn lạc chỗ (cryptorchidism): Thông thường, tinh hoàn phát triển bên trong ổ bụng và di chuyển xuống bìu trước khi sinh hoặc trong vài tháng đầu đời. Tuy nhiên, trong bệnh lý tinh hoàn lạc chỗ, một hoặc cả hai tinh hoàn vẫn còn bên trong ổ bụng. Do nhiệt độ trong ổ bụng cao hơn nhiệt độ trong bọc bìu nên tinh hoàn nằm lại ổ bụng dễ bị thoái hóa, gây vô sinh.
  • Chủng tộc: Ung thư tinh hoàn phổ biến hơn ở nam giới da trắng so với nam giới thuộc các chủng tộc khác.
  • Nhiễm HIV: Nam giới nhiễm HIV có nguy cơ phát triển ung thư tinh hoàn.

3. Điều trị về ung thư tinh hoàn

3.1. Nguyên tắc điều trị

  • Theo từng giai đoạn và thể bệnh để áp dụng 3 phương pháp: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.
  • U không dòng tinh thường có tiên lượng xấu hơn. Sử dụng hóa chất cũng làm tiên lượng của bệnh được cải thiện nhiều.
  • Điều trị theo giai đoạn T, N, M

+ U tinh bào:

Giai đoạn u khu trú ở tinh hoàn: phẫu thuật được lựa chọn trước tiên, sau đó xạ trị. U tinh là loại ung thư rất nhạy cảm với điều trị bằng xạ trị. Liều 25-30Gy vào diện u và vùng hạch chậu, hạch chủ bụng, hạch trung thất và thượng đòn.

Giai đoạn di căn hạch: hạch <5cm được chỉ định tia xạ, liều 50-70Gy vào diện u và hạch liên quan; hạch >5cm hoặc di căn hạch lan tỏa nên điều trị bằng hóa chất, thường sử dụng phác đồ có cisplatin (BEP – đáp ứng khoảng 70-90%).

Giai đoạn di căn các tạng và di căn trên cơ hoành: liệu pháp hóa chất (BEP…) được lựa chọn đầu tiên. Sau đó, u còn sót lại có thể phẫu thuật hoặc xạ trị.

+ U tế bào mầm không phải dòng tinh:

Giai đoạn u khu trú ở tinh hoàn: phẫu thuật nạo vét hạch; nếu trường hợp là u di căn thì điều trị hóa chất (BEP, EP…).

Giai đoạn di căn hạch: điều trị bằng phẫu thuật nạo vét hạch; nếu có di căn từ 6 hạch trở lên hoặc u có kích thước >2cm, điều trị bổ trợ bằng hóa chất (BEP, EP…).

Giai đoạn di căn xa (trên cơ hoành hoặc các tạng trong cơ thể):

  • Hóa chất được lựa chọn đầu tiên. Phổ biến là phác đồ (BEP, EP), phác đồ này có thể cải thiện được tỷ lệ đáp ứng và thời gian sống thêm cho bệnh nhân, ngoài ra còn giảm được một số độc tính.
  • Phác đồ có cisplatin thường cho tỷ lệ đáp ứng cao hơn phác đồ có carboplatin, vì thế chúng được sử dụng nhiều hơn (BEP, EP, PVB…).
  • Trường hợp u còn sót lại sau điều trị hóa chất, có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Sau đó, truyền thêm hóa chất.
  • Trường hợp tái phát hoặc không đáp ứng với điều trị ban đầu có thể chỉ định phác đồ hóa chất mạnh: VeIP (Vinblastine, ifosfamind, cisplatin).

3.2. Một số phác đồ thường sử dụng trong ung thư tinh hoàn

Phác đồ BEP

Bleomycin 30U, truyền tĩnh mạch, ngày 1, 8, 15 hoặc ngày 2, 9, 16.

Etoposide 100mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Cisplatin 20mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Chu kỳ mỗi đợt 21 ngày.

Phác đồ EP

Cisplatin 20mg/m² /ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Etoposide 100mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Chu kỳ mỗi đợt 21 ngày.

Phác đồ PVB

Cisplatin 20mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Vinblastine 0,15mg/kg, truyền tĩnh mạch, ngày 1, 2.

Bleomycin 30U, truyền tĩnh mạch, ngày 2, 9, 16.

Chu kỳ mỗi đợt 21 ngày.

Phác đồ VeIP (phác đồ mạnh): sử dụng khi các phác đồ trên đáp ứng kém

Vinblastine 0,11mg/kg/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1, 2.

Ifosfamide 1.200mg/m2/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Cisplatin 20mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Chu kỳ mỗi đợt 21 ngày.

Phác đồ VIP (phác đồ mạnh)

Etoposide 75mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Ifosfamide 1.200mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Cisplatin 20mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch, ngày 1-5.

Chu kỳ 21 ngày.

Chú ý: Khi sử dụng phác đồ có ifosfamide hay gây viêm bàng quang chảy máu, nên truyền cùng mesna để trung hòa độc tính với bàng quang.

Phác đồ TIP

Paclitaxel 250mg/m² truyền tĩnh mạch ngày 1

Ifosfamide 1.500mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch ngày 2-5

Uromitexan 300mg/m2 các ngày có Ifosfamide

Cisplatin 25mg/m²/ngày, truyền tĩnh mạch ngày 2-5

Chu kỳ 21 ngày

  •  Điều trị miễn dịch: Pembrolizumab được chứng minh có hiệu quả trong một số trường hợp cụ thể có MSI-H hoặc dMMR.

Một số phác đồ khác

Gemcitabine – Oxaliplatin

Ghép tế bào gốc tự thân

4. Tiên lượng

Nhìn chung bệnh có tiên lượng tốt, đáp ứng tốt với điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh cao ngay cả những trường hợp đã có di căn. Điều trị cần phối hợp đa phương pháp để đạt hiệu quả cao.

 

 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *