Phẫu thuật đóng mở thông ruột non là gì?

Đóng mở thông ruột non là phẫu thuật làm kín lại vị trí ruột non đang mở ra da và lập lại lưu thông của đoạn ruột non từ đầu ruột này xuống dưới. Khâu thành bụng vị trí đã mở thông ruột non có thể khâu bình thường hoặc phải làm thêm một phẫu thuật phục hồi thành bụng do khuyết lớn. Tuy nhiên, phẫu thuật đóng mở thông ruột non là một phẫu thuật nghiêm trọng và có rủi ro, bao gồm nhiễm trùng, chảy máu và biến chứng về đường tiêu hóa. Quyết định phẫu thuật đóng mở thông ruột non phải được cân nhắc kỹ lưỡng và thảo luận với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

1. Đại cương

– Mở thông ruột non có thể có một đầu ruột hay hai đầu ruột tại một vị trí, có thể hai đầu ruột tại hai vị trí, có thể một đầu ruột mở thông trong khi một đầu đóng kín trong bụng. Lỗ mở thông có thể là thành bên của quai ruột non có thể là toàn bộ đường kính quai ruột mở thông.

– Có nhiều phương pháp đóng mở thông ruột non và có mổ mở hoặc mổ nội soi ổ bụng, mổ tại chỗ ngoài phúc mạc tại chỗ trong phúc mạc, nhưng cùng theo một nguyên tắc chung.

2. Chỉ định

– Người bệnh luôn có chỉ định đóng mở thông ruột non nếu mở thông ruột non hết tác dụng bảo vệ hay điều trị thương tổn phía dưới thành công.

– Điều kiện đóng mở thông là toàn bộ đoạn ruột phía dưới chỗ mở thông phải hết thương tổn và lưu thông được. Ổ bụng qua giai đoạn viêm dính phù nề sau lần mổ trước để gỡ dính ruột nếu cần.

3. Chống chỉ định

Có tắc ruột hay hẹp ruột phía dưới chỗ mở thông không giải quyết được, có thương tổn nặng phía dưới chỗ mở thông chưa giải quyết được. Ổ bụng còn viêm dính hay phù nề, người bệnh suy kiệt thể trạng yếu không đảm bảo phẫu thuật.

4. Chuẩn bị

4.1. Người thực hiện:

– Phẫu thuật viên ngoại khoa ít nhất có đào tạo chuyên khoa cấp I hoặc tương đương.

– Phụ mổ 2 người

– Kíp gây mê , dụng cụ viên đủ cho phẫu thuật ổ bụng.

4.2. Người bệnh:

Chuẩn bị trước mổ bụng , nhịn ăn uống trước mổ 6 giờ, vệ sinh toàn thân và vùng mổ, tùy theo bệnh ngoại khoa của người bệnh kèm theo phải kiểm tra thêm. Khám gây mê trước mổ.

4.3. Phương tiện:

– Bộ dụng cụ mổ bụng cơ bản nếu mổ mở, bộ mổ nội soi ổ bụng nếu mổ nội soi từ trong ra.

– Vật liệu là các loại chỉ khâu ngoại khoa cho ống tiêu hóa, cân cơ thành bụng, tấm prolene phục hồi thành bụng, khâu mạch máu ngoại khoa, máy cắt nối ống tiêu hóa tự động các loại tùy theo kỹ thuật áp dụng.

– Bàn mổ loại đa năng điều chỉnh nhiều tư thế xoay và dạng chân.

5. Các bước tiến hành

5.1. Tư thế:

Người bệnh nằm ngửa hay ngửa dạng chân ( cần bàn mổ đa năng). Thay đổi được các tư thế.

5.2. Vô cảm:

Mê toàn thân, có thể phối hợp các kỹ thuật giảm đau toàn thân sau mổ, giãn cơ hiệu quả phối hợp hồi sức ngoại khoa đảm bảo thông khí tuần hoàn tốt. Tránh phù nề xung huyết mạc treo nội tạng đảm bảo ca mổ có thể kéo dài an toàn.

5.3. Kỹ thuật:

– Bước 1 phẫu tích quai ruột mở thông ra khỏi thành bụng, cắt và gỡ dính thành ruột, mạc treo mạch máu ra khỏi da cân cơ thành bụng đủ để cắt nối hoặc khâu đóng lỗ mở thông.

– Bước 2 gỡ dính các quai ruột phía dưới hoặc kiểm tra lưu thông quai đi phía dưới hoặc tìm đầu và quai ruột phía dưới để chuẩn bị đóng nối.

– Bước 3 đóng lỗ mở thông hoặc nối lại hai đầu ruột. dùng chỉ khâu nối ống tiêu hóa theo các kỹ thuật đảm bảo kín chắc không hẹp không kéo căng không thiếu máu nuôi dưỡng miệng nối. Có thể dùng máy cắt nối ống tiêu hóa để thực hiện khâu này với nguyên tắc như trên. Các kỹ thuật khác nhau như mổ tại chỗ ngoài phúc mạc, tại chỗ trong ổ bụng, mở bụng hoàn toàn cắt nối ruột kèm theo gỡ dính, nội soi ổ bụng gỡ dính và cắt nối ruột…

– Bước 4 Khâu đóng bụng và khâu phục hồi thành bụng vị trí ruột đã mở thông. Có thể khâu đóng đơn giản theo các lớp giải phẫu của thành bụng hoặc phải áp dụng riêng một phẫu thuật phục hồi thành bụng do khuyết cân cơ, điển hình là khâu phục hồi thành bụng bằng tấm đan prolen.

6. Theo dõi và xử trí tai biến

– Theo dõi theo nguyên tắc sau mổ bụng. Chăm sóc người bệnh toàn diện nuôi dưỡng ngay sau mổ bằng đường tĩnh mạch cho đến khi nhu động ruột bình thường. Chăm sóc vết mổ. Theo dõi lâm sàng các dấu hiệu đau nôn chướng bụng sau mổ trung tiện đại tiện, hội chứng nhiễm trùng tại chỗ và toàn thân để sớm phát hiện biến chứng sau mổ.

– Biến chứng tắc ruột sau mổ: đau nôn bí trung tiện chướng bụng… cần điều trị tắc ruột sớm, kháng sinh hút dạ dày truyền dịch theo dõi chỉ định kịp thời.

– Biến chứng thủng ruột viêm phúc mạc, chảy máu trong ổ bụng, bục vết mổ, rò chỗ nối.

Tóm lại, phẫu thuật đóng mở thông ruột non là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các bệnh lý đường tiêu hóa nghiêm trọng nhưng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện dưới sự giám sát chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Quyết định phẫu thuật đóng mở thông ruột non phải được đưa ra sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và thảo luận với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo không có biến chứng xảy ra và để điều chỉnh các thuốc và chế độ ăn uống phù hợp.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *